| Hotline: 0983.970.780

Vật chứng của vụ án đâu?

Thứ Ba 13/03/2012 , 11:10 (GMT+7)

Vật chứng quan trọng nhất trong vụ án này là chiếc áo phông mà 1 trong 3 hung thủ bỏ lại tại hiện trường.

Vật chứng quan trọng nhất trong vụ án này là chiếc áo phông mà 1 trong 3 hung thủ bỏ lại tại hiện trường. Nó được cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tây cho là của Nguyễn Đình Lợi, từ đó Lợi bị bắt và “vụ án được phanh phui”.  

>> Những uẩn khúc ở Kỳ án Yên Nghĩa

Nguyễn Đình Lợi và mẹ ngày được tin nỗi oan chưa được giải

Bị hại Nguyễn Thị Hồng Hạnh khai tối 24/10/2000, tên hiếp dâm chị cuối cùng bỏ lại 1 chiếc áo phông cộc tay cổ bẻ màu đỏ, kẻ ngang màu xanh vàng. Chị giữ lại lại được chiếc áo khi tên này bỏ chạy.

Anh Nguyễn Đình Tuấn, cán bộ nhà máy A40, người đầu tiên giúp đỡ 2 nạn nhân tối 24/10/2000, khai với cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tây, khi nghe tiếng hô cướp, rồi thấy 1 thanh niên nam chạy vào đơn vị nói mình bị cướp, tiếp theo thấy 1 nữ thanh niên cũng lội qua mương chạy đến, anh đã đưa anh ta đến quân y sơ cứu và cùng anh Phạm Văn Đảm đến chỗ hai người bị cướp, thấy 1 chiếc áo phông ở mép ruộng, anh nhặt mang về. Đó là chiếc áo phông nền đỏ, sọc ngang. Nữ thanh niên nói: “Áo của thằng làm nhục em cuối cùng bỏ chạy”.

Anh Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Công an xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ, người đầu tiên tiếp nhận tin về vụ cướp, hiếp do mẹ con chị Hạnh báo, khai với ĐTV Công an TP Hà Nội (được cử đi xác minh đơn khiếu nại của người nhà 3 bị cáo Lợi, Tình, Kiên): Khi đến trình báo, chị phụ nữ mang theo 1 CMND và trình bày có giữ được 1 chiếc áo phông của đối tượng bỏ lại. Anh Bình yêu cầu chị Hạnh đưa đến hiện trường và điện báo cho Công an huyện. Khoảng 45 phút sau Công an huyện đến, anh không lập biên bản thu giữ chiếc áo, và cũng không biết Công an huyện có lập biên bản không…

Biên bản khám nghiệm hiện trường của CA tỉnh Hà Tây lập hồi 14 giờ 30 ngày 25/10/2000 ghi: “thu 01 áo phông cộc tay màu đỏ, cổ chui, có các sọc ngang màu vàng, xanh và đen”. Phiếu nhập vật chứng (số 126) hồi 9 giờ ngày 27/10/2000 và phiếu xuất vật chứng (số 126 +150/2000) hồi 7 giờ 30 ngày 12/7/2001 của CA tỉnh Hà Tây thì lại đều ghi:

+ Khám nghiệm hiện trường vụ cướp, hiếp thu 1 chiếc áo phông cổ bẻ nền đỏ, sọc trắng, đen, cộc tay (đã niêm phong)

+ 1 chiếc áo phông cổ bẻ nền đỏ, sọc xanh trắng cộc tay

+ 1 chiếc silip nam nền xanh sọc xanh đỏ.

(tổng cộng 3 khoản).

Có thể nói trong vụ án này, chỉ có duy nhất 1 chiếc áo phông mà 1 trong 3 hung thủ bỏ lại, do anh Nguyễn Đình Tuấn giữ được tại hiện trường, mang về phòng quân y A40 và chị Hạnh đã xác nhận là của tên hiếp chị cuối cùng bỏ chạy, chứ không có chiếc thứ 2, vì nếu có, thì khi theo chị Hạnh ra nơi bị cướp, hiếp, anh Nguyễn Văn Bình đã thu được.

Vậy chiếc áo đó có phải do anh Tuấn đã đưa cho chị Hạnh để chị mang đến CA xã Dương Nội trình báo không? Chiếc áo đó có đặc điểm riêng như lời khai của chị Hạnh, là “cổ bẻ, màu đỏ, sọc ngang màu xanh vàng”. Thế mà khi khám nghiệm hiện trường vào ngày hôm sau, CA tỉnh Hà Tây lại thu được chiếc áo khác, có đặc điểm khác hẳn. Và tại sao từ áo cổ chui, khi niêm phong trở thành tang vật của vụ án thì nó lại biến thành cổ bẻ? Còn chiếc áo thứ hai và chiếc silip được thể hiện trong phiếu nhập và xuất vật chứng thì thu được ở đâu? Của ai? Vì sao chúng không được niêm phong?

Trong hồ sơ vụ án không có biên bản niêm phong, biên bản mở niêm phong vật chứng. Nhưng điều rất quan trọng là ngay cả chiếc áo đã được cơ quan công an niêm phong cũng có những đặc điểm khác hẳn với chiếc áo do chị Hạnh “giữ lại được” khi tên hiếp chị cuối cùng bỏ chạy. Từ 1 chiếc áo hung thủ bỏ lại hiện trường do anh Tuấn thu được, trong vụ án đã xuất hiện tới 4 chiếc áo: 1 chiếc do chị Hạnh mang tới trình báo với CA xã Dương Nội; 1 chiếc do công an khám nghiệm hiện trường thu được ngày 25/10/2000 và 2 chiếc trong kho tang vật, không chiếc nào giống với chiếc nào (?).

Vẫn tin nỗi oan của mình cuối cùng sẽ được giải, Lợi và Tình tiếp tục viết đơn kêu oan

Chưa hết, chiếc áo được các ĐTV mang tới hỏi một số người để xác minh có phải là áo của Nguyễn Đình Lợi không, lại có đặc điểm khác. Khai với ĐTV Công an Hà Nội (được cử đi xác minh), bà Đặng Thị Thêu, khi đó là trưởng thôn Nghĩa Lộ xã Yên Nghĩa, khai: “Anh Nghị, trưởng CA xã cùng anh Tiến, tổ trưởng tổ điều tra và 3 cán bộ công an khác đến nhà tôi. Anh Tiến đưa cho tôi xem 1 chiếc áo phông, nói là đã khoanh vùng có 8 đối tượng ở khu vực này có áo màu như thế này, cô thử xem trong khu vực này có ai có áo màu như thế này không?”.

Điều lạ lùng nhất là cơ quan điều tra lại không thu được một thứ "hung khí” nào, dù án phúc thẩm đã khẳng định “như đinh đóng cột” rằng tối 24/10/2000, Lợi, Tình, Kiên đã “bàn nhau đi trấn lột”, và đã mang theo 1 gậy gỗ dài 1,2 mét, 1 dao ăn Thái Lan, 1 điếu cày để uy hiếp, khống chế 2 nạn nhân. Còn chiếc áo tang vật lại không xuất hiện ở phiên tòa. Lý do vắng mặt của nó được giải thích rằng đã tiêu hủy vì…mục nát, trong khi một số tài sản của Lợi, Tình, Kiên thì lại bị công an thu giữ, được chuyển sang tòa sơ thẩm rồi bị hủy một cách trái pháp luật.

Nhìn cái áo, bà Thêu đã trả lời hình như Lợi có cái áo như thế này, sau đó bà không đọc lại biên bản ghi lời khai mà ký luôn. Trả lời câu hỏi về đặc điểm của chiếc áo do ĐTV Công an tỉnh Hà Tây đưa cho xem, bà Thêu khai: “Chiếc áo có kẻ vuông to, ô màu xanh, ô màu đỏ”. Bà Thêu còn vẽ cả những ô vuông vào bản lời khai. Năm 2000, anh Trần Việt Cường (xã Hợp Thịnh, Kỳ Sơn, Hòa Bình) học sửa xe máy cùng với Lợi tại Hà Đông chừng 15 ngày. Khi Cường được ĐTV Công an tỉnh Hà Tây chở lên cơ sở II CA tỉnh Hà Tây để hỏi về 1 chiếc áo, thì “trên đường đi các chú công an có nói là Lợi đã nhận hết về cái áo đó rồi và bà con ở làng của Lợi đã thừa nhận là của Lợi”.

Đến nơi, ĐTV đưa cho Cường xem 2 chiếc áo phông. Do được nói là Lợi và các bạn đã thừa nhận nên Cường chỉ vào cái áo đỏ kẻ sọc, bảo là của Lợi, sau đó Cường “ký vào biên bản cho xong để về còn đi làm”. Nhưng về nhà, anh cảm thấy day dứt, ân hận vì đó không phải là sự thật, nên anh đã viết đơn gửi cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tây xin rút lại lời nói của mình…

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất