| Hotline: 0983.970.780

Vất vả bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ

Thứ Tư 14/03/2018 , 14:30 (GMT+7)

Với hàng ngàn chiếc tàu công suất nhỏ chuyên đánh bắt gần bờ, tỉnh Bình Định đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

11-22-04_1
Lực lượng liên ngành phối hợp tuần tra ngăn chặn tàu đánh bắt ven bờ bất hợp pháp

Những năm qua, ngành nông nghiệp Bình Định đã nỗ lực hạn chế số lượng tàu đánh bắt gần bờ và ngăn chặn những hình thức đánh bắt theo kiểu tận diệt. Tuy nhiên, để làm được vẫn còn lắm gian nan!
 

Lượng tàu đánh bắt gần bờ giảm mạnh

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, toàn tỉnh có 6.470 tàu cá đăng ký tham gia khai thác hải sản, trong đó nhóm tàu dưới 20CV có 1.407 chiếc, chiếm 22%; đội tàu có công suất từ 20 đến 90CV có 1.373 chiếc, chiếm 21%; đội tàu có công suất từ 90CV trở lên có 3.690 chiếc, chiếm 57 %.

Đội tàu nhỏ có công suất dưới 20 CV (1.407 chiếc) chuyên khai thác ven bờ, chủ yếu tại các vùng đầm, vùng biển ven bờ với các nghề lưới rê (340 tàu, chiếm 24%), nghề câu nhỏ (177 tàu, chiếm 12.5%) và nghề lưới lồng (284 tàu, chiếm 21%); còn lại các nghề khác chiếm 42,5%.

Sau 5 năm nỗ lực trong công tác định hướng quy hoạch phát triển thủy sản, tính đến nay nhóm tàu được mệnh danh là “sát thủ ven bờ” nói trên đã giảm đáng kể, nếu vào năm 2013 có đến 2.236 chiếc thì hiện chỉ còn 1.407 chiếc.

Tuy số lượng tàu “sát thủ” đã giảm mạnh, nhưng do nguồn lợi ven bờ đã suy giảm nghiêm trọng, nên nhiều tàu chuyển sang làm các nghề mang tính tận thu, tận diệt nguồn lợi như làm nghề lưới lồng và sử dụng xung điện xiếc máy để đánh bắt.

“Nguy hại nhất là nghề giã cào. Theo quy định, nghề giã cào nhỏ chỉ được đánh bắt ở vùng biển cách bờ 6 hải lý, nghề giã cào lớn (tàu có công suất trên 90CV) phải đánh bắt ở vùng khơi. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều tàu giã cào trên 90CV vẫn hoạt động trong vùng biển lộng, thậm chí “cào” luôn vùng biển ven bờ”, ông Nguyễn Công Bình cho hay.
 

Cần chủ trương để xóa tàu

Tính đến năm 2017, Bình Định đã có 15 mô hình đồng quản lý đầm Thị Nại, đầm Trà Ổ, đầm Đề Gi và vùng ven biển Quy Nhơn với 20 xã phường tham gia. Thông qua các mô hình đồng quản lý này, cộng đồng ngư dân phối hợp với chính quyền địa phương tham gia tích cực công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phối hợp chặt chẽ trong việc ngăn ngừa, phát hiện, truy bắt những phương tiện vi phạm trong việc sử dụng xung điện - xiết máy, chất nổ, chất độc trong khai thác thủy sản; phá hoại các rạn san hô, thảm cỏ biển trong vùng nước ven bờ.

11-22-04_2
Lực lượng chức năng kiểm tra tàu đánh bắt gần bờ

“Để xử lý vi phạm khai thác thủy sản tại các vùng đầm và vùng biển ven bờ, trong thời gian qua, Thanh tra của Chi cục Thủy sản Bình Định đã phối hợp với chính quyền các địa phương và các lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát môi trường tổ chức tuần tra kiểm soát, tịch thu nhiều công cụ và phương tiện khai thác thủy sản trái phép.

Tuy nhiên, công tác phối hợp liên ngành không thể tổ chức thường xuyên, trong khi đó những vi phạm thì xảy ra mỗi ngày. Nếu chỉ đơn độc ngành thủy sản đi tuần tra, khi bắt được vi phạm thì lại thiếu chế tài xử lý”, ông Nguyễn Công Bình bộc bạch.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trước kia, trong dự án "Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững" (CRSD), Bình Định đã đề xuất chủ trương giảm dần rồi xóa hẳn tàu đánh bắt ven bờ bằng cách hủy những tàu công suất dưới 20CV, rồi hỗ trợ lại cho chủ tàu một khoản tiền tương ứng và kinh phí chuyển đổi nghề cho ngư dân.

Tuy nhiên, các chuyên gia của dự án CRSD không đồng ý, họ cho rằng không đúng mục tiêu của dự án. “Bình Định vẫn đang thực hiện chủ trương xóa tàu đánh bắt gần bờ, nhưng đang tìm chính sách hợp lý. Ví dụ, hủy 1 chiếc tàu có giá trị 5 triệu đồng ít nhất phải hỗ trợ lại cho ngư dân 3 triệu, sau đó phải hỗ trợ kinh phí để họ chuyển đổi nghề, đối với những nghề họ chưa biết phải tổ chức dạy nghề. Nhưng muốn thực hiện được điều này cần phải có kinh ph!”, ông Phan Trọng Hổ bày tỏ.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.