| Hotline: 0983.970.780

Vẫn có thể mở rộng cao su miền núi phía Bắc

Thứ Tư 11/12/2013 , 10:08 (GMT+7)

Đây là khẳng định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Cao su miền núi phía Bắc – Thực trạng và giải pháp”...

Đây là khẳng định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Cao su miền núi phía Bắc – Thực trạng và giải pháp” do Viện Chính sách chiến lược NN-PTNT (Ipsard) tổ chức sáng qua (10/12), tại Hà Nội.

Tìm kiếm những thị trường mới thay Trung Quốc

Theo ước tính của Bộ NN-PTNT, khối lượng XK cao su sang thị trường Trung Quốc tháng 9 đạt 100 nghìn tấn với giá trị 223 triệu USD. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 9, XK mặt hàng này đạt 710 nghìn tấn với giá trị đạt trên 1,68 tỷ USD, giảm 1,2% về khối lượng và giảm 17,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. 

Trung Quốc tuy vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng, chiếm 42,7% tổng giá trị XK, nhưng so với năm 2012, XK cao su sang thị trường này lại có xu hướng giảm mạnh, giảm 10,3% về khối lượng và giảm 24,8% về giá trị. Ngược lại, thị trường Ấn Độ lại đang NK số lượng lớn cao su Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11, Việt Nam XK sang Ấn Độ gần 100 nghìn tấn cao su, tương ứng giá trị khoảng 200 triệu USD. Cùng kỳ năm 2012 XK cao su sang Ấn Độ đạt 88,2 triệu USD, cho thấy XK cao su sang thị trường này đã tăng hơn 112%. Hiệp hội Cao su Việt Nam tính toán, năm 2009, tổng giá trị XK cao su của Việt Nam sang Ấn Độ mới đạt khoảng 9 triệu USD.


Cao su Tây Bắc sẽ cho mủ vào năm 2014

Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ có hiệu lực năm 2010, XK cao su sang Ấn Độ liên tục tăng trưởng ấn tượng, đến nay đã tăng hơn 20 lần về giá trị so với 2009. Là một trong những nền kinh tế lớn và tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhu cầu cao su tự nhiên hàng năm của Ấn Độ tăng trưởng ở mức cao hơn 7%. Năm 2012, tiêu thụ cao su nội địa của Ấn Độ đạt hơn 1 triệu tấn, như vậy nhu cầu NK được dự báo vẫn sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới và đây là cơ hội đối với ngành cao su Việt Nam.

“Xu hướng của toàn ngành cao su Việt Nam trong thời gian tới là giảm dần tỷ trọng XK sang Trung Quốc từ 48% năm 2012 còn dưới 40% trong năm 2013 và đẩy mạnh XK cao su sang Ấn Độ và một số thị trường mới khác. Ngoài ra, hiện thế giới dần dần ưa chuộng cao su thiên nhiên, thay thế cao su tổng hợp được làm từ dầu thô đang bắt đầu cạn kiệt, cũng là cơ hội cho cao su Việt Nam.

Như vậy, rõ ràng, với diện tích cao su toàn quốc là hơn 900 nghìn ha, sản lượng 860 nghìn tấn, thì nhu cầu mở rộng diện tích cao su, đặc biệt là vùng miền núi phía Bắc, là hoàn toàn có cơ sở”, bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam, khẳng định. 

Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật 

Theo ông Phùng Giang Hải, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thể chế nông thôn thuộc Ipsard, khi vùng miền Đông Nam bộ đã không thể mở rộng diện tích, miền Trung thì độ rủi ro với cao su rất cao do bão lũ, nên diện tích cao su miền núi phía Bắc phát triển khá nhanh là tất yếu. Thực tế cho thấy, vẫn còn khá nhiều diện tích đất ở khu vực miền núi phía Bắc có thể sử dụng để phát triển cao su.

Tuy nhiên, với điều kiện địa hình tương đối khó khăn, thời tiết khí hậu không thực sự thuận lợi, đương nhiên, để cao su có thể “đứng” được ở đây, đòi hỏi phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng cao su.

“Các kết quả nghiên cứu khảo nghiệm cho thấy cây cao su có thể phát triển được tại khu vực trên, nhưng các vấn đề như quy hoạch chi tiết phù hợp, giống chịu lạnh cũng như một số điều kiện khác để đảm bảo giảm thiểu được rủi ro cho người dân là những yếu tố cốt yếu đảm bảo cho khả năng phát triển cao su”, ông Hải nhận xét. 

Kết quả điều tra của Ipsard cũng cho thấy, trong giai đoạn 1958-1962, tại phía Bắc đã phát triển cao su thành công ở Thanh Sơn (Phú Thọ). Còn ở huyện Phong Thổ (Lai Châu) hiện tồn tại vài chục cây cao su xuất xứ từ Trung Quốc được trồng năm 1993. Từ kinh nghiệm các loại giống được trồng tại miền núi phía Bắc đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của 2 đợt rét kỷ lục, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã chủ động chọn các giống cao su chịu rét (IAN 873, VNg 77- 2, VNg 77- 4…), cũng như thay đổi thời gian trồng nên qua kiểm tra thực tế hầu hết các diện tích cao su đều phát triển tốt. 

“Để nâng diện tích cao su vùng miền núi phía Bắc lên 50 nghìn ha năm 2020, hiện đạt 21 nghìn ha, và đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, thì cần thiết phải tuân thủ chặt chẽ khâu chọn giống, sản xuất và cung ứng giống tại chỗ, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật cũng như biện pháp canh tác”, ông Hải khuyến cáo.

Qua kiểm tra thực tế, một phần lớn cao su đại điền tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Sơn La sẽ được cạo mủ vào năm 2014. Theo đánh giá của Ipsard, năng suất dự kiến của cao su khu vực này có thể đạt hơn 1 tấn/ha/năm, mang lại nhiều triển vọng hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân miền núi phía Bắc.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.