Ước mơ 'ngồi sau nguyên thủ' & quyết đi ở đợ vì hai chữ 'thay đổi'

Là một trong những “cá mập” được yêu thích trong chương trình truyền hình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam), Shark Dũng (Nguyễn Mạnh Dũng hay Dzung Nguyễn) lần đầu chia sẻ về tiền, về khởi nghiệp và khát vọng Việt Nam.

Không muốn xuất hiện nhiều trên báo chí, nhưng khi tôi đặt vấn đề về khởi nghiệp, đặc biệt là với thanh niên nông thôn, Shark Dũng khá hào hứng. Suốt  một buổi sáng trò chuyện, có cảm giác, vẻ bề ngoài lịch lãm, thành đạt và trí tuệ là thế, nhưng bên trong Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent, bên trong “biểu tượng truyền cảm hứng khởi nghiệp cho giới trẻ”, bên trong “cá mập” của hàng loạt startup này vẫn là chút gì đó của một anh thanh niên nông thôn vùng Nghi Lộc (Nghệ An).

Dũng nói rằng, giờ đây, định cư ở Nhật, làm việc xuyên quốc gia, nhưng trong anh, nông thôn Việt Nam vẫn là sự trăn trở, đau đáu, chia sẻ và khát vọng, nhất là với những thế hệ thanh niên ở những vùng quê vốn xem xuất khẩu lao động là con đường “khởi nghiệp” gần như duy nhất.

“Tiền bạc thì vô cùng, vấn đề là phải dám thay đổi”, Shark Dũng chia sẻ.

Sinh ra trong bối cảnh đất nước bước vào công cuộc Đổi mới, thế hệ anh, thế hệ chúng tôi, những đứa con nông thôn gần như chỉ có duy nhất con đường học tập để rời làng, để thoát nghèo. Anh nghĩ gì về khát vọng, về lý tưởng ở thế hệ của mình?

Thực ra, thế hệ chúng ta đa phần xuất thân từ những vùng quê tương đối giống nhau, đó là sự nghèo khó. Bây giờ đỡ hơn rồi, rất nhiều nhà cao tầng mọc lên, nhiều vùng quê đô thị hóa, nhưng tôi thấy ở nhiều nơi nông thôn vẫn còn đang bế tắc, khó khăn.

Cho nên, nếu nói khởi nghiệp, đầu tiên là khát vọng mưu sinh làm sao để mình giàu có hơn.

Tôi sinh năm 1980. Đó là một thế hệ sinh ra vào thời điểm đất nước còn rất khó khăn. Một thế hệ không có định hướng, không có thông tin, không có người chỉ bảo... Vì thế hành trình thay đổi của tôi gần như là từ nhận thức của bản thân và không có bất cứ một điều gì khác ngoài học tập. Học để thoát nghèo. Học với giấc mơ đơn giản là kiếm miếng cơm manh áo. Học để rời làng...

Thực ra cậu học trò nông thôn như tôi hay ai cũng từng có những giấc mơ của mình. Ngày bé, đầu những năm 1990, tôi có cơ hội được xem truyền hình qua chiếc tivi đen trắng JVC, chủ yếu phát các chương trình thời sự 19h đến 19h30 mỗi tối. Tôi đặc biệt chú ý đến những bản tin về chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia. Mỗi khi 2 nguyên thủ nói chuyện, đều có 2 người ngồi phía sau, mãi sau này mới biết đó là những người làm phiên dịch. Tôi ước mơ được trở thành những người “ngồi phía sau” như thế. Giấc mơ đó khiến tôi thay đổi.

Với giấc mơ làm người “ngồi phía sau”, năm lớp 8 tôi xin bố mẹ từ quê xuống thành phố Vinh để học ngoại ngữ. Tất nhiên, mỗi giấc mơ của bất cứ ai cũng đều có những thách thức. Do còn bé, ham chơi, trẻ con, không tập trung học nên tôi thường xuyên bỏ bê việc học hành, chỉ thích đi đá bóng, đi chơi bi-a và gần như có bao nhiêu tiền bố mẹ cho ăn học cũng đem ra quán bi-a hết. Phải mất một thời gian tôi mới nhận thức được rằng mình cần phải thay đổi. Tôi từ bỏ mọi trò chơi, tập trung học và đặc biệt là xin chuyển sang ở trọ hay đúng hơn là ở đợ cho một gia đình gần trường hơn.

Trong đầu tôi luôn văng vẳng lời dạy của cha mình: Chỉ có học mới thay đổi được hoàn cảnh của bản thân, của gia đình. Chỉ có điều, thời điểm đó cả xã tôi không có ai đi học đại học cả. Đa số chỉ học đến cấp 2 là nghỉ, còn ở trường cấp 3 thì đậu đại học vẫn còn là kỳ tích, tỷ lệ rất thấp. Tôi may mắn đậu 5 trường đại học hàng đầu, trong đó có Đại học Ngoại thương, đó là bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời khi tôi từ một cậu học sinh ở làng có cơ hội ra Thủ đô học đại học.

Tôi, thế hệ tôi vốn nghĩ rằng đậu đại học là cột mốc quan trọng nhất để thay đổi số phận. Nhưng thực tế là sau kỳ tích đó lại là những ngày tháng hoang mang. Tôi vẫn luôn nhớ, sau khi đậu đại học, gần như cả lớp tôi, đa số là con em nông thôn, chỉ có duy nhất một bạn ở Hà Nội, đã không ai trả lời được câu hỏi: Học xong sẽ làm gì?

Đó là giai đoạn đất nước còn rất khó khăn, công việc ít, lại nhiều cơ chế. Mình ở nông thôn ra, không có quan hệ, không có người dìu dắt lại càng khó… Chỉ biết học và học. Cuối cùng cũng may mắn khi từ năm thứ 4 đại học tôi đã tìm được một công việc có thu nhập ổn định ở một công ty Nhật Bản. Với thế hệ chúng tôi, đặc biệt là những thanh niên nông thôn ở miền Trung đó là một niềm mơ ước.

Nhưng cứ mỗi buổi sáng thức dậy tôi đều tự hỏi, mình thực sự đã cố gắng hết sức hay chưa, bởi  tôi luôn cảm thấy trong bản thân có những mơ ước, những mong muốn chưa thực hiện được. Đa số các ông bố bà mẹ ở nông thôn đều mong muốn con cái mình có một công việc nhà nước, ổn định, có thu nhập. Họ rất sợ sự thay đổi. Nhưng bản thân tôi luôn nghĩ, khi mình thành công, giúp đỡ được gia đình, mình là người sống tử tế, sống tốt  thì dù mình là ai, làm gì thì cũng khiến cha mẹ tự hào…Và tôi muốn thay đổi.

Đặc biệt, trong quãng thời gian làm việc ở FPT, chứng kiến SANYO bị Trung Quốc mua lại và xóa sổ thương hiệu này đã giúp tôi hiểu rằng các tập đoàn lớn còn bị xóa sổ như thế thì với mỗi cá nhân nếu không nỗ lực, tiến lên thì sẽ bị lùi lại, bị đào thải ngay. Cho nên, thông điệp tôi muốn truyền tới các bạn trẻ là luôn luôn phải vận động, phải suy nghĩ, phải tiến lên phía trước. Đừng bao giờ sợ thất bại, thế hệ nào cũng vậy cả, bởi xét cho cùng tuổi trẻ có gì để mất đâu.

Trở thành một nhà đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn khởi nghiệp vẫn còn là khái niệm mơ hồ, anh nghĩ gì về khởi nghiệp, về khát vọng, về lý tưởng, đặc biệt là của thế hệ trẻ Việt Nam?

Đến nay tôi đã có 12 năm sát cánh cùng với những bạn trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam.

Tôi cho rằng khát vọng làm giàu của thanh niên Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhưng ở cấp độ châu lục chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế. Người Việt vẫn đang phù hợp ở quản trị quy mô nhỏ, trong một thời gian dài Việt Nam vẫn là một thị trường bé, nhiều công ty khởi nghiệp của chúng ta vẫn ở quy mô nhỏ, chưa thực sự bứt phá, vẫn quanh quẩn ở ‘ao làng’. Trong khi các công ty khởi nghiệp ở Malaysia, Indonesia đã vườn tầm thế giới thì chúng ta vẫn đang còn thiếu nguồn lực để làm điều đó.

CyberAgent Capital vào Việt Nam thời điểm sắp xảy ra khủng hoảng kinh tế 2008. Trong bối cảnh đó, chúng tôi mang tâm thế, khát vọng là hỗ trợ các doanh nghiệp Việt vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Khát vọng xây dựng được những công ty tầm cỡ khu vực và hỗ trợ những bạn trẻ khởi nghiệp để làm sao có được 4 tiếng “Tự hào Việt Nam”, nhưng thực tế không hề đơn giản vì Việt Nam gần như chưa có tên trên bản đồ khởi nghiệp thế giới, thậm chí là khu vực.

Đầu tư cho khởi nghiệp là đầu tư cho cái mới, đầu tư cho những giấc mơ lớn chứ không phải là mở một quán cà phê hay quán bún. Vì vậy trong quá trình làm việc chúng tôi không chỉ quảng bá doanh nghiệp mà còn phải quảng bá cả đất nước Việt Nam. Tiềm năng của Việt Nam, con người Việt Nam, thị trường Việt Nam… Nói cách khác, những người muốn khởi nghiệp không chỉ trình bày về ý tưởng kinh doanh của  mình mà còn phải thuyết phục những nhà đầu tư về môi trường kinh doanh, lợi thế khi lựa chọn Việt Nam.

Cũng may, sau một thời gian dài, khi Indonesia bắt đầu bão hòa, cạnh tranh nhiều hơn trong khi Philippines là công xưởng về gia công thì Việt Nam trở thành lựa chọn tối ưu nhất tại Đông Nam Á với các nhà đầu tư quốc tế. Ngoài ra các công ty cũng xây dựng theo khu vực nên các nhà đầu tư đến với Việt Nam nhiều hơn, cơ hội cho thế hệ trẻ Việt Nam vì thế cũng nhiều hơn.

Tất nhiên, cơ hội nhiều hơn nhưng theo tôi, quan trọng nhất vẫn là giá trị cốt lõi của mỗi dự án và phải có tư duy làm lớn. Các yếu tố khác chỉ là công cụ, bổ sung để làm hoạt động kinh doanh mở rộng quy mô. Mà muốn làm lớn thì điều kiện đầu tiên là thị trường, thứ hai là sự tương đồng, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, tiếp theo là nền tảng công nghệ để có thể dễ dàng đưa sản phẩm đến với người dùng…

Rõ ràng sau một giai đoạn khó khăn, khởi nghiệp ở Việt Nam đã thành hẳn một phong trào, lan tỏa, rộng khắp. Chúng ta nói nhiều về niềm tự hào dân tộc, về khát vọng, tinh thần Việt Nam, tuy nhiên, có cảm giác rằng khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn đang thiếu một điều gì đó để có thể thực sự bứt phá. Theo anh, đó là điều gì?

Mặc dù có nhiều mảng kinh doanh nhưng do xuất thân từ khởi nghiệp nên tôi rất chú trọng việc hỗ trợ các bạn trẻ phát triển.

Mỗi năm, doanh số cả tập đoàn đạt đến 5 tỷ USD, nhưng hoạt động đầu tư chiếm rất ít trong số đó. Mô hình hoạt động theo quỹ đầu tư, muốn sinh ra lợi nhuận phải mất từ 5-10 năm nhưng chúng tôi xác định mình như những người đi trồng cây, nếu không gieo hạt, không đầu tư thì sẽ chẳng bao giờ có gì để thu hoạch.

Với các nước phát triển, họ nhận thức rõ điều này vì khi đó các nhu cầu cơ bản đã được đáp ứng, điều cần thiết là đầu tư cho tương lai. Cũng giống như chúng ta, khi cuộc sống ổn định rồi thì mong muốn tiếp theo sẽ là đầu tư cho con cái, dù biết nếu trong thời gian ngắn thì tập trung cho thế hệ sau không bao giờ đem lại lợi nhuận cao bằng nhiều phương án đầu tư khác. Nhưng nếu mình không bắt đầu thì ai bắt đầu, nếu mình không đầu tư thì ai đầu tư, nếu mình không thay đổi thì không thể đòi hỏi người khác thay đổi được.

Tôi tư duy lượng đổi chất đổi. Đúng là hiện nay đang có phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam nhưng quan trọng là các nhà đầu tư và founder (người sáng lập) theo đuổi điều gì. Sau cơn sóng khủng hoảng kinh tế năm 2008, chỉ những ai làm thật, đam mê thực sự mới có cơ hội tồn tại và thành công.

Bằng chứng thời gian qua có nhiều công ty công nghệ Việt Nam vẫn đang tồn tại, phát triển và cạnh tranh sòng phẳng, chiến đấu với những đối thủ nước ngoài như VNG, FPT, Momo hay Nhaccuatui, Tiki…

Tất nhiên khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn đang còn nhiều hạn chế. Nói gì đi nữa, Việt Nam vẫn là một thị trường bé, để thay đổi, tiếp nhận những cái mới không hề đơn giản. Ngoài ra, tâm lý chủ đạo của người Việt vẫn là ăn chắc mặc bền, làm nhỏ. Đa số kinh doanh quy mô nhỏ vì sợ rủi ro, làm để tích lũy là chính. Mà một khi đã có tâm lý làm nhỏ thì sẽ không thể làm lớn trong khi tiêu chí hàng đầu của khởi nghiệp là phải làm lớn.

Cho nên, mấu chốt là sự sáng tạo, thay đổi. Ví dụ như Thế giới di động chẳng hạn, mặc dù sản phẩm vẫn như cũ nhưng họ đã tìm ra cách vận hành hiệu quả hơn bằng áp dụng tiến bộ công nghệ. Mặc dù có hàng ngàn cửa hàng trải khắp cả nước nhưng khi cần thay đổi mức giá của một sản phẩm họ chỉ cần một vài thao tác đơn giản. Đương nhiên, để có được thành quả như vậy, họ phải đầu tư vào con người, vào công nghệ, vào vận hành và phải thử rất nhiều lần, khi đó sẽ có khả năng gặp phải thất bại. Do đó, nếu ai có tư duy làm nhỏ, sợ thất bại thì sẽ không dám thay đổi, không dám thử và sẽ không làm lớn được.

Có một điều tôi thấy rất mừng là hiện nay có nhiều doanh nhân Việt đang thay đổi, đang làm vì lòng tự hào, tự tôn dân tộc chứ không chỉ vì tiền.

Thế giới họ tính toán, có từ 30 triệu USD trở lên sẽ được xếp vào mức siêu giàu, còn nếu để có được tự do tài chính, mỗi người chỉ cần có 7 triệu USD, với số tiền đó bạn có thể đi đâu, ăn gì, mua gì tùy thích và ở Việt Nam có nhiều người đã đạt được con số này.

Vậy tại sao họ vẫn tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến mà không hưởng thụ? Tôi tin có một phần là vì lòng tự tôn dân tộc. Ở những tập đoàn lớn như VINGROUP, THACO… đang tồn tại điều đó. Lý tưởng và khát vọng đang tạo ra những sản phẩm mang tính tự tôn dân tộc. Để khi chúng ta đi ra nước ngoài có thể tự hào, à đây là sản phẩm của Việt Nam.

Tất nhiên tiền sẽ là thước đo của thành công bởi không ai nói rằng tôi thành công mà không có tiền cả. Nhưng mức độ thành công của một doanh nghiệp ngoài đo đếm bằng tài chính còn có cả sức mạnh của thương hiệu. Ví dụ như Apple, Samsung, Facebook… là những công ty có định giá thương hiệu rất lớn, ở Việt Nam chúng ta cũng đã có những thương hiệu vậy, Viettel chẳng hạn.

Với chúng tôi bây giờ, đó là khát vọng thực sự, bởi lòng tự hào, tự tôn dân tộc lớn hơn bất cứ điều gì khác.

Như những gì anh vừa chia sẻ, có thể thấy lý tưởng về lòng tự tôn, tự hào dân tộc đã xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp? Nhưng để “sánh vai với các cường quốc năm châu” thì rõ ràng cần những khát vọng thực sự đủ lớn, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Cùng với đó là những hiện tượng đang kiếm tiền rất khủng từ công nghệ nhưng họ đột ngột dừng lại, nhưng Nguyễn Hà Đông, như Pew Pew... chẳng hạn. Anh nghĩ gì về những vấn đề này?

Giới trẻ hiện nay, đặc biệt là thế hệ Z (những người sinh sau 1995) đang mong muốn tự do hơn, không bị ràng buộc. Tự do ở đây là không muốn làm việc cho một công ty nào, thay vào đó là tập hợp thành những nhóm nhỏ, làm việc cùng nhau. Trong số họ, có những bạn là triệu phú USD nhưng vẫn không hề có tư tưởng hưởng thụ mà tiếp tục cống hiến, muốn xây dựng được một cái gì đó thực sự lớnlao.Vì vậy, tôi tin rằng, dù là thế hệ nào đi chăng nữa sẽ có những người có ý tưởng, đi tiên phong và bứt phá lên.

Chúng ta không thiếu những người sau khi kiếm được số tiền khổng lồ từ internet lại có tâm lý chững lại. Có người muốn đi tu một thời gian, có người lại muốn sống chậm, để cảm nhận sâu hơn về cuộc sống. Đó không phải vì họ thiếu khát vọng mà quãng thời gian chững lại đó giúp họ suy nghĩ làm gì để trở nên tốt hơn và sẽ sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn. Cái họ cần là thời gian, cần gặp nhiều người hơn, hiểu nhiều thứ hơn và chín chắn hơn để có được những lý tưởng lớn, xây dựng những điều lớn hơn. Đó chính là khát vọng của họ.

Điều quan trọng hơn là hành động, chỉ khi họ hành động thì mới biết được đâu là điểm cần chỉnh sửa chứ không thể ngồi im mà kết quả tự tốt lên. Tất cả phụ thuộc vào lý tưởng, khát vọng của từng người. Để có được ngày hôm nay, theo tôi quan trọng nhất vẫn là sự cần cù, chỉ khi cần cù làm việc mới có được những trải nghiệm thực tế và biết mình còn thiếu điều gì.

Tôi muốn truyền cảm hứng đến các bạn trẻ là phải dám thay đổi, dám chấp nhận thất bại, chấp nhận sự khác biệt và chấp nhận sự phản biện thì mới có được thành công. Chứ còn nếu chỉ nghĩ đến tiền thì đến một lúc nào đó, khi có tiền rồi cũng không ai có thể chơi, có thể hưởng thụ mãi được, vì càng hưởng thụ thì cuộc sống sẽ càng nhàm chán, dễ sa ngã.

Anh nghĩ gì về tiền? Có thể thấy, trong một xã hội coi trọng đồng tiền thì đôi khi lý tưởng, khát vọng vẫn đang còn quá gắn chặt với tiền, với lợi ích…. Anh nghĩ sao?

Theo tôi tiền đối với mỗi người khác nhau. Với một người sống cuộc sống bình thường thì cũng không cần bao nhiêu tiền cả. Nếu đi một chiếc xe bình thường, một chiếc đồng hồ bình thường so với xe, đồng hồ hàng triệu USD thì quan trọng vẫn là mình là ai. Có một thực tế là người càng thành công họ càng đơn giản. Vật chất phù phiếm đối với họ không còn quan trọng nữa. Họ đi trong tháp nhu cầu của Maslow. Từ nhu cầu cơ bản, nhu cầu tự khẳng định, nhu cầu được tôn trọng, càng ngày càng cao lên và càng đơn giản. Họ muốn làm một cái gì đó để khẳng định mình, để cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội chứ không còn là phục vụ nhu cầu bản thân, gia đình....

Ở nước ngoài rất nhiều người giàu thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội. Họ xem đó là sự chia sẻ và quan tâm, là trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Tuy nhiên, ở Việt Nam mình có suy nghĩ hơi lệch lạc. Nhiều người có tâm lý nghi ngờ khi thấy người giỏi, người giàu tham gia vào các hoạt động xã hội. Có lẽ bởi vì đại bộ phận chúng ta vẫn xem tiền là thước đo của thành công. Điều đó có thể là do nhu cầu cơ bản của chúng ta chưa được hoàn thiện.

Ngay cả bản thân tôi cũng chưa thực sự là người thành công lắm nếu xét về khả năng kiếm tiền nhưng tôi có mong muốn truyền cảm hứng, nỗ lực về sự tự do cho những người khác. Tôi đi tìm sự tự do chứ không phải đi tìm tiền. Tự do ở đây là về tư duy. Tức là những luồng tư duy mới, suy nghĩ mới, bài học mới từ những người ở tầng trên. Mình phải luôn luôn học hỏi từ họ. Có thể thoải mái học hỏi từ những người giỏi hơn, tiếp theo là tự do về tài chính, có thể ăn gì, mua gì, đi đâu cũng được. Tự do là mình có thể làm việc ở bất cứ đâu, không phải ngồi cố định một chỗ. Tự do là như vậy chứ không phải là khối tài sản kếch xù.

Tư duy này khiến tôi luôn thấy mình nhỏ bé mỗi khi được đi ra những môi trường lớn hơn, từ khi ở quê ra Vinh, từ Vinh ra Hà Nội rồi từ Việt Nam ra nước ngoài… Trong quá trình đó, tôi được gặp, tiếp xúc với nhiều người thành đạt, nhưng họ không bao giờ thỏa mãn vẫn tiếp tục làm việc. Điều đó giúp tôi nhận ra rằng ngoài động lực giúp đỡ gia đình, khẳng định bản thân thì cảm giác ‘mình chưa là gì cả’ cũng là điều giúp tôi cố gắng hàng ngày.

Thực tế là xã hội chúng ta cũng đã xuất hiện những người mà theo dõi câu chuyện của họ có thể thấy tiền bạc thực ra không quan trọng. Họ từ bỏ cơ hội kiếm tiền, lựa chọn cuộc sống của những người ở ẩn, anh nghĩ gì về họ?

Tâm lý chung của xã hội đang coi trọng những người tích lũy được nhiều tài sản, nhưng nếu theo tư duy phật pháp thì tài sản đấy luôn luôn phải lấy từ một chỗ khác ở trên trái đất này để họ có thể tích lũy. Nói cách khác, đó chỉ là câu chuyện lấy từ chỗ này sang chỗ kia, khai thác chỗ này để làm lợi chỗ kia…

Nhưng tài sản là thứ chết không mang đi được, còn nguồn lực thì chưa biết sẽ bị khai thác đến đâu. Thế nên có những người họ nghĩ rằng một đời người quá ngắn ngủi, không đủ dài để chứng kiến sự thay đổi của trái đất nên họ lựa chọn tự thay đổi bản thân.

Tôi có một số người bạn, họ còn khá trẻ, sau khi đạt được một số danh vọng lớn thì họ nghỉ việc. Họ chọn sống một cuộc sống bình thường, thuận theo tự nhiên. Họ tự cung, tự cấp, không bao giờ dùng đồ nhựa, sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật… Không phải họ không có tiền mà tư duy của họ là như thế. Họ không muốn làm tổn thương thêm trái đất nữa. Mặc dù bản thân những người đó biết, mình họ không thay đổi được gì cả, nhưng họ vẫn lựa chọn cuộc sống theo tư duy của mình.

Đó là một lối tư duy làm cho mình suy nghĩ. Nhiều người nhìn tiền là kim chỉ nam nhưng cũng có những góc nhìn hoàn toàn khác, không còn là tiền nữa, không còn là hưởng thụ nữa, họ nhìn về trái đất, nhìn các đại dương…

Rõ ràng, để hướng tới bất kỳ mục tiêu nào, dù là tiền hay tự do như quan điểm của anh thì ai cũng phải cố gắng từng ngày và trên con đường đến đích sẽ không thể thiếu những thất bại, vậy anh quan niệm thế nào về sự thất bại? Cộng đồng mạng vẫn truyền nhau những quan điểm tưởng chừng như trái ngược nhau của giới “cá mập” các anh, người thì bảo  'khi làm phải sẵn sàng nghĩ đến thất bại', người khác lại nói 'khi đã làm đừng nghĩ đến thất bại'?

Theo tôi thất bại hay không cũng là do góc nhìn của mỗi người. Đương nhiên, ai cũng muốn thành công cả, nhưng thành công và thất bại luôn luôn song song và cần phải thừa nhận thất bại, bởi đôi khi thất bại đã là một nửa thành công rồi. Tôi cho rằng, thất bại là chuyện đương nhiên và sẽ xảy ra nhiều hơn vì thành công luôn là số ít. Ví dụ trong mỗi cuộc thi, chỉ 3 người mạnh nhất đoạt giải, số còn lại sẽ không ai được nhắc tới cả. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là những người đó thất bại hết. Họ có thể hạnh phúc về hành trình của bản thân và quan trọng là mình đã trải nghiệm được những gì trước khi nhận thất bại đó.

Tôi quan niệm giữa người bình bình và người vượt bậc là sự khác biệt góc nhìn. Với những người vượt trội, theo tôi là do họ có góc nhìn và tư duy rộng hơn, xem thất bại là một phần trong hành trình của mình. Khi chấp nhận thất bại để làm lại bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn là suy sụp, bỏ cuộc.

Ví dụ, một ý tưởng có thể ai cũng nhìn thấy nhưng không phải ai cũng dám làm. Đến khi có ai đó thành công, số còn lại sẽ không ngần ngại đưa ra những phán xét như "cái này thì có gì đặc biệt đâu", "ý tưởng này chẳng có gì mới" nhưng nếu được hỏi là có dám làm không thì câu trả lời của họ sẽ là không.

Nói rộng ra, đó không chỉ là vấn đề của nhiều người mà còn là của nhiều công ty, họ không dám thay đổi nhưng lại muốn kết quả tốt hơn, đó là điều không thể. 

Hoàng Anh
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Tùng Đinh