| Hotline: 0983.970.780

Vai trò DN và mô hình HTX kiểu mới

Thứ Ba 21/09/2010 , 11:44 (GMT+7)

Mời quý độc giả tiếp tục theo dõi nội dung chính buổi tọa đàm quanh chủ đề xây dựng nông thôn mới...

>> Nông thôn mới và những sự khác biệt

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng và ông Nguyễn Duy Lượng-Phó chủ tịch Hội nông dân VN đang trả lời trực tuyến

Chương trình xây dựng NTM đặt ra vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao. Đối với thực tiễn nông thôn nước ta hiện nay, vấn đề này rất khó bởi trình độ sản xuất còn lạc hậu, vậy Bộ NN- PTNT giúp đỡ nông dân như thế nào về vấn đề nêu trên?

Ông Hồ Xuân Hùng: Chúng tôi khẳng định đây là việc rất khó và lâu dài, nhưng không có nghĩa là không làm được. Vì qua thực tế chỉ đạo 11 xã điểm, đã có 3 xã đạt được tiêu chuẩn giảm hộ nghèo và đạt tiêu chí về thu nhập. Chúng ta phải có trách nhiệm dồn sức cùng nông dân để nâng cao nhanh đời sống, thu nhập cho nông dân. Với trách nhiệm của Bộ, chúng tôi thấy có một số việc cần làm:

 Thứ nhất, hướng dẫn ngay các xã, tỉnh thực hiện xây dựng quy hoạch sản xuất.

 Thứ hai, tìm mọi giải pháp để triển khai tốt Nghị định 61 của Chính phủ, hướng DN về nông thôn, làm sao để DN là cầu nối giữa nông dân, nông nghiệp với thị trường, thị trường với nông dân, hướng dẫn, trợ giúp nông dân ra thị trường.

Thứ ba là vấn đề khuyến nông. Khuyến nông có tác dụng đào tạo trực tiếp cho nông dân làm nông nghiệp, để nông dân có đủ sức tiếp cận với KHKT mới. Mỗi năm có 300.000 nông dân phải nâng cao tay nghề cho họ để họ đủ sức tiếp cận với KHKT mới.

Thứ tư, cần hướng dẫn mô hình cụ thể cho người dân thấy, bởi trăm nghe không bằng một thấy, phải làm rất cụ thể. Ví dụ, muốn hướng dẫn nông dân làm sạch làng, sạch cho nhà mình, thì phải làm hầm biogas. Hướng dẫn nhân dân làm, sử dụng ra sao, vấn đề này hoàn toàn đội ngũ kỹ thuật của Bộ có thể làm được.

Thứ năm, cung cấp thông tin cho dân. Bộ đã có một tờ báo chuyên ngành, một kênh truyền hình riêng, Hội Nông dân cũng có báo chuyên ngành. Hiện nay, cả hệ thống tuyên truyền của đất nước đang hướng về nông nghiệp, nông thôn.

Thực tế những năm vừa qua cho thấy, có rất nhiều Bộ, ngành tham gia các đề án xây dựng nông thôn. Mỗi Bộ, ngành lại có một cơ chế đầu tư, hướng dẫn riêng, nên dẫn đến có tình trạng chồng chéo về cơ chế chính sách, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, và nhiều khi còn gây lãng phí ngân sách. Thực trạng này được rút kinh nghiệm như thế nào trong chương trình xây dựng NTM hiện nay?

Ông Hồ Xuân Hùng: Đúng là có chuyện này. Ngay cả chương trình MTQG cũng có tới 11 chương trình, và chương trình mang tính mục tiêu của Chính phủ cũng có tới 13 chương trình. Dĩ nhiên không phải vùng nào cũng có đủ 24 chương trình đó. Các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa thì có nhiều chương trình hơn. Và mỗi chương trình do một bộ quản lý, nên việc kêu gọi lồng ghép rất khó, mặc dù quyền lồng ghép này đã được Chính phủ trao cho Chủ tịch tỉnh. Đó là điều thứ nhất chúng ta cần chia sẻ.

Khắc phục thế nào? Khi Chính phủ chuẩn bị ban hành Chương trình MTQG, đã thảo luận chuyện này. Đây là chương trình khung, bao gồm những chương trình trước kia được Chính phủ tiếp tục kéo dài, nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu xây dựng NTM. Ví dụ chương trình kiên cố hóa trường học trước mới đặt mục tiêu cứng hóa mà chưa có chuẩn, hoặc chương trình cứng hóa đường giao thông thì nay đặt ra chuẩn là phải rộng 5 mét hay 7 mét. Nghĩa là các chương trình hiện có nếu tiếp tục kéo dài thì đều phải hướng tới Chương trình mục tiêu xây dựng NTM.

Đây là điểm rất khác biệt. Chương trình khung này bao trùm lên các chương trình đó. Các chương trình cũ vẫn do các Bộ điều hành nhưng thông qua sự điều phối chung của BCĐTƯ về xây dựng NTM thì mọi khó khăn sẽ được xử lý.

Trong tiêu chí xây dựng NTM có đề cập đến việc xây dựng mô hình HTX. Hình thức HTX đã được xóa bỏ từ lâu, vậy mô hình HTX này có khác gì so với trước? (ông Huỳnh Văn Sinh, ở Tiền Giang)

Ông Hồ Xuân Hùng: Chưa bao giờ chúng ta xóa bỏ HTX cả, hiện nay trong nông nghiệp có trên 6.300 HTX. Nhưng vừa rồi, sau Nghị quyết Trung ương V, chúng ta chuyển đổi mô hình HTX từ kiểu cũ sang kiểu mới. Lần này, trong Nghị quyết Trung ương VII chúng ta dùng từ “mô hình sản xuất thích hợp”, không dùng “quan hệ sản xuất ở nông thôn”. Đây là điều rất khác biệt.

 Điều này có nghĩa là tập trung cao độ vào loại hình nào người nông dân thấy phù hợp với mình. Ví dụ tổ hợp tác, nghị quyết kinh tế hội, kinh tế trang trại… được nông dân rất ủng hộ. Đây là mô hình mới trong tổ chức sản xuất lần này.

Đối với mô hình HTX, chúng ta tiếp tục phát triển nhưng hoàn toàn theo nguyên tắc tự nguyện, không hành chính hóa. Các thành viên HTX không phải chỉ là nông dân, có thể là nông dân làm nông nghiệp nhưng cũng có thể là người không làm nông nghiệp nhưng gắn với tiêu thụ nông nghiệp. Mô hình HTX kết nối với mô hình DN. Đây là mô hình mở và rất mới hiện nay. (còn nữa)

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất