| Hotline: 0983.970.780

Ước vọng ở làng biển có mật độ dân số cao nhất Việt Nam

Thứ Tư 22/01/2020 , 07:01 (GMT+7)

Làng Diêm Phố (Thanh Hóa) có mật độ dân số cao gấp 15 lần Hà Nội, 8 lần so với TP.HCM và người dân ở nơi không có đất nông nghiệp này vẫn đang ngày đêm bám biển, tìm cách làm giàu từ biển.

Mật độ dân số cao hơn cả... Monaco

Diêm Phố là tên thời xưa của xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây là làng biển nổi bật của tỉnh, của huyện với truyền thống hàng trăm năm làm ngư nghiệp. Hiện nay, dân số của xã xấp xỉ 18.000 người nhưng diện tích đất ở chỉ vỏn vẹn 0,47km2, tính ra, mật độ dân số của xã biển này là trên 36.000 người/km2.

11-36-21_nh_1
Mật độ dân số cao nên làng biển Diêm Phố chỗ nào cũng toàn nhà tầng san sát, người dân quanh năm gắn liền với biển, chủ yếu là khai thác và sơ chế hải sản.

Để dễ so sánh, mật độ dân số của Hà Nội là 2.398 người/km2, trong khi con số của TP.HCM là 4.363 người/km2 (theo điều tra dân số năm 2019). Như vậy, mật độ sinh sống ở Ngư Lộc cao gấp 15 lần Hà Nội và 8,25 lần so với TP.HCM. Thậm chí, quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới là Monaco cũng chỉ đạt 19.500 người/km2.

Cũng vì đất chật người đông mà đường sá ở xã miền biển Thanh Hóa này chật hẹp chẳng khác gì phố ở Hà Nội. Đường dẫn đến trung tâm xã chỉ rộng độ 2 - 3m còn những con ngõ thì chỉ tầm hơn 1m chiều ngang. Nếu đến Ngư Lộc vào ngày lễ hay sáng cuối tuần thì tắc đường là điều rất phổ biến. Một điểm đặc biệt nữa mà người ở xa sẽ ngạc nhiên khi đến thăm làng biển này là nhà mọc san sát nhau, khang trang hơn hẳn các xã lân cận.

11-36-21_nh_2
Dù chỉ có 1,2km bờ biển nhưng mỗi lúc tàu về là cả vùng trở nên nhộn nhịp, người bán người mua, tàu to, thuyền nhỏ tấp nập. Chợ cá ven biển Ngư Lộc thường họp từ 10 - 13h hàng ngày, thời điểm các tàu nhỏ cập bờ sau chuyến đi đêm.

Mặc dù cuối tuần nhưng ông Nguyễn Hải Năm, quyền Chủ tịch xã Ngư Lộc vẫn lên công sở xử lý nốt giấy tờ dịp cuối năm. Chia sẻ về địa phương, ông nói: “Diện tích của xã khá bé, tổng diện tích được 0,93km2 nhưng đất ở chỉ có 0,47km2, còn lại là đất bãi bồi và diện tích đảo Hòn Nẹ”.

Hiện nay, xã có hơn 350 tàu các loại, trong đó có 160 tàu cỡ lớn, đánh bắt xa bờ còn lại là tàu nhỏ, đêm đi, trưa về. Ngư Lộc có hơn 3.200 hộ nhưng có đến 2.000 trong số đó làm ngư nghiệp, chiếm hơn 60% toàn xã và số lao động vào khoảng 2.500 người.

Giai đoạn sát Tết âm lịch, các tàu cá vẫn liên tục ra khơi, quyền Chủ tịch xã cho biết, tàu lớn sẽ về bờ vào khoảng 24 - 25 tháng Chạp trong khi đó các tàu con có thể đi biển đến tận 29 mới nghỉ. Đầu năm, mùng 4 tháng Giêng là thời điểm địa phương tổ chức lễ ra khơi đón năm mới.
 

Mong mỏi lấn biển làm giàu

Ngoài đông dân, ít đất ở, xã Ngư Lộc còn không có chút đất nông nghiệp nào. Người dân ở đây mưu sinh phần lớn nhờ vào biển, số còn lại là lớp thanh niên tìm cách thoát ly, đi học, đi làm ở các nhà máy, khu công nghiệp.

11-36-21_nh_3
Khi nước xuống, người ta phải dùng thuyền, dùng mảng chở hải sản vào bờ để đảm bảo độ tươi ngon. Lúc chợ họp cũng là lúc thuyền vào, thuyền ra như mắc cửi, khi vào chở hải sản, khi ra chở dầu máy, nước lọc.

Dọc 1,2km bờ biển của xã là một mùi cá tôm. Mặc dù tàu bè buổi trưa mới về bờ nhưng từ sáng sớm đã có bóng người ở bờ biển, làm việc luôn tay trên các giàn phơi cá, phơi moi.

Bà Lê Thị Hoa, người có hàng chục năm làm hải sản vừa thoăn thoắt nhặt những con cá, con còng bé ra khỏi giàn phơi moi vừa chia sẻ với chất giọng miền biển đặc trưng: “Có đất mô mà làm ruộng chú ơi, quanh năm ngoài biển ni thôi, mùa mô thức nứ”.

11-36-21_nh_4
Các tàu bé đi trong đêm thường chỉ có hải sản nhỏ như cá nanh, cá mối, cá dưa hay bề bề, moi nhưng cũng rất đắt hàng.

Theo người phụ nữ này, mùa moi kéo dài từ khoảng tháng 6 - 11 âm lịch, khi đó họ mua moi tươi từ các tàu nhỏ rồi phơi khô, làm sạch bán kiếm lãi. Moi tươi loại ngon vừa từ tàu lên được bán với giá 10.000 đồng/kg, sau khi phơi khô khoảng 2 - 3 nắng thì giá lên được 60.000 đồng/kg. Những mùa khác trong năm họ đi làm thuê cho các gia đình chuyên buôn bán hải sản, khi thì xẻ cá, khi thì bóc tôm.

Cuối năm, bão số 8 vừa tan, tàu to mới ra khơi chưa về nhưng tàu bé vẫn hoạt động tấp nập như thường nhật. Từ khoảng 10h, hàng trăm mét dọc biển trở thành khu chợ hải sản tấp nập.

Các tàu nhỏ đánh bắt trong ngày chủ yếu là hải sản bé như cá nanh, cá mối, cá dưa hay bề bề, ghẹ, moi… Những loại tươi, to sẽ được đóng thùng, chuyển cho các đại lý sớm đưa vào nhà hàng. Trong khi đó, moi tươi được chuyển về các chợ và một phần đem phơi bán khô.

11-36-21_nh_5
Các hoạt động mua bán, mặc cả diễn ra ngay trên bãi cát khiến khu vực này náo nhiệt hơn hẳn khi thuyền chưa về. Ở đây có cả người mua về buôn cũng không thiếu người dân các khu vực lân cận mua ăn. Do chỉ đi trong ngày nên tôm cá bao giờ cũng tươi, vẫn còn ngoe nguẩy khi lên cân.

Theo ông Nguyễn Hải Năm, vấn đề đặt ra hiện nay là lao động biển đang thiếu hụt do lớp trẻ ít mặn mà với biển vì vất vả, việc khai thác cũng có nhiều khó khăn hơn, ngư trường cạn kiệt, phương tiện xuống cấp tái đầu tư gặp khó. Diện tích đất ít nên người dân khó đầu tư được nhà xưởng chế biến mà chỉ dừng lại ở mức khai thác, sơ chế.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ông Năm cho biết thu nhập bình quân của lao động biển ở xã vẫn đạt mức 8 - 9 triệu đồng/người mỗi tháng. Đây cũng là mức thu nhập ổn định, đủ để các lao động yên tâm bám biển dù còn nhiều vất vả.

Quyền Chủ tịch xã Ngư Lộc chia sẻ, địa phương đang tích cực đề nghị và được huyện, tỉnh quan tâm đến phương án lấn biển nhằm tăng diện tích đất ở và có khả năng đầu tư, xây dựng khu chế biến. Qua đó tăng được lợi nhuận từ biển cho bà con trong tương lai.

11-36-21_nh_6
Không phải nhà nào ở Ngư Lộc cũng có nghề, có tàu để ra khơi, số còn lại ở bờ vừa buôn bán vừa sơ chế hải sản. Cuối năm là mùa moi, người dân ven biển thường mua về, phơi 2 - 3 nắng cho khô rồi làm sạch bán kiếm lời.
11-36-21_nh_7
Những loại cá bé, ít tươi hơn thì được chuyển sang làm sạch, xẻ lấy thịt để làm chả. Công việc này thường dành cho những người phụ nữ trong xã, vừa có thu nhập vừa gần nhà lại không đòi hỏi vốn như đi buôn.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm