| Hotline: 0983.970.780

Vải thiều tràn ngập cửa khẩu Lào Cai

Thứ Năm 14/07/2011 , 09:42 (GMT+7)

Từ đầu tháng 7 đến nay suốt chặng đường từ Lục Ngạn (Bắc Giang) đến cửa khẩu Lào Cai dài mấy trăm cây số, hàng trăm xe vải đêm ngày nối đuôi nhau chảy ngược.

Vải thiều năm nay được mùa, lại chín muộn hơn mọi năm chừng một tháng, từ đầu tháng 7 đến nay suốt chặng đường từ Lục Ngạn (Bắc Giang) đến cửa khẩu Lào Cai dài mấy trăm cây số, hàng trăm xe vải đêm ngày nối đuôi nhau chảy ngược.

 Mùa xuất khẩu vải năm nay nhộn nhịp chưa từng thấy, cầu Kim Thành, cầu Hồ Kiều cửa khẩu Lào Cai suốt từ sáng đến chiều tràn ngập vải thiều Lục Ngạn…

Quốc lộ 70 lên cửa khẩu Lào Cai trong những ngày này xe chở vải quả kìn kìn nối đuôi nhau chạy suốt ngày đêm, con đường mới được nâng cấp hai năm nay nhưng mặt đường hẹp, cua dốc nhiều, lái xe nào cũng tranh thủ thời gian chạy hết tốc độ để giao hàng càng sớm càng tốt. Bởi thế cứ vài chục cây số lại có vụ đâm xe, sáng ngày 11/7 PV NNVN trên đường lên Lào Cai đếm được 5 vụ đâm, đổ xe.

Cách thị trấn Phong Hải 3km một chiếc xe tải cỡ lớn cướp đường chèn một chiếc xe trọng tải 2,5 tấn hất đổ nhào xuống ruộng, các thùng đựng vải thiều đổ tung tóe khắp nơi.

Từ bốn giờ sáng, cửa khẩu Lào Cai hai lối đi ra cửa khẩu đã tràn ngập đủ loại xe vải. Lối dành cho xe ô tô và lối dành cho xe thô sơ chật cứng đủ loại xe chở vải thiều. Xe nào cũng chất cao chất ngất những thùng vải quả để trong những thùng xốp trắng toát. Hai năm nay, phía Trung Quốc không nhập vải quả rời, bởi vải quả rời không để được lâu, dễ giập nát. Vải được đặt trong các thùng xốp, có đá lạnh làm mát thời gian bảo quản được lâu và vận chuyển đi xa, nên chất lượng không giảm.

Cầu Kim Thành nằm trong khu vực Kinh tế mở Kim Thành cách cầu Hồ Kiều chừng 2km đường chim bay chỉ dành cho xe ô tô chở vải xuất khẩu chính ngạch, nơi đây không mấy khi bị ùn tắc. Cầu Hồ Kiều dành cho vải xuất khẩu tiểu ngạch, từ đầu tháng 7 đến nay lúc nào cũng gần như quá tải.

Cửa khẩu Lào Cai là nơi xuất khẩu vải thiều lớn nhất sang các tỉnh phía nam Trung Quốc. Mỗi năm vải thiều xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai chừng 100 ngàn tấn. Vụ vải này, riêng vùng Lục Ngạn ước thu chừng 200 ngàn tấn, phần lớn số vải Lục Ngạn xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai. Năm nay các thương nhân Trung Quốc sang tận Lục Ngạn thu mua vải, họ chọn hàng rất kỹ, vải quả đều, mẫu mã đẹp, không sâu cuống, thuê người hái, đóng thùng…chở thẳng lên cầu Kim Thành xuất khẩu sang Trung Quốc.

Số vải này vận chuyển sâu vào nội địa: Côn Minh, Tứ Xuyên, Quí Châu, Trùng Khánh, Tây Tạng…Có tin vải thiều được xuất khẩu sang Nga và Mông Cổ. Do đó, những lô hàng vải thiều các thương nhân Trung Quốc mua tại Lục Ngạn có giá từ 15.000-18.000đ/kg là điều dễ hiểu.

Ngoài những thương nhân đến tận vùng vải "mua tại gốc, bán tận ngọn", nhiều thương nhân ở Hà Khẩu phía Trung Quốc cũng sang tận Lào Cai mua vải thông qua các đầu mối người Việt Nam tại Lào Cai. Họ đưa loại xe tải nhỏ sang Lào Cai ăn hàng, không chỉ cửu vạn người Việt Nam mà các cửu vạn người Trung Quốc cũng cởi trần khuân vải. Xe nào cũng nặng trĩu vải, những chiếc xe kéo tay ba bánh, bốn năm người đẩy vải chất cao tú hụ, bánh bẹp dí với sức nặng của lượng hàng quá tải.

Theo ông Đoàn Đình Khôi- Trưởng Ban Quản lý kinh tế các khu Cửa khẩu tỉnh Lào Cai cho biết: Tính đến chiều 13/7 lượng vải thiều xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai gần 20.000 tấn, trung bình mỗi ngày cửa khẩu Lào Cai xuất khoảng 1.000 tấn vải, trong đó có 500 tấn xuất chính ngạch qua cầu Kim Thành, 500 tấn xuất tiểu ngạch qua cầu Hồ Kiều. Việc ùn tắc phía Lào Cai không nhiều, chủ yếu ùn tắc phía Hà Khẩu, nên việc thông quan bị chậm.

Vải thiều năm nay khá đẹp, do chở bằng thùng xốp nên bán được giá, bà Trần Thị Vân người Phố Mới, một đầu mối xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc dè dặt: Từ đầu tháng đến nay vải thiều xuất đi cũng được giá, có ngày bán được 5-6 tệ, khoảng 16.000-18.000đ/kg. Nhưng đấy là buổi sáng, buổi chiều hàng lên muộn có khi chỉ bán được 3-4 tệ/kg. Cũng phải xem lượng xe chở hàng lên mà định giá, bên kia họ cũng tinh lắm, nếu xe lên nhiều họ không trả giá cao đâu. Luôn phải nghe ngóng, phải ngã giá chắc với bên kia mới chở vải sang, nếu đã mua vào không bán được giá chỉ có sạt nghiệp…

Chị Nguyễn Thị Lan mỗi ngày xuất được 30-40 tấn, chị không mua, bán theo kiểu hàng chợ. Chị hợp đồng với các đầu mối Lục Ngạn về mẫu mã, qui cách thời gian giao hàng, khi hàng lên tới Lào Cai chị mời các thương nhân sang nhận hàng: Năm nay em không mang vải sang Hà Khẩu tìm người mua như mọi năm, dễ bị họ ép giá, bắt chẹt nhất là khi họ thấy xe chở vải lên nhiều. Những đối tác của em năm nay đưa xe sang bên Lào Cai nhận hàng, thống nhất giá cả, thanh toán em làm thủ tục Hải quan giúp họ, phải cầm chắc như thế. Khách hàng mua của em họ chở sâu vào nội địa.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.