| Hotline: 0983.970.780

Về đến Đô Lương đi đâu cũng được

Thứ Sáu 10/08/2012 , 09:49 (GMT+7)

Trâu bò nhập lậu từ Lào về Việt Nam sau khi được xã Nậm Cắn chứng nhận sẽ vượt thêm hàng trăm km về chợ trâu bò Đô Lương (xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) mà không gặp phải bất kỳ sự ngăn chặn nào ngoài việc các xe trên phải làm luật.

Trâu bò nhập lậu từ Lào về Việt Nam sau khi được xã Nậm Cắn chứng nhận sẽ vượt thêm hàng trăm km về chợ trâu bò Đô Lương (xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) mà không gặp phải bất kỳ sự ngăn chặn nào ngoài việc các xe trên phải làm luật. Tại đây, trâu bò Lào sẽ một lần nữa được hợp thức hóa, sau đó thú y sẽ cấp giấy kiểm dịch để đi các tỉnh, thành trong cả nước.

>> Xã hợp thức hóa, thú y huyện bỏ qua
>> Bạn sốt sắng, ta... ngồi nhìn
>> Mua bán lậu xuyên quốc gia

Có chốt kiểm soát cũng như không

Sau nhiều chuyến cùng đi chở trâu bò lậu từ Lào về Đô Lương (Nghệ An) với các ông chủ S-V ở xã Thượng Sơn; TH, Q ở Đại Sơn; V, TR ở Quang Sơn, huyện Đô Lương (có xe trâu bò được xã Nậm Cắn chứng nhận, có xe không) cho thấy, để vượt qua đoạn đường dài khoảng 200km từ xã Nậm Cắn về Đô Lương là hết sức dễ dàng. Các chủ xe trên (đa số là chủ trâu bò) đều làm luật tháng cho các cơ quan chức năng. Trong khi đó đối với CSGT (thường bị dừng 3-6 lần/chuyến), xe trâu bò có giấy chứng nhận của xã Nậm Cắn thì làm luật 200 ngàn đồng/lần, không có giấy thì 300-500 ngàn đồng/lần. “Không giấy tờ gì chạy lo ngay ngáy. Nhưng bọn tao chỉ sợ nhất đội liên ngành của tỉnh và BCĐ 127, đội này vẫn phải “mần”, nhưng nếu bị vồ là dính nặng” – S cho biết.   

Sau khi vượt qua các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, các xe chở trâu bò lậu về xã Đại Sơn, Thượng Sơn, Hiến Sơn, huyện Đô Lương để phân loại, mông má, bơm nước… chờ các ông chủ khắp cả nước như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Ninh… vào nhận hàng. Số còn lại sẽ được đưa ra chợ phiên Đô Lương bán (1 tháng có 6 phiên, mỗi phiên có vài ngàn con trâu bò). Từ đường 7 vào khu vực xã Đại Sơn chỉ có 2 con đường cái nhỏ (đường liên xã). Các xe chở trâu bò từ Nậm Cắn về đều phải đi qua 2 con đường này. Cũng chính vì thế, UBND huyện Đô Lương quyết định lập một trạm kiểm soát trâu bò trên đường vào chợ trâu bò Đô Lương tại xã Quang Sơn. Đây được coi là chốt chặn cuối cùng trước khi những con trâu bò nhập lậu từ Lào về phát tán ra khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Tuy nhiên, chốt kiểm soát này cũng bị những xe chở trâu bò lậu từ Lào về vượt qua một cách hết sức dễ dàng. Trong 4 lần tôi đi cùng với các ông chủ trâu bò Đô Lương qua trạm kiểm soát này, không một lần nào xe chở trâu bò lậu bị dừng lại. Các ông chủ trâu bò lậu nói với tôi: “Bọn tao cứ chạy một mạch từ Nậm Cắn về đến Đô Lương mới nghỉ ngơi, ăn nhậu rồi thong thả về nhà. Đây là đất của bọn tao rồi”.

Cho đến khi chúng tôi vào trạm kiểm soát làm việc và yêu cầu cán bộ thú y hạ barie dừng một xe chở trâu bò đang tiến đến để kiểm tra theo quy định thì ông Võ Thái Hà, nhân viên đang đánh bài với một nhân viên nữ mới vội vàng chạy ra vừa hô dừng, vừa đứng giữa đường chặn chiếc xe chở bò lại.


Trạm kiểm soát chỉ dừng xe chở bò BKS 37C – 03044 khi PV đề nghị

Chủ chiếc xe 37C – 03044 giận dữ, văng tục: Mày làm cái đ. gì, xe to chúng nó đi đầy kia mày không chặn, lại chặn xe tao? Rồi ông này lôi 50.000 đồng mệnh giá 10.000 và 20.000 đồng ném xuống bàn kiểm dịch nói: Đây, cầm đi! Khi cán bộ thú y phun thuốc sát trùng và ghi hóa đơn thu tiền, ông chủ xe chở bò lại chửi: Phun phun cái đ. gì, có khi nào chúng mày phun đâu mà nay mày phun. Tao đ. cần hóa đơn… Ông Hà không có cơ hội để rỉ tai chủ xe chở bò kia là các nhà báo đang vây xung quanh, còn ông chủ chở bò thì quá tức giận, khi ông Hà đã làm một việc mà mọi ngày ông không hề làm.

Ông Hà giãi bầy: “Theo quy định, chúng tôi không được kiểm tra giấy tờ, xem hàng ở đâu về ra sao mà chỉ phun thuốc khử trùng và kiểm tra lâm sàng, thu 50.000 đồng/xe… Mặt khác trâu bò Lào thường về đêm nên việc phun thuốc, kiểm tra lâm sàng cũng không làm được. Ban ngày, hàng về ít, trung bình 7-10 xe mỗi ngày. Những ngày giáp phiên chợ thì số xe nhiều hơn. Còn lại họ đi đường khác chứ không đi đường có chốt kiểm dịch này.

Trạm trưởng Trạm Thú y Đô Lương Võ Đình Khoa cũng khẳng định: Theo chỉ đạo của huyện Đô Lương, chúng tôi lập ra cái chốt kiểm soát này nhằm ngăn chặn trâu bò nhập lậu từ Lào về chợ Đô Lương bán. Tuy nhiên, chốt này chỉ phun thuốc khử trùng và kiểm tra lâm sàng, không được kiểm tra giấy tờ đi đường.

Thế mới biết, cái chốt kiểm soát này được lập ra, cũng như cái chốt kiểm soát trâu bò nhập lậu về Việt Nam trên con đường mòn ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn chỉ là hình thức, có cũng như không. Và, hơn nữa, nó rõ ràng là một công cụ để kiếm tiền từ các chủ trâu bò nhập lậu từ Lào về. Dẫu thế nào thì có chốt kiểm soát, vừa có tiền lại vừa làm tỉnh an tâm, còn hơn cả quãng đường gần 300km từ Nậm Cắn về Đô Lương chả có cái chốt nào.


Chủ xe chở bò BKS 37C – 03044 bị chặn, tức giận chửi bới

Thú y Đô Lương tiếp tục hợp thức hóa

Trạm trưởng Trạm Thú y Đô Lương Võ Đình Khoa khoe thành tích: Việc kiểm soát trâu bò nhập lậu từ Lào về chúng tôi không làm được, chưa bắt được một xe nào nhưng đối với trâu bò từ chợ Đô Lương ra các địa phương khác và ngoài tỉnh Nghệ An thì chúng tôi kiểm soát được tương đối. Tỉnh Nghệ An đã thành lập một Tổ thú y ở chợ Đô Lương (gồm cán bộ thú y của Chi cục Thú y Nghệ An và huyện Đô Lương) để cấp giấy kiểm dịch cho trâu bò mua từ chợ này mang đi các địa phương trong tỉnh, các tỉnh trong cả nước bán hoặc giết mổ. Nhìn chung, đầu ra kiểm soát được tương đối.           

+ "Họ đã phù phép trâu bò Lào từ ngay khi nó bước sang Việt Nam tại địa phận xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn rồi. Và lẽ ra, tất cả các huyện có trâu bò nhập lậu từ Lào về đi qua đều thực hiện kiểm tra, kiểm soát, bắt phạt thì chúng tôi ở đầu cuối Đô Lương sẽ làm tốt nhiệm vụ hơn. Nhưng ở đây, chả có huyện nào làm cả, tỉnh cũng không làm. Cứ như thế này, hàng tuần trâu bò đổ về đây hàng ngàn con, chúng tôi có ngàn tay cũng không làm được" – ông Võ Đình Khoa, Trạm trưởng Thú y Đô Lương vừa than, vừa đổ khéo trách nhiệm.

Tại sao chỉ có giấy chứng nhận của xã Nậm Cắn, trong khi theo quy định thì phải có giấy kiểm dịch của Thú y huyện Kỳ Sơn mà Thú y Đô Lương vẫn cho trâu bò (và biết chắc là trâu bò nhập lậu từ Lào về), cách Đô Lương 200km vào địa bàn của mình? – tôi hỏi. “Mỗi phiên chợ có hàng ngàn con trâu bò, với số người của Trạm, chúng tôi không thể kiểm soát hết được” – ông Khoa trả lời.

 

Bà Mai, Trưởng trạm Thú y Kỳ Sơn cáo buộc Thú y Đô Lương đã thiếu trách nhiệm, lại còn một lần nữa tiếp tay, hợp thức hóa trâu bò Lào thành trâu bò Việt một cách trắng trợn. Ông nghĩ sao?

Trả lời: Cái này thì… Thôi có gì các anh thông cảm! Nó cũng khó (ông Khoa dừng một hồi rồi nói tiếp), Tổ thú y của tỉnh (trong đó có thú y huyện) được lập ra tại chợ trâu bò Đô Lương, theo quy định phải căn cứ vào giấy tờ thú y của các huyện có trâu bò đi cấp (ví dụ từ Kỳ Sơn về Đô Lương phải có giấy kiểm dịch của Thú y Kỳ Sơn), sau đó mới cấp giấy kiểm dịch đi ngoại tỉnh, nhưng tổ này hầu hết là căn cứ vào giấy chứng nhận của xã có trâu bò mang về chợ (trâu bò nhập lậu từ Lào về được xã Nậm Cắn chứng nhận là trâu bò của xã thì tổ căn cứ vào giấy chứng nhận đó).

Vả lại, trâu bò nhập lậu từ Lào về đến Đô Lương, người dân mua bán với nhau, đã trở thành trâu bò Đô Lương rồi. Mà trong tổ cấp giấy kiểm dịch của tỉnh đóng tại chợ Đô Lương có cán bộ thú y của Đô Lương nên họ cấp giấy chứng nhận là trâu bò của Đô Lương đi các tỉnh khác trong nước. Đúng là việc cấp giấy kiểm dịch cho trâu bò nhập lậu từ Lào về thiếu cơ sở. Nhưng cũng phải nói là, cái này người ta đã phù phép từ trên Nậm Cắn rồi. Vả lại, với lực lượng thú y của chúng tôi, chúng tôi không thể nào làm nổi.

Rõ ràng là trâu bò nhập lậu từ Lào về đã một lần nữa được Đô Lương hợp thức hóa. Nếu không có sự hợp thức hóa này thì trâu bò nhập lậu từ Lào về không thể đi ra Hà Nội, các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… được. Khi được hỏi mỗi năm người Đô Lương nuôi được mấy chục ngàn con trâu bò, trong khi bán đi khắp các tỉnh thành trong cả nước đến hàng trăm ngàn con, là sao? Ông Khoa chỉ còn nói được: Các anh thông cảm!

Trong quá trình thực hiện loại bài này, ngoài những ngày trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng, chúng tôi còn có nhiều ngày đêm cùng ăn, cùng ở, cùng đi vận chuyển trâu bò nhập lậu từ Xiêng Khoảng (Lào) về chợ Đô Lương, Nghệ An, ra các lò mổ tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương với hàng chục ông chủ trâu bò, từ bé tới lớn.

Chúng tôi đã chứng kiến từ khi con bò đang ở trên một quả đồi nào đó trên đất nước bạn Lào đến khi nó được mổ thịt và đưa ra bán trên các quầy thịt tại Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên; đồng thời cũng được chứng kiến công nghệ mới nhất về cách mông má bò Lào thành Việt và bò Lào thành các loại bò khác.... Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này vào một thời điểm thích hợp.   

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất