| Hotline: 0983.970.780

Văn Lâm huy động 600 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu 04/10/2019 , 13:15 (GMT+7)

Văn Lâm nằm ở phía bắc tỉnh Hưng Yên, cách Hà Hội 18km thuộc khu tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. 

15-04-07_mot_goc_nong_thon_huyen_vn_lm
Một góc nông thôn mới huyện Văn Lâm.

Là huyện có điều kiện địa lí, kinh tế, xã hội tương đối thuận lợi của tỉnh Hưng Yên, lại nằm giáp Thủ đô nhưng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tập thể lãnh đạo huyện Văn Lâm vẫn vận dụng khéo léo, hiệu quả khi huy động được gần 600 tỷ đồng từ chương trình xã hội hoá đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới.
 

Một vùng quê trù phú

Địa hình huyện Văn Lâm khá bằng phẳng với 40% diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn là đất thịt nặng, sét, sú… nên vừa thích hợp với trồng lúa, trồng thuốc nam, hoa cây cảnh, rau mầu và đặc biệt thích hợp với các loại cây ăn quả nói chung và cây có múi nói riêng như cam, bưởi…

Trên địa bàn huyện có mô hình trồng khoai tây, trồng hoa cây cảnh, các loại rau màu và thuốc nam, cây có múi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là điều kiện thuận lợi để Hưng Yên phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện, sự đồng thuận, cố gắng, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, sau 10 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn huyện Văn Lâm đã thay đổi rõ rệt và tổng thể trên các lĩnh vực hạ tầng, giao thông, kinh tế, văn hoá, xã hội, thu nhập bình quân đầu người, môi trường, cảnh quan, nếp sống văn hoá,… chuyển dịch theo hướng ngày một nâng cao hơn.

Huyện Văn Lâm bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 với số tiêu chí bình quân đạt 6,6 tiêu chí/xã. Qua 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2018 huyện đã có 10/10 xã (đạt 100%) được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.

15-04-07_pht_trien_kinh_te_nhung_huyen_vn_lm_vn_giu_duoc_hon_que
Huyện Văn Lâm phát triển kinh tế mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được hồn quê.

Khi tiến hành phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn, ngay từ đầu huyện Văn Lâm đã định hướng cụ thể, rõ ràng và tầm nhìn chiến lược, dài hạn thông qua quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các xã được phê duyệt theo hướng khang trang, hiện đại và đáp ứng tốt nhu cầu phát triển sản xuất, nhu cầu đời sống dân sinh.

Trong đó sản xuất của người dân có nhiều sự đột phá, xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong các khâu giúp gia tăng giá trị và tăng năng suất lao động của người dân nông thôn.

Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện Văn Lâm huy động được  trên 3.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách hơn 909 tỷ đồng; vốn vay tín dụng trên 1.600 tỷ đồng, chiếm 51,18%; vốn huy động doanh nghiệp 46,633 tỷ đồng, chiếm 1,48%; vốn đóng góp của cộng đồng dân cư và ủng hộ của những người con quê hương gần 582 tỷ đồng, chiếm 18,47%.
Ngoài ra, tổng số vốn tín dụng do các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình vay từ các ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm là trên 6.600 tỷ đồng.

Hiện giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Văn Lâm đạt 185 triệu đồng/ha, tăng 56 triệu đồng/ha so với năm 2011 (129 triệu đồng/ha). Thu nhập bình quân toàn huyện đạt 62,3 triệu đồng/người/năm, tăng trên 37 triệu đồng so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo chung còn 1,82%, giảm 1,42% so với năm 2011 (3,24%).
 

Không nợ đọng xây dựng cơ bản

Văn Lâm được Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương và Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hưng Yên đánh là một trong những huyện làm tốt công tác huy động các tổ chức doanh nghiệp, người con quê hương và người dân chung tay xây dựng nông thôn mới và kiểm soát nợ đọng xây dựng cơ bản khi đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, cũng như bao làng quê đã và đang chuyển mình, chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ khác, huyện Văn Lâm cũng gặp phải những khó khăn, thách thức rất lớn trong quá trình xây dựng nông thôn mới mà điển hình là tiêu chí môi trường. Đó là việc thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường của một số doanh nghiệp trong các khu cụm công nghiệp.

Việc xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề tái chế chì Đông Mai và làng nghề tái chế nhựa Minh Khai là một ví dụ. Có những thời kỳ, cảm tưởng việc xử lý ô nhiễm ở 2 làng nghề này rất khả thi. Song có sự hỗ trợ, chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của UBND tỉnh, nhất là nếu không thiếu sự nỗ lực cao độ của cấp uỷ, chính quyền địa phương thì tiêu chí về môi trường của huyện Văn Lâm không thể hoàn thành như ngày hôm nay.

Nhờ kiên trì vận động và áp dụng các chế tài cương quyết, ý thức về công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp của người dân và các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Văn Lâm có nhiều chuyển biến tích cực khi huyện bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Đến nay huyện đã cơ bản kiểm soát được tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường. Chất thải sinh hoạt được thu gom hàng ngày, chuyển tới khu xử lý tập trung.

15-04-07_vn_lm_l_mot_trong_nhung_huyen_nong_nghiep_cong_nghe_co_cu_tinh_hung_yen
Sau 8 năm xây dựng nông thôn mới, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Văn Lâm đạt 185 triệu đồng/ha, tăng 56 triệu đồng/ha.

Quả thực, về Văn Lâm hôm nay chúng tôi cảm nhận rõ được nội lực mạnh mẽ và sự phát triển khá toàn diện của một huyện giáp ranh với Thủ đô Hà Nội cả về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và nông nghiệp. Đây là địa bàn có an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Không còn cảnh ô nhiễm khói bụi, rác thải chất dọc hai bên đường như trước. Thay vào đó là những khu, cụm công nghiệp được quy hoạch bài bản; có hệ thống giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường khu công nghiệp kết nối giao thông thuận tiện; các vùng sản xuất nông nghiệp được cơ giới hoá trồng lúa, trồng hoa, rau màu, thuốc nam và cây có múi; không còn cảnh bao bì thuốc bảo vệ thực vật vương vãi trên bờ ruộng như trước.

Đi qua những nhộn nhịp của công nghiệp, chúng tôi vẫn tìm được một vùng quê tĩnh lặng yên bình của Đền Ghênh nơi thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, của chùa Nôm, của làng cổ Đại Đồng, của di tích nơi Bác Hồ về thăm xã Đình Dù, nơi có phong trào làm thuỷ lợi khá nhất (1958).

Với hồ nước rộng lớn và không gian xanh sạch đẹp, chúng ta có thể cảm nhận được cả lắng đọng xa xưa và sự tươi mới của một huyện nông thôn mới thuộc Đồng bằng sông Hồng được tô điểm bởi những cánh đồng hoa cúc vàng, những hàng hoa chiều tím, hoa ngũ sắc,… rực rỡ hai bên đường bê tông rộng dài trên các trục đường xã, đường thôn do Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên chăm sóc.

15-04-07_cc_lng_nghe_ti_huyen_vn_lm_duoc_dinh_huong_pht_trien_sn_xut_song_song_voi_bo_ve_moi_truong
Các làng nghề của huyện được định hướng phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Tỉnh uỷ Hưng Yên về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Huyện uỷ Văn Lâm đã xây dựng, triển khai nghị quyết và giao cho cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tổ chức thực hiện, tập trung vào 7 vấn đề chính.

Đó là: Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là các xã thuần nông; Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; Ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn; Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là hội nông dân.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.