| Hotline: 0983.970.780

Về nơi gió cát để hiểu người Ninh Thuận

Thứ Năm 10/12/2020 , 20:52 (GMT+7)

Người Ninh Thuận đã quen với thời tiết và khí hậu khắc nghiệt. Gió mưa gì cũng chống chọi. Cứ thế mà sống. Kiên cường mà sống.

Vẻ đẹp Chăm.

Vẻ đẹp Chăm.

Nhiều người nói rằng vùng đất Ninh Thuận khắc nghiệt chỉ có gió và cát, có chuyện gì đâu mà kể? Có chớ. Câu chuyện bắt đầu từ những cơn gió mùa.

Khi cơn gió mùa Tây Nam mang mưa vào vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, vào Ninh Thuận chúng đã bị những ngọn núi cản trở. Thay vì mang mưa, chúng trở nên tù túng và khô hanh. Vùng Ninh Thuận sa mạc bắt nguồn từ đó.

Chẳng có xứ nào nhiều xương rồng như vùng đất này. Đất cứng và khô nên xương rồng sinh sống mãnh liệt. Xương rồng đầu làng, xương rồng cuối làng, xương rồng mọc hoang trên những cồn cát có bầy dông sinh sống, xương rồng quấn trong hàng rào cây. Xương rồng lấn chiếm cánh đồng cằn cỗi nơi bầy dê, cừu kiếm ăn trong nắng bụi. Chuyến tàu chạy qua làng, còi thổi tu tu. Trên ô cửa tàu nhìn xuống chỉ thấy một vùng đất hoang, lúp xúp cây và mãnh liệt xương rồng.

Xứ sở của người con gái Chăm nằm dọc theo mạn Nam và Tây Nam. Những ngôi làng Chăm có mảnh sân rộng, nơi sinh hoạt chung của nhiều ngôi nhà cùng huyết thống. Hàng rào trong làng thường làm bằng cây, cánh cổng cũng cây. Cây chặt trên đồi núi hoặc trên rẫy. Những hàng rào cây mới bao giờ cũng thơm mùi nhựa.

Con sông Quao, một nhánh của sông Cái chảy qua ngôi làng mạn Nam gắn bó với truyền thống làng nghề như là số phận. Bàu Trúc- ngôi làng có nghề gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á, dân làng gắn bó với sông Quao, bởi đất sét và cát của con sông này là chất liệu của bao nhiêu sản phẩm gốm. Những con sông khác cũng có đất và cát, nhưng đất sông Quao có độ kết dính cao. Những chàng trai và cô gái Chăm đã đào đất từ sông Quao về phơi khô, ngâm trong hố nước trong một thời gian nhất định, trộn với cát và nhào ra loại đất nguyên liệu để nặn nên những sản phẩm gốm mang hồn cốt của dân tộc mình.

Vì theo chế độ mẫu hệ mà người làm gốm thường là người nữ? Một bà mẹ, một người vợ, một người chị…thường đảm trách công việc nặn gốm. Họ không dùng bàn xoay mà xoay người theo gốm. Xoay càng nhiều vòng sản phẩm càng đẹp. Những bàn tay thổi hồn vào gốm. Những sản phẩm gốm sau khi nặn xong thường được những người đàn ông trong nhà mang đi nung. Nguyên liệu cũng rất thiên nhiên. Rơm, rạ sau vụ mùa được tích trữ lại và đốt lên, bên trong vùi các sản phẩm gốm.

Cũng nằm trong mạn phía Nam, ngay sát làng gốm Bàu Trúc là làng dệt Mỹ Nghiệp. Những người phụ nữ Chăm, có khi người mẹ, có khi người bà và gần đây có thêm nhiều cô gái Chăm trẻ tuổi ngồi bên khung cửi, dệt ra những sản phẩm thổ cẩm. Gốm và thổ cẩm đã giúp hai ngôi làng Chăm biết đến thế giới bên ngoài và ngược lại.

Thổ cẩm Chăm.

Thổ cẩm Chăm.

Mạn phía Tây của vùng đất lại là một thế giới hoang sơ khác với những đồi núi thấp, dân cư thưa thớt, có nơi còn tách biệt với thế giới bên ngoài. Không đẹp sâu sắc như cô gái Chăm, những cô gái Raglai mang vẻ đẹp hoang dã của núi đồi. Mùa mưa ngắn càng làm làn da của các cô đậm màu bánh mật. Trên mạn Tây, ngoài công việc truyền thống nhỏ lẻ đan gùi tre, việc chăn nuôi, trồng trọt khá khó khăn vất vả. Những rẫy bắp trên sườn núi thường xuyên thiếu nước. Bầy dê, cừu đi kiếm ăn trong những cánh đồng khô đầy bụi ốm đói theo mùa. Chế độ mẫu hệ ở mạn Tây vẫn được duy trì nhưng có nhiều biến đổi theo thời gian và hoàn cảnh.

Nhiều khi đi vào một mảnh rừng lạ, ta thảng thốt nhìn thấy một ngôi nhà sàn nằm cheo leo trên sườn núi. Một bà cụ, già như thời gian của núi, da nhăn nheo, tay cầm cây gậy ngồi trước cửa nhà. Ta không biết tại sao ngôi nhà sàn lại ở nơi heo hút và bà cụ lại ở trong ngôi nhà đó? Họ đã sống như thế nào? Họ ăn gì? Họ buồn hay vui?

Mạn Đông của vùng đất, giáp biển, tưởng như ít dấu ấn của xứ sở nhưng lại đặc trưng bởi những cồn cát dài nhìn ra biển. Sau xương rồng, cát thi nhau kể chuyện. Những câu chuyện không đầu không cuối mang hơi hướng những cơn gió bấc như muốn thổi chìm cả thành phố trong bão cát sa mạc.

Loài dông, từ chỗ sống lang thang, núp trong những cồn cát hoang đã được nuôi thành loài dông nhà. Mênh mông là cát. Những động cát trải dài không chứa chấp loài cây gì ngoài xương rồng và bụi cỏ. Cỏ xác xơ theo cát. Nhưng loài dông sống mãnh liệt trong cát. Chúng núp trong cát khi nắng nóng, chui ra tầm sáng kiếm ăn, rúc thật mau khi có người đuổi bắt, làm tình trong cát nóng và sinh sôi những con dông bé.

Xứ khắc nghiệt nên loài vật nào sống được cũng có sự mạnh mẽ kiên cường. Cừu, dê, dông…những con vật gắn bó với xứ nắng và trở thành đặc sản của xứ nắng.

Mạn trung tâm thành phố, không Đông, không Tây, không Nam, không Bắc bỗng hiền hòa con sông Cái chảy qua, tạo được một chút xanh trong lòng xứ sở. Những vườn nho ưa nắng, không chịu đựng được gió mưa, an phận nhận dòng chảy không dồi dào của sông Cái đủ để nuôi những chùm nho chín ngọt. Nho Ninh Thuận có vị ngọt thanh. Càng nắng càng ngọt. Trái nho và cây nho còn vượt mặt những nông dân da sạm nắng trồng ra nó, khi đi chu du khắp các tỉnh trong nước. Còn người nông dân thì chỉ biết một nắng hai sương ngẩng mặt lên, cúi mặt xuống với giàn nho và đồng ruộng.

Hoàng hôn của vùng đất này thì kể câu chuyện về những ngọn tháp Chăm huyền ảo nằm trên những ngọn đồi vắng. Là vùng đất có người Chăm sinh sống đông nhất nước, Ninh Thuận gìn giữ được nhiều di sản của văn hóa Chăm như chữ viết, dân ca, nghệ thuật múa, trang phục, nghề dệt và gốm, kiến trúc, điêu khắc và những ngọn tháp Chăm huyền thoại.

Trên ngọn đồi Trầu nhìn xuống trung tâm thành phố, tháp Poklong Garai được xây dựng từ thế kỉ 13 thầm thì kể câu chuyện của thời mình. Những vũ nữ Apsara và những điệu múa từ quá khứ còn truyền lại cho đến bây giờ. Ngược ra mạn Bắc, tháp Hòa Lai xây dựng từ thế kỉ 19 giữ cho mình nhiều câu chuyện dang dở với hai ngọn tháp còn nguyên vẹn và một tháp chỉ còn nền móng do sự tác động của chiến tranh và thời gian. Xuôi về mạn Nam, tháp Pôrômê xây dựng thế kỉ 17 với vẻ đẹp gần như nguyên vẹn lại nằm im vắng, đầy suy tư giữa một đồi hoang vắng. Đồi quá hoang nên chỉ có tiếng dê kêu trưa vắng và ánh trăng mùa mới hiểu được câu chuyện trong lòng tháp.

Toàn bộ tháp Chăm đều có cửa chính hướng về biển đông. Bởi mặt trời mọc từ hướng đó. Ánh nắng đầu tiên của một ngày bắt nguồn từ nơi đó. Sơ khai và huyền diệu cũng từ chốn đó. Hướng mặt trời mọc, khởi nguồn của mọi minh triết.

Câu chuyện của xứ này không thể nào thiếu mưa dù mưa chỉ ngang qua trong thời gian ngắn. Khô cằn, khắc nghiệt, đất đai vùng này lúc nào cũng cần mưa. Mùa mưa ngắn, nếu mưa thuận gió hòa chỉ tầm chừng ba tháng (dao động từ tháng 10 tới tháng 12 dương lịch). Nếu đỏng đảnh, mưa không thèm đến. Đất thiếu mưa, nên đất khát, thèm mưa. Những cánh đồng khô nẻ, những chú cừu gầy rộc, những ruộng lúa chết yểu, bầy dông đêm đêm trồi lên cát cố đớp những giọt sương. Mưa xứ này thất thường và đỏng đảnh. Mưa hay quên lời hẹn nên mùa hạn hán cứ tới, quay đi và trở lại như một vòng tròn.

Ninh Thuận cũng nhiều lần ngập lụt vì trời mưa lũ. Mưa không có tính thơ mộng, dầm dề, dai dẳng như trong bài hát ở xứ khác. Đã mưa là mưa ầm ầm, mưa ngập tràn xứ sở. Đất cứng không giữ được nước. Những ngọn núi thấp cũng không giữ được nước. Như trả thù cho mùa hạn, mưa xối xả khắp đất trời. Vùng đất khô cằn nhiều lần chìm trong nước. Tôm, cua, cá nuôi nước lợ trôi theo ra biển. Nước mắt mặn hơn nước biển sau những thất thường của thiên nhiên.

Mà lạ, người Ninh Thuận đã quen với thời tiết và khí hậu khắc nghiệt. Gió mưa gì cũng chống chọi. Cứ thế mà sống. Kiên cường mà sống.

Sau những thất thường của thời tiết cũng có những lúc mưa thuận gió hòa. Những ngọn gió mùa dù tù túng khô hanh cũng có lúc mang những cơn mưa nhẹ và những làn gió mát tới vùng đất khắc nghiệt. Gió vờn trên những cánh quạt gió. Một hàng cánh quạt gió như những cánh chong chóng trắng, chĩa lên bóng núi, xung quanh là cánh đồng khi màu xanh của lúa non, khi màu vàng của lúa chín, đẹp như một bức tranh.

Một lữ khách rong ruổi trên đường thiên lý, cũng dừng lại ngắm hoàng hôn chiếu xuống cánh đồng quạt gió. Người lữ khách ấy nghĩ gì tôi không biết bạn nhé…

Xem thêm
Bí quyết sở hữu vé chương trình 'Bài hát của chúng ta' top 1 rating VTV3

Đến hết 30/10/2024, khách hàng chi tiêu thẻ quốc tế VPBank thỏa mãn điều kiện hoặc tham gia minigame trên fanpage sẽ nhận vé dự chương trình 'Our Song - Bài hát của chúng ta'.

Jannik Sinner mất ngủ vì sự cố doping

Tay vợt số 1 thế giới của quần vợt nam Jannik Sinner cho biết sự vụ liên quan tới câu chuyện doping khiến mình bị mất ngủ nhiều đêm.

Kỷ lục gia Hoàng Nguyên Thanh tham dự Berlin Marathon

Chân chạy số 1 của điền kinh Việt Nam ở đường chạy dài và marathon là Hoàng Nguyên Thanh góp mặt giải Berlin Marathon 2024 tại Đức.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.