| Hotline: 0983.970.780

Vật ngã giá trên bàn đàm phán Trump-Kim

Thứ Tư 27/02/2019 , 18:17 (GMT+7)

Dù chưa tới cuộc gặp chính thức tại Hà Nội, việc phá dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên được xem là nội dung chính trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.

Khi chọn Hà Nội làm điểm diễn lần hai cho đàm phán Trump–Kim, người ta thấy rõ xu hướng xích lại gần nhau từ hai phía. Kim Jong-un có thể thỏa mãn niềm vui đi bằng tàu hỏa đến bàn đàm phán, trong khi Donald Trump cũng khôn khéo nhắc đối tác rằng, nếu có thể bình thường hóa quan hệ với quốc tế, Bình Nhưỡng một ngày cũng có thể hòa bình và phát triển như Thủ đô Việt Nam.

2155907527
Một góc trong tổ hợp hạt nhân Yongbyon

Nhưng trước khi nghĩ tới những viễn cảnh xa vời, Trump và Kim cần phải đạt được một tuyên bố chung rõ ràng và xác định hơn so với những gì đạt được ở Singapore nửa năm trước. Ngày ấy, Chủ tịch Kim tránh được cụm từ “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” (CVID) mà chỉ dừng ở "hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa". Lần gặp này tại Hà Nội, họ cần định nghĩa một cách chính xác “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” gồm những gì.

Một cách cụ thể, yêu cầu của Mỹ tập trung ở việc điều tra và phá hủy kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Còn Triều Tiên cần gỡ bỏ cấm vận, cho nhập khẩu hàng hóa, và buộc Mỹ rút quân khỏi các căn cứ xung quanh Bình Nhưỡng. Ai cũng có cái lý của mình, và đều muốn phía bên kia song song đưa ra thiện chí. Trong bối cảnh ấy, tổ hợp hạt nhân Yongbyon là cái đích lý tưởng để hai phía cùng nhượng bộ.

Với Triều Tiên, tổ hợp này từng hai lần được nước này tính tới việc cho quốc tế vào giám sát trước khi Kim Jong-un nắm quyền. Họ chọn nước đi khôn ngoan, cái mà ai cũng biết thì không nhất thiết phải giữ. Yongbyon được xây dựng từ năm 1979, cách Bình Nhưỡng chừng 100km, và một thời mang giá trị biểu tượng như "viên ngọc quý" của chương trình hạt nhân Triều Tiên. Đây là nơi sản xuất plutonium để Triều Tiên thực hiện thử bom nguyên tử.

Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters tin rằng Bình Nhưỡng còn một  nhà máy nữa có thể giúp nước này chế tạo 6 quả bom nguyên tử mỗi năm. Thêm vào đó, CNN còn khẳng định, Bình Nhưỡng đang ưu tiên cải thiện đầu đạn của những tên lửa tầm xa, giúp họ có thể bắn tới Mỹ.

Triều Tiên ở thế không buộc phải giữ Yongbyon và Bloomberg tin việc đóng cửa cơ sở này là “có thể” và là “thành công lớn” ở thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai. Nó cũng giúp Kim Jong-un thêm một lần nữa thoát khỏi CVID, điều nhà lãnh đạo này luôn tránh đề cập. Với Mỹ, động thái nhượng bộ của Bình Nhưỡng có thể là chưa đủ cho yêu cầu "phi hạt nhân hóa", nhưng như vậy là đủ cho Trump xoa tay hài lòng, sau cảm giác nặng nề ở cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ cuối năm 2018. Thỏa thuận với Triều Tiên, nếu xảy ra, còn có thể là bàn đạp cho Trump chạy đua ở chiến dịch tái tranh cử Tổng thống năm 2020.

3155914523
Lãnh đạo Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Donald Trump tại buổi gặp hồi tháng 6/2018

Trump là một doanh nhân, và rất am tường lợi ích của vật sắp được ngã giá trên bàn đàm phán – tổ hợp Yongbyon. Đó chưa hẳn là một thắng lợi, nhưng Triều Tiên chắc chắn không phải mũi dùi hướng tới của vị tổng thống 72 tuổi. Ông cần thêm đồng minh châu Á, và cũng cần thêm thời gian để những kẻ chỉ trích thấm thía câu nói: “Nhân dân không bao giờ sai” của cựu Thủ tướng Canada, Stephen Harper năm 2015, phát biểu khi thất cử.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.