| Hotline: 0983.970.780

Ước vọng từ vùng lũ

Thứ Tư 10/11/2010 , 10:34 (GMT+7)

"Ngoài quà cứu trợ cuộc sống hiện tại, chúng tôi rất cần cứu trợ những “chiếc cần câu” như dây khoai lang giống...", chủ tịch xã Lộc Yên Trần Đình Lâm.

"Ngoài quà cứu trợ cuộc sống hiện tại, chúng tôi rất cần cứu trợ những “chiếc cần câu” như dây khoai lang giống để sau 10- 15 ngày trồng, dân có thể hái lá ăn cùng cơm...", chủ tịch xã Lộc Yên Trần Đình Lâm. 

Trắng trơn

Xã Lộc Yên huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) là xã nghèo 135, cũng là 1 trong 4 xã bị thiệt hại nặng nhất trong đợt lũ lụt vừa qua. Mặc dù cơn lũ đã rút nước đã lâu, song đồng ruộng nơi đây vẫn trắng trơn, vườn cây đổ gục, nhiều gia đình đổ tường, sập nhà, người dân vẫn trong cảnh túng bấn, phải đi ở nhờ hàng xóm. Đa phần nhân dân trong xã, sống nhờ vào số lương thực, thực phẩm và số tiền cứu trợ của các tấm lòng hảo tâm.

Ông Trần Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã, cho biết xã Lộc Yên nằm ở thượng nguồn sống Ngàn Sâu, chảy qua địa phận xã có 3 dòng sông lớn: Ngàn Sâu, Tiêm và Rào Nại. Đây là trận lũ lịch sử gần 100 năm qua. Lộc Yên mà chẳng được lộc cũng chẳng được yên chút nào. Trận lũ kinh hoàng nước dâng nhanh, dòng chảy xiết, 2 trận lũ liên tiếp, khiến 1320/1500 hộ gia đình trong xã bị ngập sâu, có 25 người bị thương, 15 nhà bị sập, 145 nhà hư hỏng nặng, trên 200 gia súc gia cầm bị chết, thiệt hại ước tính tới 45 tỷ đồng, bằng thu nhập bình quân trong cả xã trong 7 năm.

Anh Nguyễn Thế Ngọc ở thôn Trung Thượng đưa chúng tôi đến ghi hình tại ngôi nhà bị sập hoàn toàn của cụ Nguyễn Văn Đoàn 84 tuổi và vợ là Nguyễn Thị Văn. Hiện hai cụ đang phải tá túc tại nhà hàng xóm. Không chỉ nhà bị sập đổ không chỗ nương thân mà hai cụ đã trên 80 tuổi nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ tiền hàng tháng cho người già. Giờ thì cũng như dân làng, 2 cụ đang sống rất khó khăn, đành trông chờ hàng cứu trợ.

Bây giờ cả xã Lộc Yên, cả huyện Hương Khê, ai cũng biết chuyện bà Nguyễn Thị Đức, nước ngập quá nóc nhà, bà trổ mái leo ra cây mít, rồi lấy thừng quấn chặt thân mình vào cây mít. Bà Đức ở trên cây mít từ từ 1 giờ sáng đến 5 giờ sáng mới có tàu cứu hộ. Khi được cứu thì bà đã ngất xỉu vì đói rét và phải vào bệnh viện cấp cứu 2 ngày mới bình phục. Giờ ai hỏi thăm đến nhà bà Đức, người ta chỉ ngay, đây là nhà bà Đức “mít”.

Anh Nguyễn Văn Hiền ở thôn Bình Sơn, một trong số các hộ gia đình trong danh sách nhận quà cứu trợ, cho biết, gia đình anh, lúa gạo quần áo, đồ dùng gia đình trôi hết, giờ chỉ còn 2 bàn tay trắng. Cả nhà có 5 người, ai cũng chỉ còn bộ quần áo độc nhất mặc trên người chạy lũ. Nay nhờ có hàng cứu trợ mới có cơm ăn, mới có quần áo mặc.

Đến thăm các xóm trong xã Lộc Yên, dẫu lũ rút đã qua vài tuần nhưng dấu vết của sự tàn phá hoang tàn vẫn còn đấy, cây vườn đổ ngổn ngang, những vườn bưởi Phúc Trạch nổi tiếng nơi đây mùa này không còn quả.

400 đoàn cứu trợ về Hương Khê

Theo UBND huyện Hương Khê, tính đến ngày 6/11 đã có 400 đoàn cứu trợ về tặng quà cứu trợ cho nhân dân vùng lũ, riêng xã Lộc Yên có 50 đoàn cứu trợ.

Ngày 6/11, Đoàn Luật sư Hà Nội gồm những đơn vị như: Cty Luật Hồng Bách và Cộng sự, Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự, Văn phòng luật sư Tâm Đức, Văn phòng Luật sư AIS, Cty CP Bằng An, Cty CP Nhân lực quốc tế Việt đã chuyển tới xã Lộc Yên hàng cứu trợ trị giá trên 80 triệu đồng, gồm 150 xuất quà cho 150 hộ gia đình khó khăn, ngoài ra còn có rất nhiều áo quần và sách vở tặng bà con trong xã. Cty CP Nhân lực quốc tế Việt đã đề xuất giúp đỡ nhân dân ở vùng lũ lụt huyện Hương Khê chương trình đưa lao động đi xuất khẩu (đối với các đối tượng đủ tiêu chuẩn lao động phổ thông tại Malaixia), người có nguyện vọng đi XKLĐ chỉ cần khoảng 700-800 ngàn đồng để làm hộ chiếu và khám sức khỏe, số tiền mua vé máy bay và chi phí chuẩn bị cho chuyến đi sẽ do Cty sẽ ứng trước sau đó trừ chi phái vào lương của người đi XKLĐ (trước đây người đi XKLĐ thường phải vay 30 - 40 triệu đồng mua vé máy bay và các chi phí khác). Được biết thông tin này, nhiều người đủ điều kiện đi XKLĐ tại xã Lộc Yên đã đăng ký với UBND xã. Theo ông Trần Đình Lâm, đây là món quà cứu trợ vô giá đối với đồng bào vùng lụt bão, là chiếc cần câu giúp bà con có thể vươn lên xóa nghèo một cách bền vững.

Mong giống cây trồng, vật nuôi

Nhận những món quà cứu trợ của nhân dân cả nước gửi đến với tấm lòng biết ơn nhưng ông Trần Đình Lâm và bà con xã Lộc Yên vẫn còn nhiều ước vọng. Ông Lâm nói: Nước đã rút rồi, chúng tôi phải nghĩ tới ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất, không thể ngồi trông chờ cứu trợ mãi. Nguồn nước sinh hoạt đã được ngành y tế hỗ trợ hóa chất xử lý các giếng nước ăn, còn đồng ruộng nước cũng đã cạn có thể gieo trồng được, nhưng bà con trắng tay, chẳng còn giống má gì. Ngoài quà cứu trợ cuộc sống hiện tại, chúng tôi rất cần cứu trợ những “chiếc cần câu” như dây khoai lang giống để sau 10 - 15 ngày trồng, dân có thể hái lá rau để ăn. Giống hạt ngô để chúng tôi gieo lấy thân lá làm thức ăn cho trâu bò. Người được cứu có cái ăn rồi, còn trâu bò thì chẳng có cỏ ăn. Hãy cứu trợ chúng tôi cả nguồn thức ăn rơm khô, cỏ khô cho trâu bò, trước khi chúng tôi gieo được lá ngô cho trâu bò ăn. Hãy cứu trợ chúng tôi hạt giống rau xanh, để sớm có rau ăn qua tháng ngày giáp hạt. Hãy cứu trợ chúng tôi giống lúa, giống ngô cho sản xuất vụ tới. Và chúng tôi cũng xin từ tấm lòng hảo tâm của các nhà sản xuất phân bón, hãy hỗ trợ chúng tôi, dù ít dù nhiều nguồn phân bón cho sản xuất vụ này. Ước vọng của những người dân xã Lộc Yên chúng tôi cũng là ước vọng chung của người dân vùng lũ...

Nhân dịp này, báo NNVN kêu gọi các doanh nghiệp, bạn đọc khắp nơi ủng hộ giống cây trồng, giống vật nuôi cho người dân vùng lũ theo địa chỉ: báo Nông nghiệp Việt Nam 1059 Hồng Hà, Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội; điện thoại: 04.38256492.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.