| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 23/04/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 23/04/2018

Ung thư - Những con số lạnh gáy!

Tại diễn đàn này, những con số do GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K công bố, đã khiến không ít người lạnh gáy. Mỗi năm, tại Việt Nam có 126.000 người mắc ung thư mới...

Ngày 20/4/2018, Bệnh viện K và Viện ung thư Quốc gia đã tổ chức “Diễn đàn chuyên gia ung thư các nước Đông Dương”, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về ung thư của các nước Việt Nam, Campuchia, Lào và Viện nghiên cứu ung thư châu Âu.

Ảnh minh họa

Tại diễn đàn này, những con số do GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K công bố, đã khiến không ít người lạnh gáy. Mỗi năm, tại Việt Nam có 126.000 người mắc ung thư mới, tức là bình quân mỗi ngày có trên 345 người mắc, và 94.000 người chết vì ung thư. Bình quân mỗi ngày, bệnh ung thư đã cướp đi sinh mệnh của 257 người. Và “phần lớn người mắc ung thư đến khám và điều trị, đều ở giai đoạn muộn, nên việc điều trị rất khó khăn”.

Thật là một con số đáng sợ. Cứ cuối hàng năm, con số trên dưới 10 ngàn người chết vì tai nạn giao thông do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia công bố, lại làm xã hội chấn động. Nhưng ít người để ý rằng bệnh ung thư còn cướp đi sinh mệnh của số người gấp 10 lần như thế.

Trả lời câu hỏi vì sao ung thư lại gia tăng với tốc độ “phi mã”, không khó. Ai cũng nhìn ra. Đó chính là thực phẩm bẩn và ô nhiễm. Lướt qua các báo, thấy không ngày nào không có một vài vụ thực phẩm bẩn bị phát hiện. Nào nội tạng động vật thối, nào thịt thối cá ươn bị tẩm hóa chất để biến thành “đặc sản”, nào rau ngâm đẫm hóa chất, nào ngô luộc bằng ruột pin, bánh chưng luộc bằng ruột pin, cà phê nhuộm đen bằng ruột pin, đến chính thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư cũng bị làm giả bằng than tre... Những vụ bị phát hiện, bị bắt giữ chỉ là một phần rất nhỏ, là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Hàng ngày, vì lợi ích của bản thân, người ta vẫn ngang nhiên đầu độc lẫn nhau, ngang nhiên đưa mầm bệnh ung thư vào người nhau. Xã hội có thể bị sốc trước một vụ tai nạn giao thông, một vụ cháy gây chết dăm, mười người. Nhưng đầu độc nhau bằng thực phẩm bẩn khiến cả trăm ngàn người chết từ từ, chết một cách cực kỳ đau đớn, lại không ít người dửng dưng...

Song song với thực phẩm bẩn, là ô nhiễm. Hàng ngàn bãi rác lộ thiên trên khắp đất nước, cộng thêm vào đó là hàng ngàn ống khói của các nhà máy tại các khu công nghiệp, hàng ngày đang làm ô nhiễm không khí bằng các kim loại nặng và mùi hôi thối. Nước từ các bãi rác thải tràn ra, ngấm vào nước làm nguồn nước cũng bị ô nhiễm theo.

Hàng trăm con sông, một thời đã là những “sông trăng hay sông lụa”, nhưng nay đã trở thành những dòng sông chết, đen ngòm, hôi thối, vì nước thải của các nhà máy chưa qua xử lý đổ vào. Không mấy ngày không có một vài vụ cá chết trắng dòng sông. Không chỉ sông, mà đến cả biển cũng chết. Sự kiện biển của 4 tỉnh miền Trung bị đầu độc bởi Formosa, đến nay, nhắc lại, vẫn khiến nhiều người hãi hùng. Tất cả, đều là các tác nhân gây ung thư.

Không còn con đường nào khác, loại trừ thực phẩm bẩn và ô nhiễm ra khỏi xã hội, để tự cứu mình, cần có sự chung tay và thức tỉnh lương tâm của toàn xã hội.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm