| Hotline: 0983.970.780

Về lại Hà Tran

Thứ Năm 30/04/2020 , 06:10 (GMT+7)

Hà Tran, thôn nhỏ nép bên bờ sông Kiến Giang, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, một miền quê nên thơ và yên bình ở ngay tuyến lửa Quảng Bình.

Các cựu binh C20-F341 chụp ảnh với bà con Hà Tran bên dòng sông Kiên Giang.

Các cựu binh C20-F341 chụp ảnh với bà con Hà Tran bên dòng sông Kiên Giang.

I.

Khởi thủy chỉ là một đề xuất khẽ khàng “45 năm hãy về nguồn Hà Tran” trên FB của cựu binh C20 F341 Phạm Thanh Tùng (nguyên trưởng VP miền Trung Báo Tiền Phong tại Đà Nẵng) nhưng không ngờ lại lập tức trở thành cuộc thảo luận sôi nổi của hơn 60 thành viên của trang ĐỒNG ĐỘI CÙNG ĐƠN VỊ TRINH SÁT SƯ 341.

Để đến hôm nay, chúng tôi người thì từ Vũng Tàu, Sài Gòn ra, người thì từ Hà Nội, Thanh Hóa vào, người từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị quây quần cùng người Quảng Bình, háo hức về Hà Tran, một thôn nhỏ nép bên bờ sông Kiến Giang thuộc xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy.

Không thể hình dung ở ngay tuyến lửa Quảng Bình mà lại có một miền quê nên thơ và yên bình nhường ấy, từ chợ Tréo, trung tâm của huyện Lệ Thủy, cứ men theo dòng Kiến Giang “dạt dào tình quê” ngược lên qua Xuân Bồ, Mỹ Trạch, hoặc từ dốc 5 cô gái trên đường Hồ Chí Minh thả xuôi theo dòng Kiến Giang qua Bến Tiến, Yên Mã (có thế núi rất đẹp, nơi Quảng Bình chọn làm phần mộ cho đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng đại tướng lại chọn Vũng Chùa) là đến Hà Tran, nơi chúng tôi cùng nhau ủ sức, ủ chí, ủ yêu thương trong 2 năm liền đợi ngày ra trận.

Không chỉ chúng tôi háo hức mà ngay cả những bọ, những mạ, những anh chị và các em Hà Tran cũng thao thức suốt đêm đợi chúng tôi mà thước đo không chỉ ở hàng mâm, hàng thúng bánh bột lọc, bánh xoài tú ụ, hội trường thôn lộng lẫy, ở đường đi lối lại phong quang sạch sẽ.

So với các đại lễ cấp nhà nước thì người Hà Tran đón chúng tôi chỉ kém hàng người cầm cờ hoa vẫy vẫy nhưng họ hơn hẳn ánh mắt, nụ cười.

Kia rồi, người phụ nữ nhỏ bé đang dáo dác mắt tìm kiếm đích thị là chị Nguyễn Thị Hương. 45 năm rồi người đàn bà này vẫn vậy.

Chiều ngày 27 tết Nhâm Tý 1972, chúng tôi từ Nam Đàn Nghệ An hành quân bộ vào đến Hà Tran và tôi cùng 4 đồng đội khác được về ở nhà chị, một ngôi nhà gỗ lợp ngói khang trang nhất xóm. Chị dẫn tôi về thăm lại nhà xưa, chỉ lên bàn thờ, anh Anh, chồng chị, đã lên ngồi trên ấy 5 năm rồi.

Lan, đứa con gái đầu của chị ngày ấy mới 4 tuổi nay đã là bà nội, trưởng thôn. Tại đây, 45 năm trước, lần đầu tiên tôi được ăn bánh xoài (một loại bánh bông lan nhưng nướng trong cái khuôn nhỏ có dạng trái xoài), cái bánh vào miệng tự nó tan ra chảy tuột vào dạ dày. Cha mẹ ơi, từ nhỏ mình mới biết trên đời này có loại bánh thơm ngon đến nhường đấy.

Chị Nguyễn Thị Hương cùng tác giả.

Chị Nguyễn Thị Hương cùng tác giả.

