| Hotline: 0983.970.780

Về bức thư gửi Bộ trưởng của cháu gái Mỹ Linh

Thứ Hai 01/12/2014 , 09:34 (GMT+7)

Mới đây, Võ Thị Mỹ Linh (nickname Va Li), cô gái sinh 1989, đã có chia sẻ về việc học tiếng Anh của học sinh Nepal.

Bài Linh viết hiện đã có gần 21.000 lượt thích, gần 9.000 lượt chia sẻ, trên 2.400 bình luận. Đa phần các ý kiến đều ủng hộ và tâm đắc với câu chuyện mà cô chia sẻ.

Mỹ Linh hiện vẫn ở Nepal, và dự tính ngày 1/12 sẽ trở về Việt Nam. Cô bạn này khá nổi tiếng, mới đây nhất là việc cô may mắn thoát chết trong vụ sạt lở tuyết tồi tệ nhất trong 10 năm qua tại dãy Himalaya (Nepal) làm khoảng 40 người chết.

Tôi thấy thư của cháu rất chính xác và mong muốn được gặp cháu để trao đổi thêm rộng hơn về lĩnh vực đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục. Tôi đã từng khảo sát chuyện này ở Nepal và tôi thấy bức thư này thật hay.

Hai đất nước khác nhau, thậm chí GDP/PPP của Việt Nam còn cao hơn nhiều so với Nepal (2013: Việt Nam - 358,90 tỷ USD; Nepal - 42,06 tỷ USD). Nhưng tuổi học và năm học của học sinh hai nước là giống nhau. Sự so sánh của cháu hoàn toàn chính xác và chả khập khiễng chút nào. Đó là sự suy nghĩ chín chắn và có trách nhiệm của một nữ thanh niên có tấm lòng yêu quý sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Tôi đã mua trong hiệu sách của Nepal hai cuốn Sinh học (Biology) dành cho học sinh lớp 11 và 12. Tôi bị choáng luôn, không phải chỉ vì sách viết bằng tiếng Anh và mỗi cuốn dầy hơn 700 trang (!). Sách giáo khoa Sinh học lớp 11 và 12 ở ta chỉ trên 200 trang mà in chữ thưa (!).

Nhìn vào nội dung vừa thấy sâu sắc hơn nhiều, kể cả việc trình bày từng chức năng của các nucleotides (ATP, ADP, NAD, FAD, NADP, AMP...) mà còn dẫn chứng các dẫn liệu của Nepal, như các khu bảo hộ sinh vật...

Tôi hỏi bạn thì được biết có một hệ thống học toàn bằng tiếng Anh (số này đào tạo ra không ít tiến sĩ đang làm chuyên gia cho Liên Hợp quốc) và một hệ thống học bằng tiếng Nepal nhưng học sinh được học tiếng Anh ngay từ bậc tiểu học (số này đào tạo ra rất nhiều công nhân đi lao động xuất khẩu). Như vậy tiếng Anh không chỉ nâng cao dân trí mà còn đem về tiền bạc cho đất nước này từ ngoại hối.

Tất nhiên tôi đã hỏi làm sao có thể tiêu hóa được cuốn sách giáo khoa trên 700 trang ở lứa tuổi học sinh cấp III. Câu trả lời thật đáng để chúng ta suy nghĩ: Họ coi học hết lớp 10 là hoàn thành kiến thức cơ sở (thế hệ chúng tôi học hết THPT chỉ có 9 năm). Đến lớp 11 và 12 họ phân ban sâu, chia thành 4 phân ban (Quản trị kinh doanh, Xã hội nhân văn, Toán - Lý và Hóa - Sinh).

Mỗi phân ban lại chỉ học có 4 môn học. Vì vậy môn Sinh học ở ban Hóa - Sinh mới có sách giáo khoa dày trên 700 trang (!). Đây là chuyện tôi đang kiên quyết đề nghị chúng ta phải thảo luận thật kỹ chuyện phân ban trước khi soạn thảo chương trình.

Và trong chuyện này tôi rất muốn học Nepal khi thấy có tới trên 50% sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm thích hợp trong khi ai cũng muốn con em mình học đại học mà không muốn rẽ ngang để học nghề hay hành nghề.

Chúng ta coi trọng môn tiếng Anh nhưng đâu có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học sử dụng được tốt ngoại ngữ này. Điều đáng buồn là vì học sinh học các ngoại ngữ khác nhau cho nên khi chuyển cấp có khi phải học lại a, b, c từ đầu (!).

Tôi nghĩ đến quyết định của ông Lý Quang Diệu khi lấy Anh ngữ là ngôn ngữ chính của Singapore trước sự phản đối gay gắt của số đông người Hoa, cộng đồng dân cư nhiều áp đảo ở Singapore. Bây giờ thế giới nể trọng Singapore về nhiều mặt có phần xuất phát từ quyết định sáng suốt ấy của ông Lý Quang Diệu.

Thế hệ bố mẹ tôi là tiếng Pháp, thế hệ tôi là tiếng Nga. Tôi đã học hai ngoại ngữ này nhưng khi ra trường đã quyết tâm học thêm tiếng Anh và tiếng Trung. Tiếng Anh thì rõ rồi nhưng tiếng Trung rất hay không chỉ vì thế giới sinh vật của họ gần giống với nước ta mà còn vì sách chuyên môn nào hay của Mỹ, Anh, Úc họ đều dịch rất nhanh và giá chỉ bằng 1/10 so với nguyên tác (!). Tất nhiên tôi không có may mắn được học chu đáo như nhiều bạn trẻ hiện nay mà toàn phải tự học, một chuyện khá vất vả và khá hạn chế về trình độ.

Tôi đồng ý với cô gái này không chỉ vì họ muốn kể câu chuyện văn hóa của đất nước họ cho thế giới biết... Nếu anh tự hào về ngôi nhà anh đẹp, thì anh phải tìm cách đi qua làng bên, nói cho người làng bên biết cái nhà anh đẹp thế nào để họ còn biết mà đến thăm mà còn vì không thể chỉ nằm ở nhà, ngửa mặt lên ngắm trần nhà và tự khen nhà mình đẹp thôi là đủ. Trong khi thế giới ngoài kia, có biết bao ngôi nhà đẹp hơn đang được xây nên mỗi ngày. Cô gái này viết quá hay và thật chính xác!

Tôi tin rằng không khó khăn gì về chuyện cháu muốn tham gia biên soạn sách giáo khoa, chỉ cần Bộ GD-ĐT không giữ độc quyền việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa.

Tôi đã nhiều lần kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép các hội khoa học chuyên ngành được chủ động cử người biên soạn chương trình dưới sự chỉ đạo của Bộ và xã hội hóa hoàn toàn việc soạn sách giáo khoa khi đã có một chương trình hoàn hảo được cấp có thẩm quyền thông qua một cách rất có trách nhiệm.

Tôi nghĩ nếu có một chương trình Anh ngữ đã được thông qua cấp Nhà nước thì theo quy định mới ai muốn viết sách giáo khoa mà không được. Nếu cô gái này học về Sinh học thì tôi sẵn sàng mời cộng tác với tôi viết sách giáo khoa Sinh học (tôi đã sẵn sàng viết nếu như chấp nhận được sự hợp lý của chuyện phân ban và sự chính xác của một chương trình sẽ được thông qua).

Tôi không được xem sách dạy tiếng Anh của Nepal, tôi chỉ xin nói về sách giáo khoa Sinh học bằng tiếng Anh của Nepal mà tôi đang có trong tay.

Họ dám để chỉ một người viết cả một cuốn sách giáo khoa và người này ngay từ Lời nói đầu đã cám ơn 9-10 học giả khác về sự góp ý kiến về chuyên môn, một người soát lại về Anh ngữ và một người lo liệu chuyện xuất bản.

Tôi hoàn toàn không hiểu đã gọi là xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà còn nhiều người yêu cầu giới hạn số sách biên soạn và phải tổ chức thành từng nhóm tác giả được sự xét duyệt của Bộ (!). Theo tôi chỉ cần một tiêu chí duy nhất, đó là không được sai lệch so với chương trình duy nhất đã được chính thức quyết định. Còn hay hoặc dở, thành công thất bại phải hoàn toàn do thị trường quyết định.

Tôi theo dõi trên mạng và được biết vào thập niên 60, Hàn Quốc là 1 trong những nước nghèo đói nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn quyết định thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó cũng có nhiều người chỉ trích vì tính sĩ diện của người Hàn Quốc rất cao, lẽ nào lại không tự soạn được một bộ sách giáo khoa.

Nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biên từ cách đào tạo của giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng.

Để rút ngắn thời gian, chẳng có cách nào ngoài việc lấy kinh nghiệm của người khác, để còn lo việc khác nữa. Vì Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội.

Đúng 20 năm, đến 1988, Hàn Quốc đăng cai Olympic Seoul, cả thế giới không ai tin vào mắt mình khi thấy kỳ tích bên bờ sông Hàn lại khủng khiếp như thế. Ô tô, xe máy, dệt nhuộm, hóa chất, đóng tàu, điện tử, bánh kẹo... bên Nhật có cái gì thì bên này có cái đó, dù dân số chỉ bằng 1/3. Không ai biết trong 20 năm đó, cả dân tộc Hàn Quốc đã nắm chặt tay với quyết tâm thoát nghèo như thế nào.

Trên tivi chỉ có 2 chương trình là "dạy làm người" và "dạy làm ăn", từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng, đến cách quản lý chi phí của một quán cà phê, đến cách tạo dựng một nhà máy.

Từ một dân tộc "xin việc", tức các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy tại Hàn và thuê lao động Hàn, Hàn Quốc bắt đầu khan hiếm lao động và trở thành dân tộc đi "cho việc", tức xây dựng các nhà máy ở nước ngoài và hàng triệu người Trung Quốc, Thái Lan, Philippines đứng xếp hàng xin các ông chủ Hàn Quốc cho họ việc làm. Hàn Quốc đã thành công trong việc tiếp nối Nhật Bản thành dân tộc đi cho việc người khác.

Tôi không nghĩ chúng ta không viết nổi sách giáo khoa tiếng Anh cho học sinh Việt Nam, nhưng tham khảo sách giáo khoa tiếng Anh của Nepal như gợi ý của cháu Mỹ Linh (và của nhiều nước khác) quả thật là chuyện rất nên làm.

"Cháu đọc SGK English của học sinh Nepal từ lớp 1 đến lớp 5. 

Bài học đầu tiên của học sinh lớp 1 Nepal là chuyện chào hỏi.

Bài học đầu tiên của học sinh lớp 2 nói chuyện đi đến trường.

Bài học đầu tiên của học sinh lớp 3 kể lại nhật ký một ngày của cô bé Lilu.

Bài học đầu tiên của học sinh lớp 4 dạy bạn phải biết Be careful (tạm dịch: thận trọng - BT) với câu chuyện cậu bé Raj vừa đi vừa chơi game mà không để ý thấy cây cầu bị gãy.

Bài học đầu tiên của học sinh lớp 5 hỏi, "What do you want?" và kể chuyện người cha già có đứa con bị ở tù. Ổng ra vườn trồng khoai tây và ước giá mà có đứa con trai ở đây để đào lỗ cho ông trồng. Thế là ông viết thư cho con trai.

Mỗi bài học thể hiện độ khó khác nhau bác ạ. Thậm chí ngoài English, họ còn có 2 môn học khác là Văn hóa xã hội và Khoa học - Sức khỏe cũng hoàn toàn được viết bằng English và nằm trong môn học chính của học sinh.

Cháu lập tức nhắn về Việt Nam, nhờ đứa bạn thân chạy ra hiệu sách, chụp cho cháu xem SGK English từ 1-5 dạy cái gì. Bác biết gì không? 

Bài học đầu tiên của SGK 1 dạy Hello. Bài học của sách SGK 2 là dạy câu "where are you from". Bài học của SGK 3 dạy lại Hello. Bài học đầu tiên của SGK 4 dạy câu "how're you". Bài học đầu tiên của SGK 5 dạy lại câu "where're you from".

Cháu hoảng hồn bác ạ. Cháu không biết vì bác nghi ngờ trình độ của học sinh VN quá kém nên có mỗi 3 câu "hello, how're you, where're you from" mà bác bắt chúng phải học đi học lại suốt 5 năm học như thế hay không? 

Hay là tại những người soạn sách không biết gì hơn để mà soạn? 

Hay tại chúng ta quan niệm, 5 năm, học được 3 câu đó là đã quá nhiều rồi?".

(Trích thư Võ Thị Mỹ Linh (Va Li) gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT)

 

(Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất