| Hotline: 0983.970.780

Về hòn đá bạc nghe chuyện 'ông vua nói dóc' Ba Phi

Chủ Nhật 27/08/2017 , 07:15 (GMT+7)

Khi về huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, họ cho chúng tôi chọn mấy nơi để đến. Nào là Hòn Đá Bạc, thị trấn Sông Đốc, hay về quê ông vua nói dóc Ba Phi hoặc rừng U Minh Hạ? 

08-27-24_trng_20

Bàn mãi biểu quyết đa số là đi xem Hòn Đá Bạc, ngắm bàn chân Tiên và bàn tay Tiên, rồi rẽ về nhà ông Ba Phi ở Khánh Hải để nghe chuyện cười. Vậy thôi một ngày là vừa đủ. Chúng tôi háo hức lên đường...
 

Hòn đá vì sao Bạc?

Thực ra đây là một cụm ba hòn đảo đá, nằm liền kề, rộng chừng 6,5ha, cách đất liền chừng 400m, thuộc xã Bình Khánh Tây. Đó là những cái tên Hòn Ông Ngộ, Hòn Trọi (Đá Lẻ) và Hòn Đá Bạc. Nhưng hầu như tất cả vẻ đẹp kiều diễm đều dồn về Hòn Đá Bạc. Không cao lắm, chỉ chừng 50m, nhưng rải rác chừng hơn một cây số bao quanh chân Hòn Đá Bạc là những tảng đá lô nhô dựng đứng với nhiều hình dáng khác nhau, rải rác trên một bãi đá chạy dọc bờ biển.

Trong đoàn chợt có người hỏi vì sao có cái tên Đá Bạc? Người hướng dẫn của khu du lịch giải thích, nếu ngắm từ xa thấy núi như được dát bạc lung linh, qua ánh nắng mặt trời phản chiếu. Vì vậy, người dân vùng này đặt tên là Hòn Đá Bạc, rồi quen gọi từ xưa đến nay. Nhưng ở Hòn Đá Bạc có gì hay? Mọi người chăm chú nghe và đi lên núi ngắm biển.

Chúng tôi leo vài trăm bậc mới lên tới đỉnh Hòn Bạc. Đó là một bãi đá phẳng được đặt tên là bãi Tiên, với một rãnh nước đá có hình một bàn chân, thon và dài, được đặt tên là bàn chân Tiên. Chuyện xưa kể, đó là nơi đêm đêm trăng sáng, những nàng tiên giáng trần ca múa, bởi khi ấy trên đỉnh núi chùm ánh sáng màu bạc nhẹ hừng lên, bâng khuâng trong những tà áo tiên lượn bay trong điệu nhạc gió rừng và sóng biển dạt dào.

Nhưng thật bất ngờ, cụm tượng đài chiến thắng Hòn Đá Bạc sừng sững hiện ra, bất chợt xóa nhòa cái ảo giác thần tiên, mơ mộng. Đây là bia kỷ niệm để lại dấu ấn khốc liệt một thời của quân và dân Khánh Bình Tây đã phối hợp với quân chủ lực bao vây, bức rút một trung đội pháo quân Mỹ Ngụy, ngày 7/12/1971, giải phóng Hòn Đá Bạc. Đây có thể nói là vùng quê được giải phóng đầu tiên ở miền Tây bán đảo Cà Mau.

Cùng với đó cụm tượng đài và nhà trưng bày chiến thắng, đánh dấu một chiến công lớn của quân và dân Cà Mau, kiên trì đánh tan âm mưu phản quốc của bè lũ Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh. Đó là chuyên án CM 12, kéo dài suốt từ năm 1981 đến 1984 tại Hòn Đá Bạc. Bọn phản động đưa lực lượng tấn công vào Hòn Đá Bạc để làm căn cứ nhiều lần nhưng đều thất bại. Khi ấy cụm đảo Hòn Đá Bạc chưa có cầu dẫn ra phải đi bằng tàu thuyền. Chính vì những chiến công đó, Hòn Đá Bạc đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia năm 2009.

Sau khi thăm tiếp Lăng Ông với bộ xương cá voi dài 12m, chúng tôi xuống chân núi, phía sau Hòn Đá Bạc. Mọi người lại thêm một lần ngạc nhiên, vẻ kỳ thú của hàng trăm đá tảng granit tạo hình độc đáo trên sóng biển. Con thuyền nhỏ đưa chúng tôi đến cụm đá chồng ba tảng lớn chênh vênh như làm xiếc vậy. Đặc biệt, bên cạnh đó có tảng đá hình một bàn tay lớn, dạn dĩ với gió sương. Người ta nói đó là bàn tay Tiên, tượng trưng cho người đàn ông ra khơi, chống chọi với bão tố biển khơi, hẹn ngày trở về. Còn bàn chân Tiên trên núi tựa hình ảnh người phụ nữ ngóng chồng từ chân trời xa xăm. Nỗi niềm đợi mong được miêu tả trong câu chuyện mà chúng tôi bất ngờ được nghe một người dân hát lên trong câu vọng cổ, văng vẳng từ trong xóm biển.

Chúng tôi lặng đi trong lời ca: “Theo chồng về chốn bưng biền. Thấy bông điên điển nghiêng mình nhớ quê. Lấy chồng xa rất khó về. Hết mùa điên điển, đường quê còn dài”. Đó là hình ảnh xa xưa, không bao giờ quên của người dân xứ Hòn Đá Bạc mênh mông rừng đước, rừng tràm...
 

Người kể chuyện hài hước - Ba Phi

Nhà ông Ba Phi cách Hòn Đá Bạc không bao xa. Hai xã liền kề nhau, cùng chung những con rạch và hòa trộn với nhau bằng rừng đước, rừng tràm xanh ngút ngát, Có những rặng dừa của hai làng cùng lớn lên bên bờ kênh, đầm tôm và sình lầy lấp lánh những đàn cò đi kiếm mồi. Nhà ông Ba Phi thuộc Kênh Ngang, ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải. Ba Phi là nghệ danh dân gian thường gọi, còn chính tên ông là Nguyễn Long Phi (1884-1964), người có biệt tài kể chuyện trào lộng do chính mình bịa ra.

08-27-24_trng_21
Bác Ba Phi

Có điều đặc biệt, ông không hề chuẩn bị trước, mà khi ai đó đòi nghe chuyện thì sáng tác ngay ra tức thì. Đó là những câu chuyện đầy bất ngờ, với mọi tình huống sáng tạo đột ngột, làm ngạc nhiên cả với chính ông. Khi đó mọi người cười lăn lóc thì ông cũng ha hả rung tít mắt. Chung quy chỉ là những câu chuyện tôm cua, cò vạc, hùm beo, rắn rết... quanh vùng quê đất sình lầy ngập mặn Cà Mau.

Đến bây giờ khắp cả vùng Nam Bộ vẫn còn truyền lại nhiều câu chuyện cười của Ba Phi về đất rừng Cà Mau. Nghe nói Ba Phi không biết chữ, vậy mà ông đã nghĩ ra lắm khẩu ngữ trong câu chuyện kể, từ thuở khai sinh lập nghiệp đầy gian khó trên mảnh đất: “Chèo ghe sợ Sấu cắn chưng (chân). Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma” này. Ngay với con cá sấu chẳng hạn, ông cũng bịa ra chuyện “Xuồng cá sấu”, “Câu cá sấu”...

Bác kể với mọi người cứ như thật, rằng cá sấu nhiều nổi hàng đàn, mấy lần bác nhảy lên lưng cá sấu mà vượt kênh, qua đầm, chẳng phải chống xuồng. Một hôm, bầy cá sấu chở bác Ba đi lạc ra tới chợ Cà Mau, nhân tiện bác bán luôn cả bầy, chỉ dành lại một con để cưỡi về. Ba Phi còn bốc phét, mình nuôi một con cá sấu lớn, sáng cưỡi đi làm ruộng, ngồi uống trà, ca vọng cổ; chiều “hắn” còn lặn đi kiếm mồi cho mình... nhậu. Chuyện về cọp beo cũng được Ba Phi phịa nhiều nhất. Nào là chuyện “Cọp ăn chè”, “Cọp xay lúa”, “Bắt cọp rừng”, hay “Đỡ đẻ cho cọp”... Cùng với đó là chuyện về rùa, rắn; về vịt, ếch; về lợn, chó... toàn những con vật sống quanh vùng sông nước, rừng biển đầy hiểm nguy: “Cà Mau khi khọt trên bưng. Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”.

Tuy cuộc đời Ba Phi đầy sóng gió, một thời sống chui lủi trong rừng U Minh Hạ (thuộc huyện Trần Văn Thời) để trốn khỏi lính Pháp, nhưng lại hết sức lạc quan và hăng say khai phá đất mới cho quê hương. Thời thịnh nhất, Ba Phi có tới cả ngàn mẫu ruộng thắng cánh cò bay. Chính kênh Lung Tràm hiện nay là công trình của ông tổ chức, đào từ giữa rừng U Minh Hạ chạy thẳng ra biển phía Tây để vận chuyển sản vật bán cho các tàu buôn, trong Vịnh Thái Lan.

Ông còn huy động mọi người trồng cây tràm dọc hai bờ kênh. Từ đó kênh mới có cái tên Lung Tràm. Năm 1942, Ba Phi còn hiến tặng hàng ngàn công ruộng cho cách mạng để cấp cho dân nghèo. Cuối đời Ba Phi chỉ dành khoảng 50 công ruộng để ở và sản xuất. Ngay cả việc hiến tặng ruộng đất của Ba Phi, người dân trong xã vẫn còn kể chuyện cười về ông, hết sức hồn nhiên.

Rằng, khi được vận động hiến đất cho cách mạng, Ba Phi hết sức hăng hái và sẵn sàng ủng hộ. Đầu tiên Ba Phi dõng dạc tuyên bố hiến 200 mẫu ruộng, mọi người vỗ tay cười vang nhiệt liệt mừng vui, hứng lên Ba Phi hiến thêm 300 mẫu nữa. Chưa hết, thấy mọi người trong xã rào rào la tên mình, Ba Phi khoái chí, tặng thêm liền vài trăm mẫu ruộng nữa. Cả thảy là bao nhiêu cũng không nhớ hết. Khi thư ký cộng lại số đất mà Ba Phi hiến tặng lớn hơn cả số đất mà gia đình ông có trong tay. Ba Phi ớ người. Mọi người chạy lên ôm lấy Ba Phi mà cười rũ rượi. Ba Phi cứ ngẩn người nghĩ, sao việc tính toán lại phức tạp như thế nhỉ, nhưng cho bà con làng mình đi đâu mà thiệt.

Ba Phi luôn nghĩ quê mình “Chim kêu như hát bội. Cá lội vàng tựa mắm nêm”, trù phú thế, sống sướng rơn. Chính niềm lạc quan và yêu đời thế mà sinh ra lắm chuyện cười từ tâm hồn Ba Phi. Có thể nói kho truyện cười Ba Phi là hiện tượng văn hóa Nam Bộ sống động của mảnh đất Cà Mau. Năm 2003, Ba Phi tức ông Nguyễn Phi Long đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong danh Nghệ nhân dân gian và tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian.
 

Nỗi niềm còn lại

Người dân làng còn kể ông Ba Phi chơi đàn cò hay lắm. Giọng hát của bác hoang hoải tê tái lòng người mỗi khi bác uống rượu bên kênh Lung Tràm. Đó là nỗi buồn những đêm xa vắng, lang bạt trên sông nước, đầm lầy. Ông có ba đời vợ như món nợ ba sinh của cuộc sống. Người vợ đầu tiên, con gái một điền chủ đem lại sự giàu có, nhưng lại không có lấy một mụn con. Mãi nhiều năm sau, được phép của vợ cả ông có con với một cô gái trên bến chợ, nhưng người ấy lại bỏ đi sang bến khác. Đến khi lấy vợ thứ ba, một cô gái người Khơ-me thì lại bị mất sớm sau vài lần sinh nở, khi mới 24 tuổi. Giờ mộ ông ở giữa hai bà, từ năm 1964 đến nay, trong ngôi vườn cô quạnh bên kênh.

Đêm đêm, nhiều người còn như nghe thấy tiếng ông kể chuyện và cười ha hả với dân làng. Có người còn nghe tiếng ông hát bên kênh Lung Tràm như ngày nào. Tiếng đàn Cò trong ngón tay thô ráp ấy nghe sao buồn da diết. Nhưng tiếng cười của ông cùng những câu chuyện hài hước đã đem lại niềm vui sảng khoái cho mọi người. Đó tiếng vọng của hồn ông về xứ sở U Minh một thuở trầm luân.

(Kiến thức gia đình số 33)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất