Để giải bài toán thiếu nước sản xuất vào mùa khô hạn, nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL đã chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm bằng nhiều giải pháp như: Tưới phun trên cao, tưới phun xung quanh gốc cây và tưới nhỏ giọt… trên các loại cây trồng nhằm giúp giảm tối đa chi phí sản xuất, giảm lượng nước tưới, giảm công lao động. Đây cũng là kỹ thuật mở ra cách làm mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cạn.
Anh Đào Huy Lực, ở ấp Định Khánh A, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ trước đây canh tác 7 ha đất lúa, nhưng nhiều năm thấy không hiệu quả nên quyết định chuyển toàn bộ diện tích trồng lúa để lên bờ trồng sầu riêng xen canh với mít Thái.
Anh Lực chia sẻ, trồng cây ăn trái quan trọng nhất là khâu nước tưới và bón phân đầy đủ. Vì vậy anh đã đầu tư hệ thống đường ống tưới nước tiết kiệm phun dưới gốc cây với chi phí đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Hệ thống được phủ rộng trên toàn diện tích cây ăn trái của gia đình.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện, mô hình đã mang lại nhiều tín hiệu khả quan. Anh Lực đánh giá, điểm nổi bật của công nghệ tưới phun dưới gốc là giúp tiết kiệm nước rất hiệu quả so với cách tưới lan truyền thống trước đây. "Chỉ cần mở khóa cho mô-tơ điện chạy, hệ thống nước được cung cấp trực tiếp tới gốc cây, giúp cây dễ dàng thấm sâu và hấp thụ, không bị thất thoát, bốc hơi", anh Lực nói.
Ngoài ra, khi bón phân, chỉ cần hòa phân bón lẫn vào nước và cho vào bình chứa, sau đó tưới trực tiếp cho cây. Nhờ vậy, hạn chế được tình trạng phân bón rơi vãi, gây lãng phí. Mặt khác, tưới phun dưới gốc cây giúp giảm nhân công phun, tưới.
Ông Nguyễn Văn Triều, ở cùng ấp với anh Lực, đang canh tác 3 ha nhãn Ido hữu cơ theo hình thức rải vụ và sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động cho vườn nhãn nên mỗi vụ lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/công.
Ông Triều phân tích: Tưới nước phun quanh gốc cây ăn trái sẽ làm ướt phần đất quanh khu vực bộ rễ cây nên tiết kiệm tối đa nguồn nước tưới. Thời gian tưới nhanh hơn so với cách truyền thống. Với diện tích vườn hiện tại của gia đình, ông chỉ cần 1 - 2 người là có thể chạy máy bơm nước, vừa bón phân, mỗi lần chỉ mất 3 - 4 giờ, trong khi trước đây phải mất từ 1,5 - 2 ngày mới làm xong. Theo ông Triều, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm còn giúp dễ dàng điều chỉnh vùng tưới, lượng nước, thời gian tưới theo từng thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây.
Bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Thới Lai, cho biết: Hiện tại huyện Thới Lai đang phối hợp hỗ trợ nông dân thực hiện, phát huy hiệu quả từ việc hiện đại hóa khâu tưới nước tiết kiệm cho cây trồng trên cạn. Theo thống kê, đến nay, nông dân trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình tưới nước tự động cho rau màu và vườn cây ăn trái với diện tích hàng chục ha.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ cho biết: Cần Thơ hiện có trên 23.000 ha diện tích cây ăn trái, diện tích cây ăn trái thời gian gần đây tăng đáng kể nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nông dân chú trọng đầu tư khâu tưới nước tiết kiệm, vừa phục vụ việc tái cơ cấu cây trồng cạn của địa phương để thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Hiện ngành nông nghiệp rất quan tâm hỗ trợ, khuyến khích nông dân xây dựng các mô hình phun tưới nước tự động cho cây trồng trên cạn nhằm nâng cao hiệu suất tưới, góp phần tích cực vào việc quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.
Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua dự án VnSAT, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình hiện đại hóa khâu tưới nước tiết kiệm trên cây ăn trái làm mô hình điểm để nhân rộng.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ), việc áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước giúp tiết kiệm khoảng 26 - 30% lượng nước tưới, giảm 80 - 87% thời gian tưới và tăng 15 - 17% năng suất so với kỹ thuật tưới truyền thống của nông dân trước đây. Việc tưới nước tiết kiệm giúp giảm mức độ khai thác nguồn tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu tác động đến canh tác nông nghiệp ở vùng ĐBSCL.