| Hotline: 0983.970.780

Văn Quynh sáng chế

Thứ Hai 11/01/2010 , 12:08 (GMT+7)

Anh Văn Đức Quynh (sinh năm 1963), trình độ văn hóa vẻn vẹn lớp 9/12 và chưa hề học qua bất kỳ một trường lớp nào về cơ khí nhưng lại là tác giả của những máy móc hữu dụng cho bà con nông dân.

“Cơ khí Văn Quynh” đây rồi, tôi thở phào và đánh xe vào. Một người đàn ông cao gầy, nom khắc khổ lật đật từ trong nhà chạy ra: “Eng (anh) tìm mua máy hả?”. Tôi đánh liều: “Ừ thì mua máy”. “Vô nhà cái đã chớ”. Mời khách một ly nước chè xanh còn bốc khói, chủ nhà cười hiền lành: “Tui ngó eng nỏ (không) phải người đi mua máy mô. Nhưng mà nỏ can chi, vì có nhiều người đến thăm rồi".

Thấy dân cực quá mà chế tạo

Nếu có dịp thiên lý Bắc - Nam trên Quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận thôn Long Hưng, xã Hải Phú (Hải Lăng, Quảng Trị) người ta sẽ dễ dàng nhận ra Xưởng cơ khí Văn Quynh ở bên phải đường. Nhỏ thôi, không màu mè, không phô trương nhưng ẩn chứa lắm điều kỳ lạ về người chủ đã dựng nên nó. Anh Văn Đức Quynh (sinh năm 1963), trình độ văn hóa vẻn vẹn lớp 9/12 và chưa hề học qua bất kỳ một trường lớp nào về cơ khí nhưng lại là tác giả của những máy móc hữu dụng cho bà con nông dân.

Bỏ dở chiếc máy tuốt lạc nằm chỏng chơ trên sàn nhà, anh Quynh chùi vội đôi bàn tay lấm lem dầu mỡ vào vạt áo cũng lấm lem không kém rồi cười như thanh minh: "Cái anh (máy) phẻ bắp mày mò mất 4 năm mới hoàn thiện, giờ đến cái anh tuốt lạc này cũng đau đầu lắm. Nhưng rồi cũng xong, cứ chịu khó mày mò một tí là mọi chuyện sẽ lại đâu vào đấy thôi".

Anh nông dân Văn Đức Quynh rủ rì kể lại, hồi còn nhỏ, nhà nghèo lại đông anh em nên khổ lắm. Tuổi thơ của anh gắn liền với những tháng ngày cặm cụi đồng gần đồng xa mà vẫn thiếu ăn thiếu mặc. Thế nên học ngang lớp 9 thì Quynh phải thôi học, ở nhà phụ gia đình làm ruộng. Cái nghèo đã buộc Quynh phải bỏ học nhưng cái nghèo cũng đã nhen nhóm trong lòng anh khát vọng thay đổi cuộc đời bằng một nghề nào đó chứ không phải là nghề nông lam lũ. Vậy là, những lúc rảnh rỗi sau công việc đồng áng, Quynh lại đến phụ việc cho các cửa hàng cơ khí. Vừa phụ việc vừa tự học, tự mày mò sửa chữa những vật dụng, máy móc đơn giản như lưỡi cuốc, cày, xe đạp...

May sao, hồi đó nhà có cái xe đạp cũ. Vậy là, lúc rỗi rãi, Quynh lại vật ngược cái xe lại để “nghiên cứu” xe ngoài chức năng chạy như xe đạp ra nó có thể giúp ích gì được không? Vài lần “nghiên cứu” kiểu đó, không ai trong gia đình dám ngồi lên trên yên chiếc xe đó nữa vì nó cứ rung lên, tưởng như mỗi thứ sắp văng đi một nơi bởi đám ốc vít cái còn, cái mất...

Cứ như thế trong suốt một thời gian dài, mãi cho đến năm 1990 khi đã có một vốn kiến thức kha khá thì anh Quynh nghỉ làm ruộng, nghỉ luôn cả phụ việc ở các cửa hàng, tự mình ở xưởng cơ khí với gia tài chỉ vỏn vẹn đúng một chiếc máy hàn. Rồi từ một chiếc máy hàn, giờ xưởng cơ khí của anh Quynh đã có đầy đủ các loại đồ nghề mà phần lớn trong đó đều do anh tự chế tạo để dùng. Đặc biệt, từ việc sửa cuốc, cày... cho bà con trong làng, nay xưởng của anh có thể đảm nhận làm mới và sửa chữa cả giàn khoan giếng, máy tuốt lạc, máy phẻ bắp (máy tách hạt ngô), máy xay gạo, sắn, sửa chữa máy nổ, máy cày và các loại máy dân dụng... Tất cả những thứ đó đều do anh tự mày mò chế tạo và học hỏi.

Chuyện lập nghiệp, chế tạo thứ này thứ kia của anh chàng nông dân Văn Đức Quynh lâu nay vẫn là một câu chuyện nằm lòng của người dân xã Hải Phú. Tưởng đã dịu xuống thì đùng một cái, anh lại tuyên bố "phát minh” một máy phẻ bắp khiến người ta xì xào bàn tán mãi. Hỏi chuyện, anh chỉ cười: "Mình vốn có cái tính ưa mày mò mà. Xuất thân từ nông dân, cũng từng phẻ bắp chai cả tay nên mình rất hiểu cái vất vả của bà con, thế cho nên những lúc rãnh rỗi, mình ngồi nghĩ bâng quơ rằng tại sao không thử làm một cái máy để bắt nó phẻ bắp thay cho con người".

Nghĩ, và bắt tay làm ngay. Những máy móc cũ vứt bỏ được anh phá ra, tận dụng lại từ sợi dây tải đến thiết bị mô tơ điện..., mỗi thứ một ít từ đống phế thải và bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình. Với trí sáng tạo và sự kiên trì của Quynh, chiếc máy phẻ bắp đã được anh hoàn thành sau đó không lâu với mẫu mã và quy trình vận hành rất đơn giản. Tuy nhiên, khi mới hoàn thành, chiếc máy này hoạt động vẫn "chưa ngon". Mà đã chưa ngon thì chưa thể thỏa mãn được tính tò mò trong con người thích mày mò này. Vậy là mỗi lần đến mùa bắp, anh vác máy bỏ lên chiếc xe máy Cúp đời 86 đi đến tận ruộng phục vụ miễn phí cho bà con để nghiên cứu những chỗ chưa hoàn thiện.

Nói thì nghe vậy, chớ làm thì cũng gay lắm. Ai cũng muốn chú Quynh giúp cho việc phẻ ngô. Khổ nỗi, vì máy đang trong giai đoạn thử nghiệm nên cứ được, mất tùm lum. Khi được thì không sao, khi mất (có nghĩa là bắp ngô cứ toác ra làm bốn, làm năm miếng chứ hạt ngô không tẽ ra khỏi lỏi được) thì các gia đình cứ lo toát mồ hôi vì phải tốn thêm công phẻ lại đống ngô nát do máy đùn ra. Cụ Thắng, hàng xóm cười lất ngất kể lại: “Hồi đó, đừng nói nhà tui mà cả làng khi tới vụ ngô đều sợ hắn. Cứ thấy xe máy hắn nổ phạch phạch chạy tới là lo máy phẻ không được thì mệt lắm. Chộ thấy hắn là sợ rứa nhưng ai cũng mong hắn làm cho được để giúp bà con mình”.

Để mọi người khỏi sợ, anh Quynh đành tỉ tê vợ chi vốn “đầu tư” mua cả mấy bao tải bắp ngô về nhà cho máy phẻ để nghiên cứu. Bốn năm ròng như thế, cuối cùng chiếc máy mới được hoàn thiện với công suất từ 4-5 tạ/giờ (bằng 10 lao động làm bằng tay một cách cật lực) với chi phí tiền điện không đáng kể và giá thành cũng rất khiêm tốn (vì các thiết bị đều được tận dụng từ đồ phế thải).

"Cũng đã xuất xưởng được hơn chục cái, chủ yếu là khách hàng từ những địa phương khác về đặt hàng còn dân mình trồng ít nên đến mùa bắp mình mang máy về phục vụ luôn thể. Kinh tế cũng chẳng đáng là bao, quan trọng là mình đã phát minh ra được một cái gì đó hữu ích cho bà con mình", anh Quynh hồ hởi.

Mỗi năm sáng chế một loại máy

Chiếc máy phẻ ngô sau 4 năm mới hoàn thiện và được trình làng trong hội chợ “Mua bán thiết bị công nghệ” năm 2007 tại Đà Nẵng được Ban tổ chức đánh giá cao. Sang năm 2008, anh cho ra đời máy tách đậu lạc (đậu phộng). Mặc dù chỉ mới qua vụ thử nghiệm đầu tiên nhưng theo bà con đánh giá là công suất của nó cũng bằng 5-7 người làm. Hơn nữa máy này dùng điện 1 pha, sử dụng ít tốn điện, có thể ai vận hành cũng được. Máy này được Ban tổ chức Hội chợ máy nông cụ tổ chức tại Lạng Sơn năm 2008 đánh giá ngang ngửa với hàng của những đơn vị có bề dày trong sản xuất máy nông nghiệp về tác dụng và tiết kiệm chi phí và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Bằng khen.

Vẫn chưa hết. Sau máy tách đậu lạc, anh Quynh lại mày mò chế tiếp máy cắt đa năng. Máy này có tác dụng cắt thái sắn, cỏ, thậm chí cả thuốc bắc cũng cắt được tuốt. Tháng 9/2009, máy cắt đa năng được mang đi dự hội chợ Thiết bị máy móc nông nghiệp tại Hà Nội. Tại hội chợ cũng có máy cắt nhưng chỉ dùng cắt một dao, một tác dụng. Máy cắt đa năng của anh Quynh đã rinh về tấm Bằng khen của Bộ NN - PTNT.

Anh Quynh tâm sự: "Mình cũng từng làm nông dân, từng làm quần quật mà nghèo vẫn cứ nghèo. Vì vậy bây giờ thấy bà con làm lụng vất vả mà năng suất không được bao nhiêu cảm giác như mình là người có lỗi. Xưa, mình vì nghèo mà phải thất học, giờ cũng từ cái nghèo đó mà mình quyết tâm phải làm một cái gì đó để người khác không phải vất vả như mình ngày xưa. Mấy cái máy này ra đời cũng đơn giản vậy thôi chứ chẳng to tát như người ta bảo là phát minh hay sáng chế gì gì đó đâu".

Anh Quynh tỏ ra khiêm tốn vậy, chứ suốt cả dãy đất miền Trung gió bụi này cũng chưa có ai “vượt” qua được anh về những sáng chế phục vụ nông nghiệp?

* Cơ khí Văn Đức Quynh có địa chỉ tại Km 772-QL 1A (thôn Hải Phú- Hải Lăng, Quảng Trị): sản xuất và sửa chữa máy cắt (chuối, sắn, rau...), máy phẻ bắp (ngô), máy xay sắn tươi khô. Điện thoại (053) 3661790; di động 01697129361. Bà con nông dân ở mọi miền có nhu cầu thì có thể liên hệ qua địa chỉ này.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất