| Hotline: 0983.970.780

Vận hành hiệu quả công trình khí sinh học

Thứ Hai 01/12/2014 , 09:25 (GMT+7)

Hai loại công trình khí sinh học (KSH) quy mô hộ nông dân được sử dụng trong dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) là công trình KSH nắp cố định (kiểu KT1 và KT2) và công trình KSH làm bằng composite. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được kỹ thuật vận hành các công trình KSH này.

Theo hướng dẫn của Ban Quản lý dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, bà con cần tiến hành đúng các quy trình sau:

Chuẩn bị nguyên liệu nạp ban đầu

Ban đầu cần nạp một lần nguyên liệu đầy tới mức ngang đáy bể điều áp (mức số 0). Lượng chất thải nạp đầy vào công trình được xác định dựa trên thể tích phân giải của công trình. Thông thường tỷ lệ pha loãng là 2 - 3 lít nước/kg chất thải nên lượng chất thải nạp an đầu là 250 - 330 kg chất thải/m3 thể tích phân giải.

Chất thải có thể thu gom tối đa là 10 ngày trước khi nạp. Chỉ dùng chất thải của các con vật khỏe mạnh. Tuyệt đối không dùng chất thải của những động vật có tiêm kháng sinh. Bởi kháng sinh có thể tồn dư hàng tháng, khi cho vào bể phân giải sẽ giết chết các vi khuẩn. Để tránh cho phân bị khô, phải thường xuyên tưới nước. Nếu có điều kiện có thể ngâm phân trong nước thì khi nạp sẽ cho khí mau hơn.

Pha loãng và hòa trộn nguyên liệu

Đối với chất thải (phân + nước tiểu) động vật, tỷ lệ pha loãng từ 2 - 3 lít nước cho 1 kg chất thải tùy thuộc vào mức độ nguyên liệu loãng hay đặc. Nước pha loãng là nước ngọt không được quá kiềm hoặc quá axit. Nước hồ, ao tự nhiên tốt hơn nước máy. Nếu trong bể phân giải còn nước, cần điều chỉnh lượng nước pha loãng để nguyên liệu đạt tỷ lệ nước thích hợp.

Nạp nguyên liệu

Có thể nạp nguyên liệu qua cả lối vào và lối ra hoặc cửa thăm. Việc nạp cần càng nhanh càng tốt. Khi nạp, nếu nắp đậy kín thì cần mở hết các van khí để không khí trong công trình thoát ra ngoài, không tạo áp suất quá lớn làm nứt công trình. Để công trình nhanh chóng hoạt động và SX đủ khí theo thiết kế, lượng nguyên liệu nạp ban đầu cần đảm bảo ít nhất đạt 50% so với thiết kế.

Sau khi nạp xong, đậy nắp công trình và đóng khóa khí lại để tạo môi trường kỵ khí (không có ôxy) cho quá trình phân giải. Ban đầu, thành phần mê tan thấp nên khí chưa cháy được và có mùi rất khó chịu. Cần xả hết khí tạp này vài ba lần bằng cách bật đi bật lại bếp từ 2 - 3 lần. Sau đó châm lửa thử ở bếp. Nếu khí bắt cháy là có thể sử dụng được.

Các tạp chất độc cần tránh khi nạp nguyên liệu. Không cho các tạp chất sau đây vào bể phân giải: Đất, cát, sỏi, đá… vì chúng sẽ gây lắng cặn. Que, cành cây, mẩu gỗ là các thứ khó phân giải. Dầu mỡ, xà phòng, thuốc tẩy, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu, thuốc sát trùng, phân và nước tiểu của động vật dùng kháng sinh... sẽ giết chết vi khuẩn.

Tùy loại nguyên liệu và thời tiết, thời gian chờ có khí sinh ra sau khi nạp lần đầu dài ngắn khác nhau. Nếu dùng chất thải lợn hoặc chất thải trâu bò vào thời tiết nắng nóng thì chỉ vài chục giờ sau, thậm chí chỉ vài giờ sau đã có khí cháy được. Dùng các nguyên liệu khác hoặc thời tiết rét lạnh, thời gian này lâu hơn, có thể tới hàng tuần và hơn nữa.

Vận hành công trình hàng ngày

Việc nạp nguyên liệu bổ sung hàng ngày chỉ được tiến hành sau khi nạp ban đầu hai tuần nếu hoạt động của công trình bình thường. Cần theo dõi hoạt động thực tế của công trình sau một thời gian để xác định lượng nạp bổ sung thích hợp nhất sao cho đạt sản lượng khí cao nhất. Lưu ý, nạp quá nhiều hoặc quá ít đều làm cho sản lượng khí giảm.

Lượng nguyên liệu nạp hàng ngày không vượt quá thông số thiết kế của công trình. Vào mùa đông, nếu nhiệt độ trung bình từ 10 - 15 độ C, lượng chất thải nạp là 6 - 9 kg/ngày/m3. Nhiệt độ từ 15 - 20 độ C, lượng chất thải nạp từ 8 - 12 kg/ngày/m3. Nhiệt độ > 20 độ C, lượng chất thải nạp từ 11 - 16 kg/ngày/m3.

Khuấy đảo dịch phân giải và phá váng

Việc khuấy đảo dịch phân giải có tác dụng tăng sản lượng khí lên đáng kể. Có thể dùng một cái gậy thọc qua ống lối vào của công trình rồi kéo lên, đẩy xuống nhiều lần. Bên cạnh đó, váng cũng là một trong những tác nhân cản trở khí thoát ra khỏi bề mặt dịch phân giải. Nếu váng quá dày có thể ngăn cản hoàn toàn không cho khí thoát ra. Khi váng quá dày, cần mở nắp ra để lấy đi.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.