| Hotline: 0983.970.780

Vác hàng xuyên biên giới

Thứ Năm 16/01/2014 , 10:29 (GMT+7)

Những ngày giáp Tết, hàng lậu Trung Quốc lại tìm cách tuồn về Việt Nam. Cung đường 06 - cung đường của hàng lậu xuyên biên giới nối liền giữa Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Lũng Vài (Trung Quốc) đang thực sự “nóng” với cơ man là hàng hóa.

Những ngày giáp Tết, hàng lậu Trung Quốc lại tìm cách tuồn về Việt Nam. Cung đường 06 - cung đường của hàng lậu xuyên biên giới nối liền giữa Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Lũng Vài (Trung Quốc) đang thực sự “nóng” với cơ man là hàng hóa.

Giải mã cung đường vận chuyển hàng lậu

Tôi đặt máy quay tại một ngã ba, đồng thời là lối ra của cung đường 06. Trong vòng 2 phút 29 giây, máy quay đã ghi lại được 18 xe máy chở hàng lậu chạy qua.

Trà trộn vào đường dây

Sáng ngày 5/1/2014, chúng tôi có mặt tại bến xe Đồng Đăng và kịp ghi lại hình ảnh những chiếc xe máy chở hàng lậu vào bến. Trong bến, các xe khách mang biển số 29X, 98X đã bật cốp, hàng về đến đâu người ta cho xếp lên xe đến đấy.

Bà chủ quán nước đối diện bến xe khoát tay: Chú ngồi đây một lúc, có mà đếm không hết. Hàng chở ra từ đường 06 chứ đâu. Có gan thì chú vào đó mà xem, khác nào vỡ chợ. Mà có chăng, khác ở chỗ đoạn có người theo dõi, có người dòm ngó mà thôi!

Nói đến đường 06, tôi vẫn còn bị ám ảnh. Đó là cung đường vận chuyển hàng từ bên kia biên giới về, là cung đường từng xảy ra nhiều vụ thanh trừng nhau, là cung đường từng xảy ra nhiều vụ hành hung nhà báo và là cung đường “chết” mà lần trước lãnh đạo Chi cục Hải quan Cốc Nam đã cảnh báo.


Điểm tập kết hàng với cơ man hàng hóa (ảnh chụp lại từ video)

Dĩ nhiên, cung đường đó luôn có lực lượng “chim lợn” canh chừng, nếu không phải đầu xù, tóc rối, lưng trần đen ngăm, quần bò xẻ ống cùng miếng xốp kê vai chắc chắn tôi không thể nào trà trộn vào đoàn người đang đi vác hàng.

Đến một ngã ba, nhận thấy đây là lối ra của những xe hàng. Tôi lựa chọn địa điểm, đặt máy quay. Trong một đoạn video dài 2 phút 29 giây, tôi đếm được đúng 18 xe máy chở hàng lậu chạy qua, còn các xe không chạy vào bốc hàng thì nhiều vô kể.

Song đó không là gì so với những gì tôi trông thấy tại điểm tập kết hàng khi hàng lậu chắn ngang lối đi, xe máy chen chúc không có lối quay đầu. Như thế, việc chưa đầy 3 phút mà có gần hai chục xa máy chở hàng chạy qua được xem là ít. Có ít nhất 20 nhà kho, mỗi kho rộng chừng 50m2 và có một số lán để hàng tạm bợ. Rêu bám tường nhà kho, chứng tỏ những kho này được xây cách đây ít nhất một hai năm.

Tôi hỏi C – một cửu vạn vừa mới nhận tiền sau vác quần áo nặng trịch: “Những người cầm cân cầm sổ ghi ghi chép chép kia là ai?”. C đáp: “Họ chính là chủ nhà kho nhưng họ không phải chủ các thùng hàng. Chủ hàng là những người có tên, địa chỉ, số điện thoại được ghi ngoài bao hàng. Những người mang mác chủ hàng kia thực chất là lực lượng bao biên, chịu trách nhiệm nhận hàng từ bên kia biên giới sau đó thuê cửu vạn đưa về và chuyển hàng về xuôi cho khách, mọi giao dịch được tiến hành qua điện thoại”.


Đỉnh dốc, những thùng hàng được đang sẵn sàng được lăn xuống 
(ảnh chụp lại từ video)

Ít phút quan sát, tôi nhận ra lực lượng vác hàng ở đây bao gồm già trẻ, nam nữ, thậm chí có cả các đối tượng nghiện ma túy, phong phanh đâu còn có mặt của một số đối tượng đang trốn lệnh truy nã, song tôi chưa được giáp mặt xem đối tượng đó là ai.

Rồi kế đến là những gã to như hộ pháp đang chìa tay thu tiền của cửu vạn. Nhìn bộ dạng họ y hệt dân cao bồi trong phim hành động trong tư thế sẵn sàng tham chiến với bất cứ đối tượng nào bất tuân “luật lệ” do chính họ đặt ra. Đồng thời, tôi cũng kịp nhận ra phía gốc cây, bên tảng đá có không ít ống tiêm, bao gồm cả các ống tiêm còn dính máu đỏ au.

Không một âm thanh nào rõ ràng, tiếng quẳng hàng “bịch”, “bạch” liên tiếp nện xuống nền đất chai lỳ. Tiếng người phân bua, cân đo đong đếm. Tiếng đằng hắng, gằn gằn của mấy tay quản hàng. Rồi tiếng xe máy chắc đanh không ngớt. Người ta nói địa điểm tập kết hàng này y chang một cái chợ mới bị vỡ cách đây ít phút: ồn ào, ầm ĩ, hỗn loạn.

Quan sát hết lượt, tôi hỏi hỏi tiếp: Áng chừng hôm nay có bao nhiêu người đi vác hàng vậy anh? - “Có mà đếm hết được. Loáng thoáng đã có hàng trăm người rồi ấy chứ, chả ai rỗi hơi đi đếm, mà người ta cứ đi đi về về thế có muốn đếm cũng chả đếm hết” – C nói. “Nay đông kinh! Có khoảng 3 – 4 nghìn người gì đó” - Mấy cửu vạn ngồi bên nghe C nói, liền xen vào.

Nói, một vài trăm người tôi còn không tin chứ nói gì đến hàng nghìn người. Song, tôi cũng thử cách mà họ mách cho tôi là đếm xe máy ở bãi gửi xe. Kết quả là, có 17 điểm gửi xe, mỗi địa điểm có trên 50 chiếc xe, đều là xe của những người đi vác hàng. Thiết nghĩ, như thế cũng chưa chính xác bởi có các trường hợp người ở gần đi bộ và những người kẹp 2, kẹp 3 bằng xe đến đây hơn nữa cứ người này vác hàng xong lấy xe ra, người khác lại đến vác hàng và cho xe vào.

Theo cửu vạn sang bên kia biên giới

Khi thoát khỏi tầm mắt của lực lượng bảo kê, tôi theo chân C tiến thẳng đến kho hàng bên kia biên giới, nơi mà C nói: “Bên đó hàng đang chờ sẵn, mình chỉ việc qua đó nhận hàng rồi vác về thôi”.

Cùng với C, T, chúng tôi di chuyển dần lên cánh rừng bạch đàn, tiến sát chân dốc. Dưới chân dốc, la liệt các thùng hàng chưa kịp chuyển đi. Nhìn lên đỉnh dốc, tôi cứ nghĩ mình đang đứng trước một kho hàng khổng lồ đang chực đổ ập xuống bất cứ lúc nào.


PV theo chân cửu vạn, vượt qua cánh rừng bạch đàn (ảnh chụp lại từ video)

“Ăn thua gì, giờ cao điểm còn gấp nhiều lần như thế!” - T trấn an. Tôi hỏi, nhiều hàng thế liệu có xảy ra tình trạng lẫn lỗn hay thất lạc? T đáp - “Đó là chuyện vặt hàng ngày”. Đúng là phải đi tránh, lách các thùng hàng mới lên được đỉnh dốc. Đỉnh dốc, ranh giới giữa hai nước là hàng rào thép gai trắng muốt, bên cạnh là một cái lán tạm bợ.

“Đó là lán canh của biên phòng. Giờ họ nghỉ là giờ hoạt động của cửu vạn. Hàng rào thép gai này mới được làm nên nhìn đang còn mới. Nhưng tôi thấy thép gai thì ăn thua gì so với lực lượng bốc hàng, thép gai nhưng người ta vẫn đi ầm ầm đó thôi, cản sao được người ta đi” – tôi đang ngờ ngợ đó là lán của bảo kê thì được một cửu vạn cho hay.

Ngồi ở ranh giới hai nước có khoảng chục thanh niên ăn mặc khác hẳn so với đám cửu vạn chúng tôi. Cái mũ phớt để lộ mái tóc đỏ vàng, ống tay áo để lộ vết xăm trổ, tay lăm lăm cây gậy. Tôi đoán đó là lực lượng bảo kê nên tìm cách khuất mắt họ, bởi mình đã chạm chân vào đất bạn.

Bên kia là bãi đất trống rộng khoảng 3ha bằng phẳng y như một cái sân vận động, nằm phía sau chợ Lũng Vài thuộc tỉnh Quảng Tây. Hàng hóa được các xe tải chở đến chợ Lũng Vài, sau đó san sang các xe ba gác. Xe ba gác lại chở vào trong bãi đất trống này. Các ông chủ bà chủ chịu bao biên chịu trách nhiệm nhận hàng và trao hàng cho cửu vạn vận chuyển về.

Tôi tìm cách leo lên mỏm núi đá để đặt máy quay hòng quay được toàn bộ khung cảnh vận chuyển hàng. Sau một hồi loay hoay vừa phải canh chừng bao biên vừa phải đề phòng kim tiêm cuối cùng tôi cũng thành công. Qua máy ghi hình, những đoàn người bốc và vác hàng men theo triền núi y như một đoàn kiến siêng năng nối đuôi nhau.

 Áng chừng, cung đường của hàng lậu này dài khoảng 2km. Nó vốn là con đường mòn, song trước những đoàn người nối tiếp nhau vác hàng xuyên biên thế này, mặc nhiên con đường trở nên quang đãng, có chỗ rộng đến dăm bảy chục mét.

Tôi theo chân C, T, vào nhận hàng. Dây chằng dây buộc đã chắc chắn, chúng tôi sẵn sàng theo chân những thùng hàng này về nước.

Ông Nguyễn Hữu Vượng – Cục phó Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết:

“Một phần cung đường này thuộc quản lý của Chi cục Hải quan Cốc Nam và Đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị. Trong địa phận quản lý, thì hải quan là đơn vị chủ trì khi phối hợp với biên phòng, công an và quản lý thị trường cùng tham gia kiểm tra, bắt các lô hàng không rõ nguồn gốc. Còn ngoài địa phận quản lý thì hải quan có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan khác để cùng kiểm tra.

Cái khó là khi kiểm tra những thùng hàng trên, người ta đều xuất được hóa đơn, dù rằng hóa đơn đó chỉ ghi giá bằng một phần mười so với giá thực nên rất khó xử lý”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tìm thấy du khách người Anh bị lạc ở rừng Hoàng Liên

Chiều 20/4, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, đã tìm kiếm và cứu hộ thành công du khách người Anh bị lạc trong rừng, đoạn giáp ranh 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm