| Hotline: 0983.970.780

Văn phòng công chứng Tân Bình "thiếu sót" hay tiếp tay cho cò đất?

Thứ Sáu 27/08/2010 , 10:30 (GMT+7)

Văn phòng công chứng Tân Bình bị tố cáo có hành vi tiếp tay cho cò đất...

Văn phòng công chứng Tân Bình
Nhiều công dân ở TPHCM tìm đến báo NNVN gửi đơn tố cáo Văn phòng công chứng Tân Bình (số 256-258, đường Cộng Hoà, phường 13, Q.Tân Bình, TP.HCM) có hành vi tiếp tay bọn cò đất…  

CÔNG CHỨNG CHO… NGƯỜI CHẾT

Theo trình bày của bà Trần Thị Minh Hường (ngụ ở Q.1, TP.HCM), khoảng tháng 2/2009, qua một tay cò đất tên Thuỷ giới thiệu, bà Hường biết bà Trương Thị Tiến (ngụ ở số 281 Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh) là chủ lô đất diện tích 3.777 m2 tại xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi. Chỉ sau vài lần gặp, bà Tiến ngỏ ý muốn bán rẻ lại cho bà lô đất này chỉ với giá 400 triệu đồng (mặc dù thời điểm sốt đất bà mua lô đất này với giá 900 triệu đồng), có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đứng tên ông Phạm Văn Phận (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) với lý do đang kẹt tiền phải bán đất gấp.

Sau khi đi xem đất, hai bên đến Văn phòng Công chứng Tân Bình để công chứng hợp đồng chuyển nhượng, cùng đi còn có một người xưng là ông Phận. Khi công chứng hợp đồng xong, bà Hường yên tâm giao trước 200 triệu đồng cho ông Phận và đến ngày 9/10/2009, bà Hường giao nốt cho bà Tiến số tiền còn lại 200 triệu đồng. Sau đó, bà Hường đi làm thủ tục sang tên và đăng bộ thì mới tá hỏa khi nghe chính quyền xã Trung Lập Thượng thông báo là ông Phận đã chết từ ngày 9/7/2007. Đem đối chiếu số CMND, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của ông Phận cũng giả mạo cả chữ ký và con dấu. Quá uất ức, bà Hường tìm đến nhà bà Tiến (người tự xưng là chủ đất) thì bà này đã “cao chạy xa bay”. Do vậy, bà Hường đã làm đơn gõ cửa khắp nơi để tố cáo hành vi lừa đảo của bà Tiến cũng như thiếu sót của Văn phòng Công chứng Tân Bình vì đã công chứng cả cho... người chết .

Tương tự, trường hợp của chị Trương Thị Ngọc L. ngụ ở P.An Phú Đông, Q.12 cũng gặp rắc rối vì bị đội quân “siêu lừa” dụ dỗ bán đất đã bức xúc kể lại sự việc: Tháng 12/2009, có người quen giới thiệu, chị L. gặp bà Nguyễn Thị Dung (ngụ 462B/50 Cách Mạng Tháng Tám, P.11, Q.3), nghe bà Dung “trình bày hoàn cảnh” đang cần vay 208 triệu đồng để trả tiền vừa mua thửa đất diện tích 2.756 m2 ở ấp Chợ, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi với giá hơn 1 tỉ đồng. Lý do cần mượn gấp số tiền trên để bà Dung hoàn tất thủ tục sang tên với chủ đất là ông Nguyễn Văn Nhạt. Nhằm tạo lòng tin, bà Dung dẫn chị L. đi xem đất, xem sổ đỏ kèm theo các giấy tờ cá nhân của ông Nhạt và hứa sẽ đưa chị L. với ông Nhạt (chính chủ) đến ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trực tiếp tại phòng công chứng để đảm bảo tài sản cho...chắc ăn.

Ngày 31/12/2009, tin lời hứa của bà Dung, chị L. cùng với người tự xưng là ông Nhạt đến Văn phòng Công chứng Tân Bình để làm thủ tục ký hợp đồng chuyển nhượng. Sau khi đã thanh toán số tiền trên cho bên chuyển nhượng, chị L. tìm đến UBND xã Phú Hòa Đông để làm thủ tục sang tên. Vậy nhưng, cán bộ địa chính xã đã từ chối tiếp nhận hồ sơ với lý do: “Sổ đỏ của ông Nhạt cấp ngày 7/1/2000 đã bị thất lạc, ông Nhạt đã đến UBND xã làm thủ tục khai mất và đã được cấp lại phó bản...”. Cán bộ địa chính xã còn khẳng định những giấy tờ cá nhân cũng như CMND, giấy xác nhận độc thân của ông Nhạt hoàn toàn là giả mạo. Quá bức xúc, chị L, quay về tìm gặp bà Dung để đòi lại tiền thì bà này viện đủ mọi lý do không chịu trả rồi bỗng dưng...biến mất. Tìm hiểu sự thật, chị L. mới té ngửa khi trước đó bà Dung đã cầm hồ sơ thửa đất này đem gạ bán cho một người khác với giá 700 triệu đồng. 

CÓ THỰC SỰ DO "THIẾU SÓT"?

Bà Ngô Minh Hồng - GĐ Sở Tư pháp TP.HCM cho biết: Thanh tra Sở hiện đang xem xét các đơn khiếu nại trên và báo cáo kết quả kiểm tra định kỳ Phòng công chứng Tân Bình lên Ban giám đốc Sở. Đồng thời, Sở Tư pháp đã tổ chức lớp về huấn luyện giám định văn bản cho các công chứng viên do cán bộ công an thành phố đảm trách gồm nhận dạng đương sự đối chiếu với CMND, đối chiếu vân tay, thẩm định văn bản thật và giả…
Theo điều tra của PV NNVN, không chỉ riêng hai vụ lừa đảo trên đều do ông Lê Văn Tươi, Trưởng Văn phòng Công chứng Tân Bình đứng ra thực hiện, mới đây còn có thêm nhiều nạn nhân khác cũng khốn khổ bởi họ quá tin tưởng vào phòng công chứng. Tuy nhiên, những hồ sơ giả với các chiêu lừa này đều không được phát hiện. Các nạn nhân đã kéo đến Phòng công chứng Tân Bình đòi bồi thường thiệt hại do công chứng hồ sơ giả, nhưng họ chỉ được “hướng dẫn” đi tố cáo những người bán đất lừa đảo. Khi bà Hường làm đơn khởi kiện phòng công chứng này, nhưng TAND quận Tân Bình chưa thụ lý, tiếp tục khiếu nại lên Sở Tư pháp cũng không được trả lời...

Trao đổi với PV NNVN, ông Lê Văn Tươi thừa nhận: “Chúng tôi nhận lỗi đã thiếu sót về nghiệp vụ vì không phát hiện ra giấy tờ giả như CMND, giấy xác nhận tình trạng độc thân...Thực tế có nhiều đối tượng dùng giấy tờ giả mạo quá tinh vi, khiến công chứng viên không thể bằng mắt thường mà nhìn thấu nên đây chính là sơ hở để các đối tượng lợi dụng, cũng đành...bó tay".

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất