| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng ruồi lính đen trong chăn nuôi: [Bài 1] Tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn bền vững

Thứ Ba 03/12/2024 , 14:51 (GMT+7)

Ruồi lính đen không chỉ mở ra cho ngành chăn nuôi nhiều cơ hội về nguồn thức ăn ổn định, mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn phế phụ phẩm.

Loài côn trùng đa nhiệm

Ruồi lính đen là loài côn trùng có nhiều công dụng trong chuỗi lương thực toàn cầu bằng cách chuyển đổi sinh khối giá trị thấp thành sản phẩm có ích. Đây là loài côn trùng nổi tiếng với khả năng chuyển đổi sinh học và có tiềm năng rất lớn làm tài nguyên cho các ngành công nghiệp khác nhau bao gồm thức ăn chăn nuôi và chăm sóc sức khỏe động vật.

Ruồi lính đen ngày càng được nuôi phổ biến tại nước ta, phục vụ được nhiều mục đích trong nông nghiệp, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thực phẩm. Ảnh: Lê Bình.

Ruồi lính đen ngày càng được nuôi phổ biến tại nước ta, phục vụ được nhiều mục đích trong nông nghiệp, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thực phẩm. Ảnh: Lê Bình.

Theo GS.TS Dương Nguyên Khang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao KHCN, Trường Đại học Nông lâm TP. HCM, ruồi lính đen không đậu vào thức ăn nên không lây bệnh cho người, vật nuôi. Khi trưởng thành, ruồi lính đen có 7 ngày sống thì gần như chúng dành nhiều thời gian cho việc giao phối, đẻ trứng và chỉ uống nước.

Trong thời gian ấu trùng, một cân ấu trùng sẽ sản sinh ra khoảng 1-2 tấn nguyên liệu sản xuất thức ăn, tùy thuộc vào thức ăn mà người nuôi đưa vào cho ấu trùng. Thời gian sinh trưởng chỉ 17 ngày.

“Trên thế giới, người ta đang sử dụng ấu trùng ruồi lính đen để làm nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn cho động vật, thủy sản và làm phân bón cho cây trồng. Ruồi lính đen thậm chí còn được dùng làm thực phẩm giàu đạm cho con người. Do đó, ruồi lính đen có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, tùy thuộc vào cách chúng ta hướng nó đến khía cạnh phục vụ”, GS.TS Dương Nguyên Khang chia sẻ.

Sau khoảng 20 năm nghiên cứu về ấu trùng ruồi lính đen, GS.TS Dương Nguyên Khang và các cộng sự nhận thấy rằng, ở loài côn trùng này có các axit amin tự do và các peptid mạch ngắn, phù hợp để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Cụ thể, thức ăn từ ấu trùng ruồi lính đen giúp động vật, thủy sản dễ tiêu hóa và hấp thu hơn. Sản phẩm thức ăn chăn nuôi từ ruồi lính đen cũng giúp vật nuôi tăng cường miễn dịch và chất chống oxi hóa nội sinh, kích thích tính thèm ăn vật nuôi…

Ấu trùng ruồi lính đen đang xử lý phân gà trong mô hình chăn nuôi nông hộ. Ảnh: Lê Bình.

Ấu trùng ruồi lính đen đang xử lý phân gà trong mô hình chăn nuôi nông hộ. Ảnh: Lê Bình.

Theo ông Đặng Quốc Thắng, Giám đốc dự án Công ty Entobel Việt Nam, ruồi lính đen có tác dụng chuyển hóa sinh học từ các chất thải hữu cơ có giá trị thấp thành các nguyên liệu có giá trị cao. Sản phẩm từ ruồi lính đen có thể được xử lý thành bột đạm côn trùng, dầu côn trùng (chứa nhiều chất béo và axit béo có lợi) và phân bón hữu cơ chứa mật độ vi sinh cao.

“1kg bột đạm côn trùng tiết kiệm 4kg cá biển đánh bắt tự nhiên. Điều này rất cần thiết và phù hợp trong bối cảnh nguồn tài nguyên thủy sản ngày càng cạn kiệt và bị ràng buộc bởi nhiều quy định chặt chẽ hơn”, ông Thắng cho hay.

Từ sau dịch Covid-19, ngành chăn nuôi Việt Nam chịu nhiều tác động, từ giá đầu ra của sản phẩm bị giảm mạnh, trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào lại tăng cao. Để giảm thiểu áp lực bền vững thì côn trùng hoặc ấu trùng của chúng có thể là nguồn đạm thay thế đầy hứa hẹn.

Mảnh ghép còn thiếu

10 năm qua, ngành chăn nuôi duy trì tốc độ ấn tượng với 5 - 7%/năm. Trong năm 2023, tổng đàn lợn có mặt thường xuyên tại nước ta vào khoảng 30 triệu con, đàn gia cầm là hơn 559 triệu con và trâu, bò khoảng 8,4 triệu con… Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2023 đạt khoảng 33 tỷ USD, đóng góp 26% vào GDP ngành nông nghiệp và 5% GDP cả nước.

Ruồi lính đen là loài côn trùng vô hại, ít sử dụng nước nên ít gây hại cho môi trường. Ảnh: Lê Bình.

Ruồi lính đen là loài côn trùng vô hại, ít sử dụng nước nên ít gây hại cho môi trường. Ảnh: Lê Bình.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi lại đang bị phụ thuộc vào nguồn thức ăn. Việc sản xuất nguyên liệu thức ăn còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ nước ngoài. Hiện, cả nước có khoảng 300 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng 65% nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu.

Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Việt Nam đang tiếp cận sản xuất nguồn nguyên liệu khác có giá trị cao. Trong đó, nguồn nguyên liệu từ ruồi lính đen là "ứng cử viên" sáng giá để sản xuất protein chất lượng cao trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Ruồi lính đen rất thích hợp với điều kiện của nhiệt đới nóng ẩm của nước ta. Do đó, nếu phát triển nuôi ruồi lính đen ở nước ta thì có nhiều lợi thế, khả năng sinh khối của loài côn trùng này rất lớn. Điều này phù hợp với chiến lược công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới”, ông Phạm Kim Đăng trao đổi.

Ruồi lính đen là vật nuôi được đánh giá ít sử dụng nước nhất trong tất cả các vật nuôi. Do đó, loài côn trùng này ít gây ra chất thải, metan cho môi trường. Đặc biệt, ruồi lính đen có thể xử lý khá tốt phế phụ phẩm trong nông nghiệp, thức ăn dư thừa hoặc thậm chí là phân của các vật nuôi khác.

Ruồi lính đen được kỳ vọng sẽ mở ra cho ngành nông nghiệp giải quyết được nhiều bài toán về tính bền vững. Ảnh: Lê Bình.

Ruồi lính đen được kỳ vọng sẽ mở ra cho ngành nông nghiệp giải quyết được nhiều bài toán về tính bền vững. Ảnh: Lê Bình.

Với tổng đàn vật nuôi lớn, hàng năm nước ta có hơn 73 triệu tấn phân chuồng được thải ra trong quá trình sản xuất. Nếu không có biện pháp xử lý hợp lý thì nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường rất lớn. Mặc dù đã có nhiều biện pháp để hạn chế việc tác động môi trường từ chăn nuôi nhưng chưa thật sự hài hòa. Chất thải chăn nuôi vẫn chưa được nhiều địa phương, doanh nghiệp nhìn nhận đúng.

Những năm gần đây, chuyển hóa sinh học bằng côn trùng là giải pháp hiệu quả để giải quyết thách thức từ chất thải. Nhiều mô hình chăn nuôi đã tận dụng ấu trùng ruồi lính đen để xử lý phân lợn, gà đã qua xử lý vi sinh. Tỷ lệ sinh trưởng của ấu trùng tương đối đạt chất lượng. Sau 10 ngày xử lý, phân lợn hoặc gà hoàn toàn mất đi mùi đặc trưng, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

“Không chỉ giúp ngành chăn nuôi giải quyết được vấn đề thiếu nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà ruồi lính đen đang trở thành mảnh ghép còn khuyết để giải quyết nhiều vấn đề tồn tại của ngành. Nếu được kiểm soát kĩ lưỡng với quy trình chuẩn, ruồi lính đen sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho ngành chăn nuôi”, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định.

Không chỉ cung cấp nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, hiện các sản phẩm từ ruồi lính đen đang được ứng dụng khá nhiều trên thế giới và Việt Nam để làm thức ăn cho thủy sản, phân bón hữu cơ cho cây trồng.

Xem thêm
Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Vụ đông gánh vụ mùa

Hải Dương Sau bão số 3, những tưởng sản xuất vụ đông sẽ gặp nhiều chật vật, song thực tế lại rất thuận lợi. Nông dân Hải Dương đang có một vụ đông được mùa, trúng giá.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.