| Hotline: 0983.970.780

Về Tân Thịnh xem hình hài NTM

Chủ Nhật 01/01/2012 , 07:30 (GMT+7)

Chưa đầy 3 năm sau, khi triển khai Chương trình thí điểm Xây dựng NTM, thu nhập của Tân Thịnh vọt lên 23 triệu đồng/người/năm (mức cũ là 11,9 triệu)...

Năm 2009, thu nhập bình quân đầu người xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang mới chỉ đạt 11,9 triệu đồng/năm. Chưa đầy 3 năm sau, khi triển khai Chương trình thí điểm Xây dựng NTM, thu nhập của Tân Thịnh vọt lên 23 triệu đồng/người/năm, mức tăng khiến nhiều xã điểm khác phải sững sờ. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm xã NTM Tân Thịnh năm 2010

TRẢ LỜI 3 CÂU HỎI CHIẾN LƯỢC

Chúng tôi chạy xe bon bon trên con đường bê tông rộng rãi với hai bên là bạt ngàn cánh đồng thuốc lá, rau hoa, cà chua xanh ngắt dẫn vào xã điểm NTM Tân Thịnh khi địa phương này vừa tổng kết 3 năm triển khai Chương trình thí điểm xây dựng NTM do Ban Bí thư phát động.

Trò chuyện với chúng tôi tại khu trụ sở 3 tầng khang trang, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Tân Thịnh Đặng Quang Tạo tâm sự, Tân Thịnh đã hoàn thành 16/19 tiêu chí và giải ngân được trên 73 tỷ đồng, ba tiêu chí còn lại gồm: cơ cấu lao động, môi trường và cơ sở vật chất văn hóa đều ngấp nghé mốc tiêu chí TƯ đề ra, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2012.

Được biết, khi bắt tay vào xây dựng NTM năm 2009, Tân Thịnh mới đạt 8/19 tiêu chí, vậy mà chưa đầy 3 năm sau, số tiêu chí được nâng lên con số 16 quả là một kỳ tích. Hỏi ông Bí thư xã Tân Thịnh bí quyết nào địa phương bứt phá ngoạn mục đến vậy? Nở một nụ cười, ông Tạo chia sẻ, trước khi tiến hành xây dựng NTM, bản thân ông và Đảng ủy xã Tân Thịnh tự đặt ba câu hỏi sau đó tự trả lời và lấy đó làm mốc để triển khai. Đó là xây dựng NTM để làm gì? Xây dựng NTM như thế nào? Và ai là người xây dựng NTM?

Sinh năm 1965, trải qua đủ chức vụ, bằng cấp, ngành nghề ông Tạo chiêm nghiệm ra một điều, cái tầm của người dân giờ khác xa trước đây, không phải cứ hô hào là bà con lập tức tham gia. Ngày nay, đứng trước một chủ trương to lớn, đa phần người dân sẽ xem cán bộ làm thế nào, chủ trương có đúng đắn, hợp lý không rồi mới tham gia. Chính vì vậy, muốn chương trình xây dựng NTM nâng lên tầm “công cuộc”, ngoài cơ chế chính sách, người cán bộ lãnh đạo luôn phải gương mẫu đi trước mới kéo được người dân theo mình.

Điều đó được thể hiện rõ nhất khi Tân Thịnh được Ban Bí thư chọn là 1 trong  trong 11 xã điểm của cả nước để thí điểm xây dựng mô hình NTM. Người dân nơi đây mỗi khi thấy ông Tạo ở đâu đều nửa đùa nửa thật nói rằng: Trung ương cho Tân Thịnh 91 tỷ đồng xây dựng NTM thì tiêu sao hết, đề nghị ông chủ tịch chia mỗi nhà vài chục triệu. Ngay cả một số đồng nghiệp ở xã khác, hễ thấy chủ tịch xã Tân Thịnh ở cuộc họp là đến vỗ vai “chào ông 100 tỷ”. 

Trụ sở UBND xã Tân Thịnh khang trang bậc nhất trong các xã của tỉnh Bắc Giang

Chính vì nếp nghĩ cố hữu đó nên công tác tuyên truyền được xã Tân Thịnh chú trọng hàng đầu trong xây dựng NTM. Đầu tiên, xã tổ chức tuyên truyền trong Đảng ủy, sau đến các tiểu ban thôn rồi hệ thống truyền thanh để bà con hiểu, 91 tỷ đồng không phải trên trời rơi xuống mà trong đó TƯ đầu tư 30 tỷ, chương trình lồng ghép 27 tỷ, ngân sách xã 7,5 tỷ, ngân sách huyện 1,6 tỷ, ngân sách tỉnh 1,8 tỷ và người dân đóng góp 14 tỷ, từ đó bà con sẽ hiểu và tự ý thức trách nhiệm của mình.

Bà Nguyễn Thị Bình, một phụ nữ độc thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thôn Sậm, nghẹn ngào kể lại, ngày thôn phát động phong trào chỉnh trang nhà cửa, cổng ngõ bà tủi thân lắm bởi không có tiền làm. Một hôm đi chợ về, bà Bình thấy người dân đứng kín trước cổng nhà mình mà không hiểu chuyện gì xảy ra. Sau mới biết bà con lối xóm thấy hoàn cảnh bà khó khăn tự bảo nhau góp tiền xây giúp bà Bình cái cổng trị giá 7 triệu đồng. Từ ngày có cổng mới đẹp đẽ khang trang, bà Bình đi đâu xa cũng yên tâm.

Nhớ lại ngày đó, Trưởng thôn Sậm Nguyễn Văn Thuấn chia sẻ, trong quá trình làm đường, có những hộ bỏ ra 5 - 7 triệu đồng, hộ chỉ đóng góp được 2 triệu, thậm chí là ngày công nhưng nhờ khơi dậy được tinh thần cộng đồng nên việc tị nạnh, so bì không xảy ra. Sau sự thành công của thôn Sậm, giờ tại Tân Thịnh có hàng nghìn cái cổng đẹp giống nhau. Phong trào chỉnh trang nhà cửa, vườn tạp, làm nhà vệ sinh tự hoại, gia cố chuồng trại chăn nuôi, xây hầm biogas lan rộng khắp xã với hàng nghìn hộ dân tham gia.

SỨC MẠNH NỘI LỰC

Sau khi Tân Thịnh tiến hành xây dựng NTM, rất nhiều cơ sở dạy nghề đặt vấn đề giúp xã đào tạo các nghề phi nông nghiệp như: gò hàn, điện lạnh, sửa chữa ô tô, hàn xì... Các Cty XKLĐ cũng đề nghị giúp địa phương đưa người đi làm việc tại nước ngoài nhằm giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp xuống 45% cho đạt tiêu chí NTM. Song, Tân Thịnh không chọn cách nhiều nơi thường ngả theo, thay vào đó xã chỉ đưa một lượng nhỏ người dân đi XKLĐ, còn lại đào tạo các nghề gắn với công việc bà con đang làm để nâng cao năng suất, chất lượng lao động, bằng việc mở 16 lớp dạy nghề nông nghiệp; 4 lớp thú y cho các hộ chăn nuôi gà, lợn; 2 lớp trồng hoa chất lượng cao; 2 lớp trồng cây thuốc lá cho 250 hộ chuyên canh… 

Đường giao thông nội đồng tại Tân Thịnh được cứng hóa sạch đẹp

Điển hình có mô hình trồng cây thuốc lá, đã được trồng tại Tân Thịnh hơn 40 năm, khi có chủ trương xây dựng NTM xã bảo lãnh cho một Cty đưa giống mới và KHKT về dạy cho bà con và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, năng suất lập tức tăng gấp đôi. Bà con nông dân nơi đây cho biết, hiện thuốc lá khô giá 35.000 - 40.000 đồng/kg, những hộ thu nhập 40 - 50 triệu/vụ là chuyện thường, riêng cánh đồng thuốc lá 120 ha tại Tân Thịnh mỗi năm thu hoạch tới 15 tỷ đồng.

Mô hình thứ 2 là cây cà chua bi, với giống cũ chỉ đạt 1 - 1,2 tấn/sào nên xã đề nghị với Sở KH- CN, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đưa giống mới vào SX và tập huấn cho nông dân. Khi nhận được đề xuất của xã, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã đưa giống cà chua mới vừa thí nghiệm HT144 vào SX năm 2009, năng suất tăng lên 1,8 - 2 tấn/sào, với giá 6.000 đồng/kg, 1 ha cà chua bi thu nhập trên 200 triệu đồng. Mô hình thứ 3 là hợp đồng trồng khoai tây Atlantic cho máy chế biến bim bim ở Hải Dương, mô hình trồng hoa công nghệ cao.

Với chăn nuôi cũng tương tự, xã Tân Thịnh thành lập 2 CLB chăn nuôi. Những hộ nuôi  trên 100 con/lứa gom lại thành CLB, xã hỗ trợ bằng cách giới thiệu với các Cty cám để được mua với giá đại lý cấp I. Anh Đặng Văn Hà, Chủ nhiệm CLB Chăn nuôi lợn gà thôn Tài, phấn khởi khoe, mô hình CLB chăn nuôi được xã Tân Thịnh hỗ trợ thành lập hiện hoạt động rất hiệu quả nhờ tiếp cận được cám và vắcxin giá gốc, các hộ viên lại có điều kiện trao đổi con giống cho nhau, mỗi năm các xã viên trong CLB đều lãi từ 100 - 200 triệu đồng. Đến lúc này, chúng tôi có thể hiểu được phần nào thu nhập bình quân đầu người của xã tăng tới 1,9 lần trong chưa đầy 2 năm là từ đâu mà ra.

“Trong công tác chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác, tôi nhận thấy chuyển dịch bằng nội lực bền vững nhất. Chính vì vậy, chúng tôi đã tiến hành cải tạo chợ, đường giao thông cho các hộ dân làm dịch vụ, phối hợp với ngân hàng giúp người dân có vốn mua ô tô làm vận tải. Đến nay, xã chúng tôi có 87 ô tô, mỗi ô tô cần 2 người, như vậy là giải quyết được gần 200 lao động. Bài học kinh nghiệm này tôi có được khi tham gia học lớp Tam Nông tại Trung Quốc năm 2010", ông Tạo tâm sự.

Không dừng lại ở đó, hàng năm mỗi dịp lễ, tết xã Tân Thịnh đều tổ chức mời con em thành đạt ở xa về chung vui và kêu gọi đầu tư hỗ trợ, trước tiên với chính gia đình họ sau đến làng xã. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, đã có 2 DN là con em Tân Thịnh về mở xưởng SX. Trong đó có một DNSX mì theo công nghệ mới và một DNSX đá mỹ nghệ xuất khẩu. Hiện 2 xưởng SX trên đã giải quyết việc làm cho gần 200 lao động. Xã cũng liên hệ với các nhà máy may liền kề cho 200 lao động vào làm việc, như vậy trong 2 năm vừa rồi Tân Thịnh đã chuyển dịch được trên 500 lao động nông nghiệp.

Tuy nhiên, để Chương trình xây dựng NTM tại Tân Thịnh băng băng về đích, góp công lớn chính là sự giám sát và mở rộng quy chế dân chủ tới người dân. Đặc biệt, trong công tác quản lý sử dụng kinh phí. Quan điểm của xã Tân Thịnh, phải công khai dân chủ và quản lý chặt chẽ các nguồn thu, các tiểu ban ở các thôn khi thu được tiền đối ứng phải nộp vào kho bạc huyện tại tài khoản tạm gửi của xã, khi các thôn thu đủ đối ứng hạng mục nào, Ban quản lý xã mới cho khởi công xây dựng hạng mục đó, khi tiến hành khởi công sẽ cho tạm ứng 50% giá trị công trình, làm xong mới quyết toán.

Đã có 61/70 công trình tại Tân Thịnh khánh thành và đi vào hoạt động nhưng hiện chưa có bất cứ khiếu kiện thắc mắc nào từ phía bà con nhân dân. Có được thành quả này, bản thân ông Đặng Quang Tạo trực tiếp là người chắp bút xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết xây dựng NTM cũng như phân công nhiệm vụ từ đầu chí cuối.

“Việc phân trách nhiệm xây dựng kế hoạch trong xây dựng NTM luôn phải thật khách quan, trúng ý người dân, tôn trọng ý kiến người dân, để dân hiểu và ủng hộ. Cán bộ khi tiến hành xây dựng NTM cần phải suy nghĩ, chọn cách nhìn, lối đi phù hợp với địa phương mình chứ không phải nơi nào cũng giống nhau. Làm được điều đó, tự khắc người dân sẽ đồng tình ủng hộ", ông Tạo bộc bạch.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm