| Hotline: 0983.970.780

Văn hóa nông thôn - Tính hai mặt trong quá trình phát triển

Thứ Tư 13/10/2010 , 10:48 (GMT+7)

Bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn và phát triển là một trong tiêu chí quan trọng bậc nhất trong quá trình xây dựng NTM.

LTS: Bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn và phát triển là một trong tiêu chí quan trọng bậc nhất trong quá trình xây dựng NTM. Ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ, gửi cho mục Hiến kế bài viết tâm huyết, trong đó có chỉ ra những hạn chế của tính cách người dân nông thôn trong quá trình phát triển; chúng tôi xin trích giới thiệu tới bạn đọc những nội dung quan trọng. 

Ảnh minh họa
1. Nông thôn Việt Nam là nơi giữ gìn những nét sâu đậm nhất của bản sắc văn hoá Việt Nam. Một trong nhiều nét đặc trưng cơ bản của văn hoá nông thôn cổ truyền là ý thức cộng đồng và tính tự trị. Ý thức cộng đồng được thể hiện rất rõ ở tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Chính đây là dấu ấn nội hàm hun đúc nên lòng yêu nước, tinh thần nhân văn, đạo lý làm người. Chẳng thế nên từ xa xưa nhân gian đã tổng kết:

- “Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

- Tắt lửa, tối đèn có nhau.

- Vắng anh em xa, có láng giềng gần.

- Chị ngã em nâng

- Tay đứt ruột xót.

- Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

- Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng…”.

Nông dân Việt Nam hiện nay (chiếm khoảng 80% dân số cả nước) vẫn còn mang trong mình một sức mạnh tiềm tàng và vô tận của nền văn hoá ấy. Họ là người thực hiện chức năng sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp và tổ chức hoạt động đời sống văn hoá cơ sở. Xét tới gốc rễ hoạt động sản xuất này thực chất là một nền kinh tế nông nghiệp tiểu nông ở trạng thái sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp, tự sản tự tiêu. Đồng hành cùng nền kinh tế tiểu nông ấy, văn hoá làng cũng được hình thành, phát triển và trở thành đặc trưng cơ bản của văn hoá nông thôn truyền thống.

Lòng yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Yêu nước gắn với tình cảm yêu quê hương, gia đình, làng xóm. Điều này đồng nghĩa với ý thức dân tộc, ý thức cộng đồng và tinh thần đoàn kết dân tộc. Có lẽ hiếm thấy một đất nước nào khác trên thế giới này cả dân tộc lại có chung một ngày giỗ Tổ như dân tộc Việt Nam.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3”.

Cuộc đời của người nông dân Việt Nam gắn chặt với xóm làng, với cây đa, giếng nước, sân đình, với thửa ruộng và luỹ tre xanh, với ngôi nhà cột gỗ dựng trên nền đất, với vườn cây ao cá, chiếc trõng tre, tủ chè, sập gụ… Vì lẽ đó nên tính tự trị của người nông dân là rất lớn. Họ sinh ra từ đất ấy, lớn lên nhờ đất và chết đi cũng vùi trong đất ấy. Cả đời họ gắn bó với thửa ruộng nho nhỏ, với con trâu, con cá, con gà, con lợn, con mèo, con chó… Mỗi nhà có một hòm thóc, một ít khoai trong bồ, một đống rơm to, một ít ngô treo trên gác bếp…

Sống trong một làng nhiều thì trên trăm nóc nhà, ít thì vài chục hộ, có chuyện gì xảy ra thì “Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông”. Người dân làng xã một phần sống theo lệ làng, một phần sống theo đạo lý, theo giáo dục còn một phần lại sống theo dư luận và tự mình điều chỉnh ứng xử với dư luận xã hội đó.

Lịch sử qua đi, ý thức dân tộc thông qua lòng yêu nước, sự gắn kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết… đã tạo nên hệ giá trị văn hoá truyền thống của người Việt; và cũng chính nhờ hệ giá trị này (có biến đổi phù hợp ở mức cao hơn trong từng thời kỳ lịch sử) mà tinh thần dân tộc được trỗi dậy và hun đúc. Qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, hệ giá trị văn hoá đó ngày càng được tích tụ vun đắp đã trở thành bản sắc, tính cách của người nông dân Việt Nam trong lịch sử. 

2. Xây dựng văn hoá nông thôn mới là một nhiệm vụ quan trọng đặc biệt của thời kỳ CNH-HĐH. Xây dựng nông thôn mới vừa là giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, vừa có tính định hướng chiến lược lâu dài về phát triển văn hoá ở nước ta. Phát triển văn hoá nông thôn trên cơ sở kế thừa những kết quả, thành tựu đã đạt được trong công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở ở nông thôn. Gắn phát triển văn hoá nông thôn với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại theo phương châm phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư địa phương; nhà nước đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ, đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội hoá về sức đóng góp của nhân dân để phát triển văn hoá.

Với mục tiêu tổng quát nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân ở nông thôn; xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thông tin, thể thao ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, thực hiện các tiêu chí phát triển văn hoá nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn mới.

Phú Thọ là một tỉnh miền núi, mục tiêu phấn đấu xây dựng văn hoá nông thôn đến 2015 phải đạt được:

30% dân số nông thôn thường xuyên tham gia hoạt động văn hoá, thể thao.

100% nhà văn hoá- khu thể thao xã; 100% nhà văn hoá- điểm luyện tập thể thao thôn (khu dân cư) đạt chuẩn theo quy định.

85% số hộ gia đình giữ vững danh hiệu gia đình văn hoá, trong đó có5% gia đình văn hoá làm giàu từ sản xuất nông nghiệp hàng hoá.

80% làng giữ vững và phát huy danh hiệu “làng văn hoá”, trong đó có 15% làng văn hoá đạt chuẩn cơ sở vật chất, hạ tầng KT-XH nông thôn mới.

100% cán bộ văn hoá, thể thao ở nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

100% số xã có thư viện, phòng đọc sách báo đạt tiêu chuẩn.

95% làng, bản có đội văn nghệ quần chúng. 

3. Tính hai mặt trong quá trình phát triển văn hoá nông thôn

Trong thời kỳ đất nước ta đang tiến hành CNH-HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế; duy trì và phát triển văn hoá nông thôn theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đang bộc lộ và tồn tại tính hai mặt: tích cực và hạn chế, bảo tồn và phát triển; đặc biệt là trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống.

Hệ giá trị văn hoá do người nông dân làng xã tạo ra đã luôn là nền tảng vững chắc để bồi dưỡng, nuôi sống tinh thần cho biết bao thế hệ người Việt. Yêu nước, cần cù chịu khó, đoàn kết cộng đồng, trọng nhân nghĩa, đạo đức, học hành, sống có thuần phong mỹ tục... luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và là sợi dây cộng cảm vô hình gắn kết đời sống mỗi con người với cộng đồng xã hội. Họ xác định “Tổ quốc trên hết”. Tổ quốc gắn liền với quê hương, với làng xóm thôn quê. Nước mất- làng còn là Tổ quốc còn.

Đó là những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Song xét về mặt hạn chế, nếu cứ khư khư ôm giữ văn hoá truyền thống thì khó có thể thực hiện được CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Vì rằng bên cạnh đó, đằng sau tính tích cực của văn hoá truyền thống đang tiềm ẩn sự bảo thủ của người nông dân làng xã: Đó chính là tâm lý tiểu nông.

Tâm lý tiểu nông được biểu hiện ở sự dựa dẫm ỷ lại vào tập thể, cá nhân không dám chịu trách nhiệm:

- Cha chung không ai khóc.

- Xấu đều hơn tốt lỏi.

- Khôn độc không bằng ngốc đàn.

- Lắm sãi không ai đóng cửa chùa.

- Có lụt thì lụt cả làng…

- Đau mắt là tại hướng đình

Cả làng toét mắt chứ mình em đâu !

Mặt khác còn biểu hiện thái quá trong ý thức đấu trạnh phê bình và tự phê bình:

- Dĩ hoà vi quý

- Một điều nhịn chín điều lành.

- Tám bỏ làm mười

- Trăm cái lý, không bằng tý cái tình.

- Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau.

- Vuốt mặt nể mũi.

- Ai ơi chớ vội cười người

Cười người hôm trước, người cười hôm sau.

- Rút dây sợ động rừng.

- Chém tre phải nhè đầu mặt…

Đồng thời ích kỷ trong trong sử dụng và phân phối sản phẩm vật chất mình làm ra:

- Ai có thân người ấy lo, ai có bò người ấy giữ.

- Của mình thì giữ bo bo

Của người thì để cho bò nó sơi.

Và nảy sinh tư tưởng cục bộ địa phương:

- Trống làng nào làng ấy đánh

Thánh làng nào làng ấy thờ.

- Ăn cây nào thì rào cây ấy.

- Trâu ta ăn cỏ đồng ta

- Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.

- Sống lâu lên lão làng.

- Giọt máu đào hơn ao nước lã.

- Cháu mười đời vẫn hơn người dưng.

- Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại...

Có thể nói tâm lý tiểu nông của người nông dân làng xã Việt Nam được biểu hiện qua văn hoá truyền thống đã bộc lộ sự hạn chế cơ bản và trở thành tính hai mặt trong quá trình phát triển văn hoá nông thôn mới. Đây là căn bệnh “ý thức văn hoá” không dễ gì nhận biết được đã và đang vô thức tác động cản trở không nhỏ công cuộc HĐH-CNH, hội nhập quốc tế của cách mạng nước ta.

Nhận diện được căn bệnh ấy đòi hỏi chúng ta hôm nay phải quyết liệt chữa trị để hạn chế tác hại rồi từng bước loại bỏ nó ra khỏi đời sống văn hoá- xã hội cho dù sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và trở ngại. Cách mạng là sự thay đổi tận gốc rễ cái cũ, song trong “ý thức văn hoá” cái cũ tuy đã tàn lụi nhưng chưa hoàn toàn mất đi; cái mới đã ra đời nhưng cũng chưa hoàn toàn thắng thế. Việc “gạn đục khơi trong” để xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là trách nhiệm của những người nông dân đương đại.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất