| Hotline: 0983.970.780

Ước vọng đầu năm

Thứ Hai 02/02/2009 , 08:00 (GMT+7)

Mậu Tý, với nông dân, người sản xuất nông nghiệp là một năm gặp nhiều khó khăn. Bạn đọc NNVN đã có những nhận định, chia sẻ và ước vọng thiết thực gì trong năm “con Trâu”?

Mậu Tý, với nông dân, người sản xuất nông nghiệp là một năm gặp nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia kinh tế, năm Kỷ Sửu này, khó khăn, thách thức vẫn tiếp tục rình rập. Bạn đọc NNVN đã có những nhận định, chia sẻ và ước vọng thiết thực gì trong năm “con Trâu”? 

Nông dân Võ Văn Toàn (xã Hàm Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình): Hy vọng có việc làm cho con em nông dân 

…Năm rồi nông dân chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Giữa năm thu hoạch tôm không ai mua, giá rớt liên tục, thêm nữa thời tiết bất lợi, gieo đi gieo lại không biết mấy lần... Khó khăn vậy, nhưng Tết cũng không đến nổi tệ lắm. Nhà nào cũng có đàn gà, con lợn để bán. Biết dè sẻn, tính toán thì chi tiêu cho hợp lý thì Tết nhất cũng tàm tạm. 

Hy vọng năm Kỷ Sửu  nông dân đỡ vất vả hơn. Nông dân như chúng tôi thì đã có mảnh ruộng, ao tôm, cứ bám vào đó mà sinh sống. Nhưng với con em nông dân thì lo lắm. Tôi có hai con đang học chuyên nghiệp tại Đà Nẵng. Trong năm cố làm bao nhiêu rồi cũng “đầu tư” vào cho hai đứa là vừa. Năm tới đây, cả hai đứa ra trường, không lo lắng việc gửi tiền vào thì có nỗi lo khác lớn hơn khó khăn hơn, đó là chuyện xin việc làm cho con.

Nông dân quan hệ ít, không có ai “làm to” để nhờ vả thì khó tìm việc cho con em mình quá. Không lẽ, xong mấy năm đèn sách lại bắt chúng nó quay về lăn lộn đầm tôm, vạt ruộng như mình sao? Mong sao, năm nay, và các năm sau, Nhà nước có chủ trương hỗ trợ việc làm cho con em nông dân. Có như vậy thì những người nông dân chúng tôi mới yên tâm cày xới trên đám ruộng, ráng thắt lưng buộc bụng cho con ăn học.  

Ông Yên Tiến Luận - Chủ tịch UBND xã Nga Tân, huyện Nga Sơn (Thanh Hoá): Mong người dân không còn nợ nần chồng chất 

Chúng tôi thực sự mong được quan hơn nữa của các cấp, chính quyền về bài toán đói nghèo mà 7 ngàn dân vùng cói Nga Tân đang đối mặt, chưa tìm ra lối thoát. Hiện xã Nga Tân đang mắc nợ của hai ngân hàng hơn 27 tỷ đồng. Hằng năm, người dân không trả được nợ gốc mà chỉ riêng tiền lãi suất cũng mất hơn 2,5 tỷ đồng, bằng giá trị của cả một vụ cói mà 223ha của Nga Tân sản xuất được.

Tôi mong năm Kỷ Sửu người dân vùng cói Nga Tân không còn cảnh đói nghèo hay nợ nần chồng chất nữa, dân làng không phải lo lắng về gạo ăn ba ngày Tết hay mùa giáp hạt như năm Mậu Tý. Đặc biệt năm 2009, sản phẩm cói sẽ được xuất bán theo đường chính ngạch và ổn định về giá cả cũng như thị trường tiêu thụ. Chúng tôi mong Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống trạm bơm, thuỷ lợi nội đồng và cải tạo ruộng cói. Đồng thời được Nhà nước giãn nợ, cho vay với lãi suất thấp trong thời gian dài hơn.                                                                   

Ông Phan Đình Hinh – Phó chủ tịch UBND xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh): Mong muối có giá cho diêm dân đỡ khổ 

Từ xưa đến nay Hộ Độ là địa phương chủ yếu sống nhờ làm muối nhưng những năm qua, giá muối thấp trong khi các khoản đầu tư sản xuất lại quá cao khiến dân bỏ làng đi làm ăn xa ngày càng nhiều. Toàn xã có 1.676 hộ với 7.700 nhân khẩu nhưng chỉ còn làm 667,7 ha muối. Giá muối lại hết sức bấp bênh bởi Cty muối chỉ thu mua một phần, còn lại chủ yếu bán cho tư thương. Mỗi tạ muối bán ở thời điểm hiện tại chỉ chừng 170 ngàn đồng. Nhà làm nhiều nhất cũng khoảng 8-9 tấn/ vụ. Nếu trừ đi chi phí đầu tư mỗi vụ cũng hàng chục triệu đồng thì với giá muối hiện tại diêm dân không sống nổi.

Làm muối hết sức vất vả mà giá thấp nên cho dù diêm dân có mặn mà với muối đến mấy cũng không đủ điều kiện để tiếp tục đầu tư sản xuất. Chính quyền động viên, Nhà nước hỗ trợ một phần xây dựng hệ thống lọc nước nhưng cứ đà này dân Hộ Độ có lẽ chỉ còn coi làm muối là nghề phụ bởi hiện tại nguồn thu của dân từ tiền đi làm thuê lớn hơn nhiều so với tiền làm muối. Thế nên làm muối ngày càng xuống cấp. Dân Hộ Độ có truyền thống chịu khổ nên họ chấp nhận rời làng đi làm thuê, hiện số lao động này chiếm hơn 65%. Diêm dân quí hạt muối cũng như nông dân quí hạt gạo, không ai muốn bỏ nhưng vì giá quá thấp. Chỉ mong sao trong thời gian tới muối có giá để diêm dân đỡ khổ, tiếp tục bám làng sản xuất. 

Ông Lê Minh Toán - Phó Chủ tịch UBND huyện An Nhơn (Bình Định): Mong có được những giống tốt

Là một trong những huyện trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh Bình Định với 7.200 diện tích cây lúa, ước nguyện đầu năm của chúng tôi không gì khác hơn là phải làm sao để đời sống nông dân ngày càng được ổn định. Để được như vậy, hướng sắp tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu, mùa vụ, đặc biệt là việc chuyển từ 3 sang 2 vụ lúa/năm để giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho bà con. Thế nhưng trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp không ngừng tăng cao như hiện nay thì việc giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân là một vấn đề cần được quan tâm.

Muốn được vậy, chúng tôi rất cần có nhiều hơn những giống lúa cho năng suất, chất lượng cao, giảm được sâu bệnh gây hại. Trong vụ hè thu sắp tới, để “gỡ gạc” lại thất bại do mưa lũ gây ra trong vụ trước, chúng tôi mong có được những giống lúa lai trung ngày để nâng cao năng suất. Mặt khác, các chính sách đầu tư cho nông nghiệp nông thôn cần cụ thể hoá ở một vùng quê thuần nông, nhất là vấn đề kiên cố hoá kênh mương.

Huyện An Nhơn hiện đang có hơn 400 km kênh mương cần được bê tông hoá nhưng trong những năm qua việc thực hiện chưa có là bao, mỗi năm chỉ được đầu tư kiên cố 6 km kênh mương (30 triệu đồng/1 km), nếu như vậy thì không biết đến bao giờ mới hoàn thành được công tác này để ổn định sản xuất. Một vấn đề khác chúng tôi cũng cần được quan tâm là khi chuyển đổi từ 3 sang 2 vụ lúa/năm, địa phương chúng tôi bị “khủng hoảng thừa” lực lượng lao động nông thôn, để giải quyết vấn đề này chúng tôi cần được đầu tư khôi phục và mở mang các làng nghề nông thôn. 

Nông dân Nguyễn Văn Dương (thôn Hợp Đức, xã Hương Minh, huyện Vũ Quang ,Hà Tĩnh): Mong Tết sau không còn nhận tiền hỗ trợ hộ nghèo 

Sống ở vùng đất cằn cỗi, chúng tôi cũng đã chịu khó làm lụng hết sức. Nhưng phần vì ruộng đất cằn cỗi, phần nữa vì vốn đầu tư sản xuất ngày càng cao nên cũng khó. Là vùng đất thuần nông nên goài làm ruộng ra không biết làm gì khác. Một sào ruộng ở đây làm năng suất lắm cũng chỉ được vài tạ lúa. Năm nay giá lúa thấp trong khi giá đầu tư lại cao nên không ăn thua. Không những thế ruộng đồng ở Hương Minh manh mún, phương tiện sản xuất còn hạn chế nên cứ nghèo mãi.

Tết này may được nhận tiền hỗ trợ từ Nhà nước chứ nếu không cũng không có Tết. Lo được cho con cái học hành là cả một vấn đề. Mong sao năm nay mưa thuận gió hòa, giá đầu tư, giá lúa hợp lý để nông dân Hương Minh thoát nghèo. Năm sau không còn phải nhờ đến Nhà nước hỗ trợ đón Tết nữa.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm