| Hotline: 0983.970.780

Uống nước gừng... chống đói

Thứ Tư 03/02/2010 , 11:58 (GMT+7)

Hoàn cảnh của Triệu Tài Múi còn khá hơn nhiều so với Dương Mản Múi. Chị năm nay 42 tuổi lấy chồng xa bị chồng bỏ về bản ở đã vài năm nay.

Hoàn cảnh của Triệu Tài Múi (xem NNVN số 23) còn khá hơn nhiều so với Dương Mản Múi. Chị năm nay 42 tuổi lấy chồng xa bị chồng bỏ về bản ở đã vài năm nay. Chỗ chị ở là một thung lũng đi bộ mất mấy giờ từ trung tâm bản mới tới nơi. Ở đây không có khái niệm đường xá bởi để đến được khe Quang Vài phải lội toàn bờ ruộng, cỏ mọc um tùm, không có dấu chân người.

>> Những vùng đất khốn khó

Mản Múi bị câm, điếc. Mấy tấm lợp của lán canh nương nát được chị xin về dựng thành một túp lều dưới một gốc cây còn bé, thấp hơn cả chiếc chuồng lợn. Vách của nó được làm bằng mấy cành cây với mấy sợi dây leo rừng, trống huơ trống hoác. Trời rét gió thổi ào ào. Ở ngoài mưa nhiều, trong nhà mưa ít. Từ dưới chiếc lều ấy một lọn khói nhỏ bò ngoằn nghèo lên trên tán cây. Lọn khói và gần bên sườn núi có chừng mấy chục gốc cây ngô đã được bẻ hết bắp là tất cả những gì ghi dấu ấn một nơi có con người.

“Nó sống như con khỉ trong rừng rồi, chỉ khác con khỉ ở chỗ nó có áo quần thôi”, trưởng bản Dương Kim Long (bản Hin Đăm, xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập, Lạng Sơn) bảo. Hồi trước khi mới về Mản Múi ở cùng người anh nhưng sau đó tách riêng ở dưới gốc cây như hiện tại cũng được đôi ba năm. Lúc tôi đến, Mản Múi đang lúi húi nấu một ấm nước gì đó. Chiếc ấm đã mất nắp được thay thế bằng cái bát con.  

Mản Múi thấy bóng người liền quay đầu sợ hãi

Sự có mặt đột ngột của người lạ khiến chị hoảng sợ, cứ cúi mặt vào trong lều trốn tránh. Sau khi trưởng bản ra hiệu, phiên dịch một chặp bằng cả tay lẫn mồm miệng cộng nét mặt, dường như Mản Múi cũng đỡ ngại hơn. Thì ra đó chính là cô ruột của trưởng bản Long. Anh giở chiếc nắp ấm ra, trong ấy đang đun một ít nước với vài miếng gừng đập dập. “Nó đói quá mà không có gì ăn nên đun nước gừng uống đây mà. Chỗ này xa quá không mấy ai đến được. Tiếc là sáng nay đi, tao lại quên không mang mấy cân gạo để cho nó. Thỉnh thoảng tao vẫn mang ít gạo đến để nuôi nó không chết được”.

Đã từ lâu, gia tài của chị Múi là 2 bộ quần áo cũ người ta cho, một cái ấm mất nắp, một cái xoong, một cái bát. Mấy năm rồi chị chẳng hề biết mặt đồng tiền. Múi bị bệnh gì mà theo lời trưởng bản: “Quãng đường người ta đi núi một buổi, nó phải đi cả ngày. Yếu lắm”. Chị cũng có thẻ bảo hiểm nhưng đi khám ở trên huyện chẳng ra bệnh gì nên lại cuốc bộ lần bò về nhà. Giờ chị sống như người nguyên thuỷ. Đói ăn rau rừng, khát mang mấy ống bương xuống khe vác nước về uống, ngủ thì kê vài thân cây làm giường. Lúc tôi vào nhà, chẳng đủ chỗ để hai người ngồi. Chị ngồi trên giường mà chỉ ngồi nghiêng nghiêng vì ngồi thẳng, đầu chạm mái phi - bờ - lô - xi măng nát mất. “Bản đã có đơn xin nó làm hộ nghèo, xin được trợ cấp mãi mà không được xếp loại”, trưởng bản bảo tôi. Nhìn vào gia cảnh khốn cùng, nhìn vào ánh mắt hoang dã của Múi, tôi cũng chẳng buồn đặt ra câu hỏi trắc nghiệm xã hội nào bởi vì chắc chắn đó là điều mà chị không thể biết. 

Siêu nước gừng uống cho đỡ đói

Tối, tôi ngủ ở nhà anh Long, sáng ra cứ thấy tiếng gì ụt ụt đầu giường. Thì ra mấy con lợn Móng Cái bụng võng sát đất đã chui vào ngôi nhà trình tường thấp tè để nhặt cơm rơi, sắn rơi tự lúc nào. Chúng dũi cho cái nền nhà sục toàn đất, bùn bẩn. Cùng lúc đó một ông già dân tộc có tên Hoàng Nho Thuật đến nhà. Ông không hề biết một câu tiếng Kinh, hỏi chẳng biết nói, nhờ trưởng bản phiên dịch ông cũng không nghe mà chỉ bảo tí tôi xuống nhà ông rồi khắc biết. Sau anh Long mới cho hay người đàn ông tôi tưởng tuổi 60-70 ấy mới 44 tuổi nhưng răng rụng hết, chẳng có tiền mà lắp nên đành chịu cảnh móm, giờ lọm khọm như bô lão. Hai bà vợ của ông chết cả nên ông đang ở với 2 đứa con.

Trâu không có, chẳng làm ruộng được nhà ông toàn ăn cháo sắn đến quên cả mùi gạo, quanh năm chẳng biết mặt đồng tiền. Nghe nói có cán bộ dưới xuôi lên công tác, ông Thuật mới đến để phản ánh tình hình gieo neo nhà mình nhưng ngại quá cũng không dám nói trực tiếp. Trưởng bản Dương Kim Long cho biết Hin Đăm có 36 hộ nhưng “Nhiều người sống như khỉ, chỉ ăn sắn nấu quanh năm, chẳng có tiền, chẳng có quần áo mới, chẳng có dép. Ở bản có đến 1/3 người như vậy, nhất là sau đợt lũ quét bồi lấp đất ruộng năm vừa rồi thì càng có nhiều người khổ hơn”. Nói về cái khổ ở miền núi, trước tiên phải kể đến đường xá. Hin Đăm không có đường gọi cho đúng nghĩa mà chỉ có đường đất bộ đội làm để hành quân hồi chiến tranh biên giới, giờ bỏ không mấy chục năm, dân bản vẫn hè nhau ra tu bổ để đi tạm. Con đường ấy bình thường có thể đi xe máy nhưng đồng bào vẫn thường đi bộ bởi nhiều đoạn ngã dúi dụi hoặc rơi xuống vực thẳm như chơi. Trời mưa, có khi cả tháng trong bản không ra nổi bên ngoài, toàn vào rừng tìm củ, tìm rau mà cầm hơi.

Thứ nữa là cái đói thông tin, kiến thức. Trưởng bản Long được coi là người nhanh nhẹn, có trình độ uyên bác nhất 4 bản vùng cao ở Kiên Mộc. Anh đã từng bán trâu lấy tiền để bắt ô tô vào tận Đắc Lắc tìm học cách làm giàu cả chục ngày mà về vẫn chẳng biết áp dụng cái gì cho vùng đất bị bỏ rơi quê nhà. Anh đã từng ấp ủ mua máy xúc, làm cây xăng ở xã nhưng nghĩ đi, nghĩ lại ở xứ này làm cây xăng mất nhiều vốn mà bà con quen đi bộ nhiều hơn đi xe nên chẳng biết bao giờ hoàn vốn nổi, máy xúc tốt đấy nhưng có lẽ không thể leo đồi, leo núi như con trâu, con ngựa được nên cũng đành thôi. Gặp tôi, anh cứ quắn quéo: “Hà Nội có thứ gì tốt để đổi hàng cho dân này không nhỉ?. Ở đây có sắn, có ngô, có lợn nhưng bán bao giờ cũng rẻ bằng nửa ngoài thị trấn thôi vì đường xá khó vào quá”. Tôi nghĩ mãi mà vẫn chưa ra cho đến tận khi ngồi bên máy tính gõ những bài viết này.

Con gái trưởng bản Hin Đăm cũng là người Dao đầu tiên học hết lớp 12, hơn hẳn lũ chúng bạn chỉ học xong cấp một, cùng lắm cấp hai là con bồng, con bế rồi. Nhưng học thì học rồi để đấy về chẳng biết làm cái gì, ngay cả nói chuyện cũng không hoà nhập nổi với dân bản. Rả rích bên bếp lửa họ chỉ kể về con trâu nhà này béo, kéo cày tốt, vạt rừng có dúi, có ong hôm nào đi bắt, đi đào thì những chuyện như người dưới xuôi làm ruộng bằng giống mới, bón phân ba giảm ba tăng cũng khó hiểu tựa như cách người ta phóng tàu vũ trụ lên mặt trăng vậy. (còn nữa)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.