| Hotline: 0983.970.780

'Vạch mặt' thủ đoạn tinh vi đóng tàu 67 gian dối

Thứ Tư 21/06/2017 , 14:15 (GMT+7)

Từ con tàu vỏ thép “như răng rụng” của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh, tôi bắt đầu làm cuộc điều tra và phát hiện ra những “chiêu trò gian dối” của các đơn vị đóng tàu.

Thuở niên thiếu, chẳng bao giờ bà nội cho tôi tắm sông, dù ngay sau nhà có con sông Cái đầy ắp quanh năm, nước trong leo lẻo. Bởi theo bà, tôi “mạng hỏa, kỵ thủy”, gần với sông nước cầm bằng đánh đố với mệnh trời. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao, khi làm báo tôi lại gắn nghề nhiều hơn với biển cả, với ngư dân.

Trong điện thoại của tôi dày đặc số của ngư dân khắp nơi, từ huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đến Tuy Hòa (Phú Yên). Còn ở Bình Định thì nhiều vô kể, từ ngư dân đi nghề lưới vây, mành chụp đến nghề câu cá ngừ đại dương. Lâu lâu không liên lạc với nhau thì nhớ, lại gọi. Gọi để hỏi thăm biển giả lúc này làm ăn thế nào, sức khỏe ra sao.

Có thể nói, khi ngư dân có chuyện vui buồn gì cũng đều gọi cho tôi. Nhờ thế, vào cuối tháng 4 vừa qua, tôi nhận được cuộc điện thoại của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (SN 1961) ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Cuộc điện thoại đã cho NNVN cơ hội là tờ báo đầu tiên đưa thông tin về những con tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 (hay gọi là tàu 67) mới đóng mà đã gỉ sét, hư hỏng tùm lum, hiện đang nằm bờ không hoạt động được.

13-53-14_1
Tác giả trong 1 chuyến công tác đi theo “tàu 67”


1. Hôm đầu tiên tôi tiếp cận với chiếc tàu vỏ thép BĐ 99567 TS (811 CV) của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh đang nằm bờ tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát), tôi không tin vào mắt mình đây là con tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 mới triển khai chừng 3 năm, và càng không thể tin là nó chưa đến tuổi “thôi nôi”.

Tàu mới đóng chưa đầy năm mà hộp cứu hỏa, các cánh cửa, chân cầu thang… bằng sắt đã rời rã như những “chiếc răng sắp rụng”! Hơn thế nữa, những phần vỏ thép của thân tàu, của boong tàu, các đường ống van… đều gỉ sét toàn bộ. Gỉ sét nghiêm trọng đến “anh em thuyền viên đi bạn muốn đi lại trên tàu phải mang ủng, mang bao tay, chứ lỡ bị gỉ sét bung ra cứa vào chân vào tay là bị uốn ván chết như chơi. Chỉ cần đứng giậm mạnh chân lên sàn tàu là gỉ sét bung ra hốt cả mấy thúng”, chủ tàu Nguyễn Văn Mạnh minh họa.

Thật đau, bởi chi phí đóng con tàu này có rẻ gì cho cam, đến gần 16 tỷ đồng! 16 tỷ đồng chủ tàu phải vay ngân hàng, cứ 3 tháng 1 lần phải trả 1 phần vốn lẫn lãi. Ấy vậy nhưng vừa nhận con tàu về chủ tàu Nguyễn Văn Mạnh đã phải chật vật với nó. Bởi, đóng tàu hành nghề lưới vây mà khi đánh bắt lưới bủa tới đâu bị cuốn vào chân vịt đến đó thì hỏi còn làm ăn gì được.

Nhưng chẳng lẽ sở hữu con tàu vỏ thép “hoành tráng” là thế, giờ lại để nó nằm bờ? Thôi thì ông Mạnh bấm bụng vay mượn 1,5 tỷ đồng để cải hoán con tàu sang hành nghề lưới chụp, để có thể đi biển làm ăn bằng bạn bằng bè. Nào ngờ chuyến biển kế tiếp bánh lái con tàu bị sóng biển đánh quật đến gãy rời, không điều khiển được. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Khỏe, con trai ông Mạnh, và hàng chục thuyền viên có 1 phen “hồn treo cột buồm”.

“Nếu chuyến biển ấy tui không mang theo máy hàn thì không thể kịp thời khắc phục bánh lái, tàu trôi tự do thì nó bị phá nước như chơi. Mới cuối năm 2016 chớ mấy, tàu vỏ thép của ông Nguyễn Thư ở huyện Hoài Nhơn mới đóng xong đã bị phá nước ở vùng biển Vũng Tàu, nếu không được cứu hộ kịp thời thì sinh mạng của 12 thuyền viên trên tàu đi tong rồi”, anh Khỏe nhớ lại.
 

2. Từ con tàu vỏ thép “như răng rụng” của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh, tôi bắt đầu làm cuộc điều tra và phát hiện ra những “chiêu trò gian dối” của các đơn vị đóng tàu. Những “con” do Cty TNHH Đại Nguyên Dương đóng thì kết cấu sai với thiết kế, đến nỗi khi lắp máy thì không thể lắp 3 máy như hợp đồng (1 máy chính và 2 máy điện), mà phải bỏ bớt 1 máy điện.

Theo đó, bóng điện lẽ ra phải được lắp 120 bóng thì chỉ còn được lắp có 80 bóng, chủng loại từ Hàn Quốc theo hợp đồng thì bị “hô biến” thành bóng đèn của Trung Quốc. Hệ thống bảo ôn làm lạnh lẽ ra phải được lắp thiết bị của Đức hoặc của Ý thì cũng bị “hô biến” thành của Trung Quốc. Đáng quan ngại là lớp vỏ thép, từ thép Hàn Quốc hay Nhật Bản, Cty Đại Nguyên Dương cũng “hô biến” thành thép Trung Quốc. Có lẽ do vậy nên tàu mới đóng chưa đầy năm mà vỏ thép đã gỉ sét toàn bộ, trông như con tàu được đóng từ thời “cổ đại”.

Còn những “con” do Cty TNHH MTV Nam Triệu đóng hiện cũng nằm bờ hàng tháng nay do máy móc không hoạt động được. Không ít lần UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức những cuộc đối thoại giữa ngư dân và đơn vị đóng tàu.

13-53-14_2
Ngư dân Nguyễn Văn Khỏe, người bị hăm dọa khi phát hiện Cty Đại Nguyên Dương thay đổi vật liệu thép để đóng tàu, đứng trên con tàu “cổ đại” của gia đình

Tại những cuộc họp này, Cty TNHH MTV Nam Triệu mời cả đơn vị cung cấp máy tham gia để “giải thích” với ngư dân về nguyên nhân máy hỏng. Vị giám đốc đơn vị cung cấp máy thủy Mitsubishi đã có lần cam kết “máy Mitsubishi của công ty tôi 100% nguyên đai nguyên kiện”, lại còn quy chụp do ngư dân không biết vận hành nên máy mới hư. Do thế, nguyên nhân khiến máy tàu bị hư cứ treo lơ lửng, ngư dân từ người bị hại hóa thành “tội đồ”.

Sau khi Báo NNVN “nổ phát pháo” đầu tiên về vụ tàu vỏ thép 67 kém chất lượng, sau đó, hàng chục báo đài Trung ương đóng tại Bình Định và từ khắp nơi trên cả nước kéo về liên tục phanh phui vụ việc suốt hơn 1 tháng trời. “Ngọn lửa” của báo chí đã “hun” vụ tàu vỏ thép 67 ở Bình Định “nóng” trên tất cả các phương tiện truyền thông, cũng như được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm.

“Nóng” đến Bộ NN-PTNT phải lập tức vào cuộc và UBND tỉnh Bình Định phải thành lập tổ kiểm định độc lập, tiến hành thẩm định lại những con tàu vỏ thép 67 kém chất lượng, nhằm tìm ra nguyên nhân dẫn những con tàu mới đóng chưa bao lâu đã trở thành những “cục sắt vô dụng”.
 

3. Trong quá trình tổ kiểm định làm việc, sự thật gian dối dần phơi bày. Những thông tin Báo NNVN nêu trong những bài viết đầu tiên từng làm dư luận “nghi ngờ” rằng: “Liệu có đúng chủng loại thép đóng tàu bị đánh tráo như NNVN nói không?”, giờ đã được xác thực!

Sự thực bẽ bàng này đã khiến cả ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT đến ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, gần như phải “thét” lên tại nhiều cuộc họp rằng: “Nhất định phải thay lại hoàn toàn vỏ thép cho những con tàu, phải đóng đúng chủng loại thép Hàn Quốc hay Nhật Bản theo hợp đồng đã ký”.

Sau đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cũng phát biểu kiên quyết tại Hội nghị chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 được Bộ NN-PTNT tổ chức tại Bình Định vào ngày 9/6, là đồng tình với Bình Định về chuyện phải thay “áo thép” mới cho những con tàu 67.

Bên cạnh đó, tổ kiểm định còn phát hiện gần chục máy hiệu Mitsubishi mà có lần ông giám đốc đơn vị cung ứng cam kết “100% là máy nguyên đai nguyên kiện” bị lộ ra là sản phẩm “treo đầu dê bán thịt chó”. Có nghĩa là, chúng tuy “mặc áo Mitsubishi”, nhưng không đồng bộ như máy chính hãng, mà đã được cải hoán.

13-53-14_3
Hàng chục ngư dân ngồi tại bãi biển Quy Nhơn chờ gặp PV NNVN để trình bày vụ việc

Cụ thể chúng là máy bộ nhưng được “ép” làm chức năng máy thủy, nên không trụ được với sóng gió của trùng khơi, do đó dẫn đến hỏng hóc. Đứng trước sự thể này, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, lại 1 lần nữa nêu rõ quan điểm: “Phải thay toàn bộ máy mới cho ngư dân, không sửa chữa gì hết! Nếu đơn vị cung ứng máy không làm thì yêu cầu công an vào cuộc”.

Hoảng quá, ông giám đốc đơn vị cung ứng máy Mitsubishi là Cty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (TP.HCM) cấp tập ký hợp đồng với 1 đại lý độc quyền của hãng Mitsubishi đóng tại Vũng Tàu để mua cả chục máy chính hãng lắp lại cho ngư dân. Đến lúc này, Bình Định quyết không nhân nhượng với những gian dối của các công ty đóng tàu và đơn vị cung cấp máy, vào 14/6, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục có văn bản yêu cầu Công an Bình Định vào cuộc điều tra.

Trong lúc câu chuyện “tàu vỏ thép 67” đang dần lắng xuống, phóng viên các báo đài đang chờ kết quả của tổ kiểm định để tiếp tục đưa tin, thì PV NNVN lại phát hiện thêm 1 vấn đề liên quan là: Ngân hàng BIDV phòng giao dịch huyện Hoài Nhơn ngoài chuyện tiếp nhận hồ sơ cho vay còn “kiêm thêm” việc chỉ định đơn vị đóng tàu, nếu ngư dân không nghe thì “treo” hồ sơ vay vốn!

Đến lúc này, những đồng nghiệp ở Bình Định đã gán cho tôi cái tên mới là “Thung 67” thay cho “Thùng Đinh”, nói lái của Đình Thung trước đây. Vậy là “Thung 67” lại lên đường, và câu chuyện “tàu 67” vẫn chưa dừng lại...

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm