| Hotline: 0983.970.780

Về nơi còn lắm khó khăn

Thứ Tư 10/07/2013 , 09:45 (GMT+7)

Nhiều hộ dân nghèo ở xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc (Long An) bao năm qua vẫn phải sống lay lắt ngay trên mảnh đất của mình.

Nhiều hộ dân nghèo ở xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc (Long An) bao năm qua vẫn phải sống lay lắt ngay trên mảnh đất của mình.

GIỮA VÙNG QUY HOẠCH TREO

Chúng tôi tìm về xã Trường Bình, một trong những xã nghèo thuộc vùng thượng của huyện Cần Giuộc. Bà con ở đây liên tục than vãn về cuộc sống của họ suốt nhiều năm qua như “cá nằm trên thớt” giữa vùng dự án treo chẳng thể nào nhúc nhích làm ăn gì được, hầu hết các hộ dân bị rơi vào khó khăn bế tắc không tìm ra lối thoát.

Ghé thăm gia đình anh Trương Quý Mậu, ấp Hòa Thuận 2, lúc này anh Mậu đang cặm cụi ngồi buộc vá lại cái chuồng gà ọp ẹp phía sau nhà. Gặp chúng tôi, ông Mậu rầu rĩ: “Vợ chồng tôi đến nay cũng chẳng có được mảnh ruộng nào để trồng cấy, nguồn sống duy nhất nuôi cả gia đình tôi chủ yếu ngóng vào đồng tiền do tôi chạy xe mướn. Vậy nhưng, công việc bập bõm khiến miếng cơm hằng ngày của gia đình tôi cũng vì thế mà bữa đói, bữa no, mặn, nhạt thất thường".


Chỉ còn 2 quầy sạp bán thịt trong chợ, nhưng vẫn ế ẩm chẳng người mua

Nghe lời anh Mậu kể, lẽ ra từ khi vợ chồng anh lập gia đình ở riêng cũng được bố mẹ chia cho ít ruộng để trồng lúa hay rau màu ổn định cuộc sống. Ấy vậy mà, không ngờ toàn bộ đất đai ruộng nương của bố mẹ anh cũng như nhiều hộ dân khác trong xã bị “dính” vào quy hoạch treo khiến nhiều năm qua chẳng ai dám đụng tới.

Cuộc sống vốn đã eo hẹp đến nay càng khó khăn gấp vạn lần khi căn nhà cấp bốn của gia đình anh Mậu đến lúc xuống cấp trầm trọng, bị gió quật gãy hết kèo cột đổ ụp. Do vậy, anh Mậu buộc phải làm đơn ra chính quyền xin cho xây nhà tạm rồi chấp nhận cắn răng đi vay tiền với lãi suất cao để lo mọi việc.

Bước vào căn nhà còn đang xây dựng dở dang, tôi quan sát chẳng thấy có vật dụng gì quý giá ngoài chiếc ti vi kê trên nóc tủ gỗ đã gần mục nát. Mặc dù vậy anh Mậu bảo, nhà xây đến đây đã tạm xong, nhưng tôi nhìn dưới nền nhà, ngoài sân vẫn còn nham nhở đất, gạch, đá… khiến anh phải dùng những vỏ bao để nát nền đi tạm vì đến nay đã cạn sạch tiền vốn vay.

“Thực tế tiền công chạy xe của tôi chỉ được khoảng 5 triệu/tháng nhưng đã phải chi trả hết vào cho khoản nợ lãi và tiền trả góp mua vật tư xây nhà. Còn hằng ngày của gia đình tôi cũng chỉ ăn uống tạm bợ cho qua ngày thôi”, anh Mậu tâm sự.

Để chứng minh, anh Mậu dẫn tôi xuống xem bếp ăn của gia đình mình, quan sát thực tế tôi chỉ thấy còn vài bơ gạo và mấy quả dưa leo, vài ba gói mì để làm thức ăn cho cả ngày. Tôi hỏi: Sao bữa ăn chính hằng ngày mà không có thức ăn mặn gì? Anh Mậu bảo: Cả tuần qua vì chẳng có tiền trả nợ cho quầy bán thịt, cá nên vợ chồng tôi cũng chẳng dám ra chợ mua gì thêm.

Nghe anh Mậu khoe, vừa xin được cho vợ anh vào làm ở xưởng giầy dép gần nhà, công việc cũng vất vả tối ngày nhưng tiền công chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/tháng chẳng đủ lo chi phí cho các bữa ăn hằng ngày của gia đình.

VẬT VỜ CHỜ KHÁCH

Về đây hỏi thăm chúng tôi mới biết, ở xã Trường Bình từ xưa đến nay không có chợ nên khi muốn mua bán gì người dân trong xã đều phải chạy ra tới trung tâm thị trấn huyện mới có phiên họp chợ hằng ngày.


Những luống rau không đủ nuôi sống cả gia đình nghèo

Có mặt tại chợ mới Cần Giuộc nằm ở trung tâm thị trấn huyện vào buổi sáng sớm, chúng tôi chứng kiến cả khu vực chợ vắng hoe chỉ có lèo tèo vài sạp hàng trái cây nhỏ bày bán bên hông chợ.

 Thấy tôi thắc mắc, một chị chủ quán nước gần chợ giải thích: “Mang tiếng đây là chợ mới của huyện nhưng lâu nay chẳng có mấy người dân chịu vào chợ mua sắm nên chợ nhìn nó cũ và xuống cấp nhanh vậy đấy. Do buôn bán ế ẩm quá, khiến nhiều người đành phải bỏ sạp chạy về chợ cũ, chứ bám riết ở đây có mà ăn cám”.

Theo những người dân quanh khu vực này, chợ mới của huyện đã được xây dựng cách nay gần chục năm để quy hoạch riêng thành chợ rau, hoa, củ, quả. Tuy nhiên, đến nay gần như bỏ hoang chẳng có khách hàng đến mua bán.

Do vậy, chúng tôi tiếp tục tìm xuống chợ cũ Cần Giuộc nằm cách đó không xa để tìm hiểu thực tế. Mang tiếng là chợ huyện, là trung tâm giao thương của các xã xung quanh nhưng thực tế quy mô cũng chẳng hơn mấy chợ quê cấp thôn xã bao nhiêu, thậm chí bãi gửi xe tìm mỏi mắt cũng không có.

Lúc này dù mới khoảng nửa buổi sáng nhưng nhìn cảnh chợ vắng tanh, dạo quanh một vòng tôi thấy hầu hết những quầy sạp hàng tạp hóa, thực phẩm đều chỉ ngồi vật vờ chờ khách. Nhất là với những dãy hàng thịt cá phía cuối chợ càng ế ẩm lạnh tanh chẳng thấy bóng dáng khách hàng ghé mua khiến chủ quầy sạp ngồi ngáp ruồi suốt cả buổi chợ.


Chợ mới Cần Giuộc vắng teo

Chị Trần Thị Hoa, chủ quầy thịt heo trong chợ, than vãn: “Chưa bao giờ thấy thịt cá lại bán quá ế như bây giờ, cất về thịt tươi ngon nhưng bán cả ngày giỏi lắm cũng chỉ thu được vài trăm ngàn tiền hàng là cao.

Cứ đến cuối buổi chợ là tôi phải chấp nhận rao bán thịt với giá rẻ bèo nhất để giải phóng nguồn hàng hoặc cùng lắm đem thịt ế về nhà ăn dần đỡ tốn tiền mua thức ăn. Các quầy sạp bán thịt lâu năm ở đây nhưng do không chịu nổi “nhiệt” họ đành phải tìm điểm khác bán hoặc bỏ nghề luôn rồi”.

Theo chị Hoa, riêng quầy thịt của chị từ lâu nay cũng chỉ bán được cho những mối khách quen và đa số phải ghi sổ nợ cho trả gối đầu mới tiêu thụ nổi thịt. Trước đây, thời cao điểm nhất như dịp gần tết mỗi buổi chợ chị Hoa phải bán được cả vài tạ thịt hơi, nhưng đến bây giờ ráng lắm cũng chỉ bán được bằng 1/3 lượng thịt so với trước.

Đang mải tiếp chuyện nhưng khi thấy có người kéo xe bán trái thanh long giá rẻ đi qua, chị Hoa gọi mua liền 5 ký nhưng gạ đổi ngang bằng vài lạng thịt heo cho tiện. Chị Hoa bảo: “Đấy, cứ thỉnh thoảng tôi lại phải mua thay đổi các món trái cây về ăn cho mát ruột, chứ bữa nào cả nhà cũng phải ăn thịt ế riết thấy ngán lắm”.

Trao đổi với NNVN, bà Ngô Thị Hồng Ni, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Bình, cho biết: Trên toàn địa bàn xã chiếm 2/3 số hộ dân sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của các gia đình đang gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời càng khó khăn hơn nữa kể từ khi các hộ dân trong xã bị “dính” vào khu quy hoạch.

Đến nay, các hộ dân này chưa được giải quyết hỗ trợ tái định cư để ổn định cuộc sống khiến bà con bức xúc khiếu kiện. Chính quyền xã cũng đã có kiến nghị lên huyện tỉnh về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm…

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất