| Hotline: 0983.970.780

Văn hóa cà phê

Thứ Bảy 20/10/2018 , 07:55 (GMT+7)

Đã thu. Hai tiếng ấy nếu đang ở Hà Nội thì sẽ nghe lòng chùng xuống, muốn một chiếc áo đẹp, muốn bước ra đường. Đi em, lên Bờ Hồ, đi em. Nếu đang xa Hà Nội thì sẽ ngẩn ngơ nhớ, một vệt lá vàng, một dáng hình, một màu hoa cúc...

Chúng tôi hay ngồi ở nhà Thủy Tạ. Bàn ghế đen tuyền, hoa văn kiểu Pháp. Nhà Thủy Tạ hàng mấy mươi năm không thoát nổi xác quốc doanh mậu dịch. Kệ họ, vấn đề là chúng ta mua chỗ ngồi chứ không mua cung cách. Giá cả trên trời, nhà vệ sinh bệ rạc nhưng vị trí của nó không nơi đâu sánh được. Nghe gió trên những vòm lá mà ta kính cẩn gọi là Ông cây, Già cây, Lão cây, Trự cây. Cầu Thê Húc đỏ tía ấm áp, đặc thù. Cà phê phin, nhất định phải phin đặt trên những cái tách sứ. Một buổi đầy, im lặng cũng không thấy chán. Hôm nào có các bạn nữa thì chúng tôi đứng lên, Hàng Đường đi, ừ, thì đi, trời quá đẹp, tội gì không tìm thời gian mà giết nó, đi!

Ảnh minh họa

Cà phê Hàng Đường đưa chúng ta về thời tem phiếu, than tổ ong và tàu điện leng keng. Dĩ nhiên những thứ vừa kể bị tuyệt chủng rồi. Chỉ còn một gian quán rất đặc trưng: vỏn vẹn chừng tám mét vuông, một cầu thang gỗ dựng đứng lên gác xép, bàn cóc ghế cóc, xê dịch tự nhiên, ngồi lẻ hay ngồi nhóm khách thu xếp lấy. Nhất định phải có những cái cốc nhỏ hơn cốc bia tươi (mà người Hà Nội gọi là cốc vại), vâng, cốc vừa, bằng thứ thủy tinh còn sót bọt.

Chao ơi, hỏi vị chủ quán trung niên thâm trầm và kiêu ngầm rất Hà Nội rằng, thế cốc này không tuyệt chủng ư? Trịnh trọng khiến cho khách há hốc mồm chờ rồi mới thủng thẳng: “Nghề chơi cũng lắm công phu, có một chỗ vẫn thổi thứ thủy tinh thời bao cấp để cung cho các nơi hoài cổ đấy các bác ạ”. Cà phê ở đây là cà phê đá, sục bọt dậy đến gần chạm miệng cốc rồi mới cho năm ba viên đá nhỏ vào. Phải thừa nhận nó xứng đáng để ngồi ghế cóc và chờ, trong mùi thuốc lá của cánh đàn ông hay chém gió và một khung cảnh cứ muốn òa khóc nhớ thương những mùa đông đói rét chưa xa.

Từ nhà Thủy Tạ đến Hàng Đường là một quãng dài hàng nửa thế kỷ. Người Hà Nội tháo vát đã khiến chung quanh phố cổ và mở rộng ra khắp các quận những quán cà phê đặc trưng văn hóa Hà thành. Muốn vỉa hè kiểu Paris ư, có ngay, bàn và ghế dưới những mái vòm của những khách sạn sang trọng. Muốn riêng tư kín đáo ư, quán toàn khung gỗ và kính cường lực trên tầng, mắt chạm cây sấu cây hoa sữa, ghế kểu salon, không một tiếng ồn. Ai vào đây đều muốn cười mỉm, nói khẽ, lào thào, tình tứ. Thu vàng hay đông giá, ngồi cả ngày với laptop và tưởng như mình đang ở châu Âu. Không thiếu những quán dành cho khách dễ tính, nhưng đừng đùa với cà phê Hà Nội, uống không quen sẽ lâng lâng cả ngày, không thể nào chợp mắt được.

Sài Gòn là đất của cà phê đá. Khí hậu khô nóng quanh năm, vào quán gọi một cái đá, người ta sẽ biết là cà phê đen đá. Nhưng du khách mê cà phê sữa đá của Sài Gòn hơn. Một người ngoại quốc vào một cái quán mở toang cửa, gọi cà phê đá và bánh mì kẹp thịt, biết chắc người này rất rành Sài Gòn. Nhìn ở đâu cũng thấy người ta uống cà phê, góc phố, công viên, bờ rào, vỉa hè… quán từ nhỏ một gian cho đến quán rộng bát ngát nguyên một khu vườn. Và gọi cà phê phin kiểu Pháp, có ngay, người Pháp ngự trị lâu bền thật trong tâm thức chúng ta, có lẽ chỉ Việt Nam mới trung thành với cà phê phin hơn ở nhiều nước vẫn xem Pháp là cái nôi văn hóa châu Âu.

3115-14709709-1271913972871352-1625243035287683072-n111035017
Ảnh minh họa

Thi thoảng vợ chồng tôi hay nhảy xe buýt lên Đồng Khởi quận 1 để ngồi cà phê ở hiên khách sạn Continental giá gấp tám lần cà phê bờ sông Thanh Đa. Không sao, nói như gã trung niên cà phê Hàng Đường, nghề chơi cũng lắm công phu. Ngồi để ngửi mùi phố cũ Hà Nội, Tràng Tiền, Nhà Hát Lớn, để nhớ những gì đã xa và đang xa. Dung dăng phố sách, phố đi bộ, rồi lại leo xe buýt về, một buổi đầy, đừng nghĩ Sài Gòn không có thu, Sài Gòn thu sớm hơn Hà Nội. Lá bàng trở vàng, gió hiu hiu, khăn voan em trắng muốt, con sẻ con sóc trên cành me. Ta vẫn còn em, cây bàng mồ côi, góc phố mồ côi, ta và em, và bất tử.

Cánh bạn chúng tôi là người nước ngoài đồng thanh bình chọn Việt Nam đáng yêu nhờ phở, bánh mì kẹp thịt và cà phê sữa đá. Rất tiện, mấy bước chân là có. Những ngày đầu của Hamburger và Starbucks rộn ràng giới trẻ nhưng không bao lâu cũng phải hạ nhiệt. Thức ăn nhiều béo cùng cà phê kiểu Tây uống thay nước trà, rất xa lạ với người Việt. Những người hăm hở kinh doanh các thứ ấy ngạc nhiên. Không có gì lạ, bởi chiều sâu văn hóa trong ẩm thực là đậm nhất, lưu giữ lâu bền nhất, vì vậy nó cũng bật lại rõ nhất cho dù có lúc như là bị lấn át, lung lay.

(Kiến thức gia đình số 42)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm