| Hotline: 0983.970.780

Ước mơ lớn từ Xóm Cồn...

Thứ Tư 18/02/2009 , 09:38 (GMT+7)

Tôi đã từng đề xuất một mong ước là Nha Trang, Khánh Hoà nên sớm có được một Bệnh viện Quốc tế mang tên nhà bác học Alexandre Yersin...

Trong buổi gặp gỡ cuối năm Mậu Tý, mừng năm mới Kỷ Sửu của lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà với đại diện văn nghệ sĩ và báo chí, trong phát biểu của mình, tôi có đề xuất một mong ước là Nha Trang, Khánh Hoà nên sớm có được một Bệnh viện Quốc tế mang tên nhà bác học Alexandre Yersin.

Alexander Yersin - Cuộc đời và khát vọng

A.Yersin (1863-1943), nhà bác học lớn sinh ra tại Thuỵ Sĩ, được học tập, đào tạo và mang quốc tịch Pháp nhưng lại dành hầu như hết cả cuộc đời lao động cống hiến không mệt mỏi cho khoa học vì cuộc sống con người ở Nha Trang, Khánh Hoà. Ông đã dành cho Nha Trang tình cảm gắn bó đặc biệt khác thường như một cơ duyên tiền định đến mức trước khi qua đời ở tuổi 80, ông còn dặn dò người cộng sự thân tín của mình “Khi tôi chết, ước muốn được chôn cất ở Suối Dầu. Yêu cầu Phương hãy giữ tôi lại với Nha Trang, đừng cho ai lấy tôi đi. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và một số người giúp việc lâu năm. Tôi muốn được an táng đơn giản, không phô trương, không điếu văn, điếu từ gì cả”.

Ngày 29/7/1891 có thể coi là một ngày đặc biệt rất đáng nhớ trong cuộc đời A.Yersin khi con tàu ông đang làm việc đi ngang qua Nha Trang, thấy phong cảnh đẹp nơi này, ông đã rời con tàu để đặt chân lên bờ biển Nha Trang và sau đó đã chọn đây là nơi làm việc cho suốt cuộc đời mình.

“Hãy đến đây với tôi, ông sẽ thấy ở đây thú vị biết nhường nào. Thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một không khí thanh bình tuyệt đối và nhiều công việc cần làm”. Ông đã viết thư cho bác sĩ E. Roux, một đồng nghiệp đáng kính, thân thiết của mình ở Viện Pasteur Paris như vậy. Nhưng cả Roux và nhà bác học L. Pasteur đều không sao hiểu nổi vì sao chàng thanh niên trẻ tuổi, tính tình trầm lặng vừa tốt nghiệp Đại học Y khoa Paris với luận văn xuất sắc và chân trời khoa học đang mở ra rạng rỡ lại đột ngột ra đi khám phá những vùng đất xa xôi rồi chọn Nha Trang, Việt Nam khi nơi đây chỉ là mấy xóm chài nhỏ bé bên bờ biển.

“Sống mà không hoạt động thì không phải là cuộc sống”. “Khi người ta trẻ thì không có gì là không thể được”. Yersin đã viết những dòng như thế ở tuổi 26. 80 tuổi đời, hơn 50 năm sống và làm việc ở Nha Trang với những hoạt động sôi nổi không hề ngưng nghỉ của mình, ông đã công bố tới 55 công trình khoa học, phần lớn thuộc lĩnh vực Y học.

Với Việt Nam và Đông Dương, sự nghiệp khoa học và những gì ông để lại thật đồ sộ, vô giá. Người sáng lập Viện Pasteur Nha Trang và quản lý toàn hệ thống Viện Pasteur Đông Dương. Người sáng lập ngành thú y ở Việt Nam và Đông Dương. Người phát hiện ra Đà Lạt và đề nghị xây dựng nơi đây một thành phố du lịch nghỉ dưỡng. Người sáng lập trường Y khoa đầu tiên cho Việt Nam và Đông Dương. Người đầu tiên đưa cây cao su, cây canhkina vào Việt Nam và phát triển thành công, nay cây cao su đã trở thành một trong những cây công nghiệp mang lại lợi ích vào loại hàng đầu cho xuất khẩu của Việt Nam. Người đưa hàng chục giống hoa mới, quý hiếm vào trồng ở Đà Lạt.

Rồi người chụp ảnh đầu tiên, người xây dựng trạm khí tượng đầu tiên để dự báo thời tiết vùng ven biển. Người tìm ra Hòn Bà với những khai phá, tạo dựng ban đầu mà ngày nay, qua hơn một trăm năm, đến với Hòn Bà ta vẫn ngỡ ngàng với tầm nhìn của Yersin và nơi đây đang được đầu tư để trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, “một Đà Lạt thu nhỏ” của Khánh Hoà đang từng bước trở thành hiện thực.

Suốt đời mê mải quên mình cống hiến cho khoa học, mang lại sức khoẻ, niềm vui và hạnh phúc cho con người nhưng không lập gia đình, sống độc thân, lặng lẽ như một nhà tu hành. Ngôi nhà hai tầng lầu như chiếc lô cốt của ông ở xóm Cồn trước cửa Sông Cái- Nha Trang trong một khuôn viên hoa, cây cảnh dùng làm nơi ở và làm việc có đặt chiếc kính thiên văn và cây cột cao treo những chiếc bồ trắng hoặc đen, tuỳ theo thời tiết để báo hiệu cho ngư dân ngoài biển; tầng trệt có bày những cuốn sách có tranh ảnh cho các em nhỏ đến tìm đọc. Bộ quần áo kaki giản dị; chiếc xe đạp để đi làm việc; những bữa ăn đạm bạc thường chỉ là súp laghim ăn với bánh mì, biscôt…

“Lầu ông Năm” trở thành địa chỉ tin cậy của tình thương, lòng nhân ái bao la và niềm ngưỡng mộ chân thành của người dân Nha Trang, Khánh Hoà. Đám tang ông Năm Yersin, mặc dù có lời Di chúc của ông chỉ muốn được “an táng đơn giản không có phô trương, không có điếu văn điếu từ gì” nhưng vẫn là đám tang có số người đưa tiễn đông nhất, diễn ra xúc động nhất từ xưa tới nay ở Nha Trang, Khánh Hoà. Những gì ông để lại cho Nha Trang, Khánh Hoà, cho Việt Nam, Đông Dương và nhân loại thật vô cùng to lớn.

Bệnh viện quốc tế A.Yersin - Một ước mơ lớn

Người ta đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Yersin ở Nha Trang. Tiếp đó Hội những người Ái mộ Yersin được thành lập. Bảo tàng Yersin tại Viện Pasteur Nha Trang được hình thành. Một trường trung học cơ sở ở Suối Dầu, nơi có Trại thí nghiệm của Yersin đã được mang tên ông, hàng năm có học bổng Yersin, một số em học giỏi được đưa sang Pháp tiếp tục học tập. Mộ Yersin ở Suối Dầu được thường xuyên chăm sóc, bảo vệ. Đỉnh Hòn Bà nơi có độ cao trên dưới 1.500 mét, cách Suối Dầu khoảng hơn 20km do Yersin khám phá để trồng thí điểm cây canhkina và xây dựng công trình nghiên cứu khoa học, nay đã và đang được đầu tư phục chế lại những di tích đã bị thời gian tàn phá. Con đường cheo leo hiểm trở lên Hòn Bà do Yersin khai phá trước đây chỉ có thể đi ngựa hoặc leo bộ, nay đã được mở rộng, trải nhựa để ô tô có thể lên tận đỉnh Hòn Bà. Tour du lịch văn hoá về nguồn mang tên Yersin đã hình thành.

Chừng ấy việc đã làm, nhưng cho đến nay, lòng người dân Nha Trang, Khánh Hoà dường như chưa yên tâm, vẫn cảm thấy như còn thiếu một cái gì. Đặc biệt lòng dân còn rất ấy náy khi “Lầu ông Năm” ở xóm Cồn sau ngày giải phóng 1975, do những nhận thức còn hạn chế và sai lầm mang tính lịch sử đã bị phá đi, thay vào đó là một khu nhà nghỉ cao tầng của một Bộ. Sau Hội thảo quốc tế về Yersin được tổ chức ở Nha Trang năm 1991, nhận ra sai lầm này, lãnh đạo tỉnh chủ trương di dời nhà nghỉ trên đi chỗ khác, trả lại khu đất để xây dựng phục chế lại “Lầu ông Năm” nhưng rồi dừng lại không triển khai được vì làm như vậy giá trị văn hoá, lịch sử cũng không còn bao nhiêu.

Đề xuất xây dựng Bệnh viện Quốc tế Yersin với cơ sở ban đầu ngay trên mảnh đất này lập tức được sự hoan nghênh, đồng tình của hầu như tất cả những ai có lòng ngưỡng mộ, yêu mến nhà bác học và quan tâm đến làm đẹp thêm cho Nha Trang, Khánh Hoà nói riêng, Việt Nam nói chung.

“Tôi đặc biệt sung sướng được đến trong dịp này để dự Hội thảo về Yersin. Đó là một nhà nhân văn chân thực”. (Ngài đại sứ Cộng hoà Pháp tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo Quốc tế về A. Yersin tổ chức tháng 3/1991 tại Nha Trang)

"Chính phủ Việt Nam đã vô cùng đúng đắn trong việc ca ngợi con người chí công vô tư xuất thân từ Thuỵ Sĩ, từ Pháp và con người này bây giờ cũng đã trở thành người Việt Nam”. (Ngài Peter Friederich, Đại sứ Liên bang Thuỵ Sĩ tại Việt Nam)

“Ông đã sống trọn phần còn lại của của cuộc đời ở Nha Trang và đã dành trọn cuộc sống của mình để phục vụ khoa học và nhân loại. Tổ chức Y tế thế giới đã có những sự hợp tác rất tốt với Viện Pasteur Nha Trang, và tôi tin chắc rằng nếu bác sĩ Yersin còn sống đến ngày nay, thì ông cũng sẽ rất vui lòng vì những hoạt động đó”. (Ngài J. Dagesen F.B., đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam)

Nha Trang là nơi đắc địa nhất để xây dựng một Bệnh viện mang tên Yersin có tầm cỡ như vậy mà không có bất cứ nơi nào có được. Nhất là Bệnh viện lại được xây dựng cơ sở ban đầu ngay tại khu đất Yersin đã từng sống. Khu nhà nghỉ cao tầng hiện nay chỉ cần cải tạo đi chút ít và mua sắm trang thiết bị cao cấp theo yêu cầu là có thể đi vào hoạt động. Ban đầu có thể chỉ là trung tâm chẩn đoán và điều dưỡng. Với thuận lợi phần đất ven biển có thể mở rộng làm Khu Bảo tàng và công viên Yersin có tượng Yersin và mô hình lầu Ông Năm tại nơi này (ở trước sân Viện Pasteur Nha Trang đã có tượng A. Yersin nhưng nhỏ, ít người được thấy).

Bước tiếp theo, có thể xây dựng Bệnh viện A. Yesin với quy mô bề thế hơn (vẫn giữ trung tâm chẩn đoán cùng Bảo tàng A.Yersin nơi lầu Ông Năm). Nếu được xây dựng Bệnh viện tại khu nhà khách trước đây do Tỉnh uỷ quản lý này là khu vườn dừa rộng lớn cạnh Hòn Chồng thì thật lý tưởng. Cạnh đó đã có Bệnh viện phục hồi chức năng và điều dưỡng cùng Trung tâm nghỉ dưỡng người có công. Nay thêm Bệnh viện Quốc tế A. Yersin là sự bổ sung tuyệt đẹp. Từ Lầu Ông Năm sang Bệnh viện này chỉ có mấy trăm mét qua cầu Trần Phú, cây cầu bề thế, đẹp nhất Nha Trang mới được hoàn thành mấy năm gần đây. Khi được nghe thông tin này, một GSTS ở TPHCM còn đề xuất một ý tưởng lớn lao hơn: Có thể xây dựng một Trường Đại học Y khoa quốc tế Yersin tại Khánh Hoà mà Bệnh viện Yersin là một cơ sở của Trường.

Như người ta thường nói: việc làm vì nghĩa lớn bao giờ cũng có sức tập hợp rộng rãi và những đồng minh bất ngờ. Thành công của việc xây dựng Bệnh viện Đặng Thuỳ Trâm ở Đức Phổ, Quảng Ngãi khiến ta thêm vững tin vào đề xuất xây dựng Bệnh viện Quốc tế Yersin tại Nha Trang với ý nghĩa và tầm vóc khác hơn.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm