| Hotline: 0983.970.780

Vảy tê tê - 'thần dược' cho quý ông, chỉ là trò bịp bợm, moi tiền

Thứ Năm 23/06/2016 , 13:30 (GMT+7)

“Đại bổ thận tráng dương, giúp quý ông cứng cơ dẻo gân, tăng cường sinh lực, giải độc, vẩy làm thuốc trị bá bệnh, đặc biệt có khả năng điều trị tiểu đường, ung thư. Bộ vảy là “bảo bối” nên có trong mọi gia đình”... 

Đó là những lời rao về con trút, hay còn gọi là tê tê, loài bò sát có vú đặc biệt quý hiếm hiện đang trên đà tuyệt chủng. Sự thật hoàn toàn không phải như vậy.

Tận mục món tê tê

Trong một lần lên công tác ở vùng biên giới Tây Ninh, tôi được anh bạn người địa phương, nguyên là một lái trâu, bò lậu từ Campuchia về, rỉ tai úp mở: “Tôi đã chuẩn bị một món đặc sản tiếp ông trưa nay rồi”.

Nói rồi anh bạn dẫn tôi đến một quán ăn nằm sâu trong con đường đất nhỏ ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên. “Quán ăn chỉ có vài chòi lá đơn sơ, chẳng có vẻ gì sang trọng, làm sao có đặc sản ở đây được?”, tôi thầm nghĩ.

Như đọc được những gì đang chạy trong đầu tôi, anh bạn trấn an: “Ông đừng coi thường, quán tuềnh toàng vậy chứ toàn đặc sản bên Cam về. Đảm bảo tuyệt đối là đồ tươi sống nhá. Mỗi khi có mối làm ăn, tôi đều dẫn ra đây. Dân máu mặt đến không đó”.

Sau khi dẫn tôi vào một chòi lá, anh bạn vụt ra ngoài. Xung quanh vắng lặng như chốn rừng hoang, chỉ có tiếng cây quạt trên đầu quay hết công suất vẫn không xua được cái nóng hừng hực vùng biên giới. Khoảng 20 phút sau, anh bạn tôi cùng 1 người đàn ông và cô nhân viên phục vụ, khệ nệ bưng bê đủ thứ vào chòi.

Vài phút sau, trên chiếc bàn tròn khá to đã bày kín mọi thứ. Sau khi giới thiệu tôi với người đàn ông kia, anh bạn quay sang tôi nói: “Đây là chủ quán, bạn làm ăn chung của tôi từ hơn chục năm nay. Đây là thịt rừng tươi sống, mật, tiết của nó nằm trong 2 chai rượu này. Anh ăn rồi đoán xem nó là con gì nha”. Quả thật tôi chưa từng thấy món này, nên dù gắp lên “soi” khá kỹ mà không thể biết đó là thịt con gì.

13-30-48_nh-3
Chỉ vì lời đồn, nhiều đại gia bỏ ra cả trăm triệu mua tê tê sống về ngâm rượu cùng một số loại động vật quí hiếm khác

 

Bạn tôi tỏ vẻ thông cảm cho cái sự lạc hậu của tôi bằng câu: “Ông không biết là đúng. Vì đây là loài động vật cực kỳ quý hiếm, tuyệt đối cấm săn bắt, nên không phải ai cũng được thưởng thức. Lần này tôi có để đãi ông là vì ông gọi báo trước khi lên, chứ đột xuất không có đâu”.

Im lặng vài giây như để kích thích sự tò mò của tôi, anh bạn nói tiếp: “Món này mọi thứ đều bổ, đều quý. Từ trong ruột ra đến ngoài là bộ vảy, móng. Con này ở đây mua giá gốc đã 4 triệu đồng ký rồi. Nếu là nhà hàng ở Sài Gòn thì giá “bèo” lắm cũng gấp 2 - 3 lần”.

Đến đây thì tôi đã đoán ra đó là con tê tê, hay còn gọi là trút, loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng vì lời đồn về công dụng như “thần dược” của nó từ miệng những kẻ buôn bán trái phép.

Quả thật, đây là lần đầu tiên tôi nếm thử món ăn từ con vật mà đã nghe quá nhiều. Tôi từng cùng Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã đi thả những con thú bị săn bắt trái phép về rừng sau khi được cứu hộ, trong đó có tê tê. Nghĩ đến đến những hình ảnh về con vật hiền lành này, bất chợt miệng tôi đắng ngắt.

Trong khi đó, anh bạn tôi vẫn thao thao: “Thịt con tê tê là một trong những món ăn cao cấp, chỉ những tay tiền như nước mới dám ăn. Đàn ông nếu yếu sinh lý, ăn đủ các món chế biến từ tê tê gồm thịt, lòng, tiết, mật, nếu có rượu ngâm con này nữa thì đảm bảo chuyện phòng the khỏi phàn nàn. Ông cứ thử một lần xem tôi nói đúng không”.

Chiêu trò con buôn

Trở về sau chuyến đi, tôi tìm hiểu các thông tin về loài tê tê mới biết, mặc dù loài này bị nghiêm cấm buôn bán, cấm sử dụng mọi sản phẩm chế biến từ tê tê, nhưng trên thị trường chợ đen, việc mua bán vẫn rầm rộ, bán công khai trên các trang mạng hay qua mối lái, người quen...

Trong vai người tìm mua vảy tê tê về làm thuốc, tôi gọi vào một số điện thoại trên trang mạng, giọng một người đàn ông trung niên thao thao: “Tôi chuyên cung cấp tê tê sống giá gốc. Hiện tại chưa có hàng, anh đặt cọc cho tôi vài trăm, chỉ 1 - 2 ngày là có. Anh đến lấy trực tiếp, tôi lấy giá gốc là 6 triệu đồng/kg, còn mang đến tận nơi thì giá 1 ký là 6,5 triệu đồng. Con từ 3 - 5 ký.

Nếu anh mua con to tôi bớt chút đỉnh. Muốn chế biến tại chỗ như pha tiết rượu, mật, tách vảy, làm sạch bộ lòng, anh chỉ việc mang về chế biến... thì thêm 300 ngàn tiền công”.

13-30-48_nh-2
Vảy tê tê không hề có tác dụng "thần dược" cho quý ông

 

Khi tôi hỏi về công dụng chữa bệnh của tê tê, người đàn ông tiếp tục thao thao như một thầy thuốc chính hiệu: “Thịt tê tê không chỉ ngon khỏi chê, mà tất tần tật mọi thứ trên cơ thể nó đều là thuốc. Công dụng nhất của nó là bổ dương tráng thận cho đàn ông.

Còn tiết, mật có tác dụng giải độc gan cực kỳ hiệu quả. Đặc biệt, vảy tê tê còn chế ra nhiều bài thuốc điều trị ung thư rất tốt. Bình quân cứ 1 ký thịt thì có 1 lạng vảy, tức con tê tê 3 ký thì có khoảng 3 lạng vảy. Nếu anh chỉ mua vảy không thì giá 11 triệu đồng ký. Đây là giá gốc, anh không tin ra khu Hải Thượng Lãn Ông ở quận 5 (TP. HCM) hỏi thử, giá khoảng 15 triệu/kg. Nếu không đúng tôi biếu không anh.

Tê tê là một trong những món đặc sản, quý hơn chồn hương, rắn hổ. Anh chơi món này là đẳng cấp rồi. Ăn thịt xong còn bộ vảy làm bảo bối trong nhà, phòng khi bệnh tật. Một công đôi việc”.

13-30-48_nh-5
Con tê tê do một đầu nậu rao bán với giá 6,5 triệu đồng/kg

 

Để tìm hiểu thực hư những lời đồn đại quanh con tê tê, tôi gặp ông Phạm Quốc Vinh, một lương y từng giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có con bằng bài thuốc gia truyền, để hỏi.

Ông Vinh cho biết, thịt con tê tê cũng như các loài động vật khác, chỉ là thực phẩm bình thường, chứ chưa thấy tài liệu đông y nào nói là vị thuốc chữa bệnh cả. Tiết, mật cũng vậy. Riêng vảy tê tê, đông y cổ phương có dùng để bào chế một vài loại thuốc điều trị một số bệnh thông thường chứ không có chuyện chữa ung thư như người ta đồn.

13-30-48_nh-6
Thả thú về rừng U Minh, trong đó có những con tê tê

 

“Tất cả đều do người bán tung tin thất thiệt để lừa người bệnh thôi. Tôi từng chứng kiến một người dân bị khối u áp xe khá to ở chân nên tìm mua vảy tê tê về sao, tán bột rắc lên. Sau một thời gian thì vết áp xe xẹp dần, hết mủ. Người bán vảy tê tê bắt đầu đi rao khắp nơi rằng anh ta vừa cứu một người bị ung thư thoát chết nhờ vảy tê tê. Đưa bằng chứng người thật việc thật hẳn hoi, nhiều người tin lắm, tìm đến anh ta mua vảy tê tê về để trong nhà.

Tôi tìm đến người khỏi “ung thư” kia tìm hiểu mới biết, chẳng có ung thư nào cả, đó chỉ là khối áp xe, anh ta không giữ gìn, cứ lội ruộng nên khối u ngày càng to, gây đau nhức. Vảy tê tê điều trị mụn nhọt rất hiệu quả. Từ đó cho thấy, người dân không hiểu biết nên đã bị con buôn lợi dụng thôi”.

“Trong y học cổ truyền, vảy tê tê được gọi là xuyên sơn giáp, có vị mặn, hơi tanh, tính lạnh, không độc, vào 2 kinh can và vị, có tác dụng giải độc, tiêu viêm, giảm đau, sát khuẩn, giảm sốt, lợi sữa. Xuyên sơn giáp được chế thành bài thuốc trị sốt rét lâu năm, tắc tia sữa cho phụ nữ, chữa rắn cắn, trị chứng sưng lá lách. Chỉ vậy thôi chứ hoàn toàn không có công dụng thần kỳ trong điều trị ung thư hay “thần dược” cho quý ông như lời đồn”, lương y Phạm Quốc Vinh, Giám đốc Công ty Đông dược Việt, Long An.

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm