| Hotline: 0983.970.780

Về thăm làng lụa Tân Châu

Thứ Hai 08/07/2013 , 10:09 (GMT+7)

Lụa Tân Châu không chỉ “danh nổi như cồn” mà còn từng là niềm tự hào của đất và người An Giang.

“Bên nàng mặc lãnh Mỹ A/Đưa đò sang chợ, tưởng xa hóa gần”. Câu ca ấy đã lưu truyền ở các bến đò ngang vùng Tân Châu từ cả trăm năm trước, với hàm ý "người đẹp mặc lụa Tân Châu lại càng lộng lẫy". Quả thật, lụa Tân Châu không chỉ “danh nổi như cồn” mà còn từng là niềm tự hào của đất và người An Giang.

MỘT THỜI VANG BÓNG

Tân Châu xưa là một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Châu Đốc, nép mình bên bờ con sông Tiền lúc hiền hòa khi dữ dội. Nơi đây, từ trăm năm trước đã nổi tiếng với nghề ươm tơ dệt lụa. Đặc biệt, có sản phẩm lãnh Mỹ A "độc nhất vô nhị" mà bất kỳ người phụ nữ nào ở thế kỷ XX cũng đều mơ ước được mặc.

Lãnh Mỹ A là loại lụa được dệt, gia công bằng những công thức rất độc đáo. Nó chỉ có một màu đen huyền, bóng loáng. Đặc biệt không bao giờ phai màu, không co giãn và không hút ẩm, mặc mùa hè thì mát, mặc vào mùa đông lại rất ấm. Theo lời những bậc cao niên thì "xá xị Xiêm", một loại lụa Thái Lan nổi tiếng thời đó, cũng không sánh bằng lãnh Mỹ A.


Nghệ nhân Tám Lăng say sưa giới thiệu về sản phẩm lụa “độc nhất vô nhị” lãnh Mỹ A

Hôm nay, làng lụa Tân Châu, trung tâm của nghề lụa xưa, đã là những phường (Long Hưng, Long Thạnh, Long Châu) của một khu đô thị khá sầm uất vùng sông nước miền Tây, thị xã Tân Châu. Nghề dệt đã mai một, nhưng đây đó vẫn còn khá nhiều xưởng xe tơ, xưởng dệt nhỏ của các gia đình.

Chúng tôi tìm gặp nghệ nhân Tám Lăng, ở phường Long Hưng, một trong số ít những người kiên trì giữ nghề dệt lụa truyền thống với niềm tin mãnh liệt rằng lụa Tân Châu sẽ hồi sinh. Năm nay đã ngót 90 tuổi, sức khỏe, trí nhớ không còn tốt, nhưng ông vẫn duy trì một xưởng dệt lụa truyền thống nho nhỏ. Không phải để hoài niệm mà để chờ ngày lụa Tân Châu hồi sinh.

Nhắc đến thời hoàng kim của làng lụa, ông Tám Lăng như bừng tỉnh: “Không biết nghề lụa có từ khi nào, chỉ biết ngay từ lúc tôi còn nhỏ xíu, nhà tôi đã là một xưởng dệt lớn. Quanh xóm nhà nào cũng làm nghề dệt. Hồi ấy, khung dệt còn thô sơ, chỉ dệt được vải khổ 4 tấc, gọi là Cẩm Tự. Người to ngang may áo phải nối vải, không đẹp lắm. Sau này, khung dệt được cải tiến dần dần, nên tấm vải dệt cũng có khổ rộng hơn, từ 8 tấc đến 1m, nên may đồ rất đẹp”.


Xưởng dệt của HTX làng nghề dệt Tân Châu hôm nay

Khoảng thập niên 60 (thế kỷ XX) làng lụa có 250 khung dệt, 80 - 90 máy nện với những nhà dệt danh tiếng được nhiều người biết đến như: Đỗ Phước Hòa, Trần Văn Tôn, Trịnh Thế Nhân, Trần Ngọc linh, Trần Văn Nho…

Sau năm 1975, Tân Châu có hẳn một Cty tơ lụa. Nhưng rồi Cty này cũng không sống được vì sợi polyester rẻ quá. "Hồi xưa, Tân Châu có khoảng 1.000 ha trồng dâu tằm, sau đó còn vài trăm ha. Đến nay còn ít lắm! Nhưng đó là thế mạnh một thời, tui mong chính quyền Tân Châu sẽ làm cho làng lụa hồi sinh", ông Tám nói.

Để có được một lụa Tân Châu, phải mất nhiều thời gian và công sức với nhiều công đoạn như: chải cửi, xe tơ, chọn tơ, từng sợi tơ được lựa chọn kỹ lưỡng bởi chỉ một sợi to hơn cũng sẽ làm tấm lụa không còn mịn màng nữa.

“Sau khi dệt thành tấm, lụa sẽ được ngâm, xả, phơi khô, ủ nhựa cây rừng, nhuộm, phơi nắng rồi lại nhuộm. Ngay cả nắng phơi lụa cũng phải là nắng dịu chứ không gắt. Nhựa cây rừng dùng để ngâm ủ lụa cũng phải được lấy đúng mùa, lụa mới ra đúng màu sắc đã ấn định”, ông Tám nói.

Do các công đoạn được làm hoàn toàn thủ công, không hề sử dụng chất hóa học nên lụa Tân Châu không chỉ rất bền chắc mà còn óng ả và không phai màu. 

Cũng vì vậy mà giá của một tấm lụa Tân Châu khá đắt, trong khi thị trường vải ngày càng phong phú, đa dạng, giá lại rẻ nên lụa Tân Châu không đủ sức cạnh tranh. Đời sống người lao động gặp khó khăn, nghề dệt truyền thống mai một dần. Đến năm 1996, chỉ còn duy nhất ông Tám Lăng “cố sống cố chết” giữ nghề. 


Hong tơ trong nắng nhẹ và gió, một công đoạn khá quan trọng trong qui trình dệt một tấm lụa Tân Châu

HỒI SINH

Vài năm trước, tình cờ một đoàn khách du lịch Châu Âu đến Tân Châu, họ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của lụa Tân Châu nên đặt hàng để cung cấp cho thị trường thời trang của Pháp. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng những sản phẩm truyền thống, có chất lượng của người tiêu dùng cũng tăng dần. Chính vì thế, lụa Tân Châu dần xuất hiện trở lại.

 Lúc này, những người làm nghề đã tìm tòi thêm những kỹ thuật nhuộm đa màu sắc, nhằm phục vụ cho nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Đây chính là cơ hội quý báu để làng lụa Tân Châu tiếp tục một cuộc hành trình của sáng tạo cùng với những giá trị nghệ thuật truyền đời.

Nói về mơ ước của mình để nghề lụa Tân Châu hồi sinh, nghệ nhân Nguyễn Đức Hưng (chủ cơ sở tơ tằm Hưng Thịnh), người đã có thâm niên 20 năm xe tơ cho biết: "Lâu nay, tơ tằm ở Tân Châu rất hiếm, tui phải lên tận Bảo Lộc mua tơ về xe sợi, sau đó bán sang thị trường Lào, Campuchia, Thái Lan chứ bán ở đây chẳng bao nhiêu.

Bên đó họ chuộng vì xà-rông, trang phục truyền thống, dệt bằng tơ Việt Nam rất đẹp. Nhưng bây giờ, nghề dệt lụa truyền thống ở Tân Châu đang có nhiều triển vọng để phát triển. Chính quyền huyện đã qui hoạch vùng chuyên canh cây dâu tằm và cả huyện đã tái trồng hơn 300 ha”.

Trước cơ hội hồi sinh nghề lụa truyền thống của quê hương, năm 2006, HTX làng nghề tơ lụa Tân Châu đã ra đời với 26 hộ gia đình. Gặp chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Phước Sang, Chủ nhiệm HTX làng nghề dệt Tân Châu, phấn khởi: "Lúc mới thành lập, HTX chỉ có 10 máy dệt lụa cũ, vốn đầu tư không có nên gặp rất nhiều khó khăn. Phải “thắt lưng buộc bụng” dữ lắm. Đến năm 2007, được ngân hàng chính sách huyện hỗ trợ, cho vay gần 1 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi (bình 30 triệu đồng/hộ), chúng tôi đầu tư thêm 15 máy dệt lụa của Nhật Bản, 2 máy dệt lụa hoa văn, thành lập được 1 phân xưởng ươm dệt.


Sản phẩm lụa Tân Châu hôm nay đã đa dạng về màu sắc, đáp ứng 
thị hiếu người tiêu dùng

Đồng thời, hợp đồng với các nghệ nhân đào tạo nâng cao tay nghề ươm tơ, dệt lụa cho công nhân. Đây là nguồn động viên, tiếp sức rất kịp thời, giúp chúng tôi mở mang, khôi phục làng nghề tơ lụa truyền thống. Hiện chúng tôi đã hoàn thiện quy trình sản xuất từ thiết kế chọn mẫu, quay tơ, tẩy nhuộm và hoàn tất sản phẩm".

Gặp chúng tôi ở cơ sở xe tơ Bảo Trọng (P.Long Thạnh), nghệ nhân Ba Cảnh, năm nay đã ngoài 70 tuổi, hồ hởi: “Gia đình tui theo nghề dệt từ mấy đời nay. Nhưng mấy năm trước, nghề dệt hiu hắt quá, mấy đứa nhỏ bỏ đi thành phố làm công nhân hết. Giờ nghề lụa hồi sinh, tui mừng lắm, trước mắt đến đây làm thêm cho đỡ nhớ. Tui tính kêu tụi nhỏ về mở lại xưởng dệt. Vừa giữ được nghề của cha ông, vừa đỡ phải lang thang xứ người”.

Về Tân Châu hôm nay, đã nghe đâu đó tiếng lách cách, lạch xạch vui tai của những khung dệt. Trên nương dâu ven sông Tiền, nghe tiếng cười trong vắt của những thiếu nữ trong chiếc áo bà ba, nón lá thấp thoáng đâu đó giữa màu xanh bạt ngàn, lòng tôi chợt bâng khuâng.

 Nâng niu tấm lãnh Mỹ A láng mịn trên tay, nghệ nhân Tám Lăng trầm ngâm: “Nghề dệt truyền thống Tân Châu sống lại, đó là hạnh phúc lớn đối với những người “gần đất xa trời” như tôi. Nhưng phải giữ cho được những tấm lụa như thế này, đừng để mai mốt lãnh Mỹ A chỉ còn trong ký ức”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.