| Hotline: 0983.970.780

Về cuộc thi “Rừng là cuộc sống của tôi”

Thứ Sáu 28/11/2014 , 08:01 (GMT+7)

Có nhiều bài viết hay, khiến lan tỏa vào nhận thức, vào tận tâm thức tình yêu rừng mà do cuộc sống vội vã thời thị trường đã làm chúng ta quên lãng.

Cuộc thi “Rừng là cuộc sống của tôi” do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT tổ chức đã khép lại sau hơn 4 tháng triển khai tích cực.

Các tác giả là nhà báo, cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành nông lâm nghiệp; là bạn đọc và nói chung là những người dân yêu rừng, chung sống êm thắm với rừng đã nhiệt tình hưởng ứng...

BTC đã nhận được gần 200 bài viết gửi về từ ĐBSCL đến Sơn La, Lai Châu; từ Tây Nguyên đến duyên hải miền Trung; từ rừng ngập mặn Xuân Thủy, rừng ở cheo leo vách đá ngoài đảo Cát Bà đến các khu rừng ở huyện vùng sâu vùng xa Yên Bái, Lào Cai hẻo lánh.

Những vấn đề đặt ra, những con người và cánh rừng được phản ánh trong các bài viết cũng thực đa dạng: Những bước chân âm thầm của đội ngũ kiểm lâm viên với rất nhiều hiểm nguy rình rập. Đi tuần rừng, họ bị rắn rết, vắt muỗi, côn trùng đeo bám, đôi khi là nguy hiểm đến mất còn sinh mạng (Người giữ rừng nơi biên giới Bình Phước của Kiều Thị Ánh); Đi tìm triệt phá hệ thống bẫy thú (Gỡ đú, tìm bẫy của Phùng Mỹ Trung) là một cuộc chiến cam go, dai dẳng giữa một bên là bọn sát thủ thú hoang lắm mưu kế và kỹ năng tinh vi với một bên là tinh thần kiên nhẫn, dũng cảm và cố nhiên phải sáng suốt để vô hiệu hóa lâm tặc.

Nhưng có lẽ nguy hiểm nhất là những cuộc tuần rừng đêm nhằm ngăn chặn bọn lâm tặc hung hãn với các cách thức vừa liều lĩnh vừa tinh vi rình rập tận diệt rừng (Rừng đêm không yên tĩnh của Nguyễn Văn Cường).

 Đó là cuộc chiến giữa bên này chỉ có sức mạnh của luật pháp, lòng yêu rừng, giữ rừng bằng cả sinh mạng của chính mình với bên kia là bọn liều lĩnh với sức mạnh cơ bắp và vũ khí nóng, bất chấp tất cả miễn là chặt hạ xẻ trộm được gỗ để có tiền.

Hình ảnh cây nghiến cổ thụ đường kính 2 m đứng cheo leo nơi vách đá ngay sát mép vực với vết cưa máy của bọn lâm tặc ở khu rừng Cốc Ly, Lào Cai (Rừng xanh còn mãi, của Lê Thị Thanh Cường) có lẽ là bảo tàng sống của cuộc chiến cam go ấy.

Vết cưa máy lại còn như một ẩn dụ về tổn thất, vừa về nhân sự của ngành vừa về thực trạng chúng ta vẫn giữ được rừng nhưng đã có những mất mát nhức nhối.

Nhưng những mất mát hy sinh của đội ngũ kiểm lâm viên còn nhiều hơn thế. Phóng sự Bốn người đàn ông trên một cái bè (Dương Đình Tường) viết thật xúc động về tấm gương hy sinh thầm lặng, bền bỉ của những con người coi tồn tại của rừng già Cát Bà, của voọc đầu vàng là lẽ sống, là cuộc sống của chính mình.

Họ, bốn người đàn ông sống trong “căn hộ” làm trên cái bè, chia nhau từng gáo nước ngọt trong miếng uống, một lần tắm hay rửa mặt. Vợ con ở xa, việc nuôi dạy con thành người đều giao phó cho vợ.

Bài Vắng anh (Vũ Hữu Chỉnh), Màu xanh hy vọng (Nguyễn Thị Hải Yến), Yêu anh, người lính rừng (Ngô Thị Thảo Nguyên) đều dành những tình cảm yêu mến trân trọng những người lính rừng. Không chỉ là lời ngợi ca sự hy sinh thầm lặng, họ còn là biểu tượng của tiếng nói hậu phương, là điểm tựa sâu nặng cho những người chiến sỹ gác rừng xanh.

Có một nhóm bài độc đáo và rất đáng chú ý viết về tập quán giữ rừng của đồng bào các dân tộc. Bài Rừng thiêng của Trần Văn Việt viết về luật tục giữ rừng của người Hà Nhì. Người Hà Nhì (cũng như người G’rai, Ê đê Tây Nguyên) coi rừng là nguồn gốc sự sống, là thần coi giữ cuộc sống của dân bản cho nên ai phá rừng là mặc nhiên can tội phá hoại cuộc sống của đồng bào nên bị phạt bằng một chế tài thật nặng theo luật tục.

 Còn một điều khiến cho những người văn minh có trách nhiệm suy nghĩ: Luật tục, với các chế tài xử lý cụ thể của đồng bào có từ khi rừng còn là bạt ngàn nguyên sinh; được giữ vững cho đến khi nó đã bị tàn phá nặng nề trên khắp hành tinh này, nhưng rừng – nguồn sống dân bản của người Hà Nhì thì vẫn xanh tốt như xưa.

Các bài Những người đàn bà liều lĩnh (Khương Hồng Thủy) viết về lý lẽ tình người để giữ rừng khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và Bà Loan… rừng (Du An) viết về uy tín cá nhân nêu gương lại cho một kinh nghiệm quý khác của dân gian đối với sự nghiệp thực thi pháp luật bảo vệ rừng.

Qua những bài vừa kể trên đây của các tác giả, chúng ta hình dung thấy luật pháp và sức mạnh Nhà nước đã được đan dệt với các sợi ngang muôn vàn dạng vẻ của người dân yêu rừng và kinh nghiệm dân gian ở mọi miền đất nước để trở thành tấm lưới bảo vệ rừng và chim thú hoang - nó cũng bảo vệ cuộc sống bền vững của cho chính chúng ta.

Không chỉ dừng lại ở các phát hiện và phản ánh, rất nhiều bài trong cuộc thi có giá trị như những bài học được rút ra từ rừng và từ mối quan hệ giữa rừng với con người.

Nhân đây, chúng tôi muốn ghi lại một châm ngôn nổi tiếng, đã được nói lên bằng mọi ngôn ngữ trên hành tinh của chúng ta nhưng có vẻ như chưa được nói nhiều bằng tiếng Việt: Đến với rừng bạn chẳng cần mang gì theo ngoài một tình yêu, bạn không nên để lại rừng vật gì ngoài những dấu chân, chớ mang theo vật gì của rừng ngoài những tấm ảnh đẹp.

Bài Cánh rừng báo ân (Phùng Minh Phúc) như một minh triết dân gian: Hình ảnh ba anh em mồ côi Lê Văn Thân nheo nhóc đứng trước cảnh rừng trơ trụi trọc lốc; câu thách cưới không đủ bạc thì phải trồng đủ 3 ha rừng cây để “trả nợ cưới” của ông bố vợ thâm thúy khiến con gái, con rể ông có tới 46 ha rừng thông bạt ngàn xanh biên giới…đã trở thành câu chuyện có hậu về đời cây đời người.

Bài Từ hai phía cánh rừng (2 kỳ) của Thái Sinh viết rất hấp dẫn về hai con người vừa giống vừa khác nhau: Bằng tuổi nhau, mỗi người đều có 12 con, 5 trai, 7 gái. Chỉ khác nhau: Người này là bậc cao thủ săn gấu săn thú hoang. Thế rồi rừng đã dạy cho bậc cao thủ một bài học, hai đứa con trai lớn nối nghiệp săn của bố, đứa nọ bắn chết đứa kia vì tưởng là gấu. Ông Tư Gấu kể lại chuyện “vay trả” của số phận cho tác giả nghe, rồi “rửa tay gác kiếm”, trở thành tổ viên tích cực tổ bảo vệ rừng, con cái không cho đứa nào là thợ săn nữa.

Ông Hoàng Văn An đã đi vào rừng theo lối khác, ấy là ông trồng quế. Vợ chồng ông trồng, con cháu ông trồng, bà con hàng xóm cũng học hỏi ông và trồng để xã Đại Sơn trở thành xã quế. Bố con ông lập nên phố giữa rừng nhờ quế.

 Bài Câu chuyện giữa rừng giáng hương của Trần Đăng Lâm viết về 3,8 ha rừng giáng hương còn sót lại ở cực tây Gia Lai đang được dân cư làng bảo vệ như một cuộc tử thủ thật xúc động lòng người. Tác giả viết về rừng gỗ quý với thật nhiều cảm xúc, nó như một ẩn dụ của đại ngàn Tây Nguyên thuở hoang sơ.

Nếu chúng ta từng hoảng sợ khi ai đó bảo trẻ con Việt Nam trong tương lai sẽ chỉ biết đến tê giác qua phim ảnh, mới thấm thía và mới tin vào chút Tây Nguyên còn sốt lại qua lời già làng G’rai: “Mong sao rừng hương này tiếp tục được giữ gìn, được sinh sôi nẩy nở để con cháu đời sau biết thế nào là cây gỗ quý, thế nào là cội nguồn”.

Như thế là cuộc thi “Rừng là cuộc sống của tôi” đã thành công, so với thời gian ngắn ngủi, phải nói là thành công ngoài dự kiến. Các bài viết vừa phong phú về đề tài, vừa hấp dẫn về cách thức thể hiện; qua cuộc thi, cả một không gian rừng mênh mông và vô cùng phong phú đa dạng của đất nước đã hiển hiện trước mắt chúng ta, nhiều khi là chi tiết sống động cụ thể đến từng gốc cây, con suối; từng nếp nghĩ, luật tục của các cộng đồng rừng – người.

Có nhiều bài viết hay, khiến lan tỏa vào nhận thức, vào tận tâm thức tình yêu rừng mà do cuộc sống vội vã thời thị trường đã làm chúng ta quên lãng. Có thể nói, cuộc thi đã đưa rừng đến bên mỗi người, vào lòng người, đặt vào họ một ý thức, một tình yêu.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.