| Hotline: 0983.970.780

Về quê nuôi con đặc sản

Thứ Năm 27/12/2012 , 12:43 (GMT+7)

Nhìn dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền lành của anh, không ai nghĩ đằng sau đó là cả một nghị lực phi thường khi anh Ánh “dám” bỏ phố về quê lập nghiệp.

Nhìn dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền lành của anh, không ai nghĩ đằng sau đó là cả một nghị lực phi thường khi anh “dám” bỏ phố về quê lập nghiệp. Để rồi cái duyên nợ non nước vùng Đá Bạc đã níu chân anh với trang trại kỳ đà, chồn hương. Anh là Nguyễn Ánh ở tổ 3, thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế).

Ước mơ thoát nghèo

Rời ghế giảng đường Đại học Kinh tế Huế, loay hoay tìm việc trong thời buổi khó khăn, Ánh đã quyết định không “neo” lại phố phường nhộn nhịp để tìm cơ hội kiếm việc làm như bao chàng trai khác mà về quê khởi nghiệp.

Để có được mô hình nuôi kỳ đà vân và vòi hương (chồn hương) tương đối hoàn thiện, Ánh đã mất rất nhiều thời gian khăn gói vào các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Đồng Nai để học tập cách nuôi dưỡng và chăm sóc các loài động vật quý hiếm này. Sau những ngày cuốc bộ, những đêm trăn trở cùng khát vọng thoát nghèo, tháng 3/2010 trại chăn nuôi mang tên Đồng Dưng ở khu vực 3, thị trấn Phú Lộc do Nguyễn Ánh làm chủ đã chính thức ra đời.

Cái khó nhất trong buổi đầu lập nghiệp trên mảnh đất quê hương là nguồn vốn. Hơn 100 triệu đồng tiền vay mượn của bà con anh em, Ánh đã bỏ hết vào mua chồn hương và kỳ đà vân. Do đây là 2 loài vật được xếp vào danh mục động vật quý hiếm thuộc nhóm 2B cấm săn bắn nên anh đã phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu về kỹ thuật nuôi cũng như lên phương án tổ chức SX.

Ngoài ra, để có được giấy phép nuôi động vật hoang dã thông thường và quý hiếm, Ánh phải gõ cửa phải thuyết phục rất nhiều lần với cơ quan chức năng về mục đích nuôi, nguồn gốc xuất xứ con giống, sơ đồ hệ thống của trại nuôi.


Anh Ánh kiểm tra kỳ đà vân

Ánh tâm sự: “Ngày đầu tiên cầm tờ đơn lên Chi cục Kiểm lâm TT- Huế xin được cấp giấy phép nuôi vòi hương và kỳ đà vân, các cán bộ ở đây thấy ngại bảo, nếu không khéo tìm ra cách nuôi cũng như nói rõ nguồn gốc xuất xứ của 2 loài động vật này, sớm muộn em sẽ trở thành người tiếp tay cho những tên thợ săn tàn phá động vật rừng. Nghe các anh “khuyến cáo” dữ quá lúc đầu mình thấy cũng ngán thật nhưng rồi cũng quyết định nuôi".

Trang trại Đồng Dưng

Ngay từ khi còn học phổ thông, Ánh đã có những cái nhìn khá nghiêm túc về vấn đề môi trường. Với tâm niệm nuôi động vật hoang dã không chỉ làm phong phú thêm vật nuôi ở địa phương mà còn góp phần giảm lượng người vào rừng săn bắt động vật trái phép.

Sau khi có quyết định cho phép trại chăn nuôi Đồng Dưng được phép gây nuôi để bán con giống thương phẩm, Ánh đã bắt đầu thực hiện công việc của mình khá bài bản. Theo Ánh, khu vực chuồng nuôi là yếu tố quan trọng hàng đầu. Khu vực chuồng trại  rộng 88 m2 trong khuôn viên nhà, được anh chia thành 3 chuồng nuôi gồm vòi hương, kỳ đà bố mẹ và kỳ đà con.

Hệ thống chuồng được xây dựng kiên cố, phía trên giăng lưới sắt bảo đảm an toàn. Trước khi thả nuôi, qua Internet, sách vở, Ánh đã nghiên cứu rất kỹ các tài liệu về kỹ thuật nuôi, đặc tính sinh học của loài kỳ đà, chồn hương.

Trò chuyện với chúng tôi, anh say sưa nói về kỹ thuật nuôi, đặc điểm sinh trưởng của các loài động vật quý hiếm này, thực thụ như một nhà sinh vật học: “Kỳ đà vân thuộc lớp động vật bò sát, hình dáng bên ngoài trông giống như con thạch sùng (thằn lằn) nhưng to và dài hơn nhiều, có thể dài 2,5 - 3 m, nặng khoảng 10 kg. Kỳ đà có nhiều loài, ở Việt Nam có 2 loài, là kỳ đà hoa và kỳ đà vân.

Trong tự nhiên kỳ đà là một mắt xích trong chuỗi thức ăn và lưới thức ăn, là thành viên tiêu diệt sâu bọ, chuột phá hoại mùa màng và là nguồn gen quý hiếm góp phần tạo nên tính đa dạng sinh học. Tuy nhiên, do sức hấp dẫn của các món ăn chế biến từ thịt và trứng kỳ đà cũng như bộ da và đặc biệt là túi mật của nó mà số lượng kỳ đà ngoài tự nhiên không còn nhiều vì bị con người săn bắt mạnh”.

Bước đầu, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, Ánh chỉ thả nuôi 20 con kỳ đà vân và 4 con vòi hương làm giống, trung bình mỗi con kỳ đà mới thả nuôi nặng 0,8 kg. Sau một thời gian, kỳ đà đã đẻ trứng nở được 48 con, vừa qua Ánh đã xuất bán 18 con từ 4 kg trở lên cho các nhà hàng và hộ nuôi với giá 800 nghìn đ/kg.

Trang trại của Ánh bước đầu cung cấp giống cho bà con ở các nơi đến mua. Trung bình một cặp kỳ đà vân dùng để làm giống được bán với giá 4 triệu đồng. Qua quá trình nuôi, Ánh đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm về quá trình sinh trưởng, cũng như hấp thụ thức ăn của loài này.

Ánh cho biết: “Kỳ đà thường lột da mỗi năm một lần vào khoảng tháng 8 - 10, chúng trưởng thành sau 18 tháng tuổi. Giống kỳ đà vân giao phối và sau khoảng 102 - 106 ngày thì đẻ trứng, mỗi năm một lứa, mỗi lứa khoảng 15 - 17 trứng và chỉ khoảng trên 35% trứng có khả năng nở con. Thức ăn của kỳ đà vân là cóc, ếch nhái, gà vịt, tôm cá, thịt lợn, thịt động vật loại nhỏ... Riêng về vòi hương từ 4 con thả nuôi ban đầu đến nay nhân giống được 19 con và đã bán 8 con; giá một cặp vòi hương giống vài tháng tuổi là 10 triệu đồng".

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.