| Hotline: 0983.970.780

Vẫn chuyện thừa thầy, thiếu thợ

Thứ Ba 09/07/2013 , 10:02 (GMT+7)

Theo báo cáo của Sở Giáo dục & Đào tạo Thanh Hóa, toàn tỉnh có 24.956 HS, SV đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục & Đào tạo Thanh Hóa, toàn tỉnh có 24.956 HS, SV đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm. Trong đó trình độ trên đại học 45 người, trình độ ĐH 5.674 người, CĐ 6.845 người, trung cấp chuyên nghiệp 6.003 người, còn lại là cao đẳng và trung cấp nghề.

Ra ngõ gặp cử nhân

V.A (xã Minh Thọ, huyện Nông Cống) tốt nghiệp ĐH Sư phạm Mỹ thuật Hà Nội năm 2011. Háo hức cầm tấm bằng loại khá trở về quê với mong muốn xin được việc gần nhà để gần bố mẹ. Tranh thủ mọi mối quan hệ của bố mẹ để xin việc, sau 2 năm, V.A vẫn “dài cổ” nằm nhà với công việc chính là làm “ô sin” cho mẹ như lời V.A tâm sự.

V.A cho biết thêm: Hiện lớp ĐH của em có 80 bạn thì chỉ khoảng 20% xin được việc làm. Bản thân em cũng đã xin vào làm thử ở nhiều nơi, thậm chí do “khát” việc nên gia đình đã bỏ ra một số tiền để chạy cho em vào chỗ nọ, chỗ kia. Người hứa xin việc cho em đã cầm tiền nhưng cứ lần lữa nên gia đình đòi lại. Nhưng số tiền nhận về không đủ như số tiền đã đưa cho người chạy việc.

Em Phạm Văn C (xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc) tốt nghiệp ĐH Hồng Đức, Khoa Sư phạm Lý năm 2011. Sau khi ra trường, cầm tấm bằng cử nhân đi gõ cửa nhiều nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh nhưng vẫn không xin được việc.

Trong thời gian đi Hà Nội xin việc, em đã phải làm thuê cho một cửa hàng chuyên sửa chữa xe máy để kiếm sống. Tuy nhiên, đồng tiền công ít ỏi không đủ để C trang trải cuộc sống đắt đỏ giữa thủ đô, em lại khăn gói trở về quê.

Hoàn cảnh gia đình C đặc biệt khó khăn: Bố mất sớm, mẹ ở vậy nuôi 2 anh em ăn học. Cả gia đình thu nhập chính từ hơn 2 sào ruộng khoán. Để nuôi hai anh em C học xong ĐH, mẹ C trở thành “con nợ”. Vay vốn ưu đãi SV không đủ, mẹ C đã phải vay hết bà con, anh em mới chật vật nuôi được các con theo đuổi đến ngày tốt nghiệp ra trường.

Không thể cứ ở mãi nhà ăn bám người mẹ nghèo khó, C lên TP Thanh Hóa, vừa đi làm bưng bê tại một cửa hàng ăn uống để kiếm tiền, vừa học nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Dạy nghề Tuấn Hiền.

Giọng buồn buồn, C chia sẻ: Cứ nghĩ chọn học sư phạm để đỡ tiền học cho mẹ, ra trường lại dễ xin việc làm. Sau 4 năm theo đuổi ước mơ, cùng với đống nợ mẹ cõng trên lưng, nào ngờ… C bở dở câu nói, đôi mắt dõi vào xa xăm.

V.A và C chỉ là hai trong số hàng chục nghìn SV tỉnh Thanh Hóa tốt nghiệp ĐH chưa có việc làm.

Thực trạng & giải pháp

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là bởi những năm gần đây, các trường tư thục từ hệ ĐH đến trung cấp, các trường dạy nghề được thành lập một cách ồ ạt.

Thêm vào đó, nhiều trường còn mở một số ngành mới mà không tính đến vấn đề đầu ra, việc làm cho SV sau tốt nghiệp. Bởi vậy, chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo ở nhiều mã ngành quá lớn, cung vượt cầu dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ.

Tại tỉnh Thanh Hóa hiện có tới gần 20 trường ĐH, CĐ, TCCN hệ chính quy và tư thục. Mỗi năm đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh hàng vạn người. Tiêu biểu như trường ĐH Hồng Đức, Chi nhánh trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Cao đẳng nghề Công nghiệp, Trung cấp nghề Thương mại - Du lịch…


Học nghề kỹ thuật nấu ăn của trường Trung cấp nghề Thương mại - Du lịch Thanh Hóa

Nhiều ngành có số SV thất nghiệp kỷ lục, đứng “top ten” là ngành Sư phạm với 3.762 SV, ngành Công nghệ Thông tin với 3.650 SV, đến các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, nông lâm - ngư nghiệp…

SV thất nghiệp phần đông ở các huyện như Hoằng Hóa có tới 2.815 SV (trong đó ĐH là 456 em); Nông Cống 2.800 SV (ĐH là 600 em), Hậu Lộc 2.108 SV (ĐH 541 em). Các huyện Quảng Xương, Triệu Sơn…, mỗi huyện cũng có từ vài trăm đến hàng nghìn SV thất nghiệp.

Ngoài ra, trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có 1.917 HS diện học cử tuyển, số SV đã tốt nghiệp ra trường là 1.259 SV, tuy nhiên chỉ có 534 SV đã có việc làm, số còn lại hiện vẫn còn thất nghiệp.

Cũng theo báo cáo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, ở tỉnh này còn đang tồn tại một thực trạng thừa, thiếu giáo viên tới mức báo động. Số lượng đã được đào tạo để giảng dạy ở bậc học mầm non, tiểu học, THCS và THPT nhưng chưa được tuyển dụng cơ bản, có thể đáp ứng nhu cầu thực tế cho vài năm tới.

Số lượng SV tốt nghiệp ĐH chưa tuyển dụng còn dư nhiều so với nhu cầu cần tuyển dụng trong những năm tiếp theo.

Trong khi nghịch lý là ở bậc học mầm non, giáo viên thiếu tới 2.893 người. Lý do là các trường mầm non mới chuyển đổi từ bán công sang công lập, nên đối tượng được tuyển dụng số lượng còn ít so với nhu cầu. Vì vậy, để đảm bảo việc dạy và học của các nhà trường và chờ đợi biên chế, giải pháp tình thế là UBND cấp huyện, xã phải ký hợp đồng lao động với các giáo viên.

Ở bậc tiểu học, số lượng giáo viên hiện có mới chỉ đáp ứng được tỷ lệ 1,25 GV/lớp. Nếu để đáp ứng việc dạy học 2 buổi/ngày, số lượng giáo viên tiểu học còn thiếu 1.390 người. Tuy nhiên, đối với bậc THCS, do mấy năm qua số lượng HS THCS giảm nhanh và giảm nhiều, tổng số giáo viên thừa so với định mức lên đến 1.397 người.

Một nguyên nhân nữa, đó là “đẻ” ra loại hình vừa học vừa làm khiến số lượng SV ngày càng lớn; trong khi nhu cầu tuyển dụng ít do những năm gần đây các cơ quan nhà nước đã ổn định, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng...

Dẫn đến thực trạng trên một phần nguyên nhân chính là từ phía phụ huynh và bản thân các em học sinh. Ngay từ vấn đề chọn trường, lựa chọn ngành học, các em và gia đình đã thiếu những thông tin căn bản về nhu cầu của xã hội. Không thiếu những trường hợp thi và học trường nào, ngành nào là do sở thích, trào lưu…

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt vừa có ý kiến chỉ đạo, giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở GD&ĐT, LĐ-TB&XH, Nội vụ và các đơn vị liên quan xây dựng phương án bố trí việc làm cho số HS, SV đã tốt nghiệp từ trình độ trung cấp trở lên chưa có việc làm; báo cáo kết quả triển khai với Chủ tịch UBND tỉnh.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.