Nối tiếp nhà chị Hương qua mấy thửa ruông là cao điểm 30, nơi chúng tôi luyện tập đêm ngày bất kể mưa nắng. Dưới chân cao điểm, le te hàng cây mưng (lộc vừng). Bữa ấy chị Hương cho ăn món bánh tôm làm bằng bột lọc có con tôm nhỏ làm nhân cuốn với lá mưng non.

Đang ăn thì anh Anh đố “Đố các em câu ca dao sau đây thì hiểu như thế nào – Cá lẹp kẹp với lộc mưng, ông ăn một miếng mụ trừng mắt lên”, chúng tôi nhao nhao trả lời rằng đấy là món ngon.

Anh Anh tủm tỉm cười chỉ tay về chị Hương, chị nhẹ nhàng giải thích – Cá lẹp bắt được sau mùa sinh sản nên rất gầy và xương, lộc mưng thời điểm này bắt đầu nắng dữ nên cũng chát đắng.

Đây là món ăn chẳng ngon lành gì nhưng cực chẳng đã phải ăn vì đói giáp hạt (tháng 3). Món ăn như vầy mà khi đói vợ chồng vẫn giành nhau. Wow. Dân mình duy vật biện chứng và thực dụng còn hơn cả Hegel và Marx.

Đang huấn luyện thì được lệnh đi khe Bang (giáp Lào) chặt cây bứt tranh về làm doanh trại. Mới tới cửa rừng thì mình hâm hấp sốt, nghi bị sốt rét lệnh phải về ngay. Đồng đội đang ở cả trên rừng nên việc chăm mình chỉ có chị Hương. Cháo hành, khăn ướt, nồi xông đủ cả nhưng sốt vẫn hoàn sốt.

Ngày thứ 2 thì nặng thêm, ly bì, ăn vào cứ ói ra, đến tối thì chị Hương dứt khoát chèo thuyền đưa mình thẳng (vượt tuyến) sang viện 44, một bệnh viện tiền phương của Quân Khu mà không lên bệnh xá sư đoàn. Bị sốt rét thật.

Bệnh binh chủ yếu là sốt rét được điều trị trong các căn nhà hầm dưới tàng cây, lợp tranh, nửa nổi nửa chìm, mỗi căn có 4- 6 giường bệnh. Đêm trước, mình mê không biết nhưng sáng dậy thì thật kinh hãi khi thấy các hộ lý đang phun cồn khử trùng giường bên cạnh, thì ra có một chiến binh vừa ra đi vì lên cơn ác tính.

Phác đồ điều trị bệnh sốt rét cực kỳ đơn giản, sáng sáng chỉ việc nằm sấp, tụt quần, nhỏng mông lên, hộ lý vừa làm công việc chuẩn bị vừa thăm dò lỗ huyệt (tránh chạm phải mạch thần kinh mông) vừa nói chuyện huyên thuyên, nhằm lúc phân tâm là cắm phập lút cả kim vào.

Đau thấy bà nội, gồng người đến chảy nước mắt, trẹo cả hàm mà tiếng la hét cứ chực bật ra. Những khi ấy X, cô hộ lý hay thẹn quê Cẩm Giàng, Hải Hưng thường lấy đầu ngón tay gãi gãi lên vùng tiêm, cảm giác đau vơi đi phân nửa.

Một tuần, 2 tuần, rồi 3 tuần mình không đi được nữa vì 2 mông đã chai cứng, may sao sang tuần thứ 4, đúng 28 ngày, 21 phát tiêm Quinine thì xét nghiệm đã âm tính. Bệnh án xuất viện ghi rõ mình chỉ còn 44 kg, sút 20 kg và được đi nghỉ dưỡng 2 tuần để hồi phục nhưng chị Hương bảo cứ về Hà Tran để chị ấy chăm sẽ tốt hơn.

Đêm cuối, X. dìu mình ra bờ sông. Trăng non, gió nồm nam vờn nhẹ, sóng vàng sông Kiên mơn man. Mình run run nắm bàn tay mềm mại của X. muốn nói câu cám ơn nhưng không nên lời. Đang bối rối thì dưới sông có tiếng lách cách, anh chị Hương và mấy người nữa bơi thuyền sang đón mình.

II.

Chương trình tại Hà tran dự kiến từ 9 giờ nhưng mãi tới 11 giờ mới bắt đầu được. Người đến trễ nhất là hạ sỹ Lê Quang Phương (nguyên GĐ Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thọ Xuân Thanh Hóa) Phương dến trễ vì mang theo 5 cây bưởi giống Luận Văn, đặc sản của Thọ Xuân vào trồng kỷ niệm. Phương là 1 trong 11 hiền triết chiến sỹ A thông tin, không là dân biển nhưng lúc nào cũng ồn ào, ăn to nói lớn sẵn sàng cãi nhau như mổ bò những chuyện chẳng đâu vào đâu, tỷ như gọi Võ Thuật hay Vũ Thuật, Lý Bạch đến đây thì liệu có ôm trăng mà nhảy xuông sông Kiên Giang không?…

Mỗi lần cãi nhau sắp gầm ghè thì mạ Tòng bao giờ cũng xuất hiện đúng lúc giúp hạ hỏa mấy cái đầu đang bốc. Câu thần chú mạ thường sử dụng là: - Mấy đứa bay nín đi để mạ đi luộc sắn nè. Phương ơi, Sáng ơi, Sơn ơi … các con ơi, sắn chín rồi.

Gia tài mạ Tòng chỉ có 2 chiếc nồi đất, một chiếc ấm đất và một chiếc niêu đồng và căn nhà lá thông thống, gian ngoài có cái phản gỗ đủ cho 4 chú bộ đội nằm ngang và khoảng trống để kê 2 cái sạp tre nữa làm giường cho 2 chú khác.

Phương có tướng mạo của Bùi Giáng, lúc nào gặp cũng thấy hắn chắp tay sau đít, mặt hơi cúi xuống, đi lại vòng tới vòng lui, miệng lẩm bẩm cái gì đó. Hắn viết bất cứ lúc nào có thể nhưng nhiều nhất là vào buổi tối, 9h tối, 1 hồi kẻng báo chuẩn bị đi ngủ, 9h30 lại 1 hồi, tất cả đều phải trong mùng, sau đó A trưởng hoặc B phó đi kiểm tra khi đã chắc chắn các chiến binh đã yên giấc mới thôi, vậy mà hắn vẫn viết được, nằm viết trong bóng tối quây mùng, chữ như gà mạ, đè lên nhau.

A thông tin thường xuyên bị hắn tra tấn bằng cách nghe thơ văn mà hắn vừa sáng tác, vẫn chưa vừa lòng, hắn lang thang ra gặp bất cứ ai đều bị hắn đè ra nghe thơ, nhiều nhất là những bài thơ về tình yêu mà hắn tưởng tượng ra.

Huấn luyện nhiều, dãi dầu lắm, quần áo phơi chưa khô đã mặc mà mỗi năm chỉ có 2 bộ nên phần lớn vào cuối năm là bộ đội đều mặc quần áo rách, quần áo vá. Phương có sáng kiến được cả tiểu đội áp dụng là cắt ngang ống quần đoạn trên gối lộn trước ra sau. Lộn ống quần rồi sang ống áo nhưng đến chiếc quần đùi thì đành bó tay.

Đã có lần Phương cãi lệnh không chịu đi rừng với lý do không có quần đùi, mà không có quần đùi phải mặc quần dài thì rất nguy hiểm khi vượt thác. Cả đại đội chỉ mỗi mình Phương biết cánh bè, chạy bè. Với chiếc quần đùi mới tinh sắm cho thằng cháu mà chưa kịp trao, mạ Tòng cứu thua cho cả 2, Phương cám ơn mạ Tòng và vui vẻ lên rừng.

Không hiểu sao chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường, trước đây thuyền của các o Liên Thủy, Mai Thủy đi lấy củi trên rừng theo dòng Kiến Giang xuôi về thường đi sát lạch bên C20 rồi cất tiếng hò đối đáp với mấy chàng lính C20 đang tắm, nhưng giờ họ lại bẻ lái sang bờ bên kia và cất tiếng hò: Ơ hơ ơ …Sông Kiên Giang nước xanh trong chi mà trong cả mấy tầng … là hò là dô. Ơ … Ơ … chứ mà để cho mấy eng bộ đội … ơ… ơ không có quần lặn bơi. Là hò là khoan…. Không quần anh hãy lặn cho sâu … là hò là dô … Lặn sâu mà em vẫn chộ … là hò là dô, là khoan hò khoan…

Cựu binh, nhà thơ Lê Quang Phương (thứ 2 từ trái qua) và tác giả tại buổi lễ Về nguồn Hà Tran

Cựu binh, nhà thơ Lê Quang Phương (thứ 2 từ trái qua) và tác giả tại buổi lễ Về nguồn Hà Tran

III.

Mặc dù chỉ có 11 người nhưng A thông tin góp cho đại đôi nhiều nhà văn, nhà thơ nhất, không kể Lê Quang Phương, nhà thơ từng được đại đội nghiễm nhiên thừa nhận từ 45 năm trước, còn có Hà Tùng Sơn nguyên cán bộ giảng dạy môn Văn học Trung Quốc Đại học Quy Nhơn, nhà thơ Lê Sơn (nguyên cán bộ ban Tuyên Giáo Thanh Hóa),nhà thơ Lê Ngọc Sáng, nguyên giáo viên trường THPT Đông Vệ Thanh Hóa. Sáng từng đi diễn tập cùng mình trong đợt tổng kiểm tra tác chiến toàn sư đoàn Thu Đông 1974.

Trước đó mình từng đại diện cho C20 dự hội thao toàn Quân Khu đoạt giải nhì nên rất được tin tưởng. Thiếu tá Nghinh, trưởng ban 2 sư đoàn gọi mình lên.

“Bây giờ các đồng chí có nhiệm vụ lồm quân xeng. Một đại đội địch đã vươt sông Bến Hải. chiếm căn cứ 62 làm đài quan sát thực hiện ý đồ thọc sâu đánh chiếm Quảng Bình”.

Đại đội ấy thực ra chỉ 5 người, gồm 3 trinh sát và 2 thông tin. Cao điểm 62 ở cạnh đường tàu thuộc xã Thái Thủy, mình được cử làm “đại đội trưởng”, 2 thông tin có Sáng (và ai nữa không nhớ) mang theo 1 máy PC 105.

Hàng ngày bọn mình có nhiệm vụ đi đi lại lại, thỉnh thoảng lại đốt một đống khói nhỏ, còn thông tin thì cứ 1 giờ lên sóng một phiên gọi vu vơ “1,2,3,4,5,6,7,8,9,0,9,8,7,6,5,4,3,2,1. Bến Hải gọi Đông Hà 01,01,01 nghe rõ trả lời.”, … cũng có lúc cao hứng “Thái Thủy gọi Xuân Thủy. Vi ai (Vy, tên một cô gái xinh đẹp của Hà Tran) nghe rõ trả lời”.

Sau tiếng o o, bỗng có tiếng cười khúc khích, hình như tiếng của Hà Tùng Sơn (nguyên giảng viên đại học Quy Nhơn) đang làm đài quan sát cho quân đỏ.

Hôm hành quân đến cao điểm 62, khi đi qua cầu đường sắt, phát hiện ra con cá tràu đang lửng lơ tìm bạn, mình lấy AK đòm một phát, con cá ngửa bụng. Sáng bỏ máy xuống mò, con cá quẫy một phát rồi mất dạng, cứ tiếc mãi.

Từ trên đỉnh 62, mình lia ống nhòm, phía Vĩnh Linh có một thôn nép bên hồ xem ra có vẻ trù phú, có bóng vài ba sơn nữ làm cỏ sắn. Trong ánh chiều tà lòng bỗng ngân lên “Sơn nữ ơi, lòng ta như cánh chim chiều”.

Sáng đóng máy rủ thêm đồng đội, báo cáo nghe rõ to – Đi bắn cá đền nhé. Mình nhìn theo, qua ống nhòm hai đồng đội phăm phăm xuống núi, mặt tươi đến đáng ngờ. Quái. Đi bắn cá gì mà lại không mang súng nhỉ.

Tình hình chiến sự vẫn im ắng. Đài phát thanh cả 2 miền Bắc Nam vẫn giọng điệu tố cáo nhau vi phạm Hiệp định Paris. Sau hội thao sư đoàn, chương trình huấn luyện C20 quay về “ Nghiêm. Đi đều … bước, 1,2 có lạt không lạt”.

Sư trưởng xuống thăm. Đại tá Trần Văn Trân, tù binh được Sài Gòn trao trả nhầm, từng là ai-đồ của cán binh C20 nên ai cũng háo hức. Từ sáng, 10 tiểu đội tập hợp vuông thành sắc cạnh trước nhà BCH đại đội chờ.

Sau lễ đón tiếp theo nghi thức nhà binh long trọng đến không ngờ, đại tá đi một vòng, ghé thăm nhà B3, xuống hố xí, vòng lên nhà ăn, rồi vào hội trường. Sư trưởng là người cởi mở, vui tính không đăm đăm như mặt mấy ông làm công tác chính trị. -Chúng ta sẽ đi sâu, đi lâu vì thế phải chuẩn bị thật tốt, ngoài tư tưởng thông suốt, nhuần nhuyễn kỹ chiến thuật thì phải có sức khỏe.

Ông nắm chặt tay giơ cao – Ai làm được Trần Quốc Tuấn? Không có cánh tay nào giơ lên. Sơn bệu (nguyên cán bộ tuyên giáo Thanh Hóa) mặt sắt, to cao nhất bọn, ngồi hàng dưới cùng được mời đứng dậy - Đồng chí có làm được không? Sơn bệu nhanh trí – Dạ em làm được nhưng đây không có cam ạ. 

Muốn khỏe phải ăn no. Đột nhiên ông chuyển qua hỏi C trưởng - ở đây các đồng chí có được ăn ngon, ăn no không? Không chờ câu trả lời, sư trưởng tiếp -có thể ăn chưa ngon nhưng trước hết phải no, no như thế này, ông vỗ bụng bình bịch ra dáng Nguyễn Công Trứ bất cầu bão.

- Chưa no, phải độn thêm bổi. Thiếu rau ư, ông chỉ ra bờ rào cây sắn ngăn cách hội trường với vườn nhà thầy giáo cấp 1, đêm đêm được các chàng tưới tắm nên lá xanh đen – Rau đấy, hái lá non, luộc lên, vắt bỏ nước, vẹc đũa mỡ xào lên, thơm nghẹt mũi. Ở chiến trường mà có hàng sắn như thế này thì quý lắm; -Sắp ra trận bắn nhau rồi mà tại sao ta lại tập nghiêm nghỉ, đi đều? Cả hội trường ngớ ra.

Đúng lúc ấy, Đỗ Xuân Ngôn (liệt sỹ, hy sinh trong trận Định Quán) thò tay ra trước nhéo một cái rõ đau vào hông Hà Tùng Sơn, giật mình HTS quay lại thì sư trưởng chỉ luôn vào hắn – Đồng chí. Xin mời đồng chí trả lời. Bất đắc dĩ HTS phải lập cập đứng dậy, ấp a ấp úng. Sư trưởng cười, cả hội trường cười theo.

Sau chuyến thăm của sư trưởng, C20 được tổ chức lại, non nửa được tăng cường cho C20 của 3 trung đoàn chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng vào Sài Gòn - Gia Định.

Cuối tháng 12/1974, tôi cùng Trần Nga, Đinh Trọng Ngân (đã hy sinh) vác ba lô về C20 Trụng đoàn 266. Mùng 4 tết Ất Mão (14/2/1975) sư đoàn làm lễ xuất quân tại một trảng đất cạnh đường quốc lộ 15, vượt Trường Sơn thẳng tiến vào Phước Long (Bình Phước hiện nay) trên 570 chiếc xe quân sự mới cáu cạnh.

Tạm biệt nhé, xóm nhỏ Hà Tran.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.