| Hotline: 0983.970.780

'Vay bò trả bê' giúp nông dân Tuyên Quang thoát nghèo

Thứ Tư 14/11/2018 , 06:50 (GMT+7)

Sau hơn 10 triển khai chương trình “Vay bò trả bê”, đến nay đã có 3.458 hộ nông dân nghèo của tỉnh Tuyên Quang được hỗ trợ. Có “cần câu” này, hơn 1.100 hộ đã vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả.

06-15-25_2
Chương trình “Vay bò trả bê” giúp nhiều nông dân huyện vùng cao Lâm Bình thoát nghèo hiệu quả

Chương trình “Vay bò trả bê” được Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang triển khai từ năm 2002 tại 19 xã đặc biệt khó khăn của 6 huyện, TP với hình thức cho vay là luân chuyển cho các hộ nghèo, gồm huyện Yên Sơn có 4 xã, huyện Hàm Yên có 2 xã, huyện Chiêm Hóa có 4 xã, huyện Nà Hang có 2 xã, huyện Lâm Bình có 5 xã và huyện Sơn Dương có 2 xã. Đến nay đã có 3.458 hội viên nông dân nghèo được vay bò.

Bà Phạm Thị Lan, Trưởng Ban Kinh tế- xã hội, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, để dự án đạt hiệu quả cao, mỗi khi thực hiện cho vay, Hội đề nghị các cấp hội rà soát đúng đối tượng cho vay. Cùng với đó hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho đàn bò; khuyến khích các hộ phát triển các mô hình trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn.

Năm 2013, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương được hỗ trợ 200 con bò cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Sau gần 5 năm, xã đã luân chuyển 126 con cho các hộ tiếp theo, tăng đàn bò của xã lên gần 500 con. Từ những con bò được vay, đã có nhiều hộ vươn lên trong lao động SX, giảm nghèo hiệu quả.

Ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã cho biết, chương trình “Vay bò trả bê” thực sự là điểm tựa giúp nông dân vươn lên thoát nghèo. Trong số hơn 200 hộ được vay đã có 150 hộ thoát nghèo, có cuộc sống ấm no.

Gia đình chị Dương Thị Ba, thôn Nà Đồn, xã Thanh Tương, huyện Na Hang được vay 1 con bò từ năm 2003. Con nhỏ, chồng ốm đau thường xuyên, 1 mình chị bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Được hỗ trợ vay bò, chị rất phấn khởi và chăm sóc cẩn thận. Sau hơn 1 năm vay, con bò cái đã sinh được con bê con khỏe mạnh.

06-15-25_1
Chị Dương Thị Ba, thôn Nà Đồn, xã Thanh Tương, huyện Na Hang chăm sóc đàn bò của gia đình

Đến nay, không những gia đình chị Ba đã trả được con bê cho dự án mà từ con bò ban đầu đã giúp chị phát triển đàn bò lên 7 con. Năm 2017, gia đình chị đã thoát nghèo bền vững.

Cũng giống gia đình chị Ba, gia đình anh Đinh Văn Luân, thôn Nà Thôm, xã Thanh Tương được vay 1 con bò năm 2007. Anh Luân cho biết, trước đây gia đình rất nghèo, cơm nhiều khi ăn cũng không đủ no chứ chưa nghĩ đến những chuyện khác. Từ ngày được vay bò, cả gia đình đầu tư công sức chăm sóc cẩn thận và nuôi dưỡng ước mơ thoát nghèo.

Đến nay gia đình anh đã có 5 con bò, xây dựng được nhà kiên cố. Anh Luân bảo, nhờ có con bò được vay, cái đói cái nghèo được đẩy lùi, đặc biệt niềm vui lớn nhất là anh đã cho 2 con mình đi học cao đẳng, đại học.

Hiệu quả của chương trình “Vay bò trả bê” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang góp phần tích cực thúc đẩy ngành chăn nuôi đại gia súc của địa phương phát triển. Chương trình này cũng góp vai trò không nhỏ trong mục tiêu giảm 3% hộ nghèo mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 của tỉnh.

 

Xem thêm
Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.