| Hotline: 0983.970.780

Về một vùng nông thôn Philippin

Thứ Tư 09/01/2013 , 09:21 (GMT+7)

Điểm chúng tôi đến lần này là xã Tran-ca, huyện Bây, tỉnh Laguna, một tỉnh miền núi của Philippin cách thủ đô Manila 80 km về phía đông.

Thông thường, đến một vùng quê mới, bạn thường so sánh với quê hương mình và tìm hiểu những điều mới lạ. Ngay cả khi ra nước ngoài công tác cũng vậy.

Điểm chúng tôi đến lần này là xã Tran-ca, huyện Bây, tỉnh Laguna, một tỉnh miền núi của Philippin cách thủ đô Manila 80 km về phía đông. Mục đích chuyến đi của chúng tôi là nghiên cứu mô hình “tài chính vi mô”, cho người nghèo vay vốn nhỏ nhưng cảnh sắc, con người ở đây để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc.

Những điều trông thấy….

Philippin, đất nước của hơn 7.100 đảo lớn nhỏ (chỉ 10% số đảo có người ở), dân số hơn 95 triệu người. Mỗi năm Philippin gánh chịu 50 cơn bão lớn nhỏ. Gần đây, hết cơn bão Sơn Tinh lại đến cơn bão Bopha gây thiệt hại hết sức nặng nề. Nền kinh tế của  Philippin có lẽ cũng "xêm xêm” như nước ta. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là vùng nông thôn nhưng chúng tôi vẫn nhận ra niềm sống lạc quan, vui vẻ, tính ân cần, hiếu khách của nhân dân nơi đây.

Đầu tiên là hạ tầng giao thông của nước bạn khá tốt. Đường về xã vẫn 2 làn xe, phẳng lỳ, vạch kẻ 2 bên đường, phân chia ở giữa sáng rõ, ô-tô phóng đến 50 – 60 km/giờ mà không sợ bất ngờ 1 đứa trẻ, hay 1 con vật nuôi gần đó phóng ra, dù hai bên đường cây cối rậm rạp, nhà cửa nhiều chỗ đông đúc, sát mép đường. Nhưng điều khiến chúng tôi bất ngờ là mặt đường rất sạch, sạch như sau 1 trận mưa rào. Hai bên đường không thấy rác rưởi.

Sau này chúng tôi mới biết: Ngay từ nhỏ, nhà trường đã dạy các em học sinh giữ gìn vệ sinh công cộng thế nào. Các tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ cũng hướng dẫn người dân giữ vệ sinh chung. Các siêu thị ở tỉnh Laguna đã thay túi ni lông bằng túi giấy cho khách hàng. Thủ đô Manila cũng sạch bóng, hệ thống thùng rác có 4 ngăn: giấy, ni lông và hộp nhựa, thuỷ tinh và đồ sắt…Đúng ra, “đói cho sạch…”, dù kinh tế chưa phát triển nhưng môi trường vẫn có thể sạch!


Bà con trả lãi vay tín dụng

Ấn tượng tiếp theo là phương tiện vận chuyển trên đường. Ngoài taxi, xe buýt, xe chở khách đường dài, phong phú nhất là xe Zíp ny, ở Thái Lan gọi là xe túc túc, sơn màu sắc đa dạng bắt mắt. Rất nhiều xe, mỗi xe chỉ được đăng ký chở khách trên một vài tuyến đường. Giá rẻ, 8 pêsô/người (bằng khoảng 4.000 đ Việt Nam). Giúp đáng kể vào chuyên chở khách.

Xe Trai-cờ: xe mô tô ba bánh. Bất cứ một xe máy nào, đóng thêm một cái thùng bên cạnh cũng trở thành mô tô ba bánh chở khách, chở hàng. Người lái xe mô tô cũng được ngồi trong khung có mái che, có kính chắn gió. Xe ba bánh này có thể chở được 4 - 5 người (1 người ngồi sau người lái, 3 - 4 người ngồi trong thùng xe bên cạnh). Tôi đếm có lúc đến 50 xe Trai-cờ nối đuôi nhau chở khách trên đường.

Xe đạp ba bánh: Đến xe đạp cũng có mái che ở trên và bên cạnh là thùng chở người, chở hàng có mái che mưa nắng. Xe đạp ba bánh chủ yếu đi lại ở vùng nông thôn.

Cả ở thủ đô và vùng nông thôn, rất ít xe máy hai bánh, có lẽ không bằng 1/20 Việt Nam. Dù không so sánh nhưng chúng tôi cũng cảm thấy thật thú vị khi ngắm hệ thống chuyên chở của nước bạn.

Là một nước ở vùng nhiệt đới, khí hậu giống như miền Nam nước ta, cây cối xanh tốt quanh năm. Bên cạnh những cây là lạ, bất chợt chúng tôi gặp những cây quả giống như phong cảnh quê nhà: Bụi chuối, khóm tre, chôm chôm, cây dừa… Đặc biệt là những cây dừa thân mảnh, rất cao, cao ước đến 30-40 m. Hình như bão gió đã tôi luyện cho những cây dừa này càng vững chãi, vươn lên khẳng định mình. Nhân nói đến cây dừa, tôi được thưởng thức món bánh Bukôpi làm bằng cùi dừa non. Người dân chọn những quả dừa non vừa phải, bổ và nạo cùi chiều ngang bằng 2 đốt ngón tay, chiều dài 10 -15 cm. Cho bột, nước dừa, đường… rồi hấp lên thế nào đó. Khi ăn bánh, cùi dừa mềm mại, hơi dòn, vừa thơm, vừa ngậy.

Cho vay vốn nhỏ nhưng hiệu quả lớn

CARD MRI (sau đây gọi tắt là tổ chức Các) là một tổ chức phi chính phủ ra đời năm 1986. Khi thành lập, tài sản của Các chỉ có 1 máy chữ (hiện vẫn trưng bày tại Viện nghiên cứu của Các) nơi chúng tôi đến học tập, nghiên cứu và 20 pêsô (vào thời điểm này bằng nửa đôla Mỹ) nhưng với ý chí cháy bỏng vì sự phát triển cộng đồng, Jêm Alip-người sáng lập Các cùng 14 thành viên khác đã bền bỉ xây dựng Các trở thành một tổ chức tương hỗ lớn mạnh bao gồm nhiều đơn vị dịch vụ Viện Phát triển, cơ quan bảo hiểm, Ngân hàng doanh nghiệp, Trung tâm phát triển dịch vụ kinh doanh, Cty công nghệ thông tin, Hiệp hội tương hỗ… Riêng về tài chính vi mô, Các là tổ chức hàng đầu thế giới với sứ mệnh xây dựng một tổ chức bền vững được lãnh đạo và sở hữu bằng chính các thành viên nghèo và gia đình họ, nâng cao vai trò của phụ nữ.

Tài chính vi mô - chúng tôi đã trực tiếp đến một số làng xã, quỹ tín dụng, ngân hàng xem họ vay vốn, trả vốn thế nào.


Các hộ nông dân nghèo tuyên thệ, một phong tục của người dân Philippin

Ở vùng nông thôn Philippin còn nhiều hộ nghèo. Nhiều mái nhà tôn thấp nhỏ tối tăm. Các đã cử nhân viên đến tận thôn cùng xóm vận động thành lập Tổ cho vay vốn. Tập trung vào phụ nữ có nhiều ưu thế duy trì và phát triển vốn. Hộ nào có bình quân thu nhập dưới 1500 pêsô/người (750.000đ/tháng), tổng tài sản có giá trị dưới 150.000 pêsô (80 triệu đồng) thì được vay. Là “vi mô” nên không thể cho vay quá nhiều. Mỗi hộ lần đầu có thể chỉ vay 3 - 4 triệu đồng. Trả gốc và lãi theo tuần, mức trả thấp nhất khoảng hơn 20.000 đồng/tuần/hộ.

Một cảm giác hoàn toàn mới mẻ về cách thức và quan hệ vay vốn, khi chúng tôi đến các điểm vay và trả vốn ở các làng xóm. Hằng tuần, trong khoảng 1 giờ buổi sáng, mấy chục phụ nữ vay vốn mặc đồng phục của Các đến điểm giao dịch (mượn nhà 1 thành viên hoặc 1 cái lán dựng tạm trên đất của 1 người hảo tâm cho mượn đất) với không khí tươi vui, đầm ấm. Người nào đến là tổ trưởng và thư ký (bầu trong số người vay vốn) thu, vào sổ.

Khi cán bộ của Các đến, mọi việc đã cơ bản xong. Tất cả mọi người đứng dậy đọc 1 đoạn Kinh thánh (đa số người dân Philippin theo Thiên Chúa giáo), rồi tất cả mọi người đồng ca 1 cách say sưa bài hát truyền thống “Với Các - tương lai đầy hứa hẹn” với tiết tấu, nhịp điệu sôi nổi, tình cảm. “Chúng tôi vui mừng, hạnh phúc, mong ước đã thành hiện thực sau 2 thập kỷ tài chính vi mô. Hôm nay và mai sau, Các là giá trị hoà nhập, hòa hợp, hoàn thành sức mạnh mang lại hiệu quả cho người dân, tôn trọng giá trị con người và gia đình. Với Các, tương lai đầy hứa hẹn…”.

Sau tràng vỗ tay thật lớn mọi người vay vốn đồng thanh tuyên thệ (vay đúng, trả đúng, sử dụng vốn có hiệu quả), rồi cán bộ Các giơ tay tuyên thệ (hết lòng phục vụ nhân dân, làm tròn sứ mệnh của Các). Sau đó, cán bộ Các làm các thủ tục nhận tiền nhanh chóng.

Vay vốn, trả vốn ngay tại xóm, mỗi lần trả chỉ tương đương với 20.000 đồng Việt Nam, không hề có nhiều phiền hà, thủ tục quá giản đơn. Cách làm của Các thực sự vì cộng đồng. Với số tiền nhỏ được vay, 1,4 triệu người sử dụng vào buôn bán nhỏ, mua nguyên vật liệu, giống, cây trồng, chăn nuôi, trồng trọt… góp phần cải thiện đời sống rõ rệt cho bà con.

Cái hấp dẫn khác của Các trong các buổi gặp mặt đó, Các đã cử cán bộ xuống phổ biến một cách sinh động các kiến thức về phát triển kinh tế, đảm bảo hạnh phúc gia đình, giữ gìn sức khoẻ, vệ sinh môi trường… hoặc các tư vấn về mọi vấn đề trong cuộc sống (tất cả hơn 50 chủ đề). Thành thử, không chỉ vay vốn mà người dân được giao lưu, nâng cao kiến thức mọi mặt.

Cách làm của Các về tài chính vi mô có thể xem xét, áp dụng tại nước ta, các vùng nông thôn, thiết thực cho công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là cho vay vốn cho một số nhóm người dễ bị tổn thương.

Xem thêm
Lãnh đạo hợp tác xã cần kỹ năng truyền cảm hứng

Trong môi trường kinh doanh toàn cầu biến động nhanh, linh hoạt và có tính cạnh tranh cao như hiện nay thì việc nâng cao năng lực cho HTX càng trở nên cấp thiết.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.