| Hotline: 0983.970.780

Vệ sĩ… canh mồ

Thứ Năm 20/05/2010 , 11:00 (GMT+7)

Tôi đã được gặp họ, chuyện trò với họ, nghe họ dốc bầu tâm sự của những tháng ngày dài, ăn cùng, thức cùng, ngủ cùng với cơ man nào mồ mả trong nghĩa trang chỉ để bảo vệ cho những ngôi mộ mới được an toàn trước mọi khả năng bị xâm phạm…

Một góc khu mộ
Tôi đã được gặp họ, chuyện trò với họ, nghe họ dốc bầu tâm sự của những tháng ngày dài, ăn cùng, thức cùng, ngủ cùng với cơ man nào mồ mả trong nghĩa trang chỉ để bảo vệ cho những ngôi mộ mới được an toàn trước mọi khả năng bị xâm phạm…

Thăm mộ người giầu

Tôi về xã N (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) khi ông VC, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn N đã mất được mấy tháng. Ông VC vốn là một doanh nhân thành danh thuộc vào diện “vua biết mặt, chúa biết tên” có nhiều đóng góp cho quê hương, cho xã hội, tài sản Cty cả vài ngàn tỉ đồng… Khi biết mình mang trọng bệnh, không thể chạy chữa được dù luôn có cả ê kíp giáo sư, tiến sỹ y khoa hàng đầu trong và ngoài nước túc trực, chăm sóc bên cạnh, ông đã có mong muốn được yên nghỉ ở mảnh đất chôn rau, cắt rốn quê nhà.

Ước nguyện ấy được gấp rút thực hiện bằng một mảnh đất rộng cả vài ngàn mét vuông ở nghĩa trang làng ông. Để chạy đua với lưỡi hái tử thần, con đường chạy từ làng ra nghĩa trang được đổ bê tông rộng thênh thang, hai hàng cây như hàng lính ngự lâm im phăng phắc đứng chào. Một ngôi nhà chờ tưởng niệm và nhà tiếp linh (chỗ để thắp hương) cũng nhanh chóng được dựng lên. Tiến độ càng được đẩy gấp gáp ở phần đất chính, nơi khuôn viên của ngôi mộ tương lai với những công việc thâu đêm suốt ngày. Thợ thuyền đông nghịt cỡ 40-50 người được thuê tới. Mảnh đất trước là ruộng lúa được vượt lên bằng dụng cụ kéo tay (dụng cụ đào đất của thợ đấu). Mấy trăm  ngôi mộ vô chủ được quy tập ra thành một khu vuông vắn, được xây dựng từng ngôi, từng ngôi rất phẳng phiu. Một thợ đấu kể lại: “Việc đào đất, vượt đất rất kỳ công. Phải đảo như mình đảo ao ấy, vật bên nọ, vật bên kia để xem có “cụ” (hài cốt vô chủ) nào sót lại không. Tất cả chúng tôi toàn phải đảo bằng dụng cụ cầm tay nên tốn rất nhiều công sức, ròng rã trong cả mấy tháng ròng”.

Khi nhóm xây dựng, nhóm đào vượt đất công việc đã hòm hòm thì một chiếc xe tải chở đất lấy ở khu vực nghe đâu mãi ở Đền Hùng tỉnh Phú Thọ về để làm đất hạ huyệt. Thùng đất được ô tô đổ xuống liền được nhóm người chỉ huy cắt cử hàng chục thợ ra làm mỗi việc ăn rồi người đứng dùng xẻng xúc, người ngồi bới rác trong đất. Bất kỳ viên đá, sỏi dù chỉ nhỏ như cái ngón tay hay mảnh túi nylon, vài cọng cỏ rả cũng không thể lọt qua hàng chục cặp mắt săm soi, chú mục. Chúng được sàng tuyển, nhặt ra bằng sạch cho đến khi kỳ hết. Huyệt mộ được xây bằng bê tông, sâu, rộng, có lỗ tiếp địa thông hơi, thoát nước. Cỗ ván thiên nặng cả tấn bằng gỗ quý trăm tuổi, lúc lâm sự phải thuê cả 8 võ sư ở trong Nam bay ra khênh. Nắp mộ còn được dằn bằng gỗ lim nguyên khối, trên đổ bê tông dày cả gang tay, rồi mới lấp đất lên. Toàn bộ khuôn viên được trồng rất nhiều cây bách tán, cây đại. Nom tăm tắp như những hàng vệ sĩ thầm lặng.

Nhiều tiền nhưng... sợ

Viếng mộ ông chủ tập đoàn, tôi thấy có hai người thanh niên to khoẻ đang trông nom ở khu vực đấy. Họ là Đỗ Văn Th và anh họ của Th là Đỗ Ngọc Ph, cả hai người đều ở xã Xuân Ngọc gần đó. Hỏi ra mới hay đây chính là nhóm thợ xây mấy tháng trước. Vốn là những người lao động thực thà, thể chất vâm vam, ngót ngét trên dưới 70kg nên được  tin cẩn thuê vào việc để ý khu mộ. Anh Đỗ Ngọc Ph kể, từ tháng 11 dương lịch năm ngoái, tức là trước lúc ông chủ mất vài tháng, hai anh đã được nhờ cậy để bảo vệ trông cây, trông công trình đến khi mồ yên, mả đẹp kiêm luôn cả việc trông mộ, đề phòng có người phá hoại, yểm bùa.

Tiếng là quê ở xã Xuân Ngọc cách địa điểm trông mộ có vài km nhưng hàng tuần Ph chỉ về thăm nhà một hai lần. Lần nào cũng nhoáng nhoàng tí là đi luôn bởi công việc bắt buộc phải thế, không thể vắng mặt mà luôn phải thay nhau trông coi. Thằng cò nhà anh còn bé lắm, chưa đầy 3 tuổi. Mỗi lần bố về, cứ níu lấy chân bố, bi bô: “Bố ở nhà chơi với con cơ, ứ cho đi nữa”. Thèm cái cảm giác âu yếm máu mủ ấy lắm nhưng anh cũng chỉ dỗ dành nó, đánh trống lảng rồi rút nhanh cho nó khỏi bấu víu. Vợ anh làm ruộng cũng đôi lần xuống chỗ làm việc của anh. “Em trải qua lắm nghề lắm! Trước làm chài lưới, rồi thợ cơ khí sửa chữa tàu. Lúc xưởng tàu làm ăn mạt vận không có việc thì nhảy đi xây, giờ lại được người ta thuê trông mộ”, Ph tâm sự. 

Anh Ph. trong ngôi lều dựng giữa các mồ mả

Hai “vệ sĩ” trông mộ còn nuôi chó canh, ba con một to, hai nhỡ. Cứ như lời Ph thì: “Nuôi cho vui nhà vui cửa (vui nhà, vui cửa là khu nghĩa trang). Đêm hôm chúng thính lắm. Ngoài bờ ruộng, bờ mương có người đằng xa lần mò bỏ lờ, bỏ đó, úp cá vật đẻ là chó đánh hơi, sủa báo động ngay. Có chúng, anh em tôi cũng đỡ buồn, đỡ thui thủi cô quạnh”. Ph rủ tôi vào căn lều dựng tạm bằng vải bạt. Cửa lều được làm rất thấp để tránh những cơn gió cứ thốc ào ào từ cánh đồng trống trải thổi tới. Trong lều có mấy tay lưới để cho anh em Ph ra sông, ra mương giăng cho đỡ nhớ nghề chài lưới đã ăn vào máu thịt, bắt cho bầy chó vài con tép, con tôm cải thiện bữa ăn. Lều cũng có loa thùng, đầu đĩa, bếp ga… như một gia đình tối thiểu phải có. Chỗ ngủ của các anh là một tấm phản được ghép bằng những thân cây bương, cây tre lớn. “Mưa dột, chúng em lấy mảnh bạt khác phủ lên rồi ngồi gọn vào, co ro chờ trời sáng. Đêm hôm, mưa gió không có chỗ nào mà rúc. Chạy ra nhà chờ mái nó cao, thoáng, nước hắt như bão, rầm rầm còn ướt hơn trong lều”. Ph tâm sự.

Một ngày của những vệ sĩ trông mộ như Ph sáng ngày ra, anh tranh thủ đi chợ mua vài mớ rau, bìa đậu, miếng thịt ba chỉ để nấu nướng ăn cả ngày. Nước dùng mua mãi ngoài làng, lấy can bỏ lên xe đạp chở về. Tắm rửa ra con sông trước mặt, sát cạnh nghĩa trang, nước cũng sạch, tha hồ vùng vẫy. Điện được kéo từ làng vào tận lều. Tất cả rất đầy đủ nên cả ngày của người coi mộ, cứ ai nhờ gì làm nấy. Ví như cỏ tốt, làm cỏ. Hương khói, hướng dẫn khách nơi xa đến viếng, đưa bật lửa cho khách thắp nhang. Chiều nào tầm 5h30-6h anh em cũng ra thắp hương ở ngôi mộ mình trông. Đó là một quy tắc. Công việc nói chung chẳng có gì cực nhọc mà nhàn tênh. Lương được trả 2 triệu một tháng. Ăn xẻn được 1,5 triệu, không xẻn cũng để ra được 1 triệu.

Tôi nói vui: “Đi xây nắng nôi trầy trầy phơi lưng, phơi mặt ngoài trời cũng chỉ kiếm chỉ kiếm đủ ăn, ráo mồ hôi là hết tiền. Được công việc nhàn nhã thế này, sướng quá còn gì?”. Ph giãy nảy lên: “Đi xây vất nhưng tối chia bài, uống rượu, anh em ngồi hàn huyên chuyện trò vui vẻ. Ngồi đây quanh ra, quẩn vào chỉ có nhõn hai anh em cũng buồn chán lắm! Hơn thế khu này nhiều mả mới, từ đầu năm đã ngót chục cụ nằm đây rồi. Cứ chập tối mùi mả mới bốc lên gắt gắt, khắm khắm như có con gì chết, nhất là ngày trở trời, khi mưa gió khí ép xuống, lắng xuống hay khi giữa trưa nắng hừng hừng, mùi nặng lắm.

Mỗi tháng trung bình vài cụ ra đi, huyệt đào nông, làm gì chẳng có hơi, có hám? Từ bé chúng em đã sống đánh lưới, đánh chà đêm hôm toàn lần mò ở quãng sông này đến một hai giờ sáng nên chẳng sợ ma quỷ gì, có điều ngán cái mùi này lắm! Sắp tới chúng em thu dọn chòi đi chỗ khác nằm, chỗ giữa nghĩa trang, khu mả cũ lâu năm chứ cứ nằm hơi hám thế này, thanh niên trai tráng chưa phát bệnh nhưng những người ốm đau, già cả khớp đau xương, đau gối, cước chân, cước tay không dám vào đây. Hễ vào là biết ngay về đến nhà vật đau ngay. Ngay ông lái máy múc cái ao làng ở gần đây cũng bảo: Tao chịu thua anh em mày. Tao bị khớp, làm đất ở đây, qua nghĩa trang một lúc mà về hơi hám thế nào cũng bị đau buốt chân tay”.

Sống giữa đống mả, ngoảnh đi, ngoảnh lại toàn thấy vòng hoa với băng chia buồn, với hương khói, bia mộ, những người “vệ sĩ” canh mồ cứ lặng lẽ sống như chưa từng ai biết hiện diện có một nghề kỳ lạ đến vậy.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.