| Hotline: 0983.970.780

Vận hành liên hồ chứa

Thứ Tư 05/11/2014 , 10:10 (GMT+7)

Quy trình vận hành liên hồ chứa vừa được Chính phủ ban hành đã dành quyền khá lớn cho người ra quyết định trong quá trình vận hành thực tế các hồ chứa cắt giảm lũ cho hạ du.

* Nâng cao công tác dự báo

Văn phòng thường trực Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo “Vận hành liên hồ chứa trên lưu vực các sông lớn khu vực miền Trung, Tây Nguyên: Trách nhiệm và thách thức”.

08-01-51_2

Trách nhiệm cao

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 7 quyết định phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực các sông lớn: Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba, sông Sê San, sông Srêpôk, sông Hương, sông Trà Khúc, sông Kôn - Hà Thanh.

Theo các chuyên gia, quy trình vận hành liên hồ chứa là cơ sở pháp lý quan trọng để cụ thể hóa công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước và giảm lũ hạ du. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả không phải chuyện dễ, nhất là khi công tác dự báo còn rất yếu.

Theo GS.TS Hà Văn Khối (ĐH Thủy lợi Hà Nội), trước khi xây dựng các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở các tỉnh miền Trung, hầu như quy hoạch lưu vực các con sông chưa được nghiên cứu đầy đủ, nếu không muốn nói là chưa có.

Thêm vào đó, quy hoạch chuyên ngành chưa có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành nên khi quy hoạch các hồ chứa, chưa xem xét thấu đáo nhiệm vụ khai thác tài nguyên nước, đặc biệt là nhiệm vụ phòng chống lũ hạ du, lợi ích phát điện và cấp nước cho hạ du vào mùa kiệt. Chính vì vậy, khi vận hành, nhiều vấn đề phát sinh và gây khó cho việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa.

“Tất cả các hồ thủy điện ở miền Trung đều có cột nước rất cao, lũ lên xuống rất nhanh, dòng chảy cơ bản trước và sau khi lũ về nhỏ nên gây khó cho công tác dự báo.

Trong khi đó, những phương pháp dự báo chúng ta đang áp dụng chưa thể đáp ứng theo yêu cầu của quy trình vận hành”, GS.TS Hà Văn Khối nói.

Quy trình vận hành liên hồ chứa vừa được Chính phủ ban hành đã dành quyền khá lớn cho người ra quyết định trong quá trình vận hành thực tế các hồ chứa cắt giảm lũ cho hạ du. Khi người đảm nhận trọng trách ra quyết định, phần lớn dựa vào kết quả của dự báo. Nếu như dự báo không chính xác, trách nhiệm cuối cùng người ra quyết định phải “lãnh đủ”.

GS.TS Hà Văn Khối chia sẻ thêm: “Số liệu quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lũ là đặc biệt quan trọng cho các quyết định điều tiết vận hành trong mùa lũ.

Bởi vậy, cần xây dựng một mạng lưới đủ lớn để có số liệu phục vụ vận hành, đồng thời cần thiết phải xây dựng phương pháp dự báo đủ tin cậy và có mức đảm bảo đủ để người ra quyết định có cơ sở ra quyết định vận hành. Phương pháp dự báo phải có tính hệ thống trên cơ sở tích hợp các mô hình dự báo mưa, dự báo lũ và điều tiết hồ chứa”.

Dự báo yếu

PGĐ Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Trung Trung bộ, ông Đinh Phùng Bảo cho biết: "Khu vực Trung Trung bộ có mạng lưới sông suối rất phức tạp, các sông đều bắt nguồn từ những vùng núi cao của dãy Trường Sơn đổ ra biển Đông.

08-01-51_1
Thủy điện A Vương (Quảng Nam)

Trên toàn khu vực có 4 hệ thống sông lớn gồm sông Gianh, sông Hương, sông Thu Bồn - Vu Gia và sông Trà Khúc. Vào mùa lũ, các hệ thống sông nói trên cùng các hệ thống sông nhỏ thường gây ngập lụt nghiêm trọng cho vùng hạ lưu và lũ quét vùng thượng lưu. Hầu hết các sông ở khu vực Trung Trung bộ đều ngắn và có độ dốc lớn, dòng chảy lũ thường rất ác liệt.

Thêm vào đó, những năm gần đây, hệ thống hồ chứa thủy điện tại khu vực Trung Trung bộ phát triển khá mạnh, đặc biệt là các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Các hồ chứa thủy điện lớn tập trung chủ yếu tại tỉnh TT - Huế (trên lưu vực sông Hương) và tại tỉnh Quảng Nam (trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn)".

Cũng theo ông Bảo, mạng lưới trạm quan trắc KTTV cơ bản hiện nay còn khá thưa, đặc biệt là tại các lưu vực lòng hồ. Có thể ví dụ: Hệ thống hồ chứa sông Hương chỉ có 1 trạm khí tượng, 1 trạm thủy văn trên lưu vực hồ Tả Trạch; lưu vực hồ Hương Điền chỉ có 1 trạm đo mưa và 1 trạm đo thủy văn; lưu vực hồ Bình Điền không có trạm đo KTTV.

“Hội thảo đã nêu ra trách nhiệm, khó khăn mà những cơ quan chức năng, mỗi địa phương, chủ hồ phải đối mặt. Điều cần làm ngay là phải xây dựng cơ chế phối hợp, đặc biệt trong những trường hợp xả lũ. Tiếp tục đầu tư, nâng cao công tác dự báo. Các địa phương phải cập nhật những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp”, ông Nguyễn Văn Vỹ, PGĐ Trung tâm PCLB khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Vùng hạ lưu có 2 trạm thủy văn Phú Ốc và Kim Long. Hệ thống hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn chỉ có 1 trạm đo mưa trên lưu vực hồ Sông Bung 4, 1 trạm đo mưa trên hồ ĐakMi 4. Về thông tin dữ liệu, hiện chỉ có 2 hệ thống thông tin: Một là giữa hệ thống trạm đo KTTV và đơn vị dự báo KTTV; hai là giữa hồ chứa và đơn vị dự báo KTTV.

Dữ liệu cung cấp từ các hồ chứa chưa được thống nhất. Một số hồ có số liệu quan trắc mực nước, lưu lượng từng giờ; một số hồ chỉ có số liệu tại các obs chính. Một số hồ có bản tin dự báo đầy đủ, nhưng nhiều hồ hiện cũng chỉ cung cấp một số thông tin, số liệu cần thiết.

“Hồ chứa thủy lợi và thuỷ điện là những công trình làm thay đổi chế độ dòng chảy trên sông. Các công nghệ dự báo thủy văn trước đây không còn sử dụng được khi các hồ chứa đi vào hoạt động. Để dự báo phục vụ vận hành liên hồ chứa, công nghệ được sử dụng hiện nay chủ yếu là các mô hình thủy văn, thủy lực. Hệ thống trạm quan trắc mưa tại một số hồ chứa chưa được đầy đủ; kỹ thuật quan trắc, truyền tin phục vụ dự báo còn chưa đồng bộ đã gây khó khăn cho công tác dự báo phục vụ vận hành liên hồ”, ông Bảo nói.

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại trong công tác dự báo khi vận hành liên hồ chứa, ông Bảo đề nghị, các hồ chứa cần xây dựng mạng lưới trạm quan trắc mưa, dòng chảy đầy đủ, phân bố phù hợp trên lưu vực, đảm bảo cho việc giám sát mưa cũng như cung cấp thông tin dòng chảy về hồ, tình hình lũ tại hạ du. Cần có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ hơn giữa các đơn vị vận hành hồ chứa và đơn vị dự báo KTTV trong việc cung cấp, trao đổi thông tin.

“Lũ hạ du các hồ thủy điện hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào quá trình dòng chảy từ các hồ đổ về, vì vậy các hồ chứa cần phải cung cấp chính xác, chi tiết và kịp thời về lưu lượng xả, chạy máy cho các đơn vị dự báo lũ. Khi có sự thay đổi lưu lượng xả đã dự kiến, cần phải thông tin ngay cho đơn vị dự báo lũ và các đơn vị liên quan”, ông Bảo yêu cầu.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất