| Hotline: 0983.970.780

“Vặt” trụi rừng tái sinh

Thứ Ba 25/10/2011 , 10:28 (GMT+7)

Một năm trở lại đây, tình trạng người dân xã Hương Nguyên và Hồng Tiến (huyện A Lưới, TT- Huế) lợi dụng chính sách giao đất trồng cao su đã ồ ạt chặt phá rừng tái sinh hàng loạt.

Chặt phá rừng tái sinh ở thượng nguồn khe A Bả, A Pát, xã Hương Nguyên đã làm ô nhiễm nguồn nước ở hạ lưu, đe dọa sức khỏe hàng nghìn hộ dân

Một năm trở lại đây, tình trạng người dân xã Hương Nguyên và Hồng Tiến (huyện A Lưới, TT- Huế) lợi dụng chính sách giao đất trồng cao su đã ồ ạt chặt phá rừng tái sinh hàng loạt.

Cũng do việc chặt phá rừng, các con suối vốn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân ở 6 thôn của xã Hương Nguyên bị ô nhiễm nặng nề, đe dọa đến sức khỏe của người dân.

Mạnh ai nấy…chặt

Sau trận lũ, nhiều tuyến đường dẫn vào các tiểu khu 321, 319 của xã Hương Nguyên bị hư hỏng, thế nhưng vẫn không “ngăn” được bước chân của người dân phá rừng tái sinh, phát đốt làm nương rẫy. Lực lượng tham gia vào đội quân này khá đông, chủ yếu là người dân hai xã Hương Nguyên và Hồng Tiến.

Dẫn chúng tôi đi thực tế, ông Lê Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Hương Nguyên bảo: “Giờ bản làng vắng lắm, bà con lên rẫy lên nương, chuẩn bị phát, đốt cho mùa rẫy mới. Chỉ tội cho mấy bản làng ở bên dưới các dòng suối phải uống nước ô nhiễm vì nạn đốt phá rừng tái sinh một cách bừa bãi”.

Tại tiểu khu 319, theo ghi nhận của chúng tôi, sau một thời gian im ắng, chuẩn bị bước vào mùa lúa mới nên bà con đã lục đục đi phát nương làm rẫy trở lại. Kéo theo đó, cả cánh rừng tái sinh đã bị “vặt” trụi, nhiều nơi các thân gỗ lớn chỉ còn lại gốc, cháy đem nhẻm, nằm ngổn ngang.

Theo thống kê của UBND xã Hương Nguyên, chỉ riêng mấy tháng trở lại đây, tại tiểu khu 319 đã có hơn 5ha rừng tái sinh bị phát, đốt. Xã đã lập biên bản xử phạt 2 triệu đồng đối với trường hợp bà Lê Thị Thắng ở thôn Giong. Thế nhưng, vừa phạt xong hôm trước, chưa nộp tiền, hôm sau đã quay trở lại rẫy…tiếp tục phát, đốt. Bên cạnh đó, ở dòng Tả Trạch (thượng nguồn sông Hương), nhiều lâm tặc cũng đi từ A Roàng vào địa bàn xã Hương Nguyên cũ chặt phá rừng, mang gỗ thả trôi theo sông để về xuôi.

Tại tiểu khu 321 cũng lâm vào tình trạng tương tự. Trên những triền đồi dốc chênh vênh, dấu vết rừng tái sinh còn lại chỉ là màu đen của những gốc cây bị chặt trụi. Gỗ lớn đã được vận chuyển đi hết, chỉ còn lại một ít khối lượng gỗ nhỏ, được đồng bào đi “mót” mang về làm chất đốt. Khu vực này chủ yếu phân bố các loại gỗ trường, chò, còn lại là các loại gỗ thuộc nhóm 6, 7. Tuyến đường dẫn vào tiểu khu 321, bị cày xới, dẫm nát bởi dấu chân trâu bò.

Ông Hồ Văn Hối, một hộ dân ở thôn Tà Rá, xã Hương Nguyên, đang mót củi ở khu vực này cho biết: “Đây là rừng thưa được bà con đốt từ mấy tháng trước. Gỗ lớn được cưa dùng trâu bò vận chuyển hay thả theo khe suối về hết rồi. Giờ còn lại gỗ nhỏ, bà con lên lấy về chẻ làm củi thôi”.

 Theo UBND xã Hương Nguyên, năm 2010, thực hiện nghị quyết của HĐND xã về chủ trương giao đất cho người dân trên địa bàn trồng cao su. Theo đó, mỗi hộ dân sẽ có 3 ha ở tiểu khu 321 để phát và ươm cây cao su. Đến nay đã có 22 ha đất được bà con phát, đốt. Lợi dụng chính sách giao đất này, nhiều hộ dân đã ồ ạt chặt rừng tái sinh không thương tiếc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài số diện tích đất được xã giao trồng cao su, nhiều hộ dân đã chặt phá và cho trâu bò lên vận chuyển, “tận thu” những diện tích rừng tái sinh không chỉ trong khu vực tiểu khu 321 mà còn nhiều khu vực lân cận.

Ông Lê Xuân Kho, Chủ tịch UBND xã Hương Nguyên thừa nhận: “Việc người dân lợi dụng chủ trương giao đất trồng cao su để phá rừng ngoài khu vực cho phép là có thật, xã không quản lý hết được. Tính đến nay, đã có gần 30 ha rừng tái sinh ở hai tiểu khu 321 và 319 bị người dân đốt phá. Trong khi đó, việc bắt giữ và xử phạt của địa phương rất khó khăn. Nhiều lần lực lượng kiểm lâm địa bàn kết hợp dân quân tự vệ cùng cán bộ xã tiến hành kiểm tra thì chỉ bắt giữ được trâu”.

Ô nhiễm nguồn nước

Hương Nguyên là địa phương vùng cao của huyện A Lưới. Từ trước đến nay, nguồn nước sinh hoạt, ăn uống của người dân 6 thôn với khoảng 250 hộ dân, 1.300 nhân khẩu chủ yếu dựa vào hai con suối A Bả và A Pát. Thế nhưng, trong một năm trở lại đây, nguồn nước này bị ô nhiễm nghiêm trọng khi mà ở thượng nguồn, tình trạng phá rừng diễn ra vô tội vạ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, vào mùa này, tại khe A Bả- nguồn cung cấp nước cho 4 thôn gồm: Tà Rá, Mù Nú, Giong, A Rì với khoảng 200 hộ dân, nước đục ngầu, mang nhiều tro trụi “tàn tích” của rừng bị đốt chảy về xuôi. Nguồn nước chảy về đập thủy lợi nhỏ ở thôn Tà Rá bị ô nhiễm cũng làm 5 ha lúa nước- nguồn lương thực chính của thôn cũng bị ảnh hưởng.

“3 năm trước, Trung tâm y tế dự phòng huyện A Lưới có lấy mẫu nước ở hai nguồn khe A Bả và A Pát để kiểm tra. Mặc dù tình trạng phá rừng gây ô nhiễm nguồn nước rất nghiêm trọng, tiền ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh nhưng từ đó đến nay, vẫn chưa có cơ quan nào đến xét nghiệm mức độ ô nhiễm để có biện pháp và khuyến cáo cho người dân cả”, ông Lê Xuân Kho- Chủ tịch UBND xã Hương Nguyên, cho hay.

Chị Nguyễn Thị Hải (25 tuổi, thôn Tà Rá) cho biết: “Trước đây vào mùa mưa hay nắng nước dẫn từ khe A Bả về vòi rất trong. Giờ thì hứng nước đổ vào xoong có nhiều váng cợn màu đen, bốc mùi hôi thối. Thỉnh thoảng trong nước còn có cả đỉa và các côn trùng, uống thì dễ đau bụng, tắm giặt ngứa ngáy lắm. Gia đình tôi có con nhỏ là cháu Trần Thị Giang, bị bệnh dạ dày và tiêu chảy phải đi viện nhiều lần”.

Theo ông Lê Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Hương Nguyên, thời gian gần đây có đến 70% người dân ở khu vực các thôn có nguồn nước ô nhiễm bị mắc các loại bệnh liên quan đến đường ruột và ngoài da.

Tại khu vực suối A Pát, người dân ở hạ nguồn gồm các thôn Nghĩa, Chà Nu cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Theo người dân ở đây phản ánh, do ở khu vực thượng nguồn xảy ra tình trạng phá rừng, dùng trâu vận chuyển nên gây xáo động dòng chảy, nước sinh hoạt lẩn nhiều tạp chất và côn trùng. Ông Lê Công Quý, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Nguyên thừa nhận: “Phá rừng đã làm nguồn nước sinh hoạt của bà con 6 thôn xã Hương Nguyên bị ô nhiễm nặng nề. Chỉ tính riêng vài tháng trở lại đây, trên địa bàn xã đã có gần 200 trường hợp mắc bệnh ngoài da và đường tiêu hóa”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm