| Hotline: 0983.970.780

Chuyện vùng cao 135:

Vâng, tôi là Chó đây!

Thứ Hai 23/06/2014 , 13:15 (GMT+7)

Vùng cao 135 lắm thứ bi hài. Đó là chuyện phong tục đặt tên con theo tên của động vật, của cục phân, của sự điên, rồ, lẩn thẩn. Đó là chuyện một người đàn bà dòng dõi quan lang 16 lần sinh dưỡng được 15 khúc ruột. Đó là chuyện hỗ trợ SX, nước sạch, đường sá nhưng có khi chỉ là hỗ trợ trên giời.

Bên hiên chú bò đang ậm ò ngoáy đuôi đuổi muỗi còn dưới gầm sàn vài con gà, con vịt đang thi nhau cáp cạp, túc túc nhưng ngó lên nhà vắng vẻ chẳng thấy bóng một ai.

Tưởng vào nhầm nhà, tôi cất tiếng gọi. Bỗng một người đàn bà luống tuổi lầy lật chạy từ dưới bếp lên, tay nhọ nhẻm lấm lem than củi, miệng đỏ au nước trầu, vồn vã: “Vâng, tôi là Chó, Đinh Thị Chó đây! Cậu hỏi tôi có việc gì?”.

Bà Chó ở xóm Bát xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình) trong một gia đình, bố mẹ sinh được sáu người con nhưng chỉ mỗi mình bà có cái tên là một loài động vật.

Lúc nhỏ cô bé Chó chẳng để ý xấu đẹp gì cái tên. Khi Chó đi học cô giáo gọi: “Em Chó lên bảng!” khiến các học sinh khác dù đã cắn cả vào tay để nén nhịn mà tiếng cười vẫn chật lớp. Khi Chó đi chợ Phú Cường, chợ Lồ, chợ Mường Khến người ta chào mà môi cứ cắn chặt vào nhau, mà mặt phải quay đi vì cố giấu một trận cười rũ rượi. Chó ý thức tên mình có khang khác thật.

Nhưng quanh đất Phú Cường tên của bà nào có phải là đệ nhất xấu? Xóm Bái có bà Đinh Thị Mèo, xóm Bưởi có anh Bùi Văn Phân đấy thôi…

Lên rừng gặp hổ, gặp gấu rình rập, xuống khe thấy rắn độc cả đàn, sống trong thiên nhiên hoang dã trước sự sống và cái chết của người Mường nhiều khi chỉ cách nhau gang tấc. Trong tâm thức mang mang của “vạn vật hữu linh” người ta quan niệm chỗ nào cũng có ma, không chỉ người chết thành ma mà còn ma rừng, ma núi, ma suối, ma cây, ma xó nhà, ma góc bếp… Gặp đứa con nuôi khó, hay ốm yếu bố mẹ phải thực hiện thủ tục bán áo cho mo nghĩa là lấy áo của trẻ gửi cho thầy mo giữ hộ hồn vía (người ta chỉ bán áo chứ không bao giờ bán quần hoặc bán tã lót - PV).

Lễ vật của buổi mua bán đầy chất tâm linh này gồm một đôi gà trống thiến, một lít rượu ngon, ba cân gạo mới. Ngoài cúng bái, người cẩn thận còn đặt tên con thậm xấu cho ma quỷ chê khỏi bắt đứa trẻ đi. Điều này khá phổ biến cách đây vài chục năm nhất là đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn muốn giữ lại núm ruột quý giá trời ban.

Người Mường vốn là một cội rễ chính trong việc hình thành nên văn hóa Việt. Ở cộng đồng này có khá nhiều từ trùng lặp với tiếng Kinh hoặc na ná như tiếng Kinh: con chó vẫn là con chó, con mèo vẫn là con mèo, điên vẫn là điên nhưng ỉa thì đã sang là ẻ, thừa nghĩa là đồ bỏ đi.

Theo một nghĩa nào đó tên xấu là điềm tốt, điềm lành nên không hề bị người ta xa lánh mà ngược lại còn có một sức cuốn hút kỳ lạ. Ông Đinh Công Chó ở xóm Bò (xã Phú Vinh) có chị ruột tên là Đinh Thị Ẻ. Bà Ẻ lớn lên kết nghĩa vợ chồng với một ông cũng tên là Ẻ ở xóm Ngau hình thành nên một cặp song Ẻ.

Ngoài đặt theo tên động của động vật người Mường thường rất chuộng đặt tên con là điên, là thần kinh. Ở cộng đồng này điên có nghĩa chung là đầu óc bất bình thường còn cụ thể hơn thì có nhiều từ để chỉ các cấp độ điên khác nhau như hồ là điên nặng, như chạ là chập mạch, là ngẩn ngơ.

Xã Phú Vinh không thiếu những cái tên điên như vậy trong đó có một ông làm hội người cao tuổi xóm Bò. Ông này hoàn toàn tỉnh táo trừ mỗi cái tên. Làm ăn khá giỏi, bản tính vui vẻ, uy tín cộng đồng cao nên thời trẻ ông được bầu làm cán bộ xóm lúc về già lại được bầu vào hội người cao tuổi.


Ông Đinh Công Điên

Tránh đặt tên xấu bằng cách: 1. Tên trùng tên tổ tiên. 2. Tên khó phân biệt nam nữ ví dụ: con gái tên Minh Thắng, con trai tên Thái Tài, Xuân Thủy… 3. Tên theo thời cuộc chính trị. 4. Tên cầu lợi, quá tuyệt đối, quá cực đoan hoặc quá nông cạn như Kim Ngân, Phát Tài… Tên tuyệt đối quá như Trạng Nguyên, Diễm Lệ, Bạch Tuyết… sẽ tạo thành gánh nặng cả đời cho con. Tên cuồng tín quá như Vô Địch, Vĩnh Phát sẽ làm người khác có cảm giác không tốt … Không đặt tên theo dạng cảm xúc như Buồn, như Khóc. 6. Tên dính đến theo scandal. 7. Tên dễ bị chế giễu khi nói lái.
(Theo Internet)

Tôi theo cậu cán bộ xóm, xắn quần lội ruộng bì bõm ra tận nơi ở của cặp vợ chồng ông Đinh Công Điên (xóm Ngau, xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc) giữa cánh đồng ngô, lúa bát ngát. Chốn thanh vắng không đường, không điện, chẳng có đài, chẳng có tivi, vợ chồng ông Điên dựng một cái chòi bằng lá, trồng ngô, thả gà, sống đời tự túc.

Tự thưởng cho mình hơi thuốc lào thật đẫy sau buổi đi nương về, ông phả khói mịt mù bay chật cả gian nhà nhỏ rồi thủng thẳng kể chuyện đời mình. Sau khi học xong lớp bốn, chàng thanh niên Điên đi dân công vận tải tìm hiểu được một cô gái cùng xã rồi họ nên duyên vợ chồng.

Cái tên Điên đối với dân bản cũng thường thôi, chẳng phải đặc biệt gì cho lắm, chẳng khiến nhà gái thèm bận tâm! Cái tên Điên chỉ theo ông hết thời trai trẻ bởi khi có con người ta gọi theo tên con, nghiễm nhiên ông có tên là ông Khuyển.

Khi có cháu người ta gọi theo tên cháu tự dưng ông có tên là tá Anh tức ông của thằng Anh hay mộng Thẳm tức ông của con bé Thẳm. Đinh Công Điên - danh xưng độc đáo giờ đây bị phủ mờ, nằm gọn trong đáy chiếc hòm gỗ nơi ông bà cất giữ những giấy tờ như chứng minh thư, sổ hộ khẩu.

Không chỉ đặt tên con là điên, là thần kinh, là động vật hạ cấp, là chất thải sinh ra từ quá trình dị hóa người Mường còn nghĩ ra những cái tên quái chiêu là bộ phận sinh dục của… người.

Ông Bùi Văn Ỉm - lãnh đạo một xã ở huyện Tân Lạc là một trường hợp như vậy. Ở bản người ta vốn quen với cái tên lạ đó thành ra nó quá bình thường, không mảy may bàn luận nhưng ở các cuộc hội nghị trên xã, trên huyện hễ mỗi lần giới thiệu đại biểu người ta lại ồ lên cười.

Tiếng cười to như có cả triệu con ong đất cùng vỗ cánh. Tiếng cười giòn như ngô trong chảo gặp cát nóng nổ tung. Dù ông Ỉm đã è è trong cuống họng, dặng hắng trước micro dăm lần bảy lượt nhưng tiếng cười bên dưới vẫn không ngớt, vẫn bám dai theo như đỉa đói tìm mồi. Ỉm trong tiếng Mường có nghĩa là bộ phận sinh dục của phái nữ, hỏi đại biểu làm sao mà nhịn cười cho đặng? Cái tên trở thành nỗi khốn khổ trên con đường sự nghiệp công danh của ông Ỉm.

Cùng với trào lưu phát triển của xã hội những cái tên xấu đã không còn ý nghĩa tốt ngầm ẩn bên trong nữa mà chỉ trơ lại nghĩa đen nên không mấy ai đặt cho con. Người Mường bắt đầu tìm đến những cái tên đẹp được đệm dài dằng dặc hay những cái tên có ý nghĩa phong thủy. Dù chưa đến mức tây hóa để đặt Đinh Văn Nokia, Đinh Thị Sam Sung, Quách Công Johnnie Black nhưng nó đã rất xa lạ với Đinh Thị Chó, Đinh Thị Mèo, Đinh Công Điên, Đinh Thị Ẻ của thủa nào.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.