Tuy nhiên, không vì thế mà phủ nhận mùa giải thành công của Tiến Linh, Công Phượng hay các tiền đạo nội. Điều đáng chú ý còn nằm ở chỗ, đây không chỉ là giải đấu mà một vài tiền đạo nội toả sáng riêng lẻ, mà đồng loạt nhiều chân sút đạt phong độ tốt.
Ngoài Tiến Linh (B.Bình Dương) đã ghi 13 bàn, Công Phượng (HA Gia Lai) đã ghi 12 bàn, bộ ba tuyển thủ Olympic quốc gia gồm Phan Văn Đức (SL Nghệ An), Nguyễn Quang Hải (CLB Hà Nội) và Hà Đức Chinh (SHB Đà Nẵng) mỗi người ghi 9 bàn tại Nuti Cafe V-League 2018.
V-League 2018 là giải đấu thành công của Tiến Linh và nhiều chân sút nội |
Về phía các đội bóng, danh hiệu vua phá lưới của Anh Đức ở mùa giải năm ngoái cũng tạo tiền đề cho họ đặt niềm tin vào các tiền đạo nội nhiều hơn, kể cả tiền đạo nội chơi ở vị trí trung phong, điều hiếm thấy đối với các CLB tại V-League cách nay vài năm.
Có thể kể ra rất nhiều đội bóng sử dụng trung phong nội, đó là B.Bình Dương với chân sút Tiến Linh đang tiến bộ nhanh chóng, là SHB Đà Nẵng vẫn có thời điểm đẩy Hà Đức Chinh lên chơi cao nhất trên hàng tấn công, là Hà Minh Tuấn ở Quảng Nam (cũng đã ghi 6 bàn trong mùa giải năm nay). Rồi Ngân Văn Đại ở CLB Hà Nội.
Riêng HA Gia Lai là đội mạnh dạn nhất trong việc dùng chân sút nội. Rất nhiều trận đấu đội bóng phố núi sử dụng toàn bộ hàng tấn công là nội binh, gồm Công Phượng, Minh Vương, Văn Toàn, hoặc 2 trong 3 cầu thủ vừa nêu luân phiên đá chính.
Việc HA Gia Lai sử dụng nhiều tiền đạo nội có thể đến từ nhiều nguyên nhân, thứ nhất đấy đều là các sản phẩm do chính họ đào tạo, và Gỗ dù ít dù nhiều muốn ưu tiên phát triển các tài năng của mình. Hoặc vì Gỗ thường không thành công trong việc tìm kiếm tiền đạo ngoại, nên việc dùng tiền đạo nội là điều không muốn cũng chẳng được.
Nhưng vì bất cứ lý do gì thì các tiền đạo của HA Gia Lai nói riêng và các tiền đạo nội nói chung đều đang đạt phong độ ổn định, đồng thời cho thấy bước tiến bộ đáng kể về mặt chuyên môn.
Đội tuyển quốc gia dĩ nhiên có lợi từ sự tiến bộ đấy của các chân sút trong nước. Thay đổi rõ rệt nhất ở đội tuyển Việt Nam hiện nay là chúng ta không còn cảnh khủng hoảng chân sút ở các giải quốc tế, như tại các kỳ AFF Cup từ năm 2012 đến năm 2016 nữa!