| Hotline: 0983.970.780

Về làng hoa kiểng

Thứ Sáu 30/11/2012 , 09:51 (GMT+7)

Mới vào rằm tháng mười, thương lái đã về làng hoa kiểng Cái Mơn, Chợ Lách và làng hoa Sa Đéc để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ người chơi cây cảnh dịp Tết.

Chăm sóc hoa chuẩn bị Tết
Mới vào rằm tháng mười, thương lái đã về làng hoa kiểng Cái Mơn, Chợ Lách (Bến Tre) và làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ người chơi cây cảnh dịp Tết.

Ở những làng hoa này và nhiều nơi khác ĐBSCL, người trồng cũng đã sẵn sàng các loại hoa kiểng Tết, không chỉ tiêu thụ trong vùng mà vươn xa đến các tỉnh miền Trung, miền Bắc và cả thị trường nước ngoài.

Làng hoa Cái Mơn

Theo QL 57, về làng hoa Cái Mơn từ đầu đến cuối làng, đâu cũng thấy hoạt động trồng hoa, sửa kiểng hối hả. Để chuẩn bị sản phẩm bán Tết, thanh niên, thiếu nữ, già trẻ, ai cũng bận rộn tất bật cho việc gieo trồng, chăm sóc. Người thì lặt nụ, tỉa cành để cây bông phát triển cân đối, đầy đặn trông bắt mắt hơn. Người thì vô phân, tưới nước, như công việc thường ngày vẫn làm. Trẻ em ở đây, tranh thủ sau giờ học cũng phụ giúp cha mẹ chăm sóc hoa.

Bà Nguyễn Thị Hà (Tám Hà), ấp Tân Lộc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách theo nghề trồng hoa hơn 15 năm, mà nuôi các con khôn lớn. Bà cùng với dâu, con đang luôn tay vô chậu nhựa cho các cây hoa dừa rũ (một loại hoa tương tự hoa dừa ở các vùng quê Nam Bộ, nhưng khác một điều, chúng là dạng dây leo rũ xuống, lại có nhiều màu).

“Năm nay vẫn là năm thịnh của loài hoa dừa rũ Thái Lan. Do năm ngoái, nhà tôi và nhiều cơ sở ở đây thắng đậm loài hoa này; nên nhiều người trồng quá khiến giá bán cạnh tranh, có phần hạ hơn, nhưng cây bông này vẫn được thương lái ưa chuộng, đưa về bán tận Đà Lạt”, bà Hà nói.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên vì cây hoa lên tận xứ Lâm Đồng, bà Tám Hà cho biết thêm: “Loại hoa này vẫn đang hút hàng vì nó được tiêu thụ ở Nha Trang, Đà Nẵng và cả TP Đà Lạt. Xứ sở của ngàn hoa cũng không SX được loại hoa này nên xuống tận đây lấy hàng. Bình quân mỗi ngày, tôi bán hơn 200 chậu. Các cơ sở khác cũng vậy. Loài hoa này trồng chỉ 2-3 tháng là xuất bán".

Theo bà, năm nay gia đình không lời nhiều, vì giá phân bón tăng, giá giỏ đựng hoa cũng tăng, cụ thể lúc trước 5.000 đ/giỏ, nay lên 6.000 đ/giỏ. Rồi loại hoa này, thời gian trước đạt giá bán 28.000 đ/chậu, nay lái thu chỉ còn 26.000 đ; nhưng thu nhập dẫu sao cũng khá hơn nhiều người làm nghề nông khác.

Tại thời điểm này, gia đình bà Hà đã chuẩn bị hơn 5.000 chậu hoa dừa vì không đủ nhân lực làm nhiều hơn, nhưng bà vẫn tin là nếu có hơn chúng sẽ được tiêu thụ hết trong dịp Tết. Theo bà Hà, đến thời điểm này các mặt hàng chuẩn bị bán Tết đều trong giai đoạn phát triển tốt. Dự định khoảng 17-20 Tết âm lịch sẽ xuất bán, ước mùa này có thể thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Còn ông Nguyễn Hữu Thượng (Út Thượng) ấp Vĩnh Hưng 1, xã Vĩnh Thành, Chợ Lách cho biết: “Năm nay, tôi chuẩn bị sớm từ mấy tháng trước với hơn 180 chủng loại hoa kiểng để phục vụ thị trường Tết. Giá cả sẽ có thể tăng từ 20-30% so với năm ngoái, vì vật tư như giấy bọc, vỏ, chậu, phân thuốc đến công thuê người chăm sóc cũng tăng. Riêng năm nay, tôi đang có loại kiểng lá “độc quyền” ở làng hoa kiểng Cái Mơn mà nhiều người gọi là cây “may mắn””.

Năm ngoái, đến ngày 29 Tết vẫn có người đến mua lượng hàng này với giá 100.000-120.000 đồng/chậu mà ông Thượng mua về từ các làng hoa ngoại ô TPHCM nhưng không đủ bán. Năm nay, ông SX được nên dự kiến giá có thể rẻ hơn phân nửa. Ông đã chuẩn bị loại kiểng này từ tháng 4-5 với số lượng hơn 1.000 cây, hy vọng sẽ tiêu thụ hết và có được thu nhập khá. Ông cho rằng, dừa rũ vẫn còn bán chạy nên năm nay vẫn làm năm thịnh của nó. Mới đây, ông cũng giao cho thương lái đem về Lâm Hà, Lâm Đồng được 500 chậu dừa rũ, đủ các màu hồng, đỏ, hường, tím, trắng. Ngoài dừa rũ, những loại kiểng ăn khách nhất vẫn là: son môi, cúc mâm xôi, Tiger…

Ngược về Sa Đéc

Không khí làng hoa nơi đây không thua gì ở Cái Mơn. Vừa nhanh tay cho phân bón vào hàng hoa cẩm nhung và hoa cúc mâm xôi, ông Nguyễn Văn Bá, ấp Tân Hiệp, Tân Quy Đông, thị xã Sa Đéc cho biết: “Chưa có năm nào thuận trời như năm nay, thời tiết “ưu đãi”; mưa dứt sớm, không khí hơi lạnh thích hợp cho hoa. Hy vọng sẽ bán được vì các loại hoa có thể nở đúng Tết”.

Năm nay, nhà ông đầu tư trồng khoảng 30.000 chậu hoa trên 3 công đất phía sau nhà, với các loại hoa chủ lực được nhiều người ưa chuộng chưng Tết, như cúc mâm xôi, Tiger, Đài Loan… Riêng cúc Tiger, ông dự đoán năm trước 35.000 đ/cặp, năm nay có thể tăng lên 45.000 - 50.000 đ.

Còn anh Trần Văn Khanh nhà gần đó trồng 1.000 chậu cúc vàng chuẩn bị bán trong mùa Tết năm nay cũng cho biết: “Phân rơm, giỏ đều lên giá hết, nên năm nay tui dự định bán lẻ cúc vàng tại vườn 20.000 đ/giỏ, hơn năm ngoái 2.000 đ/giỏ. Nếu lái từ các tỉnh khác xuống đây đặt hàng sỉ, có thể tôi bán giá 18.000 đ/giỏ”.

Ông Nguyễn An Khương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ số 1 làng hoa kiểng Sa Đéc cho biết: “Đây là một trong những trung tâm hoa kiểng của miền Nam, rộng khoảng 60 ha với 600 hộ và 3.600 lao động chuyên trồng hoa, cây cảnh. Người dân và khách du lịch đã cho biệt danh nơi đây là “ngôi làng có 4 mùa xuân”. Dù bất cứ tháng nào trong năm, khách cũng được ngắm hoa thỏa thích; cả một rừng hoa với đủ màu sắc, hương thơm”.

Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ được khoảng 50 giống hoa hồng: hồng nhung đỏ thắm, mượt mà; hồng Gờ-rơ-da màu tím sen; hồng Cơ-lê-ô-bát màu hồng phấn; hồng Cô-kết màu gạch tôm. Ngoài ra, còn có hàng trăm các giống hoa khác. Hoa kiểng năm nay sẽ được các nhà vườn bán giá tăng hơn năm ngoái từ 5-10%, vì giá cả và chi phí cho người trồng hoa đều tăng. Qua tìm hiểu, hoa kiểng ở đây không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn xuất sang nước ngoài. Hơn 4 năm nay, có nhiều đơn đặt hàng từ các nước như Campuchia, Thái Lan, Đài Loan… Họ còn cho người sang tận nơi để đặt hàng hoa kiểng Tết.

Ngoài các mặt hàng kiểng lá, kiểng bông; năm nay loại kiểng mai vàng truyền thống, đặc trưng của vùng Nam Bộ, lại gặp không ít khó khăn trong vấn đề chăm sóc để mai nở đúng Tết. Làng Mai Vàng nơi đây có 180 hộ trồng mai vàng, hộ ít nhất cũng vài chục gốc mai, còn nhiều nhất lên đến vài trăm gốc.

Việc tiêu thụ kiểng lớn, đắt tiền gặp phải lúc khó khăn, do tình hình kinh tế đi xuống. Nhưng việc mua vài chậu hoa chưng Tết với mức giá vừa túi tiền, chắc người dân đón Tết cũng không quá đắn đo. Do vậy dân trồng hoa, kiếng lá vẫn hy vọng có được thu nhập trong dịp Tết Quý Tỵ này.

Điển hình như nhà ông Tiêu Hùng Minh, Phó ban đại diện làng Mai Vàng Phước Định, xã Bình Hòa Phước, Long Hồ (Vĩnh Long) có hơn 300 cây mai lớn nhỏ. Trong đó, cây thấp nhất có giá trị một vài triệu đồng và cây giá trị cao lên tới 200 triệu đồng. Cây mai giá 200 triệu của ông Minh có tuổi thọ khoảng 70 năm, cao 5,5 m, vòng gốc 80 cm, tàn lá rộng 2 m.

Ông Minh cho biết: “Năm nay, do ảnh hưởng thời tiết bất thường mưa, nắng đột ngột kéo dài ở thời điểm tháng 9 khiến một số hộ trồng mai đành chịu chung cảnh ra hoa sớm. Có cây trổ sớm 10-15%, có cây đã trổ đến 40-50%”.

Cũng theo nhận định của ông: “Năm nay có thể giá mai Tết sẽ tăng vì mai nở đúng Tết cung không đủ cầu. Nhiều nhà vườn sẽ thất thu, nhưng có nhà vườn được lợi to nếu chăm sóc mai nở đúng. Còn chúng tôi, mùa bán mai cổ lại vào dịp ra Giêng, nhưng lúc này sức mua giảm rõ. Như qua Tết 2011 chúng tôi bán mai cây được 70-80% số lượng mọi năm, thì sau Tết 2012 sức mua giảm chỉ còn 10-15%. Có thể do ảnh hưởng kinh tế chung, nên giới đại gia, các Cty mua mai có giảm...”.

Xem thêm
Kiểm kê khí nhà kính chi phí còn cao, quy định chưa được chi tiết

Doanh nghiệp chăn nuôi cho rằng, kiểm kê khí nhà kính là vấn đề mới, chi phí còn cao, quy định chưa chi tiết nên rất cần sự đồng hành của quản lý nhà nước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đặc biệt tập trung phòng chống bệnh cúm gia cầm và dại

Chiều 12/4, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai công tác quý II lĩnh vực thú y. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dự và chủ trì hội nghị.

Tưới tiết kiệm: Cái khó bó cái khôn

Tưới tiết kiệm mang lại rất nhiều lợi ích mà bản thân nông dân hiểu rất rõ, tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm.