| Hotline: 0983.970.780

Về quê dịp thu sản

Thứ Hai 15/07/2013 , 09:41 (GMT+7)

Việc đóng góp xây dựng quê hương là nghĩa vụ của mỗi người dân. Tuy vậy, nhiều hộ dân ở một số địa phương thuộc tỉnh Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn trong dịp thu sản. Loạt phóng sự này nhằm chia sẻ những khó khăn với người nông dân cũng như chính quyền địa phương...

Việc đóng góp xây dựng quê hương là nghĩa vụ của mỗi người dân. Tuy vậy, nhiều hộ dân ở một số địa phương thuộc tỉnh Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn trong dịp thu sản. Loạt phóng sự này nhằm chia sẻ những khó khăn với người nông dân cũng như chính quyền địa phương, với mong muốn tìm ra những chính sách phù hợp hơn.

Sào ruộng cõng nhiều khoản thu

Hầu hết các xã thuần nông ở huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), ngân sách thu tại địa phương đều rất hạn hẹp. Chỉ có một khoản tiền khiêm tốn thu từ chợ quê, ki-ốt xăng dầu…, còn lại phần lớn phải trông vào diện tích ruộng của dân.

Nhiều ruộng nhất thôn không đủ tiền đóng sản

Thượng Lộc là xã thuần nông thuộc miền thượng huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh). Đời sống của 1.344 hộ dân dựa vào 499 ha lúa. Tính bình quân, mỗi người dân Thượng Lộc chỉ được một sào ruộng.

Dịp thu sản năm nay, mỗi sào ruộng ấy phải gánh các khoản huy động đóng góp do UBND xã phát động như sau: Thuế đất phi nông nghiệp, 6.480 đồng/hộ. Quỹ phòng chống thiên tai, 1kg thóc/lao động/ năm. Quỹ đền ơn đáp nghĩa, 2kg/lao động/năm. Quỹ bảo trợ bà mẹ trẻ em, 2kg thóc/lao động/năm. Quỹ quốc phòng an ninh 30 ngàn/hộ/năm. Quỹ khuyến học, 4 ngàn đồng/khẩu/năm. Quỹ xây dựng hội trường UBND xã 100 ngàn/khẩu/năm. Quỹ hành chính 45 ngàn/khẩu/năm. Quỹ làm đường giao thông 80 ngàn đồng/khẩu/năm. Quỹ tiêm phòng gia súc, gia cầm, 30 ngàn đồng/hộ/năm. Phí môi trường, 60 ngàn đồng/hộ/năm. Quỹ làm thủy lợi, 40 ngàn đồng/sào/năm đối với đất hạng 1. 35 ngàn đối với đất hạng 2 và 30 ngàn đất hạng 3.


Dân nghèo xã Thượng Lộc phải gánh hàng chục khoản phí

Quỹ khuyến nông cũng thu theo hạng đất tương tự. Các hộ đấu  thầu đất 5% phải nộp 100 ngàn đồng/sào/năm. Các hộ có đất đồi nộp 200 ngàn đồng/ha/năm. Ít nhất cũng 13 khoản ở xã. Ở thôn thì tùy, mỗi thôn ở xã Thượng Lộc dao động từ 3-5 khoản, tùy vào kế hoạch xây dựng mà tổ chức thu theo đầu khẩu, đầu hộ, đầu sào.

Giải thích những khoản thu liệt kê thành danh sách dài này, ông Nguyễn Viết Chuân, Phó Chủ tịch UBND xã, tâm sự: “Xã nghèo, có khoản thu ngân sách chi mô chú. Có bán được miếng đất giãn dân mô thì bán không thì thôi. Mấy năm nay đất bán rẻ mà chẳng có ai mua.

Chợ không có, khoáng sản tài nguyên không có, chỉ được mỗi cây xăng dầu thì nộp cho thuế rồi trích trở lại phần trăm cho xã. Chỉ biết trông vào các khoản thu. Thu của dân để phục vụ tái sản xuất, giao thông, thủy lợi phục vụ lại người dân mà thôi”.

Tất cả các khoản thu của xã đều có lý do và đã được Hội đồng nhân dân xã tiếp xúc cử tri và thông qua các cuộc họp từ đầu năm. Quỹ hành chính để trả công cho đội ngũ giúp việc ở các thôn, quỹ xây dựng hội trường để UBND xã trả nợ tiền xây trụ sở, quỹ làm đường giao thông, quỹ làm thủy lợi để xây dựng đường sá, kênh mương nội đồng…

Chỉ có điều, dân nghèo quá nên xã phải chia ra hai vụ để thu. Vụ Đông Xuân thu 70%, còn lại 30% chờ đến vụ Hè Thu thu nốt. Dịp thu sản năm nay ở Thượng Lộc kéo dài từ ngày 20 đến 30/6, vậy mà nhiều hộ dân vẫn không đóng nổi.

Tôi nhờ Trưởng thôn Trần Thư Tùng dẫn vào nhà nhiều ruộng nhất Đồng Thanh, gia đình ông Trần Thư Tài (51 tuổi) và bà Võ Thị Thanh (53 tuổi). Nhà ông Tài làm tới hơn 1,2 mẫu ruộng, cả được chia, cả đấu thầu, hạng 1, hạng 2, hạng 3 đều có cả, mỗi vụ thu hơn 2 tấn thóc.

Ấy thế mà dịp kết thúc cả chục ngày rồi mới chỉ nộp được có 1/3. Bán thóc rồi vẫn không đủ trang trải chi phí đầu vào nên tiền sản 1,83 triệu đồng nhà ông bà chỉ mới nộp được có 600 ngàn.

“Làm càng nhiều càng phải đóng cao. Nhà nước có cách chi hỗ trợ người dân với chứ tội lắm, làm ruộng đã lỗ rồi lại còn đóng sản thế này thì dân hết lúa ăn. Lúa đầu vụ giá 5 ngàn một cân, bây giờ lên được 5,2 ngàn thì không có mà bán nữa”, bà Thanh tâm sự.

“Dân nghèo đến mức thôn muốn làm đường bê tông 300 m thôi mà 120 hộ dân không làm nổi. Không phải họ không muốn làm, họ biết là làm đường là lợi ích sát sườn nhưng vì không có tiền nên không làm được thôi.

95 hộ làm ruộng, trong dịp thu sản phải vào từng nhà động viên, có nhà vào đến 4-5 lần, năm ngoái thu tiền quỹ xóm 10 ngàn, năm nay tăng lên 20 ngàn/sào mà dân đã kêu ca rồi. Các khoản của xã nhiều quá. Nhà nước bỏ thủy lợi phí rồi nhưng lại sinh ra các khoản khác còn nhiều hơn.

Dân thắc mắc khoản khuyến nông, quỹ làm thủy lợi, quỹ làm giao thông… Bởi vì xã thu nhưng có làm mấy mô. Năm ngoái cho thôn 18 triệu làm đường nội đồng, đường 7 m, xin hỗ trợ chi phí làm thêm cái cống cũng không được”. Ông Tùng băn khoăn như thế, nhưng không biết hỏi ai vì ông nghĩ, xã đã lên phương án thì chắc là thu đúng.

Đẻ nhiều, trốn khai sinh  con

“Nông thôn bây giờ nếu chỉ làm ruộng thôi thì nằm trong chuẩn nghèo hết. Người dân không dám đặt bút để tính toán bởi chi phí đầu tư cộng thêm tiền đóng sản thì không ai làm ruộng nữa”, Bí thư chi bộ thôn Sơn Phú, ông Nguyễn Huy Quang nói thế.

Dịp thu sản năm nay rơi vào thời điểm Sơn Phú không có trưởng thôn, xã phải cử đoàn công tác về hội trường thôn bắc loa gọi từng nhà đến nộp. Mãi gần đây, nhờ vận động mà ông Võ Đình Tứ mới chịu làm.

Nhắc đến chuyện thu sản, cả ông Tứ lẫn ông Quang chúi đầu vào nhau tính toán. Một phép tính cho kết quả người dân chẳng còn gì. Sơn Phú có 180 hộ, gần 800 nhân khẩu. Bình quân, mỗi hộ ở thôn có 4 khẩu, 2 khẩu trong độ tuổi lao động, 2 khẩu ngoài. Một gia đình làm nông ở Sơn Phú không đủ tiền đóng sản là điều hết sức hợp lý.

Gia đình Phan Trọng Hài (40 tuổi) cũng được chia 4 sào ruộng, mọi năm làm cũng không đủ tiền đóng sản nên vụ vừa rồi vợ chồng Hài đấu thêm của người khác làm tới 7 sào, những mong bỏ công ra làm, may ra thì đủ. Nhưng đến thời điểm này cả nhà chưa đóng được đồng nào, kể cả tiền phải nộp cho những gia đình cho mượn ruộng cũng đang còn nợ nốt.


Gia đình Hài phải trốn khai sinh cho con vì sợ nộp sản

Tổng tiền sản năm nay của gia đình Hài là 1,727 triệu đồng. Trong tờ ghi các khoản thu mà xã gửi về, gia đình chỉ có 5 khẩu, hai vợ chồng, 3 đứa con.

Biết tôi không phải cán bộ xã, Hài thành thật khai là vợ chồng anh còn một đứa con nữa. Nó tên là Phan Thị Bảo Ngọc, 6 tháng tuổi. Đặt tên đẹp đẽ thế rồi nhưng Hài không dám đưa con đi đăng ký khai sinh cũng chỉ vì sợ đóng góp. “Làm nông thì phải đóng sản nhưng nói thẳng ra là vợ chồng bàn nhau trốn. Lấy được giấy khai sinh cho cháu thì ít nhất cũng mất vài trăm ngàn nữa chú à”.

Ba đứa con trước của Hài, đứa lớn nhất chỉ vừa lên 10, nhưng vụ này chúng phải đóng gần cả triệu. Những khoản nặng nề như xây dựng hội trường UBND xã, quỹ giao thông, thủy lợi đều phải đóng cả.

Cả gia đình mỗi tháng ăn hết tạ hai thóc, nếu không phải bán thì đủ ăn trong vòng một năm. Thức ăn chủ yếu lấy trong vườn. Ăn nhạt rau muống, muốn ăn mặn thì muối cà, muối nhút.

“Không phải chây ì mô chú, nhưng không có tiền thật. Làm ruộng lỗ, chăn nuôi lỗ, đi làm thuê cật lực cũng không đủ nuôi con cái học hành”, Hài  bảo.

Năng suất bình quân một sào ruộng ở Sơn Phú được khoảng 2 tạ, theo giá người dân đang bán hiện tại vừa tròn một triệu đồng. Làm 4 sào được 4 triệu nhưng chí phí sản xuất cộng tiền nộp sản vượt qua con số đó rất nhiều.

Một sào ruộng, tiền phân bón, tiền giống, tiền thuốc BVTV... những khoản bắt buộc phải đầu tư, bỏ công hoàn toàn thì chỉ còn lại 288 ngàn. 6 tháng trời đầu tắt mặt tối chỉ được chừng ấy tiền, trong khi mỗi khẩu dân ở Sơn Phú phải chịu hơn 400 ngàn tiền đóng góp các khoản phí, quỹ để xây dựng ngân sách cho xã.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tán thành chủ trương thành lập thành phố Đông Triều

QUẢNG NINH Tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua 14 nghị quyết quan trọng, trong đó tán thành chủ trương thành lập thành phố Đông Triều.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm