| Hotline: 0983.970.780

Về lại nơi 'vỉa nhân quặng'

Chủ Nhật 01/09/2019 , 09:30 (GMT+7)

Chuyến đi thực tế miền Đông về miệt rừng cao su Hớn Quản, Bình Phước cuối mùa khô năm ngoái, đã giúp tôi phát hiện một vỉa quặng đáng giá - vỉa nhân quặng - để tôi viết được thiên truyện ngắn “Rừng thay lá”.

1145122459
Công nhân chuẩn bị bón phân cho cao su.

Truyện viết về cuộc mưu sinh của cặp vợ chồng và bốn đứa trẻ. Anh chồng tên Năm Đạt, vốn là một nông dân thứ thiệt sinh trưởng ở Cà Mau. Ruộng đồng nhiễm mặn, sinh kế khó khăn, anh đầu quân cho một chủ tàu, lên chiếc ghe cào đi đánh bắt xa bờ. Vừa lênh đênh trên biển được bốn ngày rưỡi, tàu anh bị lạc vào vùng lãnh hải của Thái Lan. Chiếc ghe cào và mười hai thuyền viên bị bắt, mỗi người phải nộp ít nhất hai trăm triệu VND tiền chuộc, nếu không nộp đủ sẽ bị bỏ tù.

Chị vợ tên Tám Trinh, quê Bạc Liêu, thời thiếu nữ chắc đã làm khối gã xiêu lòng, mới 25 tuổi đã qua hai đời chồng và có với mỗi chàng một con gái, rồi nàng gửi lại con cho bên nội, dạt xuống Cà Mau và gặp Năm Đạt. Hai người phải yêu nhau lắm, nồng nàm lắm, nên chỉ chưa đầy mười năm, nàng đã sinh cho chàng bốn đứa con, đặt tên là A, B, C D. Khi Năm Đạt bị vô tù ở Thái Lan, Út D mới chưa đầy ba tuổi.

Biết sống sao đây? Đào đâu ra hai trăm triệu nộp phạt để họ thả chồng về? Làm cách nào nuôi nổi bốn đứa con trứng gà trứng vịt? Tám Trinh không tự tử là may. Bọn trẻ không đứa nào gặp cảnh bán con như chị Dậu trong “Tắt đèn” là nhà còn hồng phúc.

3145122578
Cùng đi làm.

Rất may, đúng lúc ấy, như có bàn tay của Đức Phật chìa ra. Người em trai của Năm Đạt là Sáu Điền điện về bảo Tám Trinh đưa bọn trẻ lên ngay Bình Phước. Mấy năm trước đó vợ chồng con cái Sáu Điền cũng phải bỏ quê lên những cánh rừng cao su thượng nguồn sông Sài Gòn. Họ đã được trang trại Cây Đề cưu mang, cả nhà trở thành “công nhân nông trại”. Chủ trang trại là bà giáo Tư Hiền, vốn dạy học ở Sài Gòn. Cả vùng Hớn Quản, người ta kháo nhau Cô Tư có tấm lòng Bồ Tát.

Cuộc đời thật trớ trêu. Khi Tám Trinh và bốn đứa con được cô Tư giúp nhà ở, trợ cấp tiền ăn học cho mấy đứa trẻ, Tám Trinh nhanh chóng trở thành thợ cạo mủ thành thục, cuộc sống tạm thời ổn định, thì… một người đàn ông xuất hiện. Khúc ngoặt này có thể ví như sự chói sáng của Từ Hải trong đời nàng Kiều. Người đàn ông có biệt danh Chín Tài Tử, vừa bỏ vợ và hai con bên Tây Ninh để vượt sông sang bên này. Chàng gặp Tám Trinh. Và xảy ra một cuộc tình sét đánh.

Nàng, ba mươi chín tuổi, sáu con (hai con với hai đời chồng trước), giờ hệt như nàng Acxinhia của Sông Đông êm đềm, tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nga Sholokhov, tràn trề tình ái, thường đi ra rừng cao su cạo mủ từ mười hai giờ đêm, sớm hơn mọi người hai giờ, và lô cao su của nàng cạo thường ngân nga tiếng hát và thổn thức tiếng yêu đương…

Cái kết bi thương của tình mẫu tử, tình vợ chồng đã đến như định mệnh: Chàng ngư phủ tù nhân ở xứ người sau hai năm sáu tháng tù đày, được phóng thích, tưởng được trở về đoàn tụ với  gia đình, nào ngờ khi gặp nhau cũng là lúc nàng Tám Trinh khát tình vứt trả Năm Đạt bốn đứa con để theo người ta qua sông.

Truyện ngắn khép lại trong một thế mở nhân văn, rằng sau mùa xuân, chắc nàng Tám Trinh nghe tiếng gọi thiết tha của tình mẫu tử, của thiên chức Mẹ, sẽ trở về.

***

Nhưng.

Không có cuộc trở về nào cả.

Phần hai của câu chuyện đã được tác giả của truyện ngắn “Rừng thay lá”, đích mục sở thị tại trang trại Cây Đề, có ngôi nhà ngói đỏ hai tầng lầu nhìn ra khúc quanh sông Sài Gòn.

Năm Đạt của truyện ngắn tên thật là Vũ. Sau khi bị vợ bỏ, ôm bốn đứa con định về Cà Mau gà trống nuôi con, thì được cô Tư khuyên ở lại. Cô dành cho năm cha con căn nhà cuối vườn bưởi, mua sắm cho trang thiết bị sinh hoạt, cấp tiền cho bọn trẻ tiếp tục đi học.

7145122866
Cha con Năm Đạt, tức Vũ.

Vũ được biên chế trong đội quân ăn lương hằng tháng, đặc trách chăm sóc vườn cây ăn trái. Nhóm công ăn lương gần chục người, là một tập thể đầy thân ái, toàn suýt soát tuổi Vũ, đủ miền quê. Có người quê Đồng Tháp, người Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hưng Yên. Đặc biệt có hai chàng họ Lâm là Lâm Thắng và Lâm Lực, người tộc Tà Mun, cư trú chủ yếu ở xã Tân Hiệp, Hớn Quản, một tộc người chỉ có khoảng một nghìn nhân khẩu, mới được phát hiện, đang chờ nhà nước công nhận là dân tộc thứ 55 của Việt Nam.

Tôi hỏi chuyện Vũ, lúc anh đang cắt cỏ bằng máy ở vườn bưởi:

- Đi tù nước ngoài mà trông chắc khỏe như một lõi thép thế kia, chắc được rèn luyện dữ lắm?

- Ngày ra tù con ốm nhách, chỉ có 42 kí thôi chú ơi - Vũ đưa hai tay mời tôi điếu thuốc, cười như mếu - Bây giờ, sau gần một năm lên trang trại Cây Đề, con đã tăng mười kí, mập hơn ngày con đi biển chú ạ.

- Vậy là đúng hai năm sáu tháng bị tù?

- Dạ. Con tính từng ngày. Đời thằng tù không bằng con chó. Bị đánh đập dã man luôn. Ngày gần ra tù, con đi không vững.

- Bây giờ ra dáng một chàng trai chưa vợ rồi - Tôi đùa - Nếu không vướng bốn đứa nhỏ, khối cô gái nhầm tưởng trai tân…

- Dạ đâu dám. Sang năm con bốn mươi rồi. Được sống yên ổn ở đây trông vườn cho cô để nuôi bốn sắp nhỏ là con mừng.

4145122659
Tác giả và bọn trẻ.

Tôi tránh không hỏi Vũ về nàng Tám Trinh của tôi. Nàng có cái tên thật ngoài đời giống một loài hoa, mà tôi không nỡ viết ra đây. Nghe mọi người kể thì nguyên mẫu văn học của tôi vừa sinh con gái. Đứa con thứ bẩy mà nàng đã sinh hạ cho đời . Lần này thì nàng lại không gặp may. Chàng Chín Tài tử ly dị vợ cũ vì vợ đẻ hai con gái. Chàng đặt bao kỳ vọng Tám Trinh sẽ sinh cho chàng một hoàng tử. Bước đường sinh đẻ phía trước của người đàn bà đa đoan này còn lắm chông gai. Sẽ tiếp lần thứ tám, hay thứ chín, thứ mười?

Tôi đang buồn rầu và xa xót mường tượng “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh” cho nàng Tám Trinh tiểu thuyết của tôi, thì bốn đưa trẻ từ đâu đó trong lô cao su ào đến với  Vũ. Ôi, những đứa trẻ của miệt sông nước Cà Mau như phổng phao lên, tươi rói lên giữa miệt rừng miền Đông trù phú. Anh Hai Nhẫn mười hai tuổi nhưng đã ra dáng một trang nam nhi, phóng xe máy vù vù lai cô Ba Trúc đi nhặt mủ khô. Cô Tư Bình sắp tới vào học lớp ba, và cô Út Quỳnh, sáu tuổi sẽ vào lớp một của trường phổ thông cơ sở Tân Hiệp. Chúng nép vào bên cha, ông gà trống của đời chúng, để quên đi rằng mình từng có một người mẹ.

6145122765
Vũ và tác giả.

- Các con có nhớ mẹ không? – Tôi hỏi bọn trẻ, và bỗng thấy mình nhẫn tâm, vì cả bốn đứa đều cúi mặt, không muốn trả lời.

- Thôi, qua chuyện khác vậy - Tôi lái câu chuyện cho không khí vui lên - Chuyện học tập nhé. Anh Hai Nhẫn học hết lớp năm phải nghỉ học vì mẹ không có tiền, vì phải phụ giúp mẹ nuôi các em. Các con phải học bù cho anh, cố học giỏi nhé. Để sau này trả ơn ba mẹ nữa…

Bọn trẻ cùng gật đầu, nói lí nhí trong miệng. Tư Bình, cô bé có đôi mắt to khôn trước tuổi, bỗng nói:

- Sau này ba có một mình, thì con sẽ nuôi ba…

Tôi bỗng cay sống mũi. Nhưng mừng cho Vũ. Chắc chắn anh đã thấy trước những mùa cây sẽ kết trái ngọt.

Hớn Quản, 8/2019

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm