Lý do đưa ra là bộ này cho rằng những phương tiện này là thủ phạm gây ô nhiễm không khí hết sức nặng nề.
Đề xuất này đang gây xôn xao dư luận, nhất là trong giới lao động nghèo ở hai thành phố lớn nhất nước.
Đúng là trong một số ngày trong năm 2020, chất lượng không khí ở hai thành phố trên đều ở mức chạm ngưỡng xấu và rất xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Nhưng còn những ngày khác trong năm, thì chất lượng không khí đều ở mức bình thường và tốt, trong khi lượng xe máy cũ nát thì không thay đổi. Vậy kết luận xe máy cũ nát là thủ phạm làm chất lượng không khí xấu đi, có vội vàng quá không ?
Thứ nhất, đã nói xe máy cũ nát là thủ phạm gây ô nhiễm không khí thì phải có thống kê cụ thể. Mỗi thành phố trên có bao nhiêu xe máy cũ nát? Mỗi chiếc xe mỗi ngày thải ra bao nhiêu mét khối không khí ô nhiễm? Khí thải ô nhiễm của chừng ấy xe máy mỗi ngày thải ra chiếm bao nhiêu phần trăm không khí? Rõ thế thì mới có sức thuyết phục. Nói mà không có dẫn chứng, chẳng ai tin.
Thứ hai, xe máy, dù là xe cũ nát, thì cũng là tài sản của dân. Mà tài sản của dân thì được hiến pháp và pháp luật bảo vệ.
Cho đến nay, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về tuổi thọ của xe máy là bao nhiêu? 10 năm? 15 hay 20 năm? Hết thời hạn đó, bắt buộc phải dừng lưu thông hay hủy bỏ. Đã không có quy định ấy, thì căn cứ pháp lý nào để thu hồi, hủy bỏ xe máy cũ nát của dân?
Thứ ba, xe máy là phương tiện mưu sinh của hàng triệu người dân nghèo của hai thành phố trên. Họ dùng xe máy để đi làm thuê hay chở nông sản, thủy sản, thực phẩm (rau củ, tôm cá, thịt, gia cầm…) vào thành phố để tiêu thụ, kiếm miếng cơm manh áo nuôi gia đình.
Những hàng hóa đó lại không được phép mang lên xe buýt hay các phương tiện giao thông công cộng khác. Do thu nhập thấp nên họ thường không có điều kiện mua xe sang. Nay thu hồi, hủy bỏ những phương tiện đó, thì khác nào hất đổ nồi cơm của họ ?
Thứ tư, các phương tiện vận tải công cộng hiện nay chủ yếu vẫn là xe buýt và taxi, nhưng cũng mới chỉ đảm nhận được từ 15-20% nhu cầu đi lại của dân ở hai thành phố trên. Hơn thế nữa do hạ tầng giao thông không đảm bảo, nên tắc đường xảy ra thường xuyên, lại thêm nạn trộm cắp, móc túi, quấy rối tình dục… rất hay xảy ra trên xe, nên hành khách rất ngại, thậm chí xa lánh loại phương tiện này.
Trong hoàn cảnh đó, thì xe máy vẫn là lựa chọn số 1 của đa số người nghèo. Để giảm số lượng của loại xe này, tốt nhất là hãy khuyến khích, tuyên truyền để người dân thay thế bằng xe mới, chứ không nên thu hồi, hủy bỏ. Bởi không có căn cứ pháp lý để thu hồi.