| Hotline: 0983.970.780

Ước mơ của Phan Ý Ly

Thứ Năm 18/12/2014 , 09:02 (GMT+7)

Phan Ý Ly là nghệ sĩ đầu tiên ở Việt Nam được Chính phủ Anh cấp học bổng thạc sĩ học về Sân khấu cộng đồng. Chị luôn ấp ủ những dự án riêng và mong muốn tạo dựng những ý tưởng độc đáo, riêng biệt.

Từ đó, chị sẽ kéo cả cộng đồng vào những hoạt động nghệ thuật, khơi gợi những ẩn ức, niềm vui của con người.

TÂM HUYẾT NHẤT LÀ SÂN KHẤU

Phan Ý Ly đặc biệt yêu thích các môn nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ. Ngày đó, chị đã vẽ tranh, làm thơ và tự phổ nhạc thơ của mình. Theo chị thì “mọi thứ là tự nhiên, tôi làm vì thích, nó giống như bé gái thích chơi búp bê, bé trai thích đá bóng, còn tôi thích vẽ, thích hát”.

Sở thích đó bộc phát thành đam mê khi chị đi học, có nhiều điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật và thể hiện mình hơn.

“Tôi là người bày ra nhiều trò về văn thể mỹ lắm, hết đóng kịch, rồi hát hò. Tôi cũng tự nhận thức được là có năng khiếu, có thể ánh sáng nghệ thuật nhen nhóm trong mình từ lúc đó. Nhưng lúc đó vẫn còn trẻ con, nên cũng không nghĩ xa hơn”, Phan Ý Ly chia sẻ.

Hiện tại, Phan Ý Ly dành tâm huyết nhiều nhất cho lĩnh vực sân khấu, bởi với chị, được theo học khóa thạc sĩ về Sân khấu cộng đồng ở Anh đã khơi gợi lên nhiều khả năng tiềm ẩn trong chị.

Khóa học đó đã dạy cho chị cách định hướng cộng đồng cùng tham gia sáng tạo, chứ không đơn thuần là cách làm sân khấu truyền thống như hiện tại.

“Tôi thích sáng tạo bắt đầu từ con số không, mọi người cùng ngồi lại với nhau và sáng tạo theo phương thức riêng, trình tự chặt chẽ. Cuối cùng, tất cả những bộ phận từ diễn viên, biên kịch hay những vị trí nhỏ nhất đều tham gia vào công việc sáng tạo và đưa ra tác phẩm cuối cùng”, chị nhấn mạnh.

Trong Sân khấu cộng đồng, mục tiêu lớn nhất là người nào cũng có tiếng nói riêng của mình trong tác phẩm đó, vở kịch sẽ giúp họ nói lên những ức chế bên trong, còn người đạo diễn chỉ đứng bên ngoài khơi gợi cho họ. Nói cách khác, chị sẽ đóng vai trò “người vô hình”, “nếu có công thì tôi cũng chỉ được ghi nhận là giúp họ nói lên những điều họ muốn nói”, Phan Ý Ly vui vẻ chia sẻ.

NGHỆ THUẬT LÀ CẢM XÚC

Gắn bó với nghệ thuật cộng đồng, nên quan điểm nghệ thuật của Phan Ý Ly gắn với sự phản ánh cảm xúc số đông. Mọi thứ, từ vẽ, làm thơ, viết văn đều phản ánh tiếng nói của số đông.

Phan Ý Ly cho rằng: “Bất kể điều gì, dùng để phản ánh, tư duy, mong muốn, trạng thái cảm xúc, khát khao của con người thì đều được gọi là nghệ thuật. Ví dụ, vẽ truyền tải trạng thái cảm xúc nhưng dưới màu sắc, viết là dưới ngôn từ, múa là dưới dạng chuyển động cơ thể. Tôi thấy, nó cũng là những dạng truyền tải hay cách khác, là những “ngôn ngữ” khác để trò chuyện với thế giới xung quanh”.

Đam mê nghệ thuật là thế, nhưng trước đây Phan Ý Ly từng là một cô nhân viên văn phòng ngồi bàn giấy, và chị đã rẽ sang nghệ thuật như một ngọn lửa bên trong bỗng thúc giục chủ nhân rẽ sang con đường khác.

Chị kể rằng: “Có một lần, tôi được mời đi dự một Hội trại sáng tác nghệ thuật ở Phillipines dưới tư cách chuyên gia về sử dụng nghệ thuật hướng đến phát triển cộng đồng. Tôi thấy các bạn nghệ sĩ tham gia sáng tạo, tôi không chịu được nữa, cũng thèm nhảy vào sáng tạo. Tôi xin một nghệ sĩ Thái Lan cho tham gia vào tác phẩm của anh ấy, thế là tôi nhảy vào và 2 người cùng làm một vở diễn.

Từ đó, tôi cứ nghĩ mãi, sao ở Việt Nam chúng ta không có những sân chơi cho những người làm sân khấu như vậy? Chủ yếu là những đoàn kịch của Nhà nước, sân khấu thì ở Sài Gòn phát triển mạnh hơn nhưng tựu chung, sân khấu thể nghiệm vẫn không có. Và như vậy, tôi lập sân khấu nháp. Tôi đã làm nghệ thuật như vậy”.

Nói về những khó khăn gặp phải, Phan Ý Ly cho rằng, chị là người không biết tính trước, nhiều khi cứ làm nhưng không hiểu gì về những khó khăn đang chực chờ.

Với chị, khó khăn lớn nhất lại đến từ bản thân mình, đó là sự trải nghiệm và cảm xúc của bản thân đang ở ngưỡng nào mà thôi.

“Còn khó khăn, nếu tôi làm ở Anh, ở Mỹ thì cũng có những khó khăn cả thôi, tôi cứ làm, cái gì ngáng đường thì lách ra rồi đi tiếp”, Phan Ý Ly quả quyết.

Những dự án của Phan Ý Ly thời gian gần đây

Năm 2005: Thực hiện dự án đào tạo Sân khấu tương tác cho thanh niên ở “xóm liều” Kibera (Kenya) với chủ đề giới, giới tính và sức khỏe sinh sản.

Năm 2007: Thực hiện dự án “Cuộc đời của tôi, cách nhìn của tôi”, trong đó 7 em nhỏ được cung cấp camera và hướng dẫn để tự quay, tự viết lời bình cho bộ phim “Thảo nguyên xanh tươi” kể về cộc sống của các em ở bãi giữa sông Hồng (Hà Nội).

Năm 2010-2011: Thực hiện dự án “Tôi”, trong đó 20 bạn khuyết tật thuộc Trung tâm Nghị lực sống tập và công diễn vở kịch kể về chính câu chuyện của cuộc đời mình.

Năm 2012: Tổ chức hội thảo Thực hành võ thuật và phát triển dành cho người khuyết tật, giúp người khuyết tật khám phá sức mạnh bản thân, xóa bỏ mặc cảm.

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất