Nếu theo cách giải quyết thông thường mà rất nhiều trường khác đã làm và đang làm, thì trường sẽ hạ điểm chuẩn để có thêm sinh viên, giải quyết được chỉ tiêu về số lượng. Nhưng trường Đại học Hồng Đức đã không làm thế. Theo lời khẳng định của lãnh đạo nhà trường, thì nhà trường quyết không hạ điểm, dù chỉ dạy cho 1 sinh viên, cũng mở lớp.
Việc làm trên của trường Đại học Hồng Đức lập tức được cả xã hội quan tâm. Trong một xã hội mà ngành giáo dục đang dần dần bị thương mại hóa, đạo đức của cả thầy lẫn trò đều đang xuống cấp. Trò coi đi học là bỏ tiền ra mua kiến thức, còn thầy thì coi việc dạy là bán kiến thức lấy tiền, lạnh lùng, sòng phẳng kiểu “tiền trao cháo múc”. Trong một xã hội không thiếu việc kinh doanh, buôn bán chụp giật, tráo trở, chữ tín càng ngày càng bị xem nhẹ, thì việc coi “chữ tín” nặng như núi Thái Sơn của trường Đại học Hồng Đức thật đáng trân trọng, đáng khuyến khích.
Rất lâu rồi mới có một nhà trường có cách sử sự nhân văn, tốt đẹp như vậy. Nếu hạ điểm, có thêm nhiều sinh viên, thì nhà trường sẽ giải quyết được bài toán kinh tế. Bởi sinh viên chính là những người trả lương cho nhà trường, cũng như bệnh nhân là người trả lương cho bác sỹ vậy. Số tiền học phí do sinh viên đóng góp đủ cho nhà trường trang trải. Nhưng, nếu hạ điểm thì không còn là chương trình đào tạo sư phạm chất lượng cao nữa. Đầu vào là những sinh viên kém thì đầu ra không thể là những người thầy giỏi. Và, thày nào thì trò ấy, những thầy dốt ấy sẽ chỉ đào tạo ra những học trò dốt nát.
Chấp nhận mở lớp, dù chỉ có một sinh viên, là nhà trường đã phải hy sinh, phải chịu thiệt thòi rất nhiều, vì một khóa đào tạo có rất nhiều tín chỉ. Mỗi tín chỉ cần một thầy dạy. Nghĩa là để đào tạo được một sinh viên, nhà trường phải bố trí hàng chục giáo sư, giảng viên. Và đương nhiên, để chỉ dạy duy nhất một sinh viên, lương của thầy cô cũng phải được nhà trường trả đủ. Nói như PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thì để giải quyết được vấn đề này, chỉ còn cách lấy chỗ này bù chỗ khác.
Nhưng, cũng theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, thì qua việc giữ gìn, coi trọng chữ tín của mình, trường Đại học Hồng Đức sẽ dần dần khẳng định được thương hiệu. Bởi chữ tín là thứ tài sản quý hơn cả vàng ròng, để có được chữ tín, phải xây dựng, gìn giữ rất lâu,nhưng để mất thì lại vô cùng dễ. Có lòng tin là có tất cả. Cùng với thời gian, số lượng sinh viên tìm đến với chương trình đào tạo chất lượng cao sẽ càng ngày càng đông. Đội ngũ giáo viên giỏi được nhà trường đào tạo cho xã hội sẽ càng ngày càng nhiều.