| Hotline: 0983.970.780

“Vàng trắng” miền Đông

Thứ Ba 04/06/2013 , 09:42 (GMT+7)

Trong những ngày tháng 5, chúng tôi từ Đồng bằng sông Hồng vào Đông Nam bộ, đến với những đơn vị đầu ngành của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trong lúc toàn miền Đông đang rộn ràng ra quân khai thác mủ năm 2013.

Trong những ngày tháng 5, chúng tôi từ Đồng bằng sông Hồng vào Đông Nam bộ, đến với những đơn vị đầu ngành của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trong lúc toàn miền Đông đang rộn ràng ra quân khai thác mủ năm 2013.

Những giọt “vàng trắng" bắt đầu tuôn chảy; những nụ cười hạnh phúc tràn ngập ấm no bắt đầu nở trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của người công nhân; những con đường thảm nhựa, những ngôi làng với những ngôi nhà cao tầng được xây lên từ những giọt “vàng trắng" ngập tràn sức sống… Miền Đông anh dũng trong đấu tranh, lại anh hùng trong lao động, đang vững bước hiên ngang trên con đường đổi mới...

Vun vén cho hiệu quả doanh nghiệp và xã hội

Phú Riềng, Dầu Tiếng, Bình Long - cái nôi của ngành cao su Việt Nam, những lá cờ đầu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã, đang và sẽ làm gì để “vun vén cho hiệu quả của doanh nghiệp và hiệu quả xã hội”, một triết lý vững bền để dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh?

Ở nơi năng suất mủ đạt 2 tấn/ha trong 7 năm liền

Những người làm Báo Nông nghiệp Việt Nam chúng tôi cũng như những người làm nông nghiệp, nông thôn nói chung, đa phần đều xuất thân từ nông thôn, bước ra khỏi lũy tre làng, ôm những giấc mơ nhỏ nhoi, là được góp phần nào đó để người nông dân được ấm no, nông thôn được giàu có (trong đó có gia đình, làng xóm mình).

Bởi thế, dù lần đầu tiên gặp Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Cao su Phú Riềng Lê Thanh Tú, nhưng ông đã trải lòng về những đau đáu của mình: “12 năm qua, lúc nào tôi và các anh thế hệ trước cũng đau đáu vực dậy Phú Riềng để Phú Riêng luôn xứng đáng là lá cờ đầu của ngành cao su Việt Nam, là chỗ dựa vững chắc cho người dân vùng đất cách mạng này. Vì thế, chúng tôi xác định, mấu chốt là ở chỗ phải xây dựng được một mô hình quản lý hiệu quả. Và chúng tôi đã làm được. Hiện nay chúng tôi đang duy trì một chính sách quản lý Cty là phải công khai minh bạch, công bằng và dân chủ (dân chủ có phản biện chứ không phải cứng nhắc). Chính sách quản lý đó để trên 6.500 cán bộ công nhân viên của chúng tôi đều biết Cty đang làm gì, làm vì cái gì, công việc của họ trong tháng phải làm ra sao, tiền lương, thu nhập thế nào. Như vậy mới phát huy được hết sức mạnh của tập thể, để mỗi cán bộ công nhân viên phải biết vun vén cho hiệu quả của Cty và hiệu quả xã hội”.


Cạo mủ cao su

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đánh giá mô hình quản lý của Cty Phú Riềng là một trong những mô hình quản lý tốt nhất trong ngành cao su, cần được nhân rộng trong toàn ngành. Và quả thật, cơ cấu tổ chức bộ máy của Cty Phú Riềng là: Cty - nông trường - tổ đội. Với cơ cấu tổ chức hết sức gọn nhẹ này, ở 120 tổ sản xuất, Cty xây dựng 120 cơ sở làm việc. Ở mỗi cơ sở làm việc đều có khu vui chơi thể thao, khu giải trí đọc Báo Nông nghiệp Việt Nam; có tủ thuốc, điện nước, khu vệ sinh… đầy đủ. Vừa là khu giao nhận mủ cao su, vừa quản lý tài sản, vừa chăm lo được một cách toàn diện cho đời sống vật chất và tinh thần của người công nhân, để người công nhân nơi đây thực sự có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ông Tú bảo: “Từ ngày xưa, người Pháp họ cạo mủ cao su đã không cạo mủ ban đêm rồi, mà cạo ban ngày, tại sao họ phải làm như thế, đơn giản thôi vì nó mang lại hiệu quả cao nhất. Thế nhưng, hiện nay trong toàn ngành cao su, chỉ có duy nhất Cty chúng tôi thực hiện cạo mủ ban ngày. 5 giờ sáng người công nhân bắt đầu vào vườn cạo mủ, người công nhân cạo xong về nhà ăn cơm, bộ phận thu mủ đi thu mủ về. Vì thế mà hạn chế được tối đa thất thoát, sản lượng mủ tăng hơn, người công nhân được đảm bảo sức khỏe. Không phải làm đêm, vợ được ấm hơi chồng, con được ấm hơi mẹ. Sự nghiệp này là vì ai? Vì con người chứ vì ai nữa mà không làm như thế?”

Phú Riềng có một truyền thống lâu đời và hào hùng. Năm 1978 Cty Cao su Phú Riềng ra đời. Năm 2010 chuyển thành Cty TNHH MTV Cao su Phú Riềng. Tổng diện tích cao su hiện nay đạt 18.850 ha. Sản lượng mủ bình quân đạt 25.000 tấn/năm. Có 14 nông lâm trường, 2 nhà máy chế biến với trang thiết bị hiện đại. Xuất khẩu sản phẩm sang 40 nước trên thế giới.

Những điều trên lý giải vì sao, năng suất bình quân tại Cty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đạt 2 tấn/ha trong vòng 7 năm qua, dẫn đầu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Hàng năm sản lượng của Cty đều vượt kế hoạch. Lợi nhuận trên dưới 1.000 tỉ đồng/năm. Nộp ngân sách cho tỉnh Bình Phước trên 350 tỉ đồng, lớn nhất tỉnh Bình Phước. Thu nhập bình quân của công nhân trên 13 triệu đồng/người/năm, dẫn đầu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

“Những tháng đầu năm 2013, dù giá mủ cao su xuống thấp, nhiều đơn vị gặp khó khăn trong việc bán hàng, nhưng chúng tôi vẫn bán bình thường. Từng giờ, từng ngày chúng tôi chăm chút, vun vén để chất lượng mủ cao lên, để bán được giá cao, để người công nhân và gia đình của họ được ấn no”, ông Tú chia sẻ.

Khó thị trường thì đẩy mạnh trồng mới

Cty TNHH MTV Cao su Bình Long có tổng diện tích cao su đạt trên 14.500 ha, diện tích đang khai thác đạt 10.500 ha, 2.400 ha đang kiến thiết cơ bản. Năm 2013, dự kiến sản lượng đạt trên 20.000 tấn mủ. Có trên 6.200 cán bộ công nhân viên năng động, có trình độ khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm tay nghề lâu năm trong việc trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến mủ cao su. Có 8 nông trường đang khai thác mủ, có 2 nhà máy chế biến với dây truyền ly tâm đều được trang thiết bị hiện đại của Malaysia, Đức, với công suất 8.500 tấn mủ thành phẩm/năm.

Ông Lê Văn Vui, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Cao su Bình Long, một người còn khá trẻ và hết sức năng động, tâm sự: “40% số cây cao su già, vì vậy những năm tới sản lượng mủ của Cty sẽ giảm đi. Nhưng nếu cứ để như thế thì sản lượng mủ sẽ giảm từng năm, doanh thu của Cty cũng sẽ tụt giảm từng năm. Vì vậy, trong lúc thị trường cao su đang khó khăn như hiện nay, phải vun vén đầu tư ngoài ngành lại (mặc dù chỉ khoảng 40 tỉ đồng), tích cực đầu tư trồng mới. Năm 2013 chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành việc trồng mới 1.000 ha. Đồng thời, chúng tôi đang phối hợp với Cty TNHH MTV Dầu Tiếng và Cty Phước Hòa đầu tư trồng mới tại tỉnh Đăk Lăk từ 6.000 - 8.000 ha. Nhanh thôi, một vài năm nữa là cao su trồng mới lại cho khai thác rồi, khi đó lượng mủ sẽ bù đắp được số lượng cây cao su già và Cty mới phát triển được ổn định”, ông Vui chia sẻ.

Đông Nam bộ vẫn là vùng có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn các vùng khác trong cả nước (khoảng 11%). Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 9,6%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng núi Đông Bắc là trên 17%; vùng núi Tây Bắc gần 30%, Tây Nguyên là 15%, nhưng Đông Nam Bộ chỉ còn 1,2%. Những số liệu này đã minh chứng cho sự vun vén cho hiệu quả của doanh nghiệp và xã hội của những đơn vị cao su trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Cũng với cách làm như Cty TNHH MTV Cao su Bình Long, Cty TNHH Cao su Dầu Tiếng triển khai trồng mới cao su một cách rầm rộ. Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng Trần Văn Du lấy xe chở chúng tôi đi xem những vùng trồng mới. Từ những khu đất trống rất nhỏ, từ những khu đất trước đây dành ra để dự định đầu tư ngoài ngành làm khu dân cư đều được đưa vào trồng cao su.

Ông Du cho biết: Năm 2012, tổng diện tích vườn cây của Cty đạt gần 29.000 ha, trong đó trên 20.000 ha cho khai thác. Sản lượng mủ đạt trên 34.000 tấn. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.500 tỉ đồng, đạt trên 130% kế hoạch. Thu nhập bình quân của trên 10.000 công nhân viên gần 8,5 triệu đồng/người/tháng. Thế nhưng, vẫn phải trồng mới để đảm bảo lợi nhuận lâu bền. Năm 2012 trồng mới được trên 1.500 ha. Năm 2013 phấn đấu trồng mới tái canh trên 1.600 ha”.

Sẽ rất nhiều người cho rằng, tại vùng thủ phủ cao su của miền Đông này, các Cty sẽ tập trung vào khai thác mủ và khai thác gỗ (đối với cao su già, trong lúc gỗ đang được giá), không coi trọng việc trồng mới. Nhưng ông Du bảo: “Trước sau cũng phải trồng thêm. Trồng cao su rất nhanh, như giống hiện nay 5 - 6 năm là có thể khai thác. Nếu không tập trung vào trồng mới tái canh để thay thế cho cây cao su già thì thu nhập của trên 10.000 công nhân của chúng tôi không thể tăng lên từng năm được. 10.000 công nhân không có thu nhập tăng ổn định thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục ngàn người dân khác. Phải luôn vun vén cho Cty và cho xã hội để phát triển bền vững”. (còn nữa)

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm