| Hotline: 0983.970.780

Về nơi học sinh bỏ học kết hôn không phải là chuyện hiếm

Thứ Tư 27/09/2017 , 14:30 (GMT+7)

Hầu như năm nào, bản người Mông ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đều có những đứa trẻ bỏ học theo chồng. Theo thống kê tại xã Mường Lống, bình quân mỗi năm có 4-5 cặp vợ chồng “trẻ con” như thế.

Chúng đã ưng nhau thì đành chịu

Nắng đã lên cao bằng con sào, sương đã tan trên đỉnh núi nhưng cặp vợ chồng trẻ con Vừ Bá Trung (sinh năm 1999) Và Y Ka (sinh năm 2002) tại bản Mường Lống 1, xã Mường Lống vẫn không đến trường. Chúng đã bỏ học từ năm trước để về ở với nhau.

10-48-15_cp_vo_chong_tre_con_vu_b_trung_v_v_y_k
Cặp vợ chồng trẻ con Vừ Bá Trung và Và Y Ka

Y Ka ngồi trước bậu cửa, bụng đã vượt mặt. Bàn tay thái ngô nấu cho đàn lợn đang chực ăn sau nhà của Y Ka trông còn vụng về lắm. Thấy người lạ đến, Ka ngại ngùng lấy ghế đặt trên nền đất ngôi nhà được lợp bằng proximang. Ka nhoẻn miệng cười mời khách ngồi rồi gọi người chồng đang mải xem ti vi trong buồng ra tiếp khách.

Nhà các em ở cách nhau có vài bước chân. Sinh ra đã cùng nhau lên núi hái măng, gùi lúa, thồ củi về nhà. Cách đây ít tháng, Trung “bắt” Y Ka về làm vợ. Bố mẹ hai bên biết các em còn ít tuổi nhưng đã ưng nhau thì đành phải để chúng về ở một nhà. Nhưng về ở cùng nhà, Trung thì vẫn chỉ biết làm vài việc vặt như hồi còn đi học, suốt ngày nằm ở nhà xem ti vi. Người vợ trẻ của Trung cũng chẳng hơn là mấy.

“Ta có bầu không lên rẫy được nên hai vợ chồng ở nhà chăm đàn gà, đàn lợn. Bố mẹ lên rẫy đào sắn, đào củ mài đến tối mới về”, Y Ka nói với khách lạ.

Hỏi vì sao lại theo chồng sớm thế, Ka thẹn thùng: “Nhà ở gần nhau, Trung thích ta, ta cũng ưng bụng nên lấy nhau thôi! Khi chưa lấy chồng thì sợ già mất! Giờ lấy chồng rồi mới biết khổ, không được đi học nữa, phải nấu ăn, nuôi lợn, nuôi gà, phải tập làm rẫy. Nếu biết thế này thì ta chưa lấy chồng đâu", Y Ka tỏ vẻ nuối tiếc bên cạnh người chồng ngượng đỏ chín mặt.

Ông Vừ Bá Của, trưởng bản Mường Lống 1 cho biết thêm, mấy năm nay, nhờ được đi học nhiều, tuyên truyền vận động nhiều nên cũng ít người tảo hôn. Nhưng nửa đầu năm 2017 này, cả bản cũng đã có 4 cặp vợ chồng cưới nhau khi chưa đủ 18 tuổi. Gia đình cũng phản đối nhưng sợ lũ trẻ làm liều nên đành chịu. Nhà nào khá giả thì cưới xong vẫn cho con đi học tiếp. Có những cặp mới về ở với nhau được vài tháng, không hợp thì bỏ về đi học.

Theo thống kê của Trường PTDT Bán trú THCS Mường Lống, bình quân mỗi năm có 5-6 em bỏ học lấy chồng. Số đã bỏ học lấy chồng thì ít khi được quay trở lại đi học. Bố mẹ người Mông chỉ định hướng, sợ con cái nghĩ quẩn làm liều nên không dám áp đặt lên lũ trẻ. Vì thế, chúng cứ ưng bụng là về ở với nhau, không hợp thì bỏ. Cái đó đã thành thông lệ của người Mông từ ngàn đời nay.

10-48-15_mot_goc_bn_muong_long_1
Một góc bản Mường Lống 1

“Cứ sau Tết Nguyên Đán, kiểu gì cũng có 5-7 học sinh nữ bỏ học theo chồng. Nhà trường đến gia đình vận động, bố mẹ các em bảo cũng muốn cho con đi học nhưng chúng đã ưng nhau thì đành chịu”, thầy Trần Văn Quý, Hiệu trưởng trường Trường PTDT Bán trú THCS Mường Lống trăn trở.
 

Con lãnh đạo cũng cưới non

Cái nắng giữa tháng 9 không còn gay gắt nhưng hai vợ chồng ông Lầu Già Hùa vẫn vã mồ hôi cùng đứa cháu ngoại chưa đến 2 tuổi đi từ rừng ra. Chúng tôi gặp vợ chồng ông ở khu C5 (trang trại làm ăn của đồng bào vùng cao). Nhìn đứa bé gái mặt mũi đen nhẻm theo sau, chúng tôi cứ ngỡ đó là con út của người đàn ông chưa đến tuổi tứ tuần này.

Ông Hùa là Bí thư Chi bộ bản Huồi Thăng, xã Huồi Tụ, dù được tiếp thu và hiểu chủ trương, chính sách pháp luật nhưng ông cũng có một cô con gái đi lấy chồng khi còn “trẻ con”. Cũng như nhiều ông bố, bà mẹ người Mông khác, vợ chồng ông không dám ngăn cản chúng yêu nhau và lấy nhau dù biết như thế là vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình.

“Lầu Y Tồng, sinh năm 1998. Năm 2015, không lên được trường huyện thì hắn nhất quyết để chồng “bắt” về làm vợ. Nói là bị bắt nhưng mà hắn ưng lấy chồng lắm nên còn chạy xe theo chồng cho kịp. Ta mà cản hắn ăn lá ngón mất thôi. Lấy chồng đầu năm thì cuối năm vợ chồng có con. Tồng không biết chăm con, không biết làm rẫy, vợ chồng bỏ nhau rồi. Giờ ta phải nuôi cháu, Tồng thì theo chồng mới vào miền Nam rồi”, ông Hùa buồn bã.

Huồi Tụ là một trong những xã có tình trạng tảo hôn diễn ra phức tạp nhất của huyện Kỳ Sơn. Theo thống kê của cán bộ tư pháp xã Huồi Tụ, năm 2016, cả xã có 23 cặp tảo hôn. Những tháng đầu năm 2017 đã có 19 cặp. Đó mới chỉ là những con số thống kê với trường hợp tảo hôn xẩy ra ở trong xã. Còn nếu lấy chồng xã khác thì xã không thể nắm hết. Công tác thống kê danh sách người tảo hôn còn phụ thuộc vào việc cộng tác viên dân số thôn bản có báo lên xã hay không.

10-48-15_nhung_b_me_tre_con_nguoi_mong_khong_hiem
Những bà mẹ trẻ con người Mông không hiếm
Ngoài việc tảo hôn, tình trạng hôn nhân cận huyết thời gian qua tuy có giảm nhưng vẫn còn tồn tại. Tại Huồi Tụ, đầu năm 2017 có 1 trường hợp hai người con dì lấy nhau. Khi được hỏi, đồng bào người Mông đều khẳng định, những người cùng dòng họ thì nhất quyết không được lấy nhau. Còn con dì, con cô, con cậu… thì vẫn có thể kết đôi, kết lứa và thành vợ thành chồng.

Nhưng điều đáng lo nhất là con em cán bộ xã người Mông cũng tảo hôn. Vì thế việc tuyên truyền, vận động, xử lý gặp không ít khó khăn.

“Hội đồng nhân dân xã đã ra Nghị quyết, xử phạt từ 500 nghìn - 1 triệu đồng với những trường hợp tảo hôn. Nhưng khó khăn là ngay cả con của ông Dềnh Bá Lồng, Phó Chủ tịch UBND xã; ông Lì Nhìa Cở, cán bộ Văn hóa xã cũng tảo hôn. Vì thế, công tác tuyên truyền gặp không ít khó khăn”, một cán bộ xã Huồi Tụ cho biết.

Mặc dù, khi đi sâu vào các bản làng, chúng tôi nắm được rất nhiều trường hợp tảo hôn. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là con số thống kê được của các ban ngành cấp huyện lại có sự chênh lệch khá lớn. Thông tin từ Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Kỳ Sơn thì tình trạng tảo hôn chủ yếu xẩy ra ở các xã tập trung nhiều người dân tộc Khơ Mú, Mông như Tây Sơn, Mường Lống, Huồi Tụ, Na Ngoi, Bảo Nam, Bảo Thắng, Keng Đu, Mường Típ, Mường Ải. Tuy nhiên, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Kỳ Sơn không nắm được cụ thể.

“Tục bắt vợ của người Mông nay không còn nữa nhưng tảo hôn thì vẫn còn, không thống kê được số lượng. Nếu gia đình không cho cưới thì có nhiều cặp ăn lá ngón tự tử. Riêng năm 2015 có 2-3 trường hợp ăn lá ngón vì không được gia đình cho cưới”, ông Mùa Xia Lữ, Giám đốc DS-KHHGĐ huyện Kỳ Sơn cho biết.

Còn con số thống kê tại Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn thì riêng năm học 2016-2017, toàn huyện có 53 em học sinh bậc học THCS bỏ học để lấy chồng, lấy vợ khi chưa đủ tuổi.

Chúng tôi cũng nhận được những con số không khớp nhau giữa chính quyền cấp xã và cán bộ thôn bản khi tìm hiểu về tình hình tảo hôn ở các địa phương.

“Có trường hợp nào cán bộ thôn bản cũng đều báo cáo lên nhưng chỉ khi tổ chức cưới hỏi rồi chúng tôi mới biết. Mỗi năm, xã có tổ chức 5-6 đợt tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình nhưng những trường hợp vi phạm không thuộc thẩm quyền xử lý của UBND cấp xã (?)”, ông Cừ Bá Xồng, cán bộ dân số KHHGĐ xã Mường Lống cho hay.

10-48-15_ong_cu_b_xong_cn_bo_dskhhgd_x_muong_long
Ông Cừ Bá Xồng, cán bộ DSKHHGĐ xã Mường Lống trao đổi tình hình tảo hôn ở địa phương

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